Nếu họ phải gục đầu, chúng ta nên xấu hổ (Hay thư ngỏ gửi một nhà báo nữ)

Thưa bạn,

Tôi không biết tên bạn, vì tờ SGTT, giống các báo VN khác và hoàn toàn khác báo chí quốc tế, chỉ đưa ý kiến của bạn dưới danh nghĩa một nhân vật phiếm chỉ.

Song cũng không sao lắm. Với tôi, bạn chỉ là một đại diện bất kỳ của cả đội quân hùng hậu đang tấn công những người mua bán dâm nói chung. Hơn nữa, nhiều người còn coi ý kiến của bạn là một tiếng nói kêu gọi bình đẳng.

Thưa bạn, xin bạn bỏ quá cho tôi nếu như giữa cả đội quân hùng hậu ấy tôi đột nhiên chọn bạn. Vì mặc dù những ngày này tràn ngập trên truyền thông và cộng đồng mạng những bài báo về mua bán dâm, nhưng tôi không đọc vì chủ đề này không có gì mới và thú vị với cá nhân tôi. Cho đến khi, một người bạn gửi cho tôi đường link bài viết “Trưng tên gái gọi, giấu tên gọi gái” trên tờ SGTT và khuyên đọc.

"Có một nhà báo nữ tâm sự rằng, cô không muốn chỉ thấy gái mãi dâm bị bắt nữa, mà muốn nhìn thấy cảnh công an xông vào khách sạn, nhà trọ khám xét đám đàn ông mua dâm, khiến họ phải gục đầu xấu hổ thú tội dưới ống kính truyền hình. Cô không lo gì chuyện gia đình của những kẻ đó tan nát, nếu rơi vào gia đình cô, cô cũng không sợ".

Ý kiến đanh thép của bạn được trích dẫn trong bài báo làm tôi sững người, và cứ suy nghĩ mãi.

Theo tôi hiểu, bạn phẫn nộ vì thấy những người đàn ông mua dâm không bị quay phim, nêu tên như những cô gái bán dâm.

Cách đây khoảng 6 năm, khi còn làm báo ở VN, tôi đã cộng tác với CSAGA (trung tâm chuyên nghiên cứu về bình đẳng giới) làm một chuyên đề về thực tế thiếu ý thức bình đẳng giới của nhà báo VN. Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn, nếu bạn cho đây là một biểu hiện nữa của việc ý thức kém về bình đẳng giới của nhà báo cũng như những nhà làm luật.

Nếu nói không nên công bố danh tính những người nam mua dâm là để tránh vi phạm đời tư và ảnh hưởng đến gia đình họ, thì việc đưa những người nữ bán dâm lên truyền thông có ảnh hưởng đến đời tư, đến gia đình họ không và có nên không?

Tuy nhiên, tôi không cho đây là một ví dụ điển hình bền vững về bình đẳng giới, vì người bán dâm trong nhiều trường hợp là nữ nhưng cũng không ít trường hợp là nam.

Về vấn đề mua bán dâm, tôi có cách nhìn nhận hoàn toàn khác biệt với bạn.

Tôi không muốn CẢ NGƯỜI BÁN DÂM VÀ MUA DÂM (dù là nam hay nữ) "phải gục đầu xấu hổ thú tội dưới ống kính truyền hình".

1. Những người mua bán dâm có "tội" gì?

Người A, có nhu cầu quan hệ tình dục với người B, và sẵn sàng trả tiền để thỏa mãn nhu cầu này.

Người B, muốn có số tiền này và sẵn sàng quan hệ tình dục với người A.

Nhu cầu tình dục là một nhu cầu tự nhiên của con người.

Ở góc độ xã hội, người ta có quyền thỏa mãn nhu cầu tự nhiên của mình (ở đây là quan hệ tình dục), miễn không ép buộc, xâm hại quyền của người khác (quấy rối, hiếp dâm, cưỡng dâm, quan hệ tình dục với người không/ chưa đủ năng lực chịu trách nhiệm về hành vi của mình như người tâm thần, trẻ nhỏ...).

Ở góc độ gia đình, nếu hành vi mua bán dâm của họ vi phạm những thỏa thuận với những người liên quan (người yêu, bạn tình, vợ/ chồng, cha mẹ, con cái...) thì chỉ những người này mới có quyền phán xét họ. Và họ sẽ phải "gục đầu xấu hổ" với bản thân mình, với những người thân mà họ làm tổn thương, chứ không phải trước ống kính truyền hình nhằm thỏa mãn dục vọng tò mò, phán xét của đám đông xa lạ.

Quan hệ tình dục là một trong những hành vi riêng tư nhất của con người. Chỉ con người, và là con người trong xã hội văn minh mới có ý thức tôn trọng tính riêng tư của hành động quan hệ tình dục.

Có bao giờ bạn tự hỏi bạn có lý do gì, quyền hạn gì mà muốn xem mặt, biết tên, theo dõi người khác chỉ vì người ta quan hệ tình dục có thỏa thuận với một người không liên quan đến bạn?

Nhiều người lên án hành vi mua bán dâm là "trái đạo lý". Đạo lý gì cấm con người thực hiện nhu cầu tự nhiên của mình trong thỏa thuận và không ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác?

Nhiều người cho rằng mua bán dâm là "chà đạp lên nhân phẩm" người bán dâm. "Chà đạp lên nhân phẩm" họ ở chỗ nào nhỉ? Và nếu là chà đạp, tại sao họ tự nguyện chịu "chà đạp" (bán dâm), và tại sao chúng ta lại trừng phạt, sỉ nhục họ khi cứu họ khỏi sự "chà đạp" đó?

Tôi thì cho rằng, phản đối quyền được lựa chọn nghề nghiệp là chà đạp lên quyền tự do cá nhân, và do đó là chà đạp lên nhân phẩm của họ.

Nhiều người cho rằng, ủng hộ những người bán dâm là cổ xúy cho một lối sống lười lao động, muốn kiếm tiền bất chính.

Đồng tiền chân chính là đồng tiền có được không phải nhờ lừa lọc, cướp giật, mà bằng sức lao động, với kỹ năng nghề nghiệp của mình, đồng thời đem lại lợi ích cho những người khác trong xã hội.

Người nông dân trồng lúa, bác sĩ chữa bệnh, người lao công quét dọn, người làm nghề massage thì massage, người ca sĩ hát, giáo viên dạy học... Họ kiếm tiền cho bản thân thông qua việc phục vụ những nhu cầu khác nhau của con người.

Những người bán dâm này, họ phục vụ nhu cầu tình dục của người bán dâm, thỏa thuận thuận mua vừa bán, và họ có lao động. Quan hệ tình dục cũng tốn nhiều năng lượng và cần kỹ năng.

Tại sao cho rằng bán dâm là một nghề thấp kém? Không có nghề nào là thấp kém, trừ nghề ăn cắp, ăn cướp, giết người. Thấp kém hay không là thái độ của người ta khi hành nghề- có lương thiện không, có tự trọng nghề nghiệp không. Tôi cho rằng, nếu một người bán dâm biết phục vụ khách an toàn, nhiệt tình, làm khách hài lòng với số tiền và thời gian bỏ ra, người bán dâm ấy có tự trọng cá nhân và tự trọng nghề nghiệp thậm chí là hơn cả những người làm quản lý từ cấp nhà nước đến cơ sở mà lạm dụng chức quyền tư lợi cá nhân, hoặc/ và để lĩnh vực mình phụ trách bê bối. Đáng "gục đầu xấu hổ thú tội trước ống kính truyền hình" nên là những người quản lý thực phẩm thì thực phẩm bẩn tràn lan, quản lý giao thông thì tắc đường, tai nạn, ô nhiễm môi trường, quản lý y tế thì y đức băng hoại, chất lượng y tế yếu kém, quản lý giáo dục thì tệ nạn tràn ngập, quản lý thị trường thì để thị trường chân nam đá chân chiêu... Nên là những người làm bác sĩ thì vừa kê đơn thuốc, vừa mắc ngoặc với công ty dược phẩm và bán hàng đa cấp, đỡ đẻ thì chết oan cả mẹ lẫn con, mổ thì quên gạc trong người bệnh nhân, tiêm chủng thì ăn bớt thuốc, chăm sóc bệnh nhân thì vòi tiền hối lộ, đi dạy học thì cả kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức giáo dục đều tụt hậu, ngược đãi học sinh, bán chân gà thì nhập chân gà thối, đi đổ rác thì đổ ngay trước cửa nhà hàng xóm, đi làm báo thì không học hỏi để mở mang tư duy, hiểu biết, không dám bảo vệ sự thật, múa bàn phím đánh hội đồng bất kể đạo lý...

Nhiều người nói mua bán dâm là lây truyền bệnh tình dục, HIV... Quả thật, thị trường mua bán dâm ở VN đang là một trong những nguồn lớn nguy cơ này. Nhưng nếu mua bán dâm được chấp nhận công khai và được quản lý tốt, người mua bán dâm được giáo dục về an toàn tình dục thì sẽ biết bảo vệ mình và đối tác. Nếu không có ý thức, thì ngay cả việc quan hệ với nhiều bạn tình (kể cả không phải cùng một quãng thời gian) cũng có thể bị lây nhiễm bệnh tình dục và HIV. Mà thời buổi này, đa phần thanh niên đều có nhiều hơn một bạn tình trước khi kết hôn.

Nếu cho rằng chấp nhận mua bán dâm như một hoạt động hợp pháp sẽ cổ xúy cho nhiều thanh niên chạy theo nghề này, thì thưa bạn, bạn hãy nhìn sang Hà Lan chẳng hạn, một nước luật pháp cho mua bán dâm công khai, thì có phải cả nước người ta đều làm nghề bán dâm đâu?

Không phải cứ luật pháp cho phép thì ai cũng làm được nghề bán dâm. Muốn sống được bằng nghề bán dâm phải có và biết giữ gìn nhan sắc, phải có sức khỏe tương tốt, có kiến thức tình dục,... Và không phải ai có tất cả những điều kiện này cũng có ý thích làm nghề bán dâm cả.

Nếu bạn không muốn con em mình theo nghề bán dâm, thì đó là câu chuyện của giáo dục, câu chuyện nâng cao chất lượng sống sao cho thế hệ trẻ nhiều cơ hội sống tốt hơn là làm nghề bán dâm.

Nghề bán dâm là một trong những nghề lâu đời nhất của loài người, và cho đến giờ nó vẫn tồn tại, phát triển ở khắp nơi trên thế giới, ngay cả ở những nơi bị cấm đoán hà khắc nhất.

Vì sao vậy? Vì nó đáp ứng một nhu cầu có thật và không thể triệt tiêu. Nó có ích cho xã hội, ở một góc độ nào đó.

Hãy thử ví dụ một số trường hợp: Một nam/ nữ thanh niên hừng hực sức sống nhưng chưa tìm được ai để yêu, hoặc chưa/ không muốn kết hôn. Một người đàn ông/ phụ nữ đã có gia đình nhưng bạn đời bị ốm liệt không thể đáp ứng được nhu cầu tình dục. Một người đàn ông/ phụ nữ bạn đời đã chết nhưng không muốn đi bước nữa vì muốn toàn tâm chăm sóc con cái.

Những người này, mặc dù hoàn cảnh như vậy nhưng vẫn có nhu cầu có quan hệ tình dục. Ai cũng biết, khi nhu cầu tình dục không được thỏa mãn có thể dẫn đến ức chế, mất cân bằng cuộc sống, góp phần gây bất ổn xã hội. Vậy bạn muốn những con người này tự xoay sở với những ức chế đó rồi khi không thể kìm chế được, nặng thì đi cưỡng bức, hiếp dâm, nhẹ hơn thì đi dối trá yêu đương hay lấy bừa ai đó cốt chỉ để thỏa mãn nhu cầu tình dục có khi chỉ là trong chốc lát?

Cá nhân tôi chưa có cảm tình gì với bất kỳ người bán dâm nào tôi từng gặp. Không phải vì tôi khinh ghét gì họ, mà vì cuộc sống của tôi, quan niệm sống, thói quen ứng xử của tôi khác họ. Cũng cùng lý do đó, tôi không có cảm tình với một số người khác, mặc dù họ không làm nghề bán dâm.

Nhưng tôi tôn trọng quyền khác biệt, quyền được lựa chọn chính đáng của tất cả mọi người, kể cả những người hoàn toàn khác tôi.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, nhà văn Bùi Ngọc Tấn có nói, ở tuổi bảy mươi, ông "sợ nhất là những người gặp may mắn, được số phận nuông chiều, chưa một lần nếm mùi thất bại. Họ đầy mình chân lý và sẵn sàng ban phát chân lý đó cho bất kỳ ai".

Tôi nghĩ câu nói này mỗi chúng ta nên suy ngẫm hàng ngày thì sẽ bớt được nhiều những sự tàn nhẫn (có thể rất vô tình) với đồng loại.

Thưa bạn, giờ trở lại với vấn đề mua bán dâm.

Cấm hay không, nó vẫn tồn tại và phát triển.

Cấm, thì nó diễn ra lén lút, không quản lý được, nảy sinh rất nhiều hệ lụy như ta đang thấy: buôn bán người trái phép, ép buộc bán dâm, người hành nghề không có hiểu biết an toàn tình dục để tự bảo vệ mình và bảo vệ khách hàng, vv...

Hợp pháp hóa, người hành nghề phải có giấy phép, được/ phải trang bị kiến thức về pháp luật, y tế, được bảo vệ quyền lợi như những người lao động trong các ngành nghề khác, thì khi đấy người hưởng lợi không chỉ là người bán dâm, người mua dâm, mà xã hội sẽ còn giảm thiểu nhiều tệ nạn như hiếp dâm, mua bán dâm với trẻ vị thành niên...

Đằng nào tốt hơn?

2. Bình đẳng bền vững

Cách đây chưa lâu, người đồng tính cũng bị kỳ thị không kém gì, nếu không nói là hơn cả người bán dâm. Những mối tình đồng tính bị cho là "tệ nạn", "sa đọa", "bệnh hoạn". Những người nhiễm HIV cũng bị gánh chung những kỳ thị này.

Xã hội phát triển, giờ đây, một bộ phận tiến bộ đã nhìn nhận vấn đề người đồng tính và nhất là bị nhiễm HIV một cách khoa học, cởi mở và nhân văn hơn. Người nhiễm HIV đã được pháp luật bảo vệ, cộng đồng chia sẻ ở một mức độ nhất định. Nhưng không may cho người đồng tính, pháp luật ở VN chưa công nhận hôn nhân đồng tính.

Như đã phân tích ở trên, xét ở nhiều góc độ, người mua bán dâm không có tội. Những người bán dâm bị bắt, bị nêu danh, bị chịu sự trừng phạt của pháp luật là chuyện tạm thời phải chấp nhận vì không may cho họ, cho đến giờ pháp luật VN chưa cho phép mua bán dâm.

Những điều khoản luật pháp không phải chân lý ngàn đời không thay đổi. Một nền luật pháp tiên tiến và nhân văn sẽ phải luôn trong quá trình hoàn thiện, sánh bước và tạo lực cho sự phát triển của văn minh xã hội.

Nhưng luật pháp không phải có thể thay đổi được ngày một ngày hai.

Tuy nhiên, bên cạnh luật pháp, còn có dư luận, được tạo ra bằng tiếng nói tình người, lương tri, lý trí của nhiều cá nhân, trong đó có bạn, có tôi. Tiếng nói đó có thể thay đổi ngay lập tức cùng sự chuyển biến trong nhận thức của mỗi cá nhân.

Tiếng nói đó, nếu thay vì mong ngày càng có nhiều người không may sẽ mong muốn cho ngày càng ít người không may, ít người bị chịu bất công hơn, như thế có phải là lành mạnh hơn không?

Cũng là con người, nhưng ở nhiều nơi đang có chiến tranh người dân bị đầu rơi máu chảy, ở VN chúng ta được sống trong hòa bình. Cũng là người lao động chân chính nhưng người giàu - kẻ nghèo, chất lượng sống của người ở thành thị - nông thôn khác xa nhau...

Thật tốt, nếu chúng ta mong muốn và góp sức trong điều kiện có thể để ngày càng nhiều người được hưởng hòa bình, được giàu có no đủ hơn, được có chất lượng sống tốt hơn... Chứ không phải mong đâu cũng có chiến tranh, ai cũng nghèo đói, cũng là nạn nhân của lạc hậu, thành kiến... để mọi người đều khổ như nhau và cho đó là công bằng.

Đó là hướng đến một sự bình đẳng bền vững và lành mạnh.

Cũng cùng lý do đó, tôi hy vọng bạn cùng tôi mong muốn xã hội sẽ văn minh hơn, để người bán dâm, người mua dâm, cũng như mỗi cá nhân khi thực hiện những quyền cơ bản của mình mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của xã hội, sẽ không ai phải "gục đầu xấu hổ" trước ống kính truyền hình và thái độ "sẵn sàng ban phát chân lý cho bất kỳ ai" của đám đông được hình thành bởi những cá nhân như chúng ta.

Nếu để họ phải gục đầu, thì chính chúng ta nên xấu hổ.

© Dạ Thảo Phương
Theo blog Dạ Thảo Phương
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment