“Việt Hóa” địa danh trong “Nhật Ký Ði Tây” của Phạm Phú Thứ


Sau 1975 nhiều địa danh trên thế giới được “Việt Hóa”, điều mà nhiều người cho là “quê kệch”, thậm chí… dốt nát!

Chẳng hạn như Ý Ðại Lợi thành “I-Ta-Li”, Mễ Tây Cơ thành “Mê-hi-cô”, Á Căn Ðình thành Ác-hăng-ti-na, Ba Tây thành Bra-Xin…

Khi yêu trái ấu cũng tròn! Ngôn ngữ “việt cộng” nghe thực chối tai! Rõ ra một bọn “răng đen mã tấu”, “thất học vô sản”!

Người trí thức “ưu thời mẫn thế” thì cằn nhằn, cửi nhửi là “làm tiếng việt nghèo đi”!

Nhưng ngẫm lại, có thực nhất thiết phải phiên âm tên tây theo kiểu… tàu? Chẳng hạn như “Ba Tây” đọc theo quan thoại thì là Ba-Xi; “Ý Ðại Lợi” là I-Ta-Li; “Ba Lê” là Ba-Li; “Úc Ðại Lợi” là Ao-Ta-Li, v.v.
Người Tàu phiên âm như thế khá chính xác còn đọc theo Hán Việt thì… trật bét!

Tiến sĩ Phạm Phú Thứ. Nguồn ảnh: BnF
Thế nhưng cái bệnh “nôm na là cha mách qué” coi bộ bám rễ khá sâu, khiến cho ta vẫn thấy “nôm na” nó… “nhà quê” chi lạ!

Thế nhưng cái sự quê kệch kia chẳng là phát kiến mới mẻ của cái anh chàng… VC!

Năm 1863, dưới triều vua Tự Ðức, phái bộ Phan Thanh Giản đi Pháp và Y Pha Nho. Cuộc hành trình này được cụ Phó Sứ Phạm Phú Thứ, ghi lại trong “Tây Hành Nhật Ký”.

Trong quyển nhật ký này cụ ghi lại các địa danh tây phương với một tinh thần có thể gọi là rất “độc lập” so với thế hệ chúng ta là con cháu cỡ 5-6 đời của cụ! Một thế hệ… dốt nho mà… mê nho hơn cụ… đồ nho!

Ông “nghè” Phạm Phú Thứ phiên âm tên đất, tên người, v.v. bằng âm Nôm chứ không dùng âm Hán. Một điều khá thú vị và cho thấy thành kiến về sự “mê Hán” của triều đại Nguyễn không chắc là chính xác!

Xin trích lược một số tên sau đây:

Tên nước: “Nôm Na” theo Phạm Phú Thứ — Tên “sang”
Brasil: Bia rê diên lô — Ba Tây
Venezuela: Ve Ni Du ế la
Mexico: Mết Xít — Mễ Tây Cơ
Etats Unis — Y Ta Duy Ni — A Mỹ Lợi Gia
Grèce — Gừ Rách — Hi Lạp
Allemagne — An-lê-manh –Nhật Nhĩ Man
France — Phú Lãng Sa — Pháp Lan Tây
Italia — I Ta Li — Ý Ðại Lợi
Turkey — Tu Du Ki —Thổ Nhĩ Kỳ
Tên một vài thành phố, nơi chốn :
Hannover — A Nô Ve
Roma — Rô ma — La Mã
Paris — Pha Rí — Ba Lê
Suez — Xu ết
Alexandria — Á Lê Xang Rí
Ði ngang Ai Cập ông ghi lại sự tích nàng Cleopatra với tên “nôm”:
Ptoleme — Lê Mê
Cleopatra — Cơ Lê Ô
Antoine — An Toan
Octavia — Ốc Tao

Vào nước Pháp trên đường đi Pha-Rí (Paris) ông đi ngang qua Li-Ông (Lyon), Sa-Long (Chalon-sur-Saône), Di-Rôn (Dijon), vượt sông Ma-rờ-nờ (Marne).. đến Vi-lơ-nơ-phờ (Villeneuve),…

Ông vượt sông Xe-Nơ (Seine) mà vào Pha-Rí. Trong thời gian ở Pha-Rí ông có dịp đi thăm rừng Bu-Linh (Boulogne), Ve-Xênh (Vincennes), vườn Môn-Xô (Parc Monceau). Người Pháp còn dẫn ông đi xem Ba-Lê-đu-rệt-đốt-tri (Palais de l’Insdustrie), đi thăm vườn bách thảo Ra-rờ-đanh đê pha lang tờ (Jardin des Plantes), xem thả khinh khí cầu ở San-Ðờ-Mạc (Champ de Mars). Ðiện Tuleries thì ông gọi là Chùy-lơ-rí.
Phái bộ trình quốc thư lên Napoleon III và Hoàng Hậu mà ông gọi là Quốc Trưởng và Quốc Phi, taị điện Lô-Bia-Rờ (Louvre), trong dịp hội nghị của Hội đồng lập Pháp Corps Législatif mà ông gọi là Co-le-tít-la-tít. Các nghị sĩ (député, sénateur) ông phiên là Ðề-Bô-Tê và Xì-Na-tơ…

Nữ Hoàng Y Pha Nho  (1833-1868)
Nguồn ảnh: lonestarautographs.com
 
Xong nhiệm vụ ở Phú Lãng Sa Phái bộ nước Ðại Nam sang giao hiếu với Y-Pha-Nho. Họ đi xuống Ma-Xai (Marseille), lấy tàu đi Ba-Xờ-Lôn (Barcelona) rồi đến cảng A-Li-Căn ( Alicante). Từ đó đáp xe lửa lên thủ đô Ma-Rí (Madrid). Tại đây Sứ Bộ được Nữ Hoàng Y-Xà-Bẻn (Isabelle II) tiếp kiến. Rời Y-Pha-Nho họ lại đáp tàu qua I-Ta-Li, qua vịnh Nạp-Bồ-Lê (Napoli), thăm núi lửa Bi-Du-vi (Vésuve), qua kênh Xu-Ết hướng đến Ấn Ðộ, ghé ngang thăm đảo Xây-Lăng (Ceylon), từ đó hướng sang đảo Xu-Ma-Tra (Sumatra). Ông gọi đất Malaysia là Ma-La-Ca và chú thích là: “Người Thanh gọi Ma-La-Ca là Ma Lục Giáp”. Ở đây ta để ý rằng ông vẫn “bịa” ra chữ “Ma-La-Ca” thay vì dùng chữ ông bạn “đồng văn” là Ma Lục Giáp! Từ đó tàu hướng về cảng Cần Giờ mà trở về Gia Ðịnh.

Ðọc Phạm Phú Thứ tôi thục tình cảm thấy ngạc nhiên và thích thú. Ngạc nhiên là bởi vì ở cuối thế kỷ 19 một nhà nho uyên bác, thành công rực rỡ trong khoa cử, không hề biết… ngượng miệng khi “nôm na”!

Ông đỗ giải nguyên (tức thủ khoa trường thi Hương) năm 1842. Vào thi Hội năm 1843 ông cũng lại đỗ đầu (Hội Nguyên). Vào thi đình ông đỗ đệ tam giáp tiến sĩ. Ngạc nhiên là bởi sang đầu thế kỷ thứ 20 các nhà “tây học” dịch các tác phẩm tây phương bằng giọng rất ư là… Tàu!

Anna Karenia thành nàng “Kha Lệ Ninh”; Le Comte de Mont Cristo biến thành “Bá Tước Kích Tôn Sơn”.

Trong khi Phạm Phú Thứ phiên âm Comtesse (bà bá tước) một cách… nhà quê và… huỵch toẹt thành “Công-Tết”!

Ngạc nhiên là bởi sang đến thế kỷ 21 cái tinh thần gọi là “nôm na là cha mách qué” vẫn không chịu… dẫy chết! Cho dù người ta có lên án nó một cách nặng nề, khai tử nó hàng trăm lần!

©Đoan Hùng
——————————–
Nguồn: “Nhật Ký Ði Tây” của Phạm Phú Thứ. Đoan Hùng.
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment