|
Nhân dịp kỷ niệm 1 năm sự kiện này, blog Nguyễn Tường Thụy đăng lại 5 kỳ ghi chép: TINH THẦN BÙI THỊ MINH HẰNG.
=========
Phiên sơ thẩm xử Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (từ đây xin viết tắt là BTMH, NVM và NTTQ) đã kết thúc với bản án rất nặng. Đây là vụ án được quan tâm đặc biệt. Sự quan tâm đó đến cả từ hai phía: phía thực hiện kịch bản mang ba người bỏ tù cho bằng được và phía bảo vệ họ, tất nhiên, sự quan tâm của mỗi phía xuất phát từ mục đích trái ngược nhau và vì vậy, sự thể hiện xung đột nhau.
Về phía ủng hộ các bị cáo, ước tính khoảng 200 người gồm bạn hữu, dân oan từ khắp 3 miền đã đổ về Cao Lãnh. Họ đi bằng đủ các phương tiện, bằng đủ mọi cách để đến với BTMH, NVM và NTTQ bằng được, bất chấp hiểm nguy, vất vả.
Về phía nhà cầm quyền, họ đã huy động một lực lượng cảnh sát, mật vụ khổng lồ với phương tiện đầy đủ để ngăn chặn, bố ráp, bắt bớ sao cho không một người nào ủng hộ ba bị cáo bén mảng được đến khu vực tòa án. Một số người còn bị đánh đập dã man.
Xin mở đầu ghi chép này bằng câu chuyện của tôi.
Kỳ 1: Đào thoát
Qua 9 ngày công an tỉnh Đồng Tháp bắt BTMH, NVM và NTTQ, không thấy thả ra, tôi đã xác định bằng giá nào cũng phải có mặt tại Đồng Tháp để tham gia phiên tòa. Tôi đã nói với nhiều bạn bè ở Hà Nội, Sài Gòn về ý định này. Gần đến ngày xử, tôi liên tiếp nhận được thông tin có thêm người ở Hà Nội sẽ đi Cao Lãnh với cùng mục đích. Thoạt đầu, tôi nghĩ chỉ một nhóm 4, 5 người vào được Cao Lãnh là tốt lắm rồi. Thế mà con số cuối cùng đã lên tới 20. Tất cả những người đến được Cao Lãnh đều không thể ra khỏi nhà một cách công khai. Có người phải ẩn náu tạm đâu đó mấy hôm, chờ ngày ra sân bay. Có người phải tìm mọi cách thoát khỏi nhà bằng con đường bí mật, mạo hiểm.
Nhà của mình, muốn đi làm việc chính đáng mà không thể ra một cách công khai. Người chính phải trốn, phải chui lủi trước sự lùng sục, bố ráp của kẻ tà. Không biết ngoài đất nước này, còn nơi đâu như thế nữa không. Chúng tôi trốn không phải vì sợ bị bắt mà mối lo duy nhất là không đến được với những người bạn của mình bị đưa ra xét xử một cách vô luật.
Đang háo hức chờ ngày đi Cao Lãnh thì ngày 12/8 tôi đột nhiên bị bệnh, đã tưởng phải bỏ cuộc. Rất may bệnh của tôi, nhờ được sơ cứu và cấp cứu kịp thời nên tôi chỉ phải nằm viện 1 tuần. Còn tôi, sau khi qua giai đoạn cấp cứu, ngày nào tôi cũng gạ gẫm bác sĩ xin ra viện. Có lần đang đi đến nhà vệ sinh, gặp bác sĩ, tôi cố đi ra vẻ hùng dũng như người khỏe mạnh bình thường thì suýt bị ngã, may mà thằng con đi theo trông chừng đỡ kịp. Rất nhiều bạn bè khuyên tôi mới bệnh dậy cần phải ở nhà dưỡng bệnh, đề phòng bệnh tái phát. Nhưng chẳng có thể ai khuyên được tôi. Tôi bảo, nếu không đi, ở nhà có khi còn bệnh thêm. Biết khuyên tôi không được, bạn bè tôi góp tiền lo cho vợ tôi cùng đi để chăm sóc tôi. Tôi cảm động lắm nhưng ai lại làm thế. Vợ tôi biết tính chồng, không dám khuyên ngăn gì. Cô ấy hiểu, khuyên gì chứ khuyên đừng đến với Bùi Thị Minh Hằng thì thế nào cũng dẫn đến cãi nhau.
Kế hoạch của tôi là ngày 24/8 sẽ bay vào Sài Gòn, nghỉ lại đó rồi ngày 25 sẽ đi Cao Lãnh để 26 ra tòa án.
Sáng ngày 23 tình hình còn yên tĩnh. Nhưng khi đang ăn cơm trưa, một cháu gõ cửa vào báo có 7,8 người đang canh tôi. Việc tôi bị canh mỗi khi có sự kiện, điều đó chẳng có gì lạ. Thường là họ canh cứ canh, còn tôi đi cứ đi. Họ có thể đi theo, có thể theo dõi xem tôi đi lúc nào, bằng phương tiện gì. Chưa bao giờ tôi bị chặn, ép xe đuổi về hoặc bị "mời" đi uống nước. Tôi vẫn xác định sáng 24 sẽ ra sân bay như những chuyến đi khác.
Nhưng đến chiều, vợ tôi phát hiện ra có cả xe cảnh sát cũng đỗ cùng với đám người canh tôi. Mỗi khi nhà tôi có ai mở cửa ra ngoài, tất cả đám đều nhốn nháo bật dậy, đứa thì leo lên xe máy sẵn sàng, đứa thì chạy về phía ô tô đang đỗ. Khi thấy không phải là tôi, chúng mới trở về chỗ cũ.
Từ sự xuất hiện của ô tô cảnh sát, tôi hiểu, chắc chắn lần này, tôi không thể ngang nhiên đi trước mặt họ như những lần trước. Họ sẽ cưỡng bức tôi lên xe mang về đồn câu lưu cho đến khi tôi muốn đi Đồng Tháp cũng không kịp nữa thì mới thả ra. Việc bắt bớ với tôi đã thành quen. Nhưng lần này bị bắt, tôi sẽ không thể tham gia vào một sự kiện lớn như thế này.
Thời gian nặng nề trôi. Đến tối, tôi vẫn chưa biết nên như thế nào. Vợ tôi hỏi:
- Bây giờ làm sao hở anh? Sáng mai thì không được rồi.
Tất nhiên đến nước này thì phải tính đến chuyện "dạt vòm". Nhưng ra khỏi nhà bằng cách nào bây giờ?
Tôi tính đủ mọi phương án: Cải trang ư? Lúc này, bất cứ người nào ra khỏi nhà tôi, họ cũng đều phải xác định bằng được người đó là ai. Phương án này nhanh chóng cho qua.
Phía trước nhà tôi là đường quốc lộ, phía sau là một cánh đồng, đi qua cánh đồng này khoảng 300 mét thì tới con đường làng. Nhưng đây là cánh đồng hoang, cây dại mọc um tùm, không có bờ, cũng chẳng có lối mòn, nơi chỗ cao chỗ thấp mấp mô, chỗ đất cứng, có chỗ lún sụt, trời lại tối om, rắn rết chẳng biết thế nào. Phía sau nhà tôi là một hàng rào lưới B40 sát một con mương nhỏ, nhưng người vừa ở bệnh viện ra như tôi sao đủ sức vượt qua. Đến kẻ trộm cũng chẳng dám đột nhập vào nhà tôi theo hướng ấy. Phương án này cũng được bỏ qua.
Chán nản, tôi bảo vợ:
- Hay là kiếm cho anh cái quan tài, anh chui vào đấy rồi gọi mấy đứa con về khiêng đi, giả như đến gửi ở nhà tang lễ Phùng Hưng. Anh vừa đột quỵ, giờ chết ai chẳng tin.
Vợ tôi bảo:
- Quan tài chúng cũng khám, nó tha gì.
Tôi lên sân thượng, nhìn về phía đám đang canh tôi. Nào mật vụ, nào xe máy, nào ô tô đang sẵn sàng. Đầu óc tôi căng lên. Chợt phát hiện ra cái thang đám thợ xây hồi làm nhà xong rồi vứt luôn ở đấy, tôi phác nhanh một kế hoạch. Tôi bảo vợ:
- Gọi thằng Phan (cháu vợ tôi) rủ thêm một thằng bạn nó về đây. Bảo nó đi xe nào có cốp to ấy.
Vợ tôi không hiểu tôi định làm gì nhưng cũng không dám hỏi lại, liền rút điện thoại ra bấm số. Tôi cũng mở máy tính, nhắn tin cho thằng Khải.
30 phút sau thì tụi thằng Phan có mặt.
Tôi chia đồ đạc của tôi làm ba phần. Tư trang nhẹ nhưng cồng kềnh, chia làm 2, còn 1 phần là laptop, ipad.
Cứ một nửa tư trang nhét vào 1 cái cốp xe. Hai cốp xe nhét vừa đủ quần áo, đồ dùng lặt vặt. Một thằng nhét laptop, một thằng nhét ipad vào bụng. Tôi dặn:
- Chúng mày đi ngược hướng rồi tìm đường khác vòng lại đầu kia. Đi song song và thong thả thôi, vừa đi vừa nói chuyện, coi như dạo chơi. Khi nào chắc chắn không có đứa nào theo thì đến chỗ ấy đợi tao. Đợi hơi lâu đấy.
Xong giúi cho mỗi đứa mẩu giấy, có ghi số sim rác của tôi:
- Lúc này không được liên lạc với bất cứ ai khác ngoài tao để giữ liên lạc, nghe chưa.
30 phút sau, chúng nó nhắn tin đã đến vi trí. Tôi nhắn lại:
- Dồn đồ đạc vào cho thằng Phan giữ, còn thằng kia đi chỗ khác, xa ra, đợi.
Tôi tạm biệt vợ. Lúc ấy là 9 giờ 30 phút tối ngày 23/8.
Tôi người không, cầm theo cái thang bắt đầu di chuyển trên các trần nhà hàng xóm. Nhà nào liền nhau thì bước nhẹ nhàng, nhà nào cách hơi xa, tôi dùng thang bắc cầu. Có nhà cao thấp không bằng nhau thì dùng thang tụt dần xuống hoặc leo lên. Nhà nào cách nhau xa quá thì thả thang tụt xuống đất rồi lại bắc thang trèo tiếp. Có nhà chỗ thấp nhất cao hơn cái thang, tôi phải bám tay vào mép trần rồi dùng chân khèo lên.
Bỗng có tiếng chó sủa canh nhà. Tim tôi đập thình thịch. Họ mà ra túm được tôi với cái thang trong tay, nghĩ là trộm thì tôi ăn no đòn, hả tức rồi thì giao cho công an. Nhưng nghĩ lại, khi nhận ra tôi, sẽ chẳng ai tin rằng người như tôi lại đi ăn trộm, nhưng đem giao cho công an vẫn là cái chắc vì họ cho rằng tôi đang hoạt động khủng bố theo lệnh từ nước ngoài. Cả khu này, ai chẳng biết tôi là "phản động". Đám đang canh tôi tha hồ nhàn, chỉ còn việc lĩnh thưởng và chỉ đám ấy mới biết tôi chẳng phải đi ăn trộm hay khủng bố gì hết.
Tôi bình tĩnh cầm hòn đá ném ngược hướng đang di chuyển. Tiếng chó sủa im bặt. Chắc cu cẩu chạy đến hít hít, ngửi ngửi xem có phải là khúc xương không.
Đến đoạn khuất tầm mắt tụi canh tôi rồi, tôi mới vứt thang lại, lợi dụng bóng tối của các tán cây, bờ tường men tới điểm hẹn. Tôi ngồi phắt lên sau xe, bảo thằng Phan:
- Chạy lẹ, nhưng phải đảm bảo an toàn. Tao mà gãy chân, hỏng việc thì tao bỏ luôn cô mày.
- Đi đâu chú?
- Cứ đi, không phải hỏi. Tao bảo rẽ là rẽ.
Tôi lấy điện thoại của thằng Phan gọi cho bạn nó:
- Quay về chơi với cô. Đợi thằng Phan, một tiếng rưỡi nữa nó sẽ về.
Tôi nhắm hướng, chỉ cho nó đi theo đường mà tôi chưa đi bao giờ. Tôi không dám đi đường quen vì vẫn sợ chúng nó đuổi theo. Cuối cùng thì cũng đến đầu đường Hoàng Quốc Việt. Thằng Khải đã chờ sẵn tôi ở đấy.
Tôi giúi vào tay thằng Phan tờ 100 k bảo:
- Thôi mày về đi, giờ thì đi thong thả thôi nhé.
Nói xong tôi nhảy phốc sang xe thằng Khải.
Thằng Khải không đưa tôi về nhà mà ngoặt vào một ngõ nhỏ, rồi rẽ vào một ngách, lại một tiểu ngách... Cứ thế, lúc rẽ phải, lúc rẽ trái. Những con hẻm hẹp, tưởng như xe này đi thì xe kia phải chờ. Ngoằn nghèo hồi lâu, nó dừng trước một ngôi nhà cấp 4. Nó mở cửa, bật điện lên. Tôi theo nó vào nhà, thấy toát lên mùi hôi hôi, ngai ngái của căn nhà lâu không có người ở.
Nó bảo:
- Nhà cháu bị theo dõi rồi, chú không ở đó được. Đây cũng là nhà của cháu nhưng cháu chỉ để đấy, thỉnh thoảng mới cho người ở nhờ.
Nó chỉ cho tôi nơi tắm rửa, vệ sinh rồi chỉ vào cái nệm đặt ở góc nền nhà:
- Chú nằm đấy nhé. Thôi cháu về đây.
Vừa lúc, thằng Tú chui từ nhà vệ sinh ra. Chẳng hiểu thằng Khải tha nó nhét vào đây từ khi nào. Trông thấy tôi, nó cười rinh rích vì không dám cười to.
Thằng Khải đi rồi, tôi mới cắm 3G vào laptop đọc tin, thấy quân ta bị canh giữ khắp nơi, mỗi đứa bị một kiểu.
Lúc này, tôi đã thấm mệt nhưng khi đặt mình xuống lại không sao ngủ được. Tôi đang tính cách ngày mai ra sân bay như thế nào, có bị đuổi theo lôi lại không. Vẩn vơ mãi lại nghĩ thằng Khải mà chơi xỏ tôi, mai nó không đến thì tôi cũng chịu vì chẳng biết ra bằng lối nào.
Kỳ 2: Đào thoát (Tiếp theo)
Thực ra, khi nảy ra ý định trèo tường, tôi chưa nghĩ đến thằng cháu vợ ngay mà nghĩ đến Hà vì hắn gần tôi hơn cả. Tôi vào mạng facebook hỏi hắn tình hình thế nào, hắn bảo có 2 thằng CA yêu cầu em sáng mai lên đồn, còn Thanh thì bị giữ rồi. Lại hỏi, có bị canh không, một lúc sau, hắn bảo hai đứa canh em, đang ngồi ngay trong nhà.
Định nhờ một đứa đang bị canh đến giải thoát cho mình cũng đang bị canh – nghĩ thế tôi bật cười một mình. Tôi lờ đi không nói gì nữa. Cho đến bây giờ, chắc Hà vẫn còn cảm động vì trong lúc căng thẳng như thế, tôi vẫn nghĩ đến hắn. Sau đó, theo Hà kể thì hắn mặc quần soóc chạy thẳng ra ngoài đường, vừa chạy chậm vừa đánh tay như là tập thể dục. Chẳng ai nghĩ một người với tư thế ấy lại cứ thế vào tận Miền Nam được. Thế là hắn thoát. Đến vị trí an toàn, hắn mới gọi người quen mang quần áo cho hắn mặc.
Không thể nhờ Hà, tôi mới bảo bà xã gọi thằng cháu đến như đã kể.
Tôi gọi điện về cho vợ (tất nhiên là dùng sim rác):
- Còn canh không?
- Vẫn thế. Hi hí
- Hay là anh đăng lên mạng là đã ra khỏi nhà để họ về. Khổ thân.
- Anh có đăng nó cũng không tin đâu mà còn cho là anh lừa chúng rút quân để thoát đấy.
-Ừ thôi, cứ để chúng nó trông cái nóc nhà.
Có lẽ vợ tôi nói có lý. Tôi đổi ý, viết lên facebook: “Các chú canh thì canh cho cẩn thận nhé, để tớ ra khỏi nhà rồi mà không biết thì khối chú rụng sao, rụng gạch đó”.
Hơn 2 giờ sáng, tôi đi nằm, cố dỗ giấc ngủ để mai còn lấy sức. Thiếp đi được một lúc thì có tiếng gõ cửa.
Tôi rón rén chân không đi ra, áp tai vào tường. Lại ba tiếng gõ nữa. Tôi vẫn không lên tiếng. Rồi có tiếng thì thào:
-Em đây, Tèo đây.
Tèo là dì thằng Khải. Tôi quen cô rồi mới biết đến nó. Tôi vẫn không dám bật điện nên quay vào đánh thức thằng Tú dậy để khỏi mang tiếng trai gái thì thầm với nhau khi trời nhập nhoạng rồi mới dám vặn tay nắm. Tèo bảo: “Đi theo em”.
Tôi nhìn đồng hồ. Chưa tới 5 giờ sáng, trời còn tối om. Tôi hỏi:
-Thằng Khải đâu?
-Nó không dám đến, sợ có người theo nên bàn giao cho em.
Hai chúng tôi theo Tèo, len lỏi qua các con hẻm. Hai mươi phút sau thì ra tới đầu đường Nguyễn Hoàng Tôn. Một chiếc taxi chờ sẵn. Tèo mở cửa xe, nhét hai chúng tôi vào hàng ghế sau. Nhưng cô không đóng cửa ngay mà quay về phía gốc cây xà cừ vẫy tay một cái. Một bóng đen tiến nhanh đến, không phát ra một tiếng động, lẹ như con mèo. Bóng đen đến sát, tôi nhận ra là thằng Hải. Tèo ấn luôn thằng Hải vào cạnh tôi, bảo chịu khó ngồi chật tí nhá, không được leo lên ghế trên đâu đấy.
Cô khép nhẹ cửa xe nhưng ấn mạnh, bảo lái xe: “Đi thôi” rồi giơ hai ngón tay về phía chúng tôi:
-May mắn nhé.
Tới sân bay Nội Bài, tôi gặp 3 người dân Dương Nội. Mừng quá, tôi hỏi: “Các bác cũng đi Đồng Tháp à? Không, chúng tôi tiễn thằng con chị Thêu. Thằng Phương thấy chúng tôi, chạy đến. Mai Dũng và Lai Tiến Sơn cũng vừa tới nơi. Dũng và Sơn cùng nhóm 5 người với tôi nhưng chúng tôi không dám cùng đi mà hẹn nhau tại sân bay.
Tiếp theo một nhóm 4 nữa đến. Đó là Mai Phương Thảo, Trương Văn Dũng, Bùi Tiến Hưng, Trần Đức Thịnh.
Nhưng vậy trên chuyến bay 9h45 hôm ấy (23/8/2014) quân đi Đồng Tháp có tròn 10 người.
Ít khi tôi có tiền đi hãng bay Vietnam Airlines mà chủ yếu đi Jetstar hay VietJet. Đúng ra là những lần đầu tôi chỉ đi Vietnam Airlines vì cho nó chính hãng. Khi ấy, tôi cứ tưởng Jetstar hay VietJet vé rẻ hơn thì máy bay cũ hơn, xộc xệch hơn như bánh xe mòn, cánh thiếu vài con ốc hay phi công trình độ kém, từng gây sự cố nên bị chấm dứt hợp đồng ở các hãng khác, và như vậy độ an toàn cũng thấp hơn, nhỡ rơi tòm xuống biển thì phí một đời trai. Sau biết không phải như thế, tôi mới dám đi hai hãng này. Mà hai cái hãng này bay không chậm mới là lạ, khi 2 giờ, khi 4 giờ, lại nghe nói gần đây VietJet còn tha hành khách đi Sài Gòn đáp xuống Nha Trang mới chết chứ. Nhưng chẳng hiểu sao chuyến bay hôm ấy cất cánh đúng giờ như vé đặt. Tôi nghĩ đây là điềm báo hiệu cho những điều tốt lành. Nhất định chúng tôi sẽ đón được Minh Hằng trở về.
11h45’, máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi tách làm hai đoàn. Trịnh Bá Phương nhập vào đoàn tôi thành 6 người.
Hạnh đã vào từ hôm trước để tiền trạm. Xuống sân bay, cô hẹn chúng tôi đến một địa điểm. Chúng tôi gọi 1 tắc xi 7 chỗ. Đến điểm hẹn, trông thấy Hạnh, cô quay ngoắt mặt đi. Chúng tôi hiểu ý, đi rải ra, người sau trông người trước đến một tòa nhà cao tầng. Bây giờ có cho kẹo, tôi cũng không thể tìm lại tòa nhà ấy. Hạnh dẫn mọi người đi thang cuốn qua ba tầng dịch vụ. Rồi cô chui vào thang máy, chúng tôi cũng chui vào thang máy. Lúc này, Hạnh mới bắt đầu nói:
-Đã bảo anh ở nhà cơ mà. Nghe nói anh đột tử mà vẫn cứ đi, em lo quá. Bây giờ, việc bảo vệ sức khỏe cho anh là nhiệm vụ hàng đầu.
Tôi dựng tóc gáy tưởng mình nghe nhầm. Mấy đứa nhanh nhảu:
-Đột quỵ chứ?
Hạnh xếp chúng tôi vào hai phòng, mỗi bên 3, còn cô một phòng riêng.
Ổn định chỗ ở xong, Hạnh kiểm tra điện thoại của từng người, xem đã thay sim chưa. Thấy tôi hai máy, một máy vẫn dùng sim cũ, cô tịch thu luôn. Xong Hạnh gọi cơm hộp cho mọi người ăn, cấm chúng tôi thò mặt ra ngoài phố. Còn ngủ nghỉ, tắm giặt, đi vệ sinh thì cứ việc, không phải xin phép.
2 giờ, tôi gọi điện cho vợ, thị bảo nó vẫn canh anh ạ. Tôi thắc mắc:
-Bọn anh ra máy bay, đi bao nhiêu người, là những ai, ở sân bay họ nắm được cả rồi chứ. Sao không báo về để cho đồng đội khỏi chầu chực?
-Ai mà biết được. Anh đi mà hỏi chúng nó ấy.
Rồi thị kể: Sáng nay, em vừa mở cửa cho con đi học thì một chiếc xe cảnh sát trờ đến. Một thằng nhảy xuống. Khi chỉ thấy hai mẹ con em, không thấy anh, nó mới sang đường, đến chỗ canh, còn chiếc xe cũng bỏ đi. À, còn tối qua thằng Phan chở anh đi, về tới cửa, chúng nó nhốn nháo cả lên nhưng cuối cùng thì không phải là ông Thụy. Vui đáo để.
Tôi tranh thủ nằm nghỉ, nghĩ không biết chương trình tiếp theo như thế nào, bao giờ thì đi Cao Lãnh nhưng hãi không dám hỏi sợ bị cho là nhờn với cán bộ. Mọi người tuyệt đối tin cậy vào tư lệnh tối cao lúc này là Hạnh.
Trưa hôm sau ăn cơm xong, Hạnh bảo mang hết hành lý đi, không quay lại nữa đâu nhá. Lần này, cô cho chúng tôi xuống thẳng tầng trệt, không phải đi thang cuốn nữa. Thì ra lúc lên, cô sợ có kẻ theo. Lại dặn ra đường, đi cách nhau 10 mét một, không được nói chuyện. Mọi người răm rắp tuân theo. Tới một ngã ba thì dừng lại chờ. Một chiếc xe trờ đến. Hạnh ra hiệu lên xe, chúng tôi lần lượt chui vào. Lúc này, tôi mới biết, xe là của anh em Sài Gòn bố trí sẵn.
Xe nhằm hướng Đồng Tháp lăn bánh. Lần đầu tiên, tôi đi sâu hơn vào các tỉnh miền Tây. Năm ngoái, trong phiên tòa phúc thẩm dẫn tới việc thả Nguyễn Phương Uyên, tôi mới chỉ tới Long An. Bây giờ, nỗi lo bị truy đuổi không còn nữa mà là nỗi lo bị vây bắt tại khách sạn, tại khu vực tòa án. Nhưng dù sao, chúng tôi đã vượt qua được một nửa.
Kỳ 3. Đường tới Cao Lãnh
Tạm gác mối lo trước mắt, chúng tôi ngồi trên xe nói chuyện vui để bớt đi sự căng thẳng đến nghẹt thở trong hai ngày qua. Mọi người kể cho nhau nghe những câu chuyện cười đứt ruột. Trần Bang làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ nhưng rất nhiệt tình. Những câu chuyện của anh khiến mọi người thích thú, tranh thủ bổ sung kiến thức địa lý, lịch sử một vùng đất xa xôi của Tổ quốc. Hạnh thì chuyên đề chuyện cười. Cái miệng có duyên cùng với tài ăn nói của một học sinh giỏi văn cũng là hoa khôi của Trường cấp 3 Cẩm Giàng, tỉnh Hải dương xưa làm câu chuyện thêm hấp dẫn. Mỗi lần đi đâu có Hạnh, mọi người đều yên tâm vì cô là người chu đáo, biết lo xa. Sự có mặt của thằng Hải trong chuyến đi này cũng là do Hạnh sắp đặt. Cô bắt nó đi là để trông coi tôi vì tôi vừa xuất viện.
Xe chạy trên con đường rộng, hai bên là ruộng đất phì nhiêu của Đồng bằng sông Cửu Long nhưng dân cư lại thưa thớt. Chỉ tiếc rằng, tiềm năng ấy cùng với sức lao động không được giải phóng khiến hiệu quả phục vụ con người bị hạn chế rất nhiều. Nếu nói về thiên nhiên, đất nước mình cũng đẹp chứ. Tạo hóa đâu có nhằm vào nước Việt để gây khó cho con cháu Lạc Hồng. Nhưng về kiến trúc, tại sao ta không có những công trình kỳ vĩ? Quanh đi quẩn lại chỉ tới mức như Khu quần thể cố đô Huế, Tháp Bình Sơn, Thành Nhà Hồ. Còn Hoàng Thành giờ chỉ là những nền móng, cung điện chỉ còn trong phim ảnh, trong tiểu thuyết dã sử. Cuộc sống vẫn chật vật khó khăn. Người ta không tránh khỏi mặc cảm khi nhìn ra các nước xung quanh. Phải chăng dân tộc mình kém cỏi? Phải chăng hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến xưa và độc tài nay đã làm cho dân tộc mình hèn yếu, không ngóc đầu lên nổi?
Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng đất phì nhiêu nhất của Đất Nước. Tôi chợt nhớ đến Chúa Nguyễn Hoàng, người có công khai khẩn đất hoang, mở rộng bờ cõi cho Tổ Quốc. Nếu không có các Chúa Nguyễn thì lúc này đây, chúng tôi đang là khách du lịch trên lãnh thổ của quốc gia khác. Tôi khe khẽ đọc mấy câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:
Ai đi về Bắc ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.
Kỳ 3: Đêm Cao Lãnh
Trên xe, ngoài những câu chuyện phiếm, chúng tôi chỉ bàn một việc là đêm nay nghỉ ở đâu. Có người nói nên tránh xa trung tâm Cao Lãnh mà dừng chân ở nơi nào đó cách vài chục km, sáng mai đi thẳng đến tòa án. Cũng có người cho rằng nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Tôi thì nghĩ chẳng nơi nào an toàn. Với chính sách quản lý hộ khẩu, quản lý khách sạn như hiện nay thì chúng tôi ở đâu, công an cũng phát hiện ra, trừ khi ngủ bờ ngủ bụi may ra thoát. Cuối cùng xác định đến thẳng Thành phố Cao Lãnh.
5 giờ 30’, tới thủ phủ của tỉnh Đồng Tháp.
Lòng vòng một hồi quanh phố sá, chúng tôi quyết định ở khách sạn Phương Ngân, 174 Hùng Vương, Phường 2. 9 người thuê 4 phòng. 4 phòng kể ra hơi tốn kém vì nhất định Hạnh phải có phòng riêng chứ không ở lẫn rồi căng chỉ được, cho dù là trên 2 người đi nữa. Ổn định chỗ ở rồi, mấy cậu trẻ mò xuống tầng trệt nghe ngóng, xong về thông báo có 3, 4 gương mặt khả nghi, cầm máy ảnh bấm tanh tách. Thì đã nói rồi mà, chẳng ở đâu mà không bị phát hiện. Phải nói, cái khoản rình mò dân, công an Việt Nam giỏi nhất thế giới.
Biết là chẳng còn yếu tố bí mật, mọi người quyết định đi ăn tự do từng tốp một, lang thang ngắm cảnh một thể.
Cao Lãnh là một thành phố nhỏ, chừng trên 100 km2 với 160 ngàn dân. Mật độ dân cư chỉ bằng 1/20 quận Hai Bà Trưng Hà Nội. Phố sá thưa người, vì vậy, sự xuất hiện của chúng tôi tại thành phố này khó có thể tránh được con mắt theo dõi của mật vụ.
Đang đi, thấy một cậu thanh niên lạ giơ máy ảnh lên “tách” một cái. Cùng lúc, Hạnh lăn đùng ra vỉa hè. Tôi tiến lại:
-Cậu đã làm gì cô ấy?
Cậu ta có vẻ hoảng sợ:
-Cháu có làm gì đâu, cháu chỉ chụp phong cảnh thôi mà.
Tôi nhìn vào tay cậu ta, đúng là máy ảnh du lịch thật chứ không phải là súng giảm thanh. Hạnh thều thào:
-Em vấp ngã đấy.
Vừa lúc hai người đi sau kịp chạy lên đỡ Hạnh dậy.
Tôi cảnh báo cậu thanh niên:
- Này, chụp người lạ phải xin phép nhé, không phải thích thì cứ dí máy vào mặt người ta mà chụp.
Ở đây quán ăn tìm cũng khó. Mãi rồi cũng phát hiện ra một quán cơm bình dân. Quán trống huếch hoác, phía sau, bên cạnh là hàng rào lưới B40 mắc đầy túi nilon, rác rưởi. Chuột nhởn nhơ chạy quanh phòng ăn, thỉnh thoảng dừng lại giương mắt nhìn khách lạ.
Vừa nhâm nhi chén rượu Gò Đen, chúng tôi vừa bàn đến tình huống có thể xảy ra trong ngày mai. Rằng sẽ đón Minh Hằng cùng Minh, Quỳnh về như thế nào. Chắc chúng không cho tụi mình đón từ trại giam mà chở thẳng về nhà. Khi ấy, chúng ta chia nhau về thẳng nơi cư trú của từng người một. Ai đón Hằng sẽ đến thẳng Vũng Tàu, chầu chực ở số nhà 106 Lê Hồng Phong… Rằng, chúng sẽ kết án cả 3, sẽ bắt đi một số người hăng hái nhất, khi ấy sẽ bố trí đòi người thế nào. Bàn chán thì tặc lưỡi, thôi muốn đến đâu thì đến. Trường hợp nào xảy ra đi chăng nữa thì việc chúng ta vào đến đây không phải là vô ích.
Trở về khách sạn, lễ tân yêu cầu bổ sung tên của những người trong đoàn (khi thuê phòng, họ chỉ giữ chứng minh nhân dân của người đại diện).
Tối vào mạng, được biết quân ta bị lùng sục khắp nơi. Một số đã bị khống chế:
Một nhóm 5 người gồm Hoàng Dũng, Trương Văn Dũng, Bùi Tiến Hưng, Nguyễn Nữ Phương Dung, Mai Phương Thảo bị bắt tại KS Phương Thảo (sau này mọi người kể chúng dựng lên vụ mất tiền để lấy cớ). Sau đó các bạn bị đưa về Công an Phường 2, Tp Sa Đéc. Như vậy, nhóm này theo phương án ém quân từ xa để đột nhập bất ngờ. Có lẽ đây là cao kiến của Trương Văn Dũng.
Một nhóm khác chỉ có 2 cô gái là Nguyễn Thị Ánh Ngân, Huỳnh Phương Ngọc đang bị khóa cửa tại 147 Hùng Vương, Phường 2 Cao Lãnh, tức là rất gần chúng tôi. CA đang vây kín bên ngoài. Với lực lượng chỉ có 2 liễu yếu mai gầy nhưng cũng táo tợn tác chiến theo phương án luồn sâu, đánh thẳng vào tung thâm.
Có nhóm thì vào khách sạn rồi, thấy động vội thoát ra, đang dặt dẹo lang thang trên các quán sá bình dân vì không biết vào đâu cho an toàn. Có người lẻn vào bệnh viện giả vờ thăm bệnh nhân rồi ngủ vạ vật trên ghế đá.
Tôi sang phòng Hạnh trao đổi về tình hình đang căng thẳng. Nói chuyện được vài phút thì trở về phòng mình.
Một lúc sau Hạnh sang. Cô bảo:
- Khi nãy anh sang, em lo quá. Em chỉ sợ chúng nó ập vào ném mấy bao cao su rồi bắt cả hai đứa. May mà anh quay ra ngay.
Tôi bảo Hạnh gọi tất cả anh em sang đây bàn chuyện. Mọi người sang đủ, tôi nói:
- Bây giờ không có ai hơn ai ở đây cả nhưng cũng phải có người đứng ra lấy ý kiến chung. Đêm nay khả năng công an bắt chúng ta tại khách sạn rất cao. Họ sẽ căn vặn, vậy ta phải thống nhất cách trả lời.
Người thì bảo không cần nói gì hết, người thì bảo cứ nói thẳng ra là chúng tôi đến tham gia phiên tòa công khai, ủng hộ Bùi Hằng, Nguyễn Văn Minh, Thúy Quỳnh.
Tôi nói:
- Nếu họ đến, động tác đầu tiên sẽ là kiểm tra giấy tờ tùy thân. Chúng ta nên hợp tác. Thế thôi. Ngoài ra hỏi đi đâu, làm gì, chúng ta không cần nói vì ngoài quyền hạn của họ. Chúng ta chẳng nói thì họ cũng biết là đến Cao Lãnh là vì phiên tòa xử Hằng - Minh - Quỳnh. Tuy nhiên ta không cần phải khai ra, không phải vì chúng ta sợ họ biết mà chúng ta tỏ thái độ trước việc lạm dụng công vụ của họ. Còn họ muốn bắt đi đâu thì cứ việc.
Mọi người nhất trí, ai về phòng nấy.
Tôi viết lên facebook:
Yêu cầu: Thả tất cả những người đi tham gia phiên tòa xử Bùi Hằng, Thúy Quỳnh, Văn Minh đã bị bắt ra và dừng ngay việc tiếp tục lùng sục bắt bớ, canh giữ.- Hãy làm việc một cách đàng hoàng, tôn trọng pháp luật.
Việc những người này không thể có mặt tham gia phiên tòa chỉ mang lại điều đáng xấu hổ cho chế độ.
Nhóm chúng tôi 9 người đang ở 1 khách sạn xin chia sẻ với những bạn đã bị bắt hay bị canh cửa, sẵn sàng đối mặt với những điều tồi tệ nhất nếu xảy ra.
Chừng 10 giờ đêm, chúng tôi chuẩn bị đi ngủ. Chợt có tiếng gõ cửa nhẹ. Tiến Sơn hỏi:
- Ai đấy!
Không có tiếng trả lời. Áp tai vào tường, không nghe bước chân đi. Chứng tỏ đi rất khẽ.
Tôi gọi điện cho các phòng thông báo tình hình và dặn không mở cửa, không lên tiếng khi không rõ người gõ cửa là ai. Nếu họ lên tiếng, nêu yêu cầu thì hãy mở và theo như những gì đã thống nhất. Mọi phòng báo về không thấy ai gõ. Một lúc sau, Hạnh báo lại, phòng em vừa bị gõ cửa nhưng em im lặng, rồi nó cũng bỏ đi.
Chuông điện thoại reo. Tôi vào một góc khuất trả lời phỏng vấn. Có như thế nào thì tôi nói vậy. Sau đó cũng chẳng nhớ là phóng viên của đài nào.
Như vậy, sự có mặt của chúng tôi tại đây không còn yếu tố bí mật. Nhưng tại sao nhóm Hoàng Dũng ở Sa Đéc hay nhóm Huỳnh Phương Ngọc gần đây bị chặn bắt còn nhóm chúng tôi thì không? Điều này chúng tôi mới vỡ vạc ra khi hôm sau bị bắt vào đồn công an phường Mỹ Phú. Lúc một cậu công an hỏi nghỉ ở khách sạn nào, một người nói ở khách sạn Phương Ngân. Mấy đứa bảo nhau, vậy là của sếp… rồi (tôi quên mất tên). Thì ra chúng tôi nghỉ đúng vào khách sạn của sếp công an. Thảo nào họ vẫn để cho chúng tôi yên. Chứ nếu rình rập, bắt bớ, dựng lên vụ mất tiền như ở Sa Đéc thì khách sạn này chỉ chuốc thêm tai tiếng mà thôi.
Trước khi đi Cao Lãnh, chúng tôi cũng đã xác định được, càng ở tỉnh lẻ, lối hành xử của công an càng tùy tiện, sự vô luật càng mang tính cát cứ. Vì sao chúng không bắt Bùi Hằng ở Hà Nội hay Sài Gòn mà lại rình bắt cô ở Đồng Tháp. Tuy nhiên, nếu lo sợ đến chuyện ấy, những người ủng hộ các bị cáo trong phiên tòa ngày mai sẽ không đổ về Cao Lãnh đông như vây.
Chúng tôi bảo nhau đi ngủ để còn đối mặt với những thử thách mới.
Kỳ 4: Thằng kia xuống thì tao mới lên
Sáng 26/9/2014, để lại tất cả tư trang tại khách sạn, mọi người đến khu vực tòa án bằng nhiều tốp. Đến gần tòa án thì chúng tôi bị chặn lại bởi một đám đông vừa sắc phục công an, vừa dân phòng vừa thường phục, nam nữ đủ cả, có người mang thêm băng đỏ. Họ bố trí người chặn từ khá xa. Thấy chúng tôi đến, rất nhiều cặp mắt lập tức dồn về phía chúng tôi. Ngoài chúng tôi, còn một số dân oan. Đứng một lúc thì họ bắt đầu xua chúng tôi đi.
-Tại sao chúng tôi không được đứng ở đây?
-Đây là khu vực bảo vệ.
-Cái gì chứng tỏ là khu vực bảo vệ? Bảo vệ cái gì? Biểm cấm không. Ba-ri-e cũng không. Tại sao xe cộ vẫn cứ đi mà lại cấm người đứng trên vỉa hè?
-Nhưng đây là lệnh trên.
-Lệnh gì tôi không biết. Không phải bất cứ ai cũng có thể dùng lệnh miệng bắt bất cứ ai làm theo ý của mình được. Đất nước phải có luật pháp.
Tôi chỉ vào đám không sắc phục, cả nam cả nữ:
-Sao các anh không đuổi những người kia trước đi. Họ đứng gần tòa hơn chúng tôi.
-Rồi chúng tôi sẽ bảo họ đi.
Đại khái cứ đôi co như thế. Chúng tôi vẫn đứng ỳ ra đấy. Biết rằng không thể dễ dàng đuổi chúng tôi vì vô lý, họ quay sang xua ba bà dân oan. Các bà thi nhau tố khổ. Có bà còn hát kể nỗi khổ mất nhà mất đất, lời dựa theo làn điệu cải lương, vừa hát vừa diễn đạt có vẻ rất nghề. Bị đuổi riết, các bà ngồi phệt xuống vỉa hè mang cơm ra ăn.
Tôi hỏi chuyện các bà, rằng các bác ở đâu, biết cô Hằng như thế nào. Mới được mấy câu, một bà mắng tôi xối xả:
-Các ông đè đầu cưỡi cổ, cướp bóc của dân, tay sai cho Tàu. Các ông ác vừa vừa thôi…
Bà xổ ra một tràng. Chưa bao giờ tôi bị mắng mà lại cảm thấy vui như thế. Hạnh giải thích, bác này không phải cán bộ của đảng đâu, bác chuyên bệnh vực và giúp dân oan đấy. Rồi cô quay sang tôi trêu: “Tại hôm nay anh diện quần áo đẹp để đón Minh Hằng nên các bác mới nhầm”.
Lúc sau thì công an mang xe đến, bắt tuốt ba bà đi. Tôi chạy theo kéo được một bà lại. Tôi bảo hai đứa con gái đang xốc nách bà:
-Bà này bằng tuổi mẹ tuổi bà các cháu, chác cháu làm gì phải biết lẽ phải, không được phép thô bạo như thế. Mà bà này từ nãy đến giờ có nói gì đâu.
Chúng nó nhả bác ấy ra. Rồi sau bắt lại hay không tôi không biết nữa.
Cánh bảo vệ phiên tòa lại đến yêu cầu chúng tôi ra khỏi khu vực mà chúng bảo là khu vực cấm. Hai bên lại nhì nhằng đôi co như trước. Chúng lại bỏ đi.
Tới khoảng 9 giờ 30 thì chúng tổ chức thành một đội quân nhằm hướng chúng tôi xông tới. Tôi biết chúng sẽ cưỡng chế về đồn.
-Chúng tôi mời các bác về đồn để cấp trên của chúng tôi nói chuyện.
-Yêu cầu cho biết lý do? Cấp trên của các anh muốn gặp thì bảo ra đây gặp chúng tôi.
Anh em chúng tôi lớn tiếng phản đối. Lời qua tiếng lại ầm ỹ.
Tôi nói:
-Thế này nhé, các anh bảo mời chúng tôi nhưng chúng tôi không có nhu cầu gặp cấp trên của các anh. Chúng tôi không chấp nhận lời mời ấy.
Chúng cứ xông vào chúng tôi để “mời”. Tôi nói to cho tất cả nghe thấy:
-Bây giờ phải xác định như thế này, nếu các anh mời, chúng tôi đã trả lời dứt khoát là không chấp nhận lời mời. Còn nếu các anh muốn bắt thì đưa lệnh đây, chúng tôi sẵn sàng cho các anh còng tay. Còn các anh mời không được, lệnh bắt không có mà cưỡng bức chúng tôi về đồn là hành vi vi phạm pháp luật. Các anh đủ cơ bắp phương tiện, vũ khí làm việc đó nhưng chúng tôi kịch liệt phản đối.
Trước những tiếng phản đối dồn dập, chúng không biết trả lời sao, cứ xông vào lôi chúng tôi đi. Bài của chúng là như thế. Việc bắt bớ là vô pháp nhưng chúng thích làm như thế. Mà vô lý thì phải dùng bạo lực Một tay tầm 65 tuổi xô đẩy chúng tôi hăng hái nhất. Tôi bảo hắn: Ông với tôi đều già rồi, làm gì cũng phải nghĩ đến để lại phúc đức cho con cháu.
Tôi trèo lên thùng xe đứng nhìn ra các phía nói lớn:
-Đây là hành vi bạo ngược của Công An Cao Lãnh. Là cái tát vào mặt chế độ. Một chế độ vô pháp. Nhân dân căm thù các anh.
Lê Dũng một tay cầm tờ báo công an cuộn lại, măng sét quay ra ngoài, đầu húi cua cũng đứng lên xe sắp xếp. Hắn chỉ vào một đứa:
-Thằng này xuống.
Hẳn là nó tưởng Lê Dũng là sếp ngoài Bộ vào, nhanh nhẹn chấp hành. Dũng lại chỉ tiếp:
-Thằng kia xuống.
Rồi chỉ vào Nguyễn Ngọc Lụa:
-Con kia lên.
Lụa đang đứng dưới đường, chỉ tay vào Lê Dũng:
-Thằng kia xuống thì tao mới lên.
Hạnh vội nói nhỏ với Lụa:
-Không phải quân nó đâu. Anh Lê Dũng đấy.
-Thế à chị. Em nghe nói đến anh Lê Dũng nhiều nhưng giờ mới biết. Không nghĩ gặp anh ấy trong hoàn cảnh thế này.
Nói rồi, cô trèo lên xe.
Sắp đặt xong, Lê Dũng cũng tự chọn cho mình một chỗ ngồi, chấp nhận để chúng bắt về đồn.
Tôi nhìn quanh, thấy quân ta còn lố nhố dưới lòng đường, liền bảo:
-Khoan, còn nhiều người lắm, điều thêm xe mới chở hết.
Rồi bảo mấy cậu thanh niên:
-Gọi hết mọi người về đây. Xa thì thì gọi điện.
Chắc chẳng phải vì tôi giục, bọn chúng điều thêm một chiếc xe nữa.
Chúng tôi ngồi ngất ngưởng trên hai xe ngắm phố, tiếng cười tiếng nói ríu rít.
Chúng đưa chúng tôi về đồn công an Phường Mỹ Phú, nhét vào một phòng. Kiểm quân được 11 người tất cả: tôi, Trần Bang, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Ngọc Lụa, Lê Dũng, Mai Xuân Dũng, Lai Tiến Sơn, Khởi Hoàng, Phạm Nam Hải, Dương Đại Triều Lâm, Trịnh Bá Phương.
Rồi thỉnh thoảng, chúng lại đổ về một đợt, chẳng biết bắt ở đâu, trong trường hợp nào. Quân chúng tôi bị bắt vào đồn dần đông lên. Vừa đổ thêm Nguyễn Thị Nhung (mẹ bé Uyên), Lê Hoàng, TimSim Tran, được một lúc thì đã thấy Hồ Nguyễn Nhật Thành, rồi Nguyễn Hoàng Vi. Hoàng Vi lặc lè cái bụng sắp sang tháng thứ 9 bước vào.
Gặp Nhung, tôi mới nhớ ra khi ở Hà Nội, bé Uyên bảo mẹ con đi, quên không mang theo laptop, bố liên lạc với mẹ con qua điện thoại nhé. Ý con là muốn tôi sắp xếp để cùng đi với mẹ cháu đến Cao Lãnh. Thế rồi cái vụ cấm điện thoại, chỉ được dùng sim rác làm tôi quên khuấy đi mất, cuối cùng vào đến đây anh em chúng tôi mới gặp nhau. Nhưng thế cũng vui. Lần đâu hai anh em tôi cùng bị bắt về đồn.
Thêm 2 đợt nữa đổ “tù binh xuống”. Hai đợt này gồm Lương Dân Lý, Phạm Nhật Thúy Phương, Trần Thị Ty (Hạnh Phúc Là Gì), Ngủ Chưa Say và 4 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là Bùi Thị Xuân (chị vợ tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Minh), Nguyễn Văn Mạnh, Lê Văn Phi, Trần Thị Thu.
Tổng cộng chúng đưa về đồn Phú Mỹ 24 người. Bốn người khác là Lã Việt Dũng, Minh Khang, Hoàng Bùi, Lâm Bùi, chúng bắt về rồi nhưng lại mang đi chỗ khác, không hiểu do đồn Mỹ Phú chật hay chúng phân loại đối tượng.
Gặp nhau trong đồn công an bao giờ cũng vui. Chẳng ai quan tâm đến chúng sẽ làm gì, thẩm vấn, đe dọa hay đánh đập, trông thấy nhau chỉ thấy cười rinh rich, chào hỏi nhau ríu rít.
Tôi mở máy bảng ra, lướt qua các trang mạng thấy số người bị bắt có tên lúc này đã lên tới 56. Số dân oan chắc còn nhiều hơn thế nữa.
Như vậy, số người đến Cao Lãnh với mục đích tham gia phiên tòa công khai đã bị công an Cao Lãnh bố ráp bắt gọn, nếu có sót ai thì cũng chỉ đếm trên một bàn tay.
Công an Việt Nam đã đàn áp, giải tán biểu tình, đám đông rất nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên, họ quyết tâm bắt gọn. Hoặc là xuất phát từ đầu óc cát cứ, Công an Cao Lãnh muốn chứng tỏ cho chúng tôi biết đây là Cao Lãnh chứ không phải Hà Nội hay Sài Gòn. Nhưng đâu chỉ Cao Lãnh hay những tỉnh lẻ mới làm càn làm bậy. Ngay thủ đô đầy rẫy những việc làm quái đản như bắt người đến thăm tù nhân mãn hạn đang bị quản chế vào đồn tra vấn như ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín, hay đánh vỡ đầu người biểu tình rồi vứt ra đường trước cổng trại Lộc Hà
Dù giải thích cách nào thì ai cũng phải thừa nhận: Luật pháp Việt Nam hiện nay là do Đảng CSVN sinh ra.
Tuy vậy, đảng CSVN vẫn không có đủ bản lĩnh để thi hành luật pháp do chính mình đặt ra. Họ có thể đổ cho tại cấp dưới hành xử bừa bãi. Nhưng họ "trăm tay nghìn mắt cơ mà". Phải chăng, luật pháp không thể đặt ra khắt khe hơn, để dưới con mắt toàn nhân loại, họ cũng có một Hiến pháp ghi nhận quyền con người. Nhưng loài người ngày càng cảnh giác. Họ nhìn vào việc làm chứ không nhìn vào lời nói.
5. Kỳ cuối: "Có cắn lưỡi tự tử ở đây cũng thế thôi"
Bây giờ thì không còn hy vọng đón Minh Hằng về được nữa, nhưng không vì thế mà chúng tôi chán nản. Mọi tình huống xảy ra đều đã được lường trước.
Chúng lùa tốp bị bắt đầu tiên vào phòng họp. Một đứa dáng khá cao to, còn trẻ, chừng 35 tuổi tuyên bố bắt đầu làm việc. Tôi bảo:
-Khoan đã, trước khi vào việc, yêu cầu anh cho biết anh là ai.
Nó rút ra một cái thẻ, chìa một mặt ra ngoài cho tôi xem. Tôi mới đọc được mấy chữ “ĐIỀU TRA HÌNH SỰ”, nó đã đút nhanh vào túi. Tôi nói luôn:
-Không, tôi cần biết danh tính, để anh có tránh nhiệm với việc làm của mình chứ cảnh sát điều tra hình sự hay gì đi nữa, với chúng tôi không quan trọng.
Nó lại rút ra một lần nữa, quay mặt kia cho tôi xem. Tên nó Hà Quốc Trung.
Có lẽ việc tôi hỏi giấy đến mấy lần làm cho nó khó chịu. Nó hùng hổ huyên thuyên một hồi, rặt giọng đe dọa. Nó nói câu nào, tôi phản bác câu ấy, giờ chẳng nhớ tôi với nó nói với nhau những gì. Tôi nói:
-Tôi yêu cầu anh phải có thái độ, lối xưng hô đúng mực khi làm việc với chúng tôi.
-Thái độ và xưng hô của tôi làm sao?
Nó xưng với tôi và mọi người là anh, tôi. Lúc này, tôi không biết nó bao nhiêu tuổi, lại trong mặt nó khá già nên chỉ bảo:
-Anh không được có thái độ trấn áp chúng tôi. Anh phải nói năng từ tốn. Chúng tôi đâu phải là người dễ để cho anh phủ đầu.
Hạnh bảo:
-Các anh lưu ý, bác này vừa mới ra viện. Nhỡ bác ấy bị làm sao trong đồng công an thì phiền phức.
Thằng Trung bảo:
-Chúng tôi chỉ làm việc theo bổn phận chứ không chịu trách nhiệm đối với sức khỏe của ai khi vào đây. Có cắn lưỡi tự tử cũng thế thôi.
Rồi nó lần lượt hỏi tên từng người, ở tỉnh thành nào, làm gì thế thôi. Còn mục đích, nó chỉ hỏi người đầu tiên là đến tham gia phiên tòa Bùi Thị Mình Hằng chứ gì, đến người khác nó không hỏi nữa.
Hỏi đến Mai Dũng, anh bảo:
-Chú sinh năm…
Nó nói:
-Anh xưng hô phải đúng mực, không có chú cháu ở đây.
Sau hỏi ra, tôi biết thằng này sinh năm 1981. Như vậy, con gái anh Dũng (lúc này cháu đang bị giam ở Sa Đéc) hơn nó đến 4 tuổi. Tức là nó anh tôi với chúng tôi là hỗn. Nếu là tôi/bác, tôi/ông thì ai nói nó.
Hỏi đến Nhung mẹ bé Uyên, Nhung bảo:
-Tôi nghe nói ở đây có cái mả ông cụ nào to lắm, được xếp di tích quốc gia, tôi đến xem sao lại bắt tôi về đây.
Mọi người cười ồ.
Việc hỏi danh tính diễn ra cũng nhanh chóng. Chỉ có thế rồi chúng nó để mặc chúng tôi ngồi đấy, có khi nó ngồi bàn luận chuyện chính trị xã hội với mọi người. Cách nhìn nhận của nó về xã hội như thế nào, chẳng cần phải kể lại thì ai cũng biết. Ai đi loanh quanh trong đồn thì cứ việc.
Tôi lang thang sang các phòng bên mới biết có những người chúng hỏi rất lâu, như Nguyễn Hồ Nhật Thành, Trịnh Bá Phương.
Khoảng 4 giờ chiều, hỏi xong Trịnh Bá Phương, chúng quay về phòng nơi chúng tôi đang ngồi, chỉ vào Lụa:
-Cô này đi.
Lụa phản ứng tức thì:
-Cô này là cô nào? Người phải có tên chứ?
Thằng gọi Lụa đi giở danh sách ra tìm, bảo:
-Lụa
Lụa vẫn không tha cho nó:
-Người phải có tên, có họ chứ.
Nó lại giở giấy ra lần nữa:
-Nguyễn Ngọc Lụa.
Lúc ấy, Lụa mới chịu đứng dậy đi theo nó.
Tôi bảo mọi người:
-Mọi người sang đi, xem chúng làm gì cô ấy.
Tôi đứng sát cửa sổ nhìn vào, nghe thấy Lụa đối đáp với tay thẩm vấn chan chát. Nhiều lúc chúng chẳng biết trả lời sao. Vì vậy, việc thẩm vấn Lụa khá nhanh.
Có lẽ đã chán vì vẫn tiếp tục gặm phải những khúc xương, chúng thả Lụa về. Lụa ra đến cửa vấp phải thằng Trung. Nghe thấy Lụa phản ứng nó chắn lối. Hai bên to tiếng với nhau. Thằng Trung không kiềm chế nổi, giơ tay tát rất mạnh vào tai phải Lụa liến mấy cái.
Tôi đứng ngoài hành lang chỉ tay vào hét lên:
-Thằng Trung. Thằng Hà Quốc Trung đánh người!
Anh em ở các phòng, ngoài sân cũng dồn hết đến. Hơn chục cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ canh chúng tôi chạy đến đẩy chúng tôi vào phòng. Tôi cự lại:
-Chúng mày muốn che đậy hành vi sai trái cho nhau, không muốn cho ai chứng kiến phải không?
Một thằng nói:
-Chúng tôi tôn trọng các bác, sao các bác lại gọi chúng tôi là thằng.
-Thế gọi là gì? Là ông đánh người à, ông đồng lõa à? Tất cả đứa nào phạm pháp, coi chúng tao là kẻ thù, chúng tao gọi bằng thằng hết.
Không khí lúc này tại đồn công an Mỹ Phú nóng lên như chảo rang. Thằng Trung vội chuồn ra ngoài sân. Tôi lại chỉ vào nó:
-Chính nó, chính thằng kia, thằng Hà Quốc Trung đánh cháu Lụa. Mày định trốn đi đâu?
Nó giơ hai bàn tay không ra để chứng tỏ nó không đánh ai:
-Tôi có làm gì đâu. Tôi chỉ giơ tay nhưng không động vào ai.
Lúc nó thanh minh, chối tội sao khác với lúc nó hùng hổ trấn áp, đánh người thế. Tôi tiếp tục hét to:
-Chính mắt tao trông thấy mày đánh cô ấy liên tiếp. Mày không thể chối tội. Nhân dân căm thù chúng mày.
Cuối cùng, chúng vẫn dồn được chúng tôi về phòng. Cảnh sát cơ động canh giữ chúng tôi hết sức gắt gao, sau lưng ai cũng có một đứa trông chừng. Chúng tôi yêu cầu phải cho người của chúng tôi sang chăm sóc Lụa. Chúng đồng ý nhưng chỉ cho một mình Hạnh đi. Một lúc sau, Hạnh lại hớt hải quay về báo tin Lụa chân tay co giật, sùi bọt mép. Chúng phải chở cô sang một trạm xá xã. Mọi người lo lắng ngóng tin.
Thằng Trung lại vào phân bua rằng nó không đánh Lụa. Đến khi Hạnh gọi điện về báo Lụa bị chảy máu tai phải, tôi phẫn nộ nói:
-Nghe thấy chưa? Không đánh mà cô ấy chảy máu tai à?
Thằng Trung mặt tái đi, không dám cãi nữa. Đúng là chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được rồi thì mặt vàng như nghệ.
Sau đó, nó chuồn đi đâu mất. Suốt mấy giờ còn lại, không ai nhìn thấy nó nữa.
Mãi 7 giờ, chúng tôi mới nhận được kết quả phiên tòa mà người ta gọi mỉa mai là "vụ án 2 xe máy đi hàng 3". Bùi Thị Minh Hằng 3 năm tù giam, Nguyễn Văn Minh 2 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh: 2 năm tù giam.
Trạm xá bất lực, lại phải chở Lụa về. Anh em ra xe cõng Lụa vào. Lụa được đặt lên bàn- chiếc bàn trong phòng họp. Chúng tôi xót xa nhìn Lụa đang nằm in không cử động. Trần Bang rút máy ảnh ra chụp Lụa đang nằm liền bị chúng giật lấy máy mang đi, sau khi xóa ảnh xong nó mới trả lại. Nó không muốn đưa hình ảnh Lụa đang nằm trong đồn lên mạng.
Mọi người đấu tranh đòi chúng chở đi bệnh viện. Giằng co nhau rất căng. Những người bị giữ ở các nơi khác đã dồn hết về đồn Phú Mỹ. Riêng nhóm bị bắt ở Sa Đéc gọi điện định đến nhưng tôi bảo thôi cứ về Sài Gòn trước.
Mãi rồi chúng cũng phải cho xe chở Lụa đến bệnh viện. Có 3 công an nữ và Hạnh đi theo Lụa.
Chúng tôi lên 2 xe đi theo. Lúc này, chúng tôi vẫn với danh nghĩa đang bị bắt nhưng chẳng thấy có đứa nào ra cản. Bọn chúng còn tâm trí đâu mà canh chúng tôi. Ngược lại, chúng muốn chúng tôi biến đi càng nhanh càng tốt là đằng khác. Cổng đồn để ngỏ đã từ lâu.
Tới bệnh viện Hữu Nghị Thành phố Cao Lãnh thì thấy Lụa vẫn nằm bất động trên giường. Nhìn quanh thì chỉ còn trơ lại Hạnh. Bọn chúng sau khi vứt Lụa vào bệnh viện đã bỏ chạy hết.
Công an đánh người xong rồi bỏ mặc nạn nhân, trốn tránh trách nhiệm, điều này tôi đã chứng kiến nhiều lần. Nó nói lên bản chất ác thú của lũ côn đồ nhưng khoác lên người bộ sắc phục gọi là công an nhân dân.
Bàn bạc mãi, không thể cắt cử được người ở lại trông nom Lụa, chúng tôi đành chở Lụa về bệnh viện ở Sài Gòn.
***
Tôi đã hoàn thành ghi chép về chuyến đi Cao Lãnh để tham gia phiên tòa xử 3 người anh em của chúng tôi. Có rất nhiều ghi chép của những người trong cuộc viết về sự kiện này. Ghi chép của tôi chỉ là một phần, về những gì tôi chứng kiến. Không ai tới được cổng tòa và đều bị bắt gọn nhưng cũng vì thế mà tiếng vang của phiên tòa càng lan tỏa. Giá như họ cứ để cho chúng tôi đến phiên tòa một cách tự nhiên như một phiên tòa công khai bình thường thì có điều gì để mà nói. Việc bố ráp chặn bắt xảy ra ở Cao Lãnh và khắp ba miền chỉ vì phiên tòa Bùi Thị Minh Hằng đã nói lên những điều ám muội, không đàng hoàng từ phía nhà cầm quyền. Nó còn tiếp thêm quang lượng cho Tinh thần Bùi Thị Minh Hằng tỏa sáng.
Nguyễn Tường Thụy
Theo FB Nguyễn Tường Thụy
0 Comments:
Post a Comment