Báo chí là quyền lực thứ tư sau Tam quyền – Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Dù không được Hiến định chính thức như các thiết chế tam quyền nhưng Báo chí ở các xã hội dân chủ luôn là một sức mạnh đại diện thực tế nhất, rộng rãi nhất và dễ tiếp cận nhất cho quyền lực tối cao của nhân dân.
Do vậy không có một đất nước nào có một nền dân chủ thực chất lại không có một nền Báo chí thực sự tự do vì Báo chí là một công cụ nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất để người dân sử dụng quyền làm chủ của mình để giám sát các thiết chế tam quyền, buộc những quan chức thuộc chúng phải có trách nhiệm giải trình trước công luận và thực hiện những trách nhiệm và cam kết của họ đối với nhân dân. Đó là cách để người dân sử dụng quyền tự do ngôn luận – một trong các quyền cơ bản của con người – để thực sự làm chủ đất nước của mình. Do vậy một nhà nước nếu thực sự là của nhân dân thì nó phải bảo vệ tối thượng quyền tự do ngôn luận nói riêng và tất cả các quyền con người nói chung cho từng mỗi người dân một cách bình đẳng. Đó chính là nguyên tắc “Quyền con người trong nhà nước pháp quyền” mà Phong trào Con đường Việt Nam theo đuổi.
Theo nguyên tắc này thì trong một nhà nước pháp quyền không ai hay tổ chức nào có quyền chỉ đạo Báo chí. Các nhà báo chỉ được lãnh đạo bởi lương tri của mình để thực hiện được mục tiêu tối thượng của Báo chí là phản ánh đúng sự thật cuộc sống. Đối với Báo chí, sự thật phải là trên hết và không có bất kì điều gì có quyền đứng trên sự thật. Đó là trách nhiệm thiêng liêng của Báo chí mà không có bất kỳ sự nhân danh lợi ích chung nào được phép lợi dụng để bóp méo sự thật. Chỉ có như vậy thì nhân dân mới có thể sử dụng quyền lực thứ tư của mình để buộc ba quyền lực kia phải thực hiện những mục tiêu tối thượng của chúng. Mục tiêu này của Tư pháp là bảo vệ pháp luật là trên hết và duy nhất để đảm bảo tính uy nghiêm của pháp luật. Đối với Tư pháp không có bất kỳ điều gì kể cả nhân danh đạo lý hoặc lợi ích quốc gia được đặt trên pháp luật. Bảo vệ pháp luật là trách nhiệm thiêng liêng của Tư pháp, còn pháp luật bảo vệ điều gì là thuộc về trách nhiệm của Lập pháp. Trong một nhà nước pháp quyền thì tất cả mọi việc xây dựng Hiến pháp và Luật đều phải hướng đến mục tiêu tối thượng là bảo vệ quyền con người mà không được có bất kỳ đối tượng nào hoặc sự nhân danh an ninh quốc gia nào đứng trên các quyền thiêng liêng đó của nhân dân. Ngay cả an ninh quốc gia thì cũng là để bảo vệ nhân dân mà thôi. Còn mục tiêu tối thượng của Hành pháp là đảm bảo cho người dân thực hiện được đầy đủ các quyền con người của mình theo Hiến pháp và Luật trong thực tế cuộc sống.
Chỉ khi bốn thiết chế quyền lực xác định rạch ròi các mục tiêu tối thượng như vậy thì mới tránh được việc lợi dụng quyền lực để phục vụ quyền lợi riêng nhưng nhân danh lợi ích chung bằng cách nhập nhằng giữa các mục tiêu và trách nhiệm. Chẳng hạn như trong một hãng sản xuất thì mục tiêu tối thượng của bộ phận thiết kế là làm cho sản phẩm thật ít lỗi, còn bộ phận kiểm soát chất lượng thì phải định rõ mục tiêu trên hết của mình là phải tìm ra thật nhiều lỗi của sản phẩm đó. Có như vậy thì hãng đó mới có một sản phẩm hoàn thiện. Nếu sợ mất uy tín bộ phận thiết kế rồi nhập nhằng nó thành uy tín của hãng mà ngăn chặn việc phát hiện lỗi của sản phẩm thì chắc chắn chúng sẽ ra đời đầy khiếm khuyết, và vì vậy mà uy tín của hãng đó cũng tiêu tan. Nếu sợ ảnh hưởng đến uy tín của nước Mỹ mà ngăn chặn việc công bố các hình ảnh sự thật về một vài lính Mỹ vi phạm Pháp luật, đối xử vô nhân đạo đối với tù nhân chiến tranh hoặc thường dân thì điều đó sẽ dung dưỡng, khuyến khích các hành vi đó. Và như vậy chúng sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến không chỉ trong quân nhân mà ngay cả trong thường dân Mỹ, tới mức mà không chỉ uy tín nước Mỹ mà ngay cả giềng mối đạo đức xã hội Mỹ cũng tiêu tan. Tương tự như vậy, việc chỉ trích các nguyên thủ quốc gia, các chính sách vĩ mô phải hiểu đúng là cách để phát hiện lỗi cho đất nước ngày càng hoàn thiện chứ không phải bị quy kết là cách để làm mất uy tín quốc gia, hay gây khó khăn cho việc xây dựng phát triển đất nước hoặc “cản trở sự nghiệp cách mạng của nhân dân”, và tệ hơn nữa là tội phạm hóa vì chống nhà nước, chống chính quyền nhân dân, v.v…
Báo chí thiếu tự do tức người dân mất tự do. Mà trách nhiệm đó đối với tự do báo chí trước hết thuộc về các nhà báo – một lực lượng trí thức luôn tiên phong có mặt tại tất cả các lĩnh vực và ngõ ngách của cuộc sống. Đừng nghĩ rằng trách nhiệm này thuộc về các thiết chế Hành pháp, Lập pháp hay Tư pháp và trông chờ vào đó. Tâm lý tự nhiên của con người khiến cho những người ngồi ở vị trí Tam quyền này lo ngại. Báo chí nếu trông chờ vào họ để có được tự do báo chí là một sự cầu may có xác suất thấp. Và nếu vẫn còn ai đó có quyền ban tự do cho Báo chí thì lúc đó vẫn chưa có tự do báo chí thực thụ. Tự do báo chí là kết quả trong thực tế của mức độ sử dụng quyền tự do ngôn luận của công dân – người dân tự tin sử dụng càng nhiều quyền này thì tự do báo chí càng cao. Mà quyền này là một trong các quyền vốn có tự nhiên của con người đã được toàn thế giới thừa nhận và long trọng tuyên bố trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền Con người. Không ai có quyền ban quyền này cho ai cả. Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ để người dân của nó thực hiện được đầy đủ quyền này, chống sự xâm phạm nó cho từng công dân. Đối với quyền này thì nhà nước chỉ có trách nhiệm như vậy chứ không hề có bất kỳ quyền hạn nào đối với nó. Đây chính là ý nghĩa của những nguyên tắc được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, cụ thể hóa Tuyên ngôn nói trên.
Việt Nam ta đã gia nhập Liên Hợp Quốc, tức là đã công nhận Tuyên ngôn này và cũng đã gia nhập công ước nói trên vào năm 1982 nên nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã cam kết trách nhiệm bảo vệ các quyền con người của công dân Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Hơn nữa Hiến pháp Việt Nam cũng đã Hiến định Nhà nước này là nhà nước pháp quyền từ năm 2001, hiến định đầy đủ quyền tự do ngôn luận cho công dân Việt Nam. Do vậy nếu chúng ta chưa có được tự do báo chí thì đó là vì chúng ta đã không chủ động sử dụng quyền này của mình, chúng ta còn sợ hãi, chúng ta còn trông chờ và cầu mong sự ban phát. Chúng ta chưa để lương tâm mình lãnh đạo ngòi bút của mình để nói lên sự thật về nguyện vọng của mình và của nhân dân. Thay vào đó chúng ta để sự vị kỷ của mình điều khiển ngòi bút của mình để nói lên ý muốn “lãnh đạo” và “sự thật” mà lãnh đạo muốn dù rất khác với mong muốn của mình và sự thật thực tế. Nếu hầu hết nhà báo là những người lệ thuộc như vậy thì làm sao Báo chí tự do. Chính vì thế mà xã hội ta ngày càng xuống cấp trầm trọng. Không sao được khi mà sự thật về điều tốt lẫn điều xấu, cái đúng lẫn cái sai đều có thể bị che lấp nếu chúng bất lợi cho những người có quyền lực.
Hỡi các nhà báo!
Đã đến lúc chúng ta cần nhận rõ trách nhiệm của mình đối với chính mình và với đất nước. Sự thờ ơ của chúng ta hôm qua đã gây hậu quả hôm nay cho chính mình. Và nếu chúng ta tiếp tục thờ ơ và phó thác bây giờ thì không những chúng ta mà chính con cháu mình sẽ gánh lấy hậu quả ngày mai còn nặng nề hơn nữa.
Đã đến lúc chúng ta phải hành động vì một nền báo chí tự do để xây dựng một xã hội dân chủ. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới vừa giải quyết được các vấn nạn xã hội hiện nay, vừa phát triển đất nước tốt đẹp. Hãy đừng nghĩ rằng trách nhiệm đó là của ai khác mà phải thấy rằng nó là của ta – của mỗi nhà báo. Cũng đừng nghĩ rằng một mình chúng ta thì không làm được gì mà hãy tin rằng khi ta – nhà báo hành động thì hàng ngàn người khác sẽ tiến lên thổi bùng ngọn lửa ta đã thắp. Và nhiều ngọn lửa như vậy sẽ bừng sáng mãi đất nước.
Phong trào Con đường Việt Nam sẽ là người giữ lửa, truyền lửa – những ngọn lửa của tình yêu, trách nhiệm và nhiệt huyết cháy bỏng vì một tương lai tốt đẹp cho đất nước và cho mỗi người chúng ta. Phong trào Con đường Việt Nam cũng sẽ là người bảo vệ cho những ngọn lửa đó cháy mãi, và giữ nhịp để hàng triệu ngọn lửa như vậy cùng nhau bừng sáng mà không có trận cuồng phong nào có thể dập tắt được nữa.
Hãy hưởng ứng phong trào Con đường Việt Nam để hành động vì một nền báo chí tự do cho Việt Nam !
Phong trào Con đường Việt Nam
Trân trọng kính chào
0 Comments:
Post a Comment