Ý nghĩa lịch sử ngày 2 tháng Chín, 1945

Ngày 2-9-1945 là ngày khởi sự về mặt pháp lý một quá trình bán nước của Việt cộng (gọi chung đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng viên CS và những ai tin theo chủ nghĩa cộng sản ) cho cộng sản quốc tế Nga-Tàu. Nhưng đồng thời, ngày 2 tháng 9-1945 cũng là khởi điểm về mặt pháp lý một quá trình làm mất nước của Việt quốc (gọi chung chính quyền chính thống quốc gia, các chính đảng quốc gia và nhân dân mang ý thức hệ quốc gia chống cộng).

Cờ Việt Nam và cờ Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đó là ý nghĩa lịch sử tổng quát của ngày 2-9-1945 được thể hiện qua diễn biến các sự kiện lịch sử, sẽ là nội dung bài viết này.

Trong một bài viết từ năm 2012 của giáo sư sử học Phạm Cao Dương, được sửa lại và đăng tải trên Việt Báo online ngày 21/08/2018 dưới nhan đề “Sự Thực Về Ngày 2 Tháng 9, 1945, 73 Năm Nhìn Lại: HAI BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP THAY VÌ MỘT, Lịch Sử Không Thể Chỉ Được Biết Có Một Nửa”; phần mở đầu Ông viết “Trong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết hay chỉ được học bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết hay không được học bản tuyên ngôn của Vua Bảo Đại ngày 11 tháng 3, 1945, ngót sáu tháng trước đó. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn. Bài này nhằm bổ khuyết cho tình trạng thiếu sót đó, đồng thời phân tích nội dung và ý nghĩa của từng bản…”.

Vẫn theo Gs Phạm Cao Dương, đây là nội dung Tuyên Ngôn Độc Lập thứ nhất đề ngày 11 tháng Ba năm 1945 tức ngày 27 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 20 được Bảo Đại ký tên với sáu thượng thư phó thự, rằng:

Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.

Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.


Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên.”

Và đây là phần mở đầu bản Tuyên Ngôn Độc Lập thứ thứ hai vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh đọc:
“Hỡi đồng bào cả nước,

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

“Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

“Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được….”

Bản tuyên ngôn này đã được Hồ Chí Minh một mình soạn thảo, một mình đứng tên và đọc tại Quảng Trường Ba Đình ở Hà Nội vào buổi chiều ngày 2 tháng Chín năm 1945, ngót sáu tháng sau bản tuyên ngôn của Bảo Đại, hơn hai tuần lễ sau khi Nhật Bản đầu hàng, mười ba ngày sau khi Việt Minh cướp được chính quyền ở Hà Nội và hai ngày sau khi Bảo Đại chính thức thoái vị.

Như vậy là, sau khi cướp được chính quyền về mặt thực tế trên cả nước từ ngày 15 tháng 8 năm 1945 đến ngày 19 tháng 8 năm 1945, có thể coi ngày 2-9-1945 đã khởi đầu về mặt pháp lý một quá trình Việt cộng bán nước cho cộng sản quốc tế Nga-Tàu. Quá trình này trải qua ba giai đoạn: (1) Ngụy dân chủ cộng hòa để che dấu căn cước cộng sản, (2) ngụy dân tộc để phát động và chủ đạo tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp dưới ngọn cờ “chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc”, (3) cướp chính quyền để thực hiện chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam.

1 - Ngụy dân chủ cộng hòa bằng Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp chế độ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”

Tháng 8 năm 1945 đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã lợi dụng thời cơ cướp chính quyền từ tay chính quyền chính thống quốc gia, với chính phủ Trần Trọng Kim mới tiếp nhận độc lập từ tay Nhật, ép của Vua Bảo Đại thoái vị. Việt Minh cộng sản gọi cuộc cướp chính quyền không đổ máu này là “Cách mạng Tháng 8” như là cuộc “Cách mạng Tháng 10 Nga” của đảng cộng sản Bolsevick Nga lật đổ chế độ Nga Hoàng cướp chính quyền năm 1917. Nhưng vì thế lực của đảng CSVN vào thời khoảng này còn yếu kém so với các chính đảng quốc gia, nên lãnh tụ cộng đảng Việt Nam Hồ Chí Minh buộc lòng phải đứng ra thành lập một chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng. Đồng thời vào lúc đó chủ nghĩa cộng sản đang bị hầu hết các nước trong cộng đồng quốc tế coi là một hiểm họa chung của nhân loại cần ngăn chặn. Vì thế ông Hồ đã phải “ ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa” khi đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945, khai sinh “chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Do đó, nội dung bản “Tuyên Ngôn Độc Lập” này không có từ ngữ nào nói về chế độ xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa. Trái lại trong Tuyên Ngôn ông Hồ Chí Minh còn cố tình mượn ý lời từ bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ rằng Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được…”;“Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi…”.Đồng thời nội dung bản Hiến pháp năm 1946 đã cho thấy chế độ chính trị tương lai của Việt Nam sẽ là một chế độ dân chủ cộng hòa, đúng như danh xưng“Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” ghi trong Hiến pháp. Thế nhưng thực tế sau đó cho đến hiện nay ai cũng thấy không phải như vậy mà là chế độ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa” vẫn còn chút “ngụy cộng hòa” (chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân). Vì thực chất cũng như thực tế chế độ mệnh danh “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” từ quá khứ đến hiện tại chỉ là một “chế độ độc tài Đảng trị hay toàn trị cộng sản”, với chủ quyền tuyệt đối thuộc về đảng CSVN; độc lập, tự do, dân chủ, nhân quyền chỉ là bánh vẽ, biến thành ân huệ của nhà cầm quyền CSVN ban phát cho người dân nào chỉ biết phục tùng mệnh lệnh của “Đảng và Nhà nước ta” mà thôi !

2 - Ngụy dân tộc phát động và chủ đạo tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp dưới ngọn cờ “chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước”.

Thật vậy, do lập trường khác biệt không thể thỏa hiệp, hội nghị Fontainebleau đã tan vỡ vào ngày 19-12-1946. Việt Minh phát động một cuộc kháng chiến toàn dân chống Pháp vào ngày 23 tháng 12 năm 1946. Cuộc kháng chiến này do Việt Minh chủ đạo tiến hành, với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân có chung lòng yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc. Thế nhưng đã bị Việt Minh cộng sản lợi dụng lòng yêu nước của họ để thành đạt mục tiêu giai đoạn của mình (cướp chính quyền để thực hiên chủ nghĩa cộng sản, chứ không phải giành dộc lập cho dân tộc…). Nhưng để huy động lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm của nhân dân, đảng CSVN đã phải “ngụy dân tộc” và dấu mặt bằng mặt nạ Việt Minh (viết tắt của tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội). Ngụy dân tộc bằng cách phất cao ngọn cờ “kháng chiến chống xâm lược Pháp, giải phóng dân tộc”. Dấu mặt trong mặt nạ “Việt Minh” sau khi tuyên bố giải tán đảng CSVN, (đến năm 1952 lại xuất hiện dưới cái tên đảng Lao Động Việt Nam, cho đến kết thúc cuộc chiến tranh Quốc- Cộng (1954-1975) cưỡng chiếm được Miền Nam, đưa cả nước tiến lên xã hội chủ nghĩa, đảng CSVN mới hiện nguyên hình là một tập đoàn bán nước cho cộng sản quốc tế Nga-Tàu).

Sở dĩ đảng CSVN phải dấu mặt trong một thời gian dài trước khi cướp được chính quyền trên cả nước như thế, là vì chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội không có sức thu hút nhân dân tham gia kháng chiến bằng chủ nghĩa yêu nước. Trái lại chủ nghĩa cộng sản mới du nhập còn quá xa lạ và còn là mối sợ hãi khinh hoàng của người dân khi nghe nói về một chủ nghĩa vô thần, “tam vô” (vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo).

Vì thế sau khi đã loại trừ các chính đảng Quốc gia, Việt Minh cộng sản đã độc quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp cuối cùng và đã kết thúc vào năm 1954 sau khi Pháp thất thủ tại căn cứ quân sự chiến lược Ðiện Biên Phủ, đưa đến việc ký kết Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước vào ngày 20 tháng 7 năm 1954 giữa Việt Minh và thực dân Pháp.Chính quyền chính thống quốc gia của vua Bảo đại, với Thủ tướng chính phủ Ngô Đình Diệm đã không ký vào Hiệp định này, nên chỉ có hệ quả như là quân xâm lược Pháp (kẻ cướp nước) đã mất một nửa thuộc địa Miền Bắc trên vĩ tuyến 17 cho Việt Minh cộng sản (phường bán nước cho cộng sản quốc tế Nga-Tàu); còn một nửa nước Miền Nam dưới vĩ tuyến 17, Pháp buộc lòng phải trao trả độc lập hoàn toàn cho chính quyền chính thống quốc gia Nam Triều của Quốc trưởng Bảo Đại, mà trước đó Pháp đã phải trao trả độc lập từng phần cho chính quyền này.

3 - Cướp chính quyền để thực hiện chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam.

Người Việt quốc gia kháng chiến chống Pháp để giành độc lập dân tộc. Việt Minh cộng sản chống Pháp giành độc lập dân tộc chỉ là chiêu bài “ngụy dân tộc” để đạt mục tiêu giai đoạn cướp chính quyền, tiến đến mục tiêu tối hậu cộng sản hóa Việt Nam theo lệnh của cộng sản quốc tế (Nga-Tàu)

Vì thế sau khi cướp được chính quyền trên một nửa thuộc địa Miền Bắc trên vĩ tuyến 17 của thực dân Pháp, đảng CSVN dưới tên trá hình là đảng Lao Động Việt Nam, đã thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên một nửa nước Miền Bắc. Thế nhưng, do nhu cầu tuyên truyền lừa bịp nhân dân và quốc tế, Việt cộng dù đã ban hành một bản Hiến pháp mới (1959) có nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu mẫu “Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa Liên Xô”, nhưng vẫn giữ bảng hiệu chế độ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” (ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa để lừa mị người dân trong nước và quốc tế).

Thế nhưng trên thực tế, Việt cộng cũng đã thực hiện bản Hiến pháp này mốt cách triệt để với quyết tâm “xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa” vững mạnh ở Miền Bắc, làm hậu phương lớn cho cuộc chiến tranh cộng sản hóa Miền Nam, vẫn dưới chiêu bài “ngụy dân tộc” như thời khang chiến chống Pháp (1945-1954). Ý đồ của Việt cộng là muốn mọi người lầm tưởng rằng với cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng (1954-1975) chỉ là nối tiếp cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954); coi Hoa kỳ như một đế quốc thực hiện “chủ nghĩa thực dân mới” ở Việt Nam và chính phủ chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa chỉ là tay sai…Tuy nhiên, thực tế cũng như thực chất Liên Xô mới là một đế quốc mới (đế quốc cộng sản) thực hiện một “chủ nghĩa thực dân mới(là chủ nghĩa cộng sản) theo đúng ý nghĩa của cụm từ này (dùng “sợi chỉ đỏ chủ nghĩa cộng sản” để lèo lái,gián tiếp khai thác các lợi ích thông qua chính quyền của một đảng cộng sản bản xứ lệ thuộc chặt chẽ trong hệ thống cộng sản quốc tế ).

Vì thế, thực chất cũng như thực tế cuộc nối chiến Quốc-Cộng (1954-1975) là cuộc xung đột vũ trang giữa người Việt Nam theo ý thức hệ Quốc gia và người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản trong bối cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu hình thành sau Thế chiến II (1939-1945) giữa hai phe cộng sản chủ nghĩa, dứng đầu là Liên Xô và tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Hoa Kỳ. Miền Bắc Việt Nam nằm trong quỹ đạo của phe Xã Hội Chủ nghĩa, đứng đầu là đế quốc cộng sản Liên Xô ( là nước lớn có tham vọng kiềm tỏa được nhiều quốc gia dân tộc khác,khai thác lợi ích toàn diện, thông qua đảng CS bản xứ như đảng CSVN lệ thuộc hoàn toàn công sản quốc tế LX, TQ…) thực hiện chủ nghĩa thực mới là chủ nghĩa cộng sản độc tài toàn trị. Miền Nam Việt Nam thuộc phe Tư Bản Chủ Nghĩa hay Thế Giới Tự Do, dưới sự lãnh đạo của đế quốc tư bản Hoa Kỳ (cũng là nước lớn có tham vọng kiềm tỏa được nhiều quốc gia dân tộc khác trong đó có Việt Nam) thực hiện chủ nghĩa thực dân mới là chủ nghĩa tư do dân chủ ( dùng sợi chỉ xanh “chủ nghĩa tự do dân chủ” và dùng viện trợ để lèo lái, đầu tư khai thác lợi ích nhiều mặt, thông qua chính quyền bản xứ, độc lập trên nguyên tắc, lệ thuộc có mức độ trên thực tế).

Cả hai chính quyền Cộng sản Bắc Việt và Quốc gia Nam Việt đều là công cụ cho các “Đế quốc CS” (Đế quốc đỏ) và “Đế quốc tư bản” (Đế quốc trắng); chỉ có sự khác biệt căn bản: CSBV đã là công cụ tri tình ( tình nguyện, chủ động làm công cụ cho đế quốc CS phát động, tiến hành “chiến tranh cách mạng CS” ngụy dân tộc để cộng sản hóa Miền Nam…); còn QGNV đã là công cụ ngay tình (bị buộc phải làm công cụ, bị động thực hiện cuộc chiến tranh chống cộng bảo vệ chế độ tự do dân chủ và phần đất Miền Nam của quốc gia Việt Nam,vốn là di sản bao đời của tiền nhân).

Tiếc thay, “công cụ tri tình” CSBV đã thực hiện thành công nghĩa vụ công cụ của mình, sau hơn 20 năm phát động, tiến hành chiến tranh (1954-1975) với sự chi viện vũ khí, đạn dược, nhân lực, tài lực dồi dào của quốc tế cộng sản Liên Xô –Trung Quốc, đã cướp được chính quyền nửa nước Miền Nam còn lại của quốc gia Việt Nam vào ngày 30-4-1975; cộng sản hóa cả nước bằng sự áp đặt chế độ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” trái với nguyện vọng của toàn dân, nô dịch hóa dân tộc trong vòng cương tỏa của hai tân “đế quốc đỏ CS Nga-Tàu”, làm tròn “nghĩa vụ quốc tế cộng sản cáo cả” !?

Như thế Việt cộng đã kết thúc quá trình bán nước cho cộng sản quốc tế (Nga-Tàu) về mặt pháp lý cũng như thực tế, khởi đi từ ngày 2-9-1945, với Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 “ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa” để che dấu “cái đuôi cộng sản” hòng lừa bịp nhân dân và che mắt quốc tế. Hệ quả tất nhiên là Việt quốc đã làm mất nước vì đã không làm tròn bổn phận của con dân Nước Việt bảo vệ di sản của Tiền nhân để Việt cộng nhuộm đỏ giang sơ gấm vóc từ ải Nam quan đến Mũi Cá Mau. Và do đó, ngày 2-9-1945 không phải là ngày Quốc khánh của toàn dân, ngày độc lập của dân tộc Việt, mà chỉ là ngày “Quốc khánh của Việt cộng và Quốc tế cộng sản Nga-Tàu” mà thôi!

Tất cả những sự thật lịch sử về sự bán nước của Việt cộng đều đã từng được chính lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh, người con ưu tú của “Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa Liên Xô” khẳng định không cần che dấu, rằng “Đối với cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam, chủ nghĩa Mác Lê không những là một cẩm nang thần kỳ mà còn là mặt trời soi sáng con đường thẳng tới thắng lợi cuối cùng, tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản”. Còn Lê Duẩn, cố tổng Bí thư đảng CSVN, sau cuộc chiến bị Trung Cộng bức bách đòi nợ trong chiến tranh nên đã uất ức tuyên bố, rằng“Ta đánh Mỹ đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc…”. Phải vậy không ạ, thưa các “đồng chí cộng sản” đang ở Giờ Thứ 25 của chủ nghĩa cộng sản mà vẫn chưa chịu phản tỉnh ? Thế là thế nào?


Thiện Ý
Houston, ngày 30-8-2018
Bạn đọc làm báo
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment