Các tin khác: |
Thời gian qua việc con ông này, cháu ông kia - Thái tử đảng, hạ giống đỏ, hậu duệ, được cơ cấu "ngồi tót" vào ghế này, ghế nọ trong bộ máy công quyền một cách đúng quy trình, khách quan, tín nhiệm, đã và đang làm dư luận dậy sóng, dân chúng bàn tán, kẻ đồng tình thì ít, người phản đối lại nhiều. Không phải cạnh tranh, không phải vận động tranh cử, cũng không cần thể hiện tài năng, nghiễm nhiên ngồi vào chiếc ghế đã được chuẩn bị trước. Mặc kệ thiên hạ nói gì thì nói. Ghế, do cha ta sắp đặt, ta cứ ngồi. Có người hỏi, sao bị dân phản đối mà không biết xấu hổ. Xin lỗi, xấu hổ, tự trọng và cả danh dự, nó đã là đức tính xa sỉ trong quan trường thời nay rồi.
Nếu công tác bổ nhiệm cán bộ trong thời gian vừa qua là dân chủ, là minh bạch, là công khai và chọn được người tài thì là điều đáng mừng cho đất nước. Nhân dân sẽ ủng hộ. Nhưng ở đây, khi mà hầu những người được đề bạt, bổ nhiệm điều có xuất thân thuộc thành phần 4C, 6C, 7C, 10C (4C - con cháu các cụ. 6C - Con cháu các cụ, chiếu cố. 7C - Con cháu các cụ, cần chiếu cố. 10C - Con cháu các cụ cả, chắc chắn còn chiếu cố). Một câu hỏi được đặt ra là, nếu không nhờ vào quyền lực gia đình liệu những người đó có được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng không? Rõ ràng sự bổ nhiệm trên là rất không bình thường. Và dân chúng nghi ngờ, phản đối cũng là điều dễ hiểu.
Trả lời phóng vấn báo Dân trí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: “Không nên cứ thấy bổ nhiệm lãnh đạo trẻ là nghi ngờ. Chúng ta phải có cái nhìn khách quan đối với các vị trí lãnh đạo mà người được bổ nhiệm còn trẻ tuổi” và khẳng định thêm "Khi đi kiểm tra, Bộ Nội vụ không xem họ là con ai, quan hệ thế nào. Ở đây chúng tôi xem công tác bổ nhiệm, lựa chọn cán bộ có đúng quy trình, chọn đúng người có năng lực hay không". Đúng là cách trả lời ngụy biện, lấp liếm, không thể thuyết phục được người nghe. Xin hỏi, các ông có dám công khai quá trình bổ nhiệm, công khai năng lực của những Thái tử Đảng kia cho người dân được biết không? Họ đã có những thành tích gì nổi bật để được cất nhắc như vậy?
Câu thành ngữ "há miệng mắc quai", dùng để chỉ hành vi né tránh, không dám nói cái sai, cái khuyết điểm của người khác vì sợ đụng chạm đến những cái sai, khuyết điểm của mình cũng đã phạm phải. Anh đưa con anh vào chức vụ này, chức vụ nọ thì tôi cũng làm được. Cho nên các vị lãnh đạo khi nói đến vấn đề bổ nhiệm là cứ lòng vòng, né tránh là vậy. Ví như, chuyện bổ nhiệm Giám đốc sở 30 tuổi ở Quảng Nam, dù dân phản đối, nhưng chính phủ đâu có lên tiếng, vì ngay cả bản thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sắp sếp ghế cho con mình thì còn sao nói được người khác. Cho nên không có gì lại khi đoàn kiểm tra đưa ra kết luật "làm đúng quy trình". Huề cả làng. Đúng là diễn kịch cho thiên hạ xem.
Thực ra thì trẻ hóa là rất tốt. Nhưng mà cái trẻ hóa như kiểu vậy không thể chấp nhận được. Không công bằng cho những người xuất thân từ các thành phần khác. Chưa thấy trường hợp con em thường dân nào mà ở tuổi đó được đề bạt giữ chức vụ tương đương như thế cả.
Một số kẻ nịnh đầm nói, muốn phát triển phải trẻ hóa lãnh đạo, tuổi trẻ tài cao, tín hiệu mừng cho đất nước, đừng soi vào lý lịch.... Lại có người đem cả ứng dụng sinh học ra chứng minh "gen lãnh đạo", cha là lãnh đạo, con ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng, hổ phụ sinh hổ tử, phát huy truyền thống gia đình... Lãnh đạo chứ có phải nghề gia truyền đâu mà truyền nghề? Trên Vietnamnet. vn có đăng bài, Giám đốc sở tuổi 30: Nhắc đến lý lịch làm gì - của độc giả Vũ Gia nào đó. Bài viết có trích dẫn câu nói của Khổng Tử "Tam thập nhi lập" và đưa cả những câu truyện ở trời Tây - Áo có bộ Trưởng ngoại giao 27 tuổi, Thụy Điển có bộ trưởng giáo dục 27 tuổi để so sánh với chuyện bổ nhiệm cán bộ trẻ ở nước ta. Đó là chuyện ở đất nước có nền dân chủ, báo chí và đảng phái đối lập luôn nhăm nhe bới lỗi đảng cầm quyền. Bổ nhiệm sai một nước là chết với họ, mà nếu đám đối lập còn không bới móc được gì thì rõ ràng bổ nhiệm đó hợp tình hợp lý, người trẻ tuổi có năng lực được sử dụng đúng chỗ thì quá tốt. Còn nước mình đã có dân chủ đâu mà so sánh, đánh đồng được. Sao lại không nhắc đến chủ nghĩa lý lịch, chính nó đã trù dập bao tài năng của đất nước, hủy hoại bao nhiêu con người, làm tan nát biết bao gia đình. Có thể đây bài viết theo chỉ đạo của ai đó nhằm định hướng du luận, nhưng rất tiếc nó lại có tác dụng ngược, càng làm cho thiên hạ chê cười vì thói ngụy biện, xảo ngôn.
Cũng không ít người hi vọng vào những người trẻ này và tin rằng họ sẽ thay đổi đất nước, làm tốt hơn cha ông họ. Nhưng liệu 5 năm, 10 năm sau họ có làm được như những gì đã được kỳ vọng? Hay đến lúc đó lại rút kinh nghiệm? Thiết nghĩ những con người đó, cũng không tạo được sự đột phá nào đáng kể, bởi chính bản thân họ không có được tự quyết, họ bị rằng buộc bởi tổ chức Đảng và bị chi phối bởi lợi ích của gia đình, của nhóm.
Lã Yên
Dân Luận
0 Comments:
Post a Comment