Ý kiến về các tổ chức phi chính phủ của Đảng

Ngày nào các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu còn chiếm thế độc tôn, ngày đó sức mạnh của người dân còn rã rời và nguyện vọng của họ tiếp tục bị phớt lờ.

Huỳnh Thục Vy cho rằng cần thực hiện nhiều phương cách đấu tranh khác nhau cùng lúc
Cùng tác giả
» Xem tiếp
Những người đấu tranh xưa nay vẫn có thói quen tập chú vào các vi phạm nhân quyền, sự tàn bạo và "tính đảng" của lực lượng công an vì họ là "thanh gươm bảo vệ chế độ", là lực lượng trực tiếp nhận trách nhiệm đàn áp các phong trào đối kháng.

Điều này tất nhiên không sai! Thế nhưng, chúng ta cần nhìn nhận những trấn áp mà mình gánh nhận từ phía lực lượng an ninh như là một bộ phận của một tổng thể bộ máy đàn áp. Là một hệ thống chính trị độc tài nhưng xảo quyệt, chính quyền hiện nay duy trì quyền lực không chỉ dựa trên sự áp đảo về sức mạnh vũ lực đối với người dân yếu đuối;mà còn dựa vào sự hùng hậu của hệ thống triển khai quyền lực mềm, đó là các tổ chức phi chính phủ của Đảng (tên gọi trong tiếng Anh là GONGO).

Vì nếu chỉ với súng và nhà tù, họ chỉ khiến cho người dân khiếp sợ chứ không thể tước bỏ được sức mạnh người dân.

Nếu các phương tiện truyền thông báo chí quốc doanh được xây dựng nhằm định hướng tư tưởng và tình cảm của người dân, góp phần quan trọng cho chính sách bịt tai bịt mắt, giữ cho đa số quần chúng ở trong trạng thái đồng tình thụ động; thì các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu do chính quyền lập ra mang sứ mạng tước đoạt không gian dân sự, độc chiếm nguồn hỗ trợ tài chính và nhân lực từ quốc tế, kiểm

Ngày càng có thêm nhiều người dân biểu đạt ý kiến giống như người thanh niên trong hình cầm giấy phản đối Bộ Giáo dục, Đào tạo

'Những con cừu yếu đuối'

Hoạt động của các tổ chức giả hiệu này mới thực sự biến người dân thành những con cừu yếu đuối. Sợ hãi khiến người ta dè dặt phần nào, nhưng yếu đuối mới khiến người ta bất động.

Trong khi các nhà hoạt động Việt Nam nhận thức rõ tác hại của bộ máy truyền thông quốc doanh dối trá và không ngừng nỗ lực xây dựng mảng truyền thông công dân độc lập với sự hỗ trợ của mạng toàn cầu; thì chúng ta lại chưa chú tâm thích đáng vào hệ thống xã hội dân sự giả hiệu của chính quyền cộng sản.

Chúng ta thừa biết tầm quan trọng của xã hội dân sự thực sự trong công cuộc trang bị kiến thức và kỹ năng, và tạo dựng thế lực cho người dân nhằm kiến tạo nền tảng vững bền cho một xã hội dân chủ trong tương lai. Thế nhưng, chúng ta lại quên mất tác hại tương đương của xã hội dân sự giả hiệu: chúng cho phép sự kéo dài dai dẳng của chế độ độc tài và phá hoại mọi nỗ lực tranh đấu cho tự do dân chủ vì sứ mạng hoạt động của chúng đi ngược hoàn toàn với xã hội dân sự thực sự.

Ngày nào các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu còn chiếm thế độc tôn và thực hiện công tác 'ngoại vận' và 'dân vận' một cách hữu hiệu, ngày đó các nguồn lực quần chúng chưa thể được tập trung, sức mạnh của người dân còn rã rời, ý chí người dân còn yếu ớt và do đó nguyện vọng của họ tiếp tục bị phớt lờ.

Là người Việt Nam, chúng ta không lạ gì từ 'đoàn thể' (hay các 'tổ chức nhân dân'), đó là từ thường được dùng trong hệ thống chính quyền để chỉ các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu và hệ thống các tổ chức chân rết địa phương của họ. Chính các 'đoàn thể' này, chứ không phải công an hay hệ thống hành chính, có liên hệ gần gũi, tác động thường xuyên và theo dõi chặt chẽ đời sống của người dân nhất, từ nông thôn đến thành thị, từ miền biển đến miền núi.

Thỉnh thoảng chúng ta mới phải có công việc liên quan đến công an hay chính quyền địa phương (ủy ban nhân dân xã phường...) nhưng có gia đình Việt Nam nào không phải nhiều lần tiếp xúc với các 'đoàn thể' trong cuộc sống thường ngày, từ Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản...?

Các thành viên xã hội dân sự góp phần thúc đẩy tiếng nói của người dân trong các cuộc xuống đường

'Rada cảnh báo'

Đừng nghĩ chỉ có đài báo mới nhận nhiệm vụ tuyên truyền, các 'đoàn thể' chính là những cái loa di động tuyên truyền chính sách của đảng cộng sản bên tai người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và miền núi. Trong các công tác trợ giúp nhân đạo cho người dân (thực tế nguồn hỗ trợ này phần lớn đến từ quốc tế và các “đoàn thể” này chỉ đóng vai trò trung gian), các 'đoàn thể' này không bao giờ quên nhắc đến “công ơn của Đảng và Nhà nước”.

Hãy nghĩ xem, trong cơn khó khăn hiểm nghèo, nếu có người cho bạn biết ai đang giúp bạn thì bạn có mang ơn người đó suốt đời không?! Vì tiếp xúc thường xuyên với người dân và hiểu biết cặn kẽ tâm tư nguyện vọng của họ trong đời sống thường nhật, các 'đoàn thể' này cũng làm nhiệm vụ như các rada cảnh báo nếu có tác nhân lạ đột nhập vào vùng ảnh hưởng của họ trước cả lực lượng an ninh.

Nếu Mặt trận Tổ quốc là tổ chức công cụ của Đảng Cộng sản thường được nhắc đến trong công tác dân vận thì Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn xã hội dân sự quốc tế, đặc biệt là khu vực Asean.

  Nếu công tác ngoại vận của các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu không quan trọng, chính quyền Việt Nam đã không xây dựng mạng lưới xã hội dân sự giả hiệu tốn nhiều tiền của này.
Một bản tin ngắn bằng tiếng Anh trên trang Vietnam Breaking News hướng đến độc giả ngoại quốc, đã nhắc đến vai trò quan trọng của VUFO (tên viết tắt của 'Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam', một siêu tổ chức xã hội dân sự giả hiệu) trong công tác 'ngoại giao công dân' (public diplomacy) và thành tích xuất sắc của tổ chức này trong việc thực hiện các chính sách của Đảng Cộng sản.

Nhưng không phải nhà hoạt động nào của chúng ta cũng biết đến VUFO và hoạt động của nó. Không biết chính quyền và các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu của họ làm gì ở bên ngoài Việt Nam để tìm cách đối phó thì xã hội dân sự độc lập và người dân Việt Nam không thể làm suy suyển hệ thống quyền lực này chút nào.

Các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu ra đời vì mục tiêu thực hiện các chính sách và bảo vệ quyền lợi của đảng cầm quyền. Chính nhờ các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu này, mà bên cạnh ngoại giao chính thức, chính quyền Cộng sản nắm cả ngoại giao công dân (vốn thuộc về xã hội dân sự và là mảng “quốc tế vận” của người dân). Những người chưa có kinh nghiệm vận động quốc tế sẽ khó cảm nhận được tầm quan trọng của hoạt động 'ngoại giao công dân' này.

Vì vậy, bao nhiêu năm qua, xã hội dân sự quốc tế vẫn chỉ làm việc với chính quyền Việt Nam và các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu của họ, mặc dù thừa biết tính chất giả hiệu của các tổ chức tự xưng xã hội dân sự này.

Vì dù sao liên kết với chính quyền và các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu thì xã hội dân sự quốc tế vẫn có thể thực hiện được các sứ mạng của mình một cách tối thiểu, có còn hơn không. Những tổ chức xã hội dân sự độc lập còn non trẻ của chúng ta muốn tiếp tục quanh quẩn trong các hội họp và tranh luận nội bộ hay vươn ra kết nối với quốc tế và nhận được sự ủng hộ họ, trước hết phải bắt nguồn từ sự nhận thức được tầm quan trọng của ngoại giao công dân và tác hại to lớn của các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu.

Tôi không lý luận nhiều về điều này vì nếu công tác ngoại vận của các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu không quan trọng thì chính quyền Việt Nam đã không xây dựng mạng lưới xã hội dân sự giả hiệu tốn nhiều tiền của này. Dù muốn hay không, chúng ta cần chấp nhận rằng những người cầm quyền độc tài hiện tại có kinh nghiệm và kiến thức ngoại vận và dân vận hơn chúng ta nhiều. Biết được khiếm khuyết của mình là khởi đầu cho sự tự hoàn thiện.

Tại sao chúng ta không ngại trực diện với lực lượng an ninh và tìm cách tố cáo tội ác của họ trước công luận; mà lại không trực diện với và tố cáo các trò lừa đảo của các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu tại các diễn đàn xã hội dân sự quốc tế và khu vực? Tại sao chúng ta có thể hăng hái gặp gỡ các phái bộ ngoại giao phương Tây tại Việt Nam và các chính khách phương Tây trong những cuộc gặp hiếm hoi; mà lại không tạo mối liên kết thường xuyên với các tổ chức xã hội dân sự quốc tế và khu vực Asean?

Về thực tế, các tổ chức xã hội dân sự quốc tế và khu vực này có tiếng nói quan trọng trong tiến trình hình thành chính sách của chính phủ nước họ: xã hội dân sự vận động các dân biểu, rồi các dân biểu mới áp lực hành pháp. Tại sao chúng ta có thể nói chuyện với các nghị sĩ phương Tây mà không nói chuyện trước với các NGOs, CSOs phương Tây để câu chuyện của mình thêm trọng lượng và có sức áp lực?

Một số nhà hoạt động như ông Nguyễn Quang A thường bị chính quyền làm khó khi xuất cảnh tham gia các sự kiện xã hội dân sự quốc tế

Giành lại không gian cho xã hội dân sự thực sự

Tôi không hạ thấp tầm quan trọng của bất cứ phương pháp đấu tranh nào, chỉ xin đề nghị một cách thức khác với những cái chúng ta đã và đang làm, mà không kém phần cần thiết và cấp bách. Tại sao chúng ta không thực hiện nhiều phương cách đấu tranh khác nhau cùng lúc để tác động đến nhiều bộ phận trong hệ thống quyền lực độc tài?

Xin hãy bắt đầu bằng việc nỗ lực giành lại không gian cho xã hội dân sự thực sự ngay tại Hội nghị xã hội dân sự Asean/ Diễn đàn Người dân Asean (ACSC/APF) và giành cơ hội kết nối với các bạn bè xã hội dân sự Asean. Kết nối để làm gì ư?

Xin hãy kết nối đi rồi quý vị sẽ biết việc này hữu ích thế nào, nó vượt ra ngoài mọi lý luận mang tính lý thuyết của chúng ta. ACSC/APF có những liên kết và hoạt động thường xuyên qua internet ngoài những cuộc họp offline. Hãy nói chuyện với họ để tố cáo với bạn bè khu vực về hiện trạng Việt Nam qua những trao đổi thường xuyên.

Các tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam cần hình thành cơ cấu ngoại vận của mình, ngoài bộ phận dân vận trực diện với quần chúng và lực lượng đàn áp. Chúng ta bị cấm xuất cảnh nên không thể trực tiếp ra nước ngoài tham dự các hội nghị, diễn đàn; nhưng Nhà nước không ngăn được chúng ta tham dự từ xa qua internet, gởi các hình ảnh và thông điệp của mình cho bạn bè Asean; hoặc các đại diện xã hội dân sự khu vực sẽ đến gặp các đại diện xã hội dân sự độc lập ngay tại Việt Nam với những buổi họp bí mật và an toàn.

Chúng ta hãy thử đấu tranh với chính quyền Cộng sản bên ngoài biên giới Việt Nam, trước sự giám sát của bạn bè quốc tế. Và tôi tin là điều này sẽ góp phần hiệu quả cho cuộc đấu tranh chung của chúng ta.

Là người đã được trợ giúp để kết nối với bàn bè xã hội dân sự Asean để gióng lên tiếng nói của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, tôi sẽ giúp các tổ chức xã hội dân sự độc lập khác kết nối với họ trong những ngày sắp tới. Phần còn lại là công việc của quý vị.

Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà hoạt động đang sinh sống và làm việc ở Buôn Hồ.

Huỳnh Thục Vy
Gửi từ Buôn Hồ, Việt Nam
Theo BBC
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment