Bộ trưởng Quốc phòng: ‘Mất chế độ thì biển đảo cũng mất’

Đôi lời: Mất đảng, mất chế độ, chưa chắc đã mất biển đảo, vì mất đảng này, mất chế độ này thì sẽ có đảng khác, chế độ khác thay thế. Chỉ có mất lòng dân, dẫn tới mất nước, thì nguy cơ mất biển đảo là cái chắc! Đất nước Việt Nam trải qua mấy ngàn năm, thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn… làm gì có Đảng Cộng sản, để bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ đất nước hả ông Thanh?

Ông Phùng Quang Thanh đưa cái Đảng Cộng sản lên đặt ngang hàng với đất nước này là ông quá lộng ngôn, ông cho rằng mất đảng thì sẽ mất chủ quyền biển đảo, là ông quá ngạo mạn! Đảng của ông chỉ có khoảng 4 triệu đảng viên, chưa tới 5% dân số. Đất nước này có hơn 90 triệu người dân trong nước, vài triệu dân ở hải ngoại. Ông không được phép mang cái đảng của ông ra đánh đồng với đất nước, với dân tộc Việt Nam.


Tin liên quan:
» Xem tiếp
“Nội bộ mất ổn định thì bên ngoài sẽ thừa cơ lật đổ chế độ. Mất Đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất”, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói.

Trong phần phát biểu dài gần một giờ tại buổi thảo luận tổ các đại biểu Quốc hội chiều 22/10, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã điểm lại nhiều vấn đề về tình hình an ninh quốc phòng.

Trong 5 năm vừa qua, trên biển có một số vụ việc phức tạp, như vụ cắt cáp 2011, giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014; trên đất liền có vụ Mường Nhé năm 2011…

Với mỗi vụ việc, Bộ Chính trị, Trung ương, lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ đều có chỉ đạo điều hành trực tiếp kịp thời. Riêng với giàn khoan Hải Dương 981, Bộ Chính trị đã họp 12 phiên 23 ngày để xử lý…

Dù nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức, song, theo tướng Thanh, chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế vẫn được bảo vệ tốt.

Hơn 30 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa không mất điểm nào. Ở khu vực thềm lục địa, 15 nhà giàn DK không những hoạt động bình thường mà còn được sửa chữa, nâng cấp, tăng tuổi thọ tới 40 năm.

Điều này đã tạo điều kiện cho hoạt động khai thác dầu khí, đánh bắt, khai thác của ngư dân diễn ra bình thường trong vùng 200 hải lý…

“Với nền kinh tế mở như Việt Nam, nếu trên biển xảy ra xung đột thì không tàu bè nào ra vào, trên không máy bay cũng không thể hoạt động, làm gì có hàng triệu khách du lịch vào như những năm vừa qua.

Ngoài biển bất ổn thì trong bờ cũng rất khó khăn”, Bộ trưởng Thanh cho hay.

Trong tình hình đó, lực lượng quân đội cũng có những chuyển biến. Dù quân số giảm hơn một vạn so với trước song lực lượng hải quân được tăng cường, đồn biên phòng tăng dày để bảo đảm cho biên giới trên bộ cũng như an ninh trên biển.

Các lực lượng đều được đầu tư tàu thuyền, vũ khí hiện đại, song song với giữ gìn tốt trang thiết bị cũ.

“Chúng ta chỉ bảo vệ đất nước, không bao giờ xâm lấn một ai nhưng cũng phải có thực lực, để cần thiết thì phải tự vệ, phòng thủ.

Nhìn lại mục tiêu bảo vệ đất nước đặt ra, tôi cho rằng, trong 5 năm qua chúng ta đã đạt được”, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói.

Nhắc lại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, chỉ cần “lệch lạc, đứng về một nước lớn nào quay lưng lại nước lớn khác sẽ gây phức tạp”.

Đặc biệt trong xử lý quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam cần làm sao hữu nghị với cả hai.

“Nếu quan hệ tốt với 2 nước thì chúng ta giữ được cân bằng, chủ động và độc lập.

Chúng ta không đi nước này để chống lại nước khác và cũng không không cho ai đặt căn cứ, không cho lợi dụng lãnh thổ để chống nước khác”, đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định.

Về tổng thể, để đảm bảo an ninh, quốc phòng, Bộ trưởng Thanh nhấn mạnh việc tăng cường đoàn kết, niềm tin; giảm đối đầu, tránh xung đột để giữ được trong ấm, ngoài êm.

Trong nước ổn định, Đảng, nhân dân đoàn kết thì không ai có thể can thiệp. Còn nếu để xảy ra điểm nóng, khủng bố và phải dùng công an, quân đội trấn áp thì bên ngoài sẽ lấy cớ để cô lập chính trị, chia rẽ nội bộ.

“Như vậy nội bộ mất ổn định, bên ngoài sẽ thừa cơ lật đổ chế độ. Mất đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất”, Bộ trưởng Quốc phòng nói.

Cảnh báo về nguy cơ an ninh, quốc phòng đến từ không gian mạng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, đây là lĩnh vực tác chiến mà Việt Nam hầu như chưa có gì, như “căn nhà bỏ trống”.

Mỗi ngày, các thế lực bên ngoài có thể xâm nhập vào mạng của Việt Nam để lấy tin tức, tài liệu mật nhưng chúng ta gần như không kiểm soát được.

“Nếu xảy ra chiến tranh, xung đột thì rất nguy hiểm. Bên ngoài có thể dùng tác chiến điện tử để khống chế toàn bộ đất nước, đánh sập hệ thống dữ liệu ngân hàng, điện lực, giao thông, hàng không…”, đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Trong khi đó, việc đầu tư vào lĩnh vực này rất tốn kém. Các cường quốc đều có bộ tư lệnh tác chiến mạng, lực lượng hàng nghìn người, hết sức tinh nhuệ.

“Chúng ta cần từng bước nghiên cứu, đầu tư nhân lực và có trang thiết bị để trước hết bảo vệ được bản thân mình. Khi cần, được lệnh mới tấn công đáp trả”, Bộ trưởng Quốc phòng nói.

Nguyễn Hưng
Soha News
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment