Chốn Lao Xao

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Phong cố cho xe máy len lỏi qua dòng người và xe chen chúc trên đường phố, tất cả như nêm chặt vào nhau. Anh cảm thấy không có lối thoát giữa cái biển người dường như đang trải dài vô tận. Mới hơn 7 giờ sáng mà người xe đã đông thế này, ai cũng cố vượt lên để đến được cơ quan nhanh hơn và khỏi bị trễ giờ. Nhưng họ càng cố len lỏi thì đường càng bị tắc nghẽn. Người nóng tính thì chửi rủa ầm ĩ, người khác thì ngẩng mặt than trời bởi cái lối giao thông vô luật lệ này. Xe ô tô, xe máy, xe đạp và cả người đi bộ ken chặt lấy nhau mà nhích dần từng tí một. Vì quen đường nên Phong rẽ vào một con ngõ để đi đường khác, vì thế mà tránh được nạn kẹt xe.

Thoát khỏi dòng người hỗn độn, Phong cho xe máy chạy chầm chậm dọc theo con phố quen. Thoáng thấy hàng chè chén trên vỉa hè, anh ghé vào ngồi nghỉ ngơi chốc lát sau một hồi mệt lữ vì vật lộn với cảnh tắc đường. Vừa dựng xe, chưa kịp ngồi xuống thì chợt thấy chị bán hàng hốt hoảng mà mang tất cả đồ đoàn dẹp vào tận phía trong, miệng hớt hải:

- Em mang giúp chị với, công an đang dẹp đấy!

Theo phản xạ tự nhiên tôi vội mang giúp chị mấy chiếc ghế vào trong mà chưa kịp hiểu điều gì xẩy ra. Khi đã yên vị ở tận trong góc ngõ, lúc này anh mới kịp nhìn ra ngoài đường. Một chiếc xe của cảnh sát giao thông vừa đỗ xịch ngay cách chỗ anh ngồi hơn chục mét. Đám công an ồn ào nhảy xuống như có cảnh bố ráp thực sự. Có cả cảnh sát giao thông sắc phục màu vàng, công an và cả dân phòng quấn băng đỏ đi theo nữa. Chị hàng nước bây giờ mới hết hốt hoảng, nói với Phong:

- Công an họ dẹp đường đấy, cứ thấy thứ gì là họ quẳng lên xe ngay, lắm khi họ đạp đổ cả mọi thứ. Mình mà không chạy nhanh thì mất cả vốn lẫn lãi ngay.

Phong hỏi lại chị:

- Tại sao em chưa biết gì mà chị đã thấy công an nhanh vậy?
- Mình vừa bán hàng vừa nhìn ngóng chứ, phải nhìn thấy họ từ đằng xa thì chạy mới kịp. (Chị giải thích)

À ra vậy! Thảo nào anh chưa kịp ngồi xuống thì chị đã nhìn thấy công an rồi, đúng là thỏ muốn sinh tồn thì phải trông chừng Cầy Cáo mà.

Đám công an đang vây lấy và giằng co với một cô gái bán hoa quả, những người khác thì chạy tá hỏa như chạy giặc vậy. Cô bán hàng cố sức giằng lại cái thúng hoa quả giữa vòng vây của đám công an lực lưỡng và hung hãn. Rồi một tay công an giằng được thúng hoa quả và ném xuống đường. Cam, quýt, nhãn... lăn lông lốc xuống vỉa hè rồi xuống chân những người đi đường. Một tay Dân Phòng khác thì vác chiếc xe đạp của cô mà bỏ lên xe ô tô.
Cô gái gào lên trong tuyệt vọng:

- Trả lại cho tôi đây, các ông ăn cướp à!...

Rồi cô lại lăn xả vào để hòng giành lại chiếc xe đạp, phương tiện di chuyển và làm ăn của cô. Lần này vì cô quyết liệt quá mà làm cho tay công an điên tiết, hắn tát cho cô một cái trời giáng, miệng thì chửi tục:

- Đ.mẹ, mày muốn bị đánh chết hả!

Tiếp theo hắn lại đạp mạnh vào người cô, khiến cô ngã sấp xuống đường. Mọi người đi đường dừng lại chốc lát rồi lại tiếp tục đi. Cái cảnh này họ đã quá quen rồi mà, công an dẹp đường rồi đánh người là chuyện thường ngày ở phố. Thời buổi này công an là chúa tể, là hung thần mà. Rồi chiếc xe cảnh sát giao thông phóng đi, để lại phía sau đám khói mù mịt và nạn nhân đang nằm sóng xoải bên hè đường. Đáng thương cho cô gái bán hoa quả, vừa mất xe cộ hàng hóa lại bị họ đánh đập, hành hung. Cô chỉ biết bưng mặt khóc tức tưởi, giờ này cô biết kêu ai đây? Công an nhân dân thì đối xử với dân như kẻ thù, người qua đường thì vô cảm, và họ cũng như cô thôi, nào có làm gì được.

Chị hàng nước chép miệng, giọng thương cảm:

- Tội nghiệp, chắc là ở nhà quê mới lên, chưa biết đoạn này công an nó hay dẹp đường. Thế là mất cả chì lẫn chài, có khi về nhà lại còn bị chồng nó đánh cho ấy chứ. Rõ khổ!

Phong thấy sống mũi cay cay. Rồi anh liên tưởng tới cảnh tắc đường mình vừa trải qua. Rõ ràng tắc đường không phải là do lỗi của người dân, mà do pháp luật và cơ sở hạ tầng yếu kém. Vì vậy nếu muốn “Đường thông hè thoáng” như nhà nước này kêu gọi thì không phải bằng cách đổ lỗi và hành hạ người dân. Họ nào có hiểu gì cái chính sách cứ thay đổi xoành xoạch của nhà nước, mà chỉ bán chút hàng mọn kiếm sống thôi mà. Nhưng rồi chính anh cũng cảm thấy mình bế tắc giữa cái môi trường hỗn độn này, mà không tìm được câu trả lời thỏa đáng. Rồi anh dần tĩnh tâm mà suy nghĩ về công việc nay mai, một việc quan trọng đối với anh nhưng đã bị ngoại cảnh làm lấn át đi mất. Phong vừa mới tốt nghiệp đại học, gia đình đã liên hệ được việc làm cho anh. Cơ quan anh sắp làm có trụ sở ở thành phố này, và họ vừa mở một cơ sở mới ở nông thôn cách đây mấy chục cây số. Anh được quyền lựa chọn làm việc ở thành phố hoặc về cơ sở mới. Vì vậy mà mấy hôm nay anh đang phân vân suy nghĩ cho sự lựa chọn này. Ở thành phố thì có nhiều điều kiện để phát triển công việc hơn, nhưng cái không khí ồn ào bụi bặm cùng cảnh tượng xô bồ cũng đã làm anh mệt mỏi. Tuy vậy, sự lựa chọn đang để ngỏ trong anh. Vừa suy nghĩ anh vừa thanh toán tiền nước cho chị bán hàng, rồi anh chào chị để quay về chỗ trọ.
Vừa nhìn thấy Phong, cô chủ nhà nói ngay:

- Vừa rồi có cậu gì mới đến tìm cháu đấy, chờ một lúc không được cậu ấy đi về rồi.

Phong hỏi lại:

- Cô có biết cậu ấy tên gì, ở đâu không?

- Hình như cậu gì gì... ở Hà Đông thì phải...!

Anh cảm ơn cô rồi dắt xe máy vào nhà. Lúc quay ra, anh thấy cô chủ nhà đang đứng nói chuyện với một thanh niên, hình như anh ta là người đến hỏi thuê phòng. Và anh đã đoán đúng, vừa thấy anh cô chủ nhà liền nói với người thanh niên kia:

- Đây, cậu hỏi anh này đây. Khi nào anh ấy chuyển đi thì cậu có thể đến ở.

Cậu thanh niên hỏi thuê phòng, nhưng chỉ có phòng của Phong sắp bỏ trống vì chỉ ít hôm nữa là anh đi làm nơi khác. Cậu ta hỏi anh về chuyện Phòng ốc và cho biết mình là người đang học nghề để đi xuất khẩu lao động. Với dáng bộ thiểu não, cậu nói:

- Gia đình đã tốn nhiều tiền bạc để đóng cho một công ty môi giới xuất khẩu lao động, em thì được họ chuyển hết địa điểm này đến địa điểm khác để học mà mấy năm rồi chưa được đi làm.

Thấy câu chuyện anh ta có vẻ thống thiết, cô chủ nhà tò mò xen vào:

- Thế rồi sao nữa...?

- Cô thấy đấy, mấy năm ròng cứ ở thành phố, tiền một mình cháu tiêu pha bằng cả gia đình ở quê. Mọi người sốt ruột và lo lắng lắm. Ông nội ở quê cứ mỗi lần thấy cháu về lại cầm tay khóc và nói:

- Lần này cháu đi nước ngoài, không biết khi cháu về ông còn sống để được thấy mặt cháu nữa không?
Rồi cậu ta vừa tỏ ra bực dọc vừa buồn cười:

- Nhưng rồi cháu về bao nhiêu lần mà ông vẫn khỏe mạnh, còn cháu thì vẫn chưa đi được nước ngoài...

Câu chuyện của cậu thanh niên nọ làm cho cô chủ nhà thích thú vì nó ngồ ngộ. Nhưng lại là câu trả lời cho Phong về sự lựa chọn của mình. Anh đã thấy mệt mỏi với cái chốn phố thị xô bồ, đầy rẫy những sự lừa lọc và dối trá. Người ta vẫn nói rằng, những thành phố lớn là nơi phản ánh chân thực bộ mặt thật của một xã hội. Là nơi mà những số phận con người được phô bày một cách rõ ràng và sống động nhất. Và Phong đã đi đến một quyết định, anh sẽ về vùng nông thôn làm việc, thay vì ở thành phố này. Anh bắt tay người thanh niên kia và nói một cách quả quyết:

- Vài hôm nữa anh có thể đến đây ở. Tôi sắp đi làm việc xa, vì vậy không cần ở đây nữa!

12.6.2012

© Minh Văn
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment