Trước quốc nạn, chúng ta phải làm gì, và làm thế nào?

Người biểu tình tập hợp tại thủ đô Hà Nội đánh dấu kỷ niệm 35 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung. (Ảnh chụp tháng 2, 2014)
Cùng tác giả
» Xem tiếp
Tình hình đất nước đang rất khẩn trương. Ai có lòng yêu nước và lương tâm trong sáng cũng lo âu về sự lạc hậu mọi mặt của đất nước. Cuộc sống của toàn dân không thể kéo dài, nghẹt thở, không có dân chủ tự do như hơn thế kỷ qua, như hiện nay.

Trên các mạng tự do đang vang lên câu hỏi, khi lãnh đạo đảng CS không nghe theo những ý kiến xây dựng của giới trí thức dân tộc, của tuổi trẻ, của những người CS kỳ cựu đã thức tỉnh, như cụ Nguyễn Khắc Mai, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, như nhà báo - nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Từ Huy (ở Pháp) đặt ra: Trước quốc nạn lớn, chúng ta phải làm gì và làm như thế nào ?

Anh Nguyễn Quang A đã sang châu Âu và Hoa Kỳ để trao đổi với anh chị em ở ngoài nước , gặp các anh Đoàn Viết Hoạt và nhiều anh chị em có tâm huyết với đất nước. Trong nước Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam ra mắt LT Tivi, các Hội Dân oan các địa phương tăng cường hoạt động, các tổ chức xã hội dân sự nhiều thêm, như Hội Nhà báo độc lập, Văn đoàn độc lập Việt Nam.

Tôi có một số ý kiến xin mạnh dạn trình bày như sau:

I- Chúng ta làm gì?

Chúng ta đang chung sức làm một cuộc cách mạng mới, dành cho toàn dân quyền sống trong dân chủ, tự do. Cuộc Cách mạng tháng Tám đã giành lại độc lập từ thực dân, đã có những bước khởi đầu đúng hướng, có Quốc hội đa nguyên một thời gian ngắn, có Hiến pháp với nhiều nội dung dân chủ, chính phủ Liên hiệp đa thành phần=...Cuộc cách mạng ấy đã bị phản bội khi lãnh đạo Đảng CS đưa đất nước vào quỹ đạo làm một quân "tốt đen" cho Quốc tế CS, cho 2 đảng CS Liên Xô và Trung Quốc. Tiếp theo là cuộc phản bội lớn ở Thành Đô năm 1990, ngay sau cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, đã chịu cam kết mật với phía TQ về nhiều nội dung tệ hại, chịu sự ràng buộc phụ thuộc bọn bành trướng về mọi lĩnh vực, thêm một cái gông nữa vào 4 cái gông đảng CS đã tròng vào cổ dân ta là chủ nghĩa Mác - Lênin, chế độ độc đảng toàn trị, chủ nghĩa xã hội mơ hồ và nền kinh tế chỉ huy lấy quốc doanh làm chủ đạo, bóp nghẹt tự do cạnh tranh của tư nhân.

Bộ Chính trị Đảng CS nhiều lần nói đến "đổi mới", "cải tiến", "thay đổi mô hình", "cải cách kinh tế và chính trị", "đổi mới đợt một đã xong, nay là đổi mới đợt hai", nhưng đó toàn là nói suông, kiểu mỵ dân, có thay chút ít nhưng không đổi, đổi mà không mới, cải tiến thành cải lùi - như ngành giáo dục - vẫn giữ nguyên chế độ toàn trị, ngành công an có nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho dân lại dùng côn đồ hành hung dân. Do đó cuộc cách mạng dân chủ càng trở nên bức thiết và cấp bách vì chế độ khinh thị dân, coi dân là cỏ rác, miệt thị trí thức, coi không bằng cục phân, đã quá dài, đến nỗi nhà văn Võ Thị Hảo phải la lên "hãy chôn vùi cái bẫy ấy (bộ máy toàn trị) xuống địa ngục!" .

II- Chúng ta làm cuộc cách mạng ấy như thế nào?

Cuộc cách mạng mới toàn dân đang thai nghén mang tính chất ôn hoà, bất bạo động, nhằm gỡ bỏ năm gông xiềng trên, nhưng mang bản chất rất gay go, quyết liệt đòi hỏi một ý chí kiên cường, tinh thần bền bỉ, một tình đoàn kết keo sơn thương yêu đùm bọc nhau của toàn dân, và nhiều khi phải hy sinh đến cả tính mạng. Ôn hoà, bất bạo động không có nghĩa là dễ dàng, nhẹ nhàng, dễ dãi.

Điều quan trọng là khắc phục tâm lý bi quan, nôn nóng, biết chờ đợi, tạo thời cơ, chớp thời cơ, đặt niềm tin vững chắc ở phương pháp bất bạo động, học kỹ những bài học về tổ chức các cuộc xuống đường đông đảo có trật tự kỷ luật, mà Thánh Gandhi ở Ấn Độ, ông Nelson Mandela ở Nam Phi, Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan, và nhóm trí thức Hiến chương 77 ở Tiệp đã hoàn thành trọn vẹn không đổ máu. Ngày nay, nhờ phương tiện truyền thông bén nhạy, Internet, điện thoại cầm tay, Facebook để tổ chức điều hành các cuộc xuống đường nhanh nhạy, chặt chẽ. Khi nhân dân đã quyết chí một lòng xuống đường đông đảo thì bao nhiêu công an, mật vụ trà trộn thâm nhập trong hàng ngũ, bao nhiêu côn đồ do công an điều hành cũng chỉ khoanh tay đứng nhìn hoặc đồng tình gia nhập.

Nội dung của cuộc cách mạng dân chủ là thay đổi chế độ chính trị từ toàn trị độc đoán sang dân chủ đa nguyên, với một hiến pháp mới, quốc hội mới do lá phiếu tự do của toàn dân bầu lên, một chính phủ gồm những nhân tài thật sự, vừa có tài năng, tâm huyết, trong sạch không vụ lợi, với ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp phân lập, có đường lối chính trị - kinh tế - ngoại giao - quốc phòng và văn hoá tiến bộ, hoà nhập với thế giới văn minh. Khởi đầu là kết thúc một chế độ già nua, cổ lỗ, tham nhũng và tàn ác với dân, xây dựng nền móng của một chế độ dân chủ thật sự.

III-. Những ai tham gia cuộc cách mạng này?

Mỗi công dân Việt Nam có lương tri bình thường, có lòng yêu nước truyền thống, bất cứ tuổi tác, nghề nghiệp, địa phương nào đều là một tiềm năng của cuộc cách mạng bất bạo động này. Cần xác định rõ trí thức phải đảm nhận vai trò hướng dẫn, cổ động phong trào cho đúng hướng, bén nhạy, liên kết cuộc đấu tranh trên tinh thần "tổng hợp", mọi tổ chức xã hội dân sự liên kết với mọi tổ chức chính trị đã và sẽ hình thành, trao đổi phối hợp trên tinh thần cố kết, bìh đẳng, ưu tiên huy động tuổi trẻ nam và nữ là mũi nhọn của cuộc đấu tranh, biết huy động khối lao động trong các cơ sở, công ty tư nhân, nước ngoài và quốc doanh (đã từng có những cuộc bãi công hàng vạn lao động ở Sài Gòn và Biên Hoà), rất coi trọng đồng bào nông dân bị mất đất hay cả vùng bị ô nhiễm (như đồng bào huyện Tuy Phong / Bình định đã ra đường đông đảo hàng chục vạn người do bị ô nhiễm vì bụi khói than từ nhà máy điện).

Cũng rất cần chú ý huy động bà con các tôn giáo đòi tự do thờ cúng, từ đạo Phật đến đạo Công giáo, Tin lành, đạo Cao Đài, Hoà Hảo...cùng phối hợp trong các cuộc đấu tranh rộng lớn (như ở Giáo phận Xã Đoài đã từng có cuộc đấu tranh hàng chục vạn giáo dân; lực lượng Công an đến định đàn áp phải đứng nhìn). Các đảng viên, đoàn viên CS giác ngộ dân tộc, phản tỉnh, nhất là các đảng viên lão thành, đảng viên cao cấp, đảng viên trí thức có uy tín tham gia sẽ làm tăng sức mạnh.

Lý tưởng và thuận lợi, êm đẹp nhất là Bộ Chính trị hiện nay cùng chung lòng nhận ra sai lầm trong quá khứ, đồng tình trả lại quyền tự do dân chủ cho toàn dân, như Hoàng đế Bảo Đại thoái vị tháng 8/1945, tự nguyện từ bỏ ngai vàng để làm công dân Vĩnh Thuỵ, trao trả quyền lực cho nhân dân, một quyền lực sau đó bị Đảng CS độc chiếm phi pháp. Thế nhưng xem ra Bộ Chính trị hiện nay không có cái dũng khí chủ động cùng toàn dân đi vào kỷ nguyên dân chủ. Họ đã mù quáng, không phục thiện, không nhận ra lẽ phải, không coi trọng nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân. Cho nên cuộc cách mạng dân chủ của toàn dân là tất yếu.

Khi đã có thời cơ, không cần chờ đợi phải có một chính đảng hay một nhân vật có uy tín đứng ra lãnh đạo mới phát động phong trào. Các tổ chức dân sự có thể hiệp thương lập ra nhóm lãnh đạo hoặc ủy ban chỉ đạo để lèo lái hay thương lượng với giới đương quyền.

Khi cùng một lúc, mấy ngày, một vài tuần lễ, huy động đồng thời, đồng loạt đông đảo bà con ta thuộc đủ các giới, các địa phương, các ngành...từ vài ngàn đến vài vạn thì hiệu quả tổng hợp chung lòng, chung ý chí sẽ nhân sức đấu tranh lên gấp bội, đưa đến kết quả không ngờ.

IV - Thời cơ đã đến?

Đây là vấn đề rất quan trọng. Bỏ qua thời cơ sẽ kéo dài cuộc đời nô lệ bất công đã quá dài. Đất nước lạc hậu về mọi mặt là nỗi nhục chung, không của riêng ai. Nhưng vội vã khi thời cơ chưa rõ cũng nguy hiểm. Tôi cho rằng hiện đã có nhiều thời cơ để chuẩn bị gấp lực lượng và bàn bạc kế hoạch phối hợp hành động, sẽ tạo nên thời cơ lớn để hành động dứt điểm.=

Các tổ chức xã hội dân sự đang trưởng thành và phát triển.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang bị nhận diện rõ ràng rằng đi đêm với bành trướng, đàn áp những công dân chống bành trướng rất ác liệt, không dám nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, không tưởng niệm và lo nghĩa trang cho các liệt sỹ chống quân bành trướng tàn bạo. Họ ngoài miệng có vẻ như có ý định Thoát Trung, xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, Liên Âu, Philippines, Ấn Độ... nhưng cuối cùng chỉ là động tác giả, Bộ Chính trị nuốt lời hứa giải quyết các vấn đề nhân quyền còn tồn tại, không trả tự do cho một tù nhân chinh trị nào khi họ đặc xá cho 18.000 tội phạm hình sự. Họ bỏ qua sự mời mọc của Hoa Kỳ tăng cường quan hệ chiến lược toàn diện ngày càng mật thiết, bỏ qua ý kiến của giới trí thức và nhiều đảng viên cao cấp, khinh thường nguyện vọng của nhân dân, mà hãng thăm dò quốc tế PEW cho biết là trên 80 phần trăm muốn kết thân với Hoa Kỳ, dưới 20 phần trăm với Trung Cộng. Thái độ giả dối, sai lầm như vậy khiêu khích thô bạo nhân dân ta, tự phơi trần bộ mặt giả dối, phản trắc, nhân dân VN không thể bỏ qua.

Đại hội XII sắp đến cũng tạo nên một cơ hội không nhỏ. Lãnh đạo buộc phải đưa ra công khai Bản dự thảo Báo cáo Chính trị và mời toàn dân góp ý. Đây là dịp tạo nên một cuộc phản biện sâu rộng mạnh mẽ, nói “không” với chủ nghĩa Mác - Lênin, “không” với tên gọi Đảng CS xấu xa, “không” với chế độ một đảng toàn trị tệ hại, “không” với chính sách coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo, bóp nghẹt nền kinh tế tư nhân là bệ phóng của một xã hội phồn vinh.

Tôi cho rằng cuối năm 2015 là những tháng chuẩn bị gấp, vì tình hình đã gần chín, bộ phận thức tỉnh trong đồng bào ta đang tăng khá nhanh, bộ phận tiên phong trong tuổi trẻ và phụ nữ cũng có khí thế khác trước, lãnh đạo Đảng CS chia rẽ mất uy tín nặng nề.

Năm 2016, trước và sau Đại hội đảng XII là dịp đảng bộc lộ rõ đường lối giáo điều cổ lỗ, xa rời nhân dân, quay lưng với sự thật và lẽ phải, khinh thường quần chúng, dứt tình với thế giới dân chủ văn minh của thời đại, làm cho trách nhiệm cứu nước của mọi công dân yêu nước càng thêm khẩn trương, việc huy động mọi tầng lớp nhân dân - trí thức, nông dân, lao động, sinh viên, học sinh, nhà kinh doanh tư nhân, đồng bào các tôn giáo, các dân tộc... sẽ thuận lợi hơn. Lúc đó có thể lòng dân sẽ sôi sục lên đòi hỏi thay đổi lớn thật sự, không thể thay mà không đổi, cải tiến mà cải lùi như hiện nay, cuộc cách mạng sẽ chín trong lòng toàn dân, biến thành dũng khí xuống đường.

Rất mong những suy tư, góp ý của một cựu đảng viên CS, nay là nhà báo tự do sắp tròn 90 tuổi, sẽ là chút cống hiến nhỏ bé cho cuộc cách mạng dân chủ đang độ chín tới hoàn toàn.

Bùi Tín
Theo VOA
Bùi Tín

Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment