Công tác giáo dục ở vùng cao còn nhiều khó khăn

"...Cuộc sống của các cháu trên đó là hết sức khó khăn, mặc dù đã được ưu ái hơn ở vùng xuôi khá nhiều, các cháu được nhà nước nuôi, song chỉ ở mức độ ăn chống đói thôi, chứ không ở mức đầy đủ. » Ông Vũ Thắng..."

Trẻ Em vùng cao theo mẹ đi bán măng rừng.


Các tin khác
» Xem tiếp
Chính sách của chính phủ Hà Nội được nói chú trọng nhiều đến công tác giáo dục tại các vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng cao. Mục đích giúp người dân tại những nơi đó có cơ hội học tập trong điều kiện khó khăn. Công tác giáo dục ở vùng cao hiện nay ra sao và nhà nước đã giải quyết các khó khăn đến đâu?

Cơ sở vật chất tạm bợ, sơ sài

Do đặc thù của các khu vực vùng cao, hẻo lánh là nơi đa số các dân tộc ít người, sống rải rác. Việc đi lại từ các xóm về trung tâm xã rất xa và hết sức khó khăn, nên việc học hành của học sinh khu vực vùng cao gặp rất nhiều trở ngại.

Ông Vũ Thắng, một nhà hoạt động xã hội ở Hà nội, người đã nhiều lần làm từ thiện cho các trường học ở vùng cao Tây bắc, cho chúng tôi biết nhận xét của ông về việc học tập và cuộc sống của các học sinh vùng cao. Ông nói:

“Cuộc sống của các cháu trên đó là hết sức khó khăn, mặc dù đã được ưu ái hơn ở vùng xuôi khá nhiều, các cháu được nhà nước nuôi, song chỉ ở mức độ ăn chống đói thôi, chứ không ở mức đầy đủ. Vấn đề trường sở hiện nay thì đã được quan tâm, như thế theo tôi là được, nhưng đó chỉ là các trường ở trung tâm xã. Còn các trường nhánh ở các bản xa thì vô cùng vất vả.”

Ở các phân trường, điều kiện cơ sở vật chất rất tạm bợ và sơ sài, lớp học mùa mưa thì dột, mùa đông thì rét. Điều kiện sống của các thầy cô giáo trong hoàn cảnh không có điện và rất thiếu nước sinh hoạt. Cô giáo Thúy, ở phân trường Lũng cải, trường tiểu học Hồng Nam, bản Nà Tổng, xã Phong Nậm, huyện Trùng Khánh, TP. Cao Bằng cho biết:

“Dân ở đây rất thương yêu các thầy cô giáo và các em ở đây cũng rất hiếu học. Thế nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều khó khăn, đó là học sinh chưa thông thạo tiếng phổ thông, cho nên khi dạy chúng tôi nhiều lúc phải dùng 2 thứ tiếng để cho các em hiểu được ý mình muốn nói. Còn về cơ sở vật chất và sách học cho các em thì hoàn toàn thiếu thốn và ở đây thì rất thiếu nước, tắm giặt không được thoải mái, thậm chí giặt quần áo không dám dùng xà phòng.”

Trẻ em người dân tộc H'mong bán hàng lưu niệm.
Theo báo Dân trí ngày 12/10/2014 cho biết, cuộc sống của các giáo viên cắm tại buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk là điểm khó khăn nhất, cách xa điểm trường chính hơn 30km đường bộ. Bốn giáo viên trú ngụ, trong một túp lều tranh xập xệ khoảng 20m2, có 2 cái sạp tre tạm bợ được dùng làm giường sinh hoạt. Mỗi khi trời mưa, nước mưa dột từ nóc nhà đã khiến sách vở, áo quần, đồ đạc thường bị ướt sũng. Không chỉ thế, các giáo viên phải chấp nhận cuộc sống không ánh điện, soạn bài bên ngọn đèn dầu leo lét. Và ở đây không quán sá, chợ búa… khiến cuộc sống của các giáo viên cắm bản phần lớn phải “tự cung, tự cấp”. Gạo, cá khô, mì tôm… luôn được dùng cho những bữa ăn. Được biết, đã có 6 giáo viên ở trường này “đầu hàng” xin thôi dạy vì “không chịu nổi” sự gian khó.

Ở vùng cao, đa số người dân không quan tâm đến việc học chữ, vì thế muốn học sinh đến trường thì các thầy cô giáo phải đi tới các buôn làng để vận động học sinh đi học. Thầy Nghĩa ở trường tiểu học xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết:

“Học sinh ở đây ở rất xa nên anh em giáo viên chúng tôi phải đi về các buôn để kêu gọi, vận động học sinh đến trường. Trong quá trình vận động cũng gặp không ít khó khăn, như việc học sinh lớn tuổi hay cấp trung học cơ sở khi các em đã phụ giúp được gia đình. Khi vào đến nơi nhưng các em đang đi làm việc trên rẫy thì mình phải chờ đến đêm khi các em đã về nhà thì mình thông báo để các em đến học.”

Ai đi học thì được cấp gạo

Nói về sự hỗ trợ của nhà nước đối với vấn đề giáo dục ở vùng cao, ông Vũ Thắng cho biết, học sinh vùng cao trong các trường bán trú hoặc có hoàn cảnh khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ 15 kg gạo/tháng trong suốt chín tháng đi học, cùng với học bổng 140.000đ/tháng. Ông nhận xét:

“Đối với học sinh vùng cao, nhà nước cũng có các chế độ chính sách để ưu tiên, nhất là các khu vực khó khăn. Nhà nước đã nuôi học sinh và học sinh có đến trường thì mới có ăn, chứ ở nhà thì có lẽ sẽ đói. Nhà nước có chính sách cấp gạo cho học sinh, ai đi học thì được cấp, ai không đi học thì không được cấp. Chính vì thế mới thu hút được trẻ em đến trường, còn nếu không chúng sẽ không đi học.”

  Đối với học sinh vùng cao, nhà nước cũng có các chế độ chính sách để ưu tiên, nhất là các khu vực khó khăn. Nhà nước đã nuôi học sinh và học sinh có đến trường thì mới có ăn, chứ ở nhà thì có lẽ sẽ đói.

-Ông Vũ Thắng
Khi được hỏi về vai trò quản lý nhà nước trong việc phát triển giáo dục ở vùng cao cho các đối tượng là người dân tộc. Một cán bộ thuộc Phòng Chính sách Xã hội, Vụ Chính sách, Ủy ban Dân tộc Trung ương, yêu cầu dấu danh tính, cho rằng vấn đề giáo dục ở vùng cao là một công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng để tiến tới sự bình đẳng giữa các vùng miền. Ông nói:

“Đến nay, nhà nước đã hết sức tạo điều kiện để hỗ trợ xây dựng các điểm trường để đảm bảo việc học tập cho các cháu ở vùng cao. Tuy vậy với nguồn kinh phí của nhà nước còn hạn hẹp, do đó ở các cấp chúng tôi đã vận động để nhân dân đóng góp một phần kinh phí để xây dựng tạm thời các lớp học để cho các cháu được theo học.”

Do điều kiện hầu hết các học sinh sống rất xa trường, phải đi bộ trèo đèo lội suối cả nửa ngày mới đến được trường, nên nhà nước có tổ chức các trường bán trú cho học sinh vùng cao. Thầy Vũ Ngọc Hải, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Mản Thẩn, Si Ma Cai, Lào Cai cho biết:

“Ban quản lý nội trú chúng tôi cũng cố gắng hết sức, nếu có điều kiện thì chúng tôi cũng cố gắng mua thực phẩm từ dưới kia lên cho rẻ hơn để làm sao đảm bảo bữa ăn của các em là tốt nhất. Còn chuyện ngủ nghỉ thì do cơ sở vật chất còn quá thiếu thốn, thiếu phòng ở nên chúng tôi cố gắng bố trí sao cho nó hài hòa nhất.”

Do điều kiện học sinh ít, nên việc dạy ghép cho nhiều học sinh với các bậc học khác nhau trong cùng một lớp là điều khá phổ biến. Cô giáo Nhàn, phân trường Môn Sơn 3, trường Tiểu học Cơ sở xã Môn sơn, Huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An cho biết:

“Các cái trình độ này rất chênh lệch nên đòi hỏi người giáo viên phải có nhiệt tình. Chính vì thế ở các lớp khác của bạn tôi thì ra chơi, còn tôi thì ít khi được ra chơi, bởi vì có khi lớp 5 thì ra chơi nhưng lớp 1 thì phải ngồi lại để cô giáo cầm tay để dạy viết.”

Giáo dục được xem là chìa khóa để miền núi tiến kịp miền xuôi. Tuy vậy việc mang cái chữ lên cho vùng cao vẫn cần phải có sự nỗ lực nhiều hơn của nhà nước, cũng như sự góp sức của toàn xã hội.

Anh Vũ
phóng viên RFA
Theo RFA
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment