Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi . Ảnh: Tranhdongviet.com |
Trong lúc thế giới phản ứng về sự sai trái này của Trung Quốc, thì truyền thông Trung Quốc không ngại xuyên tạc thông tin, đánh lạc hướng những vấn đề bất ổn nội bộ, dẫn dư luận vào tranh chấp Biển Đông, cụ thể bằng việc mập mờ đánh lận con đen, biến những khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp, để “hợp thức hoá” đường lưỡi bò do Trung Quốc tự nghĩ ra, bất chấp luật pháp quốc tế và quyền lợi trên Biển Đông của những nước liên quan. Đồng thời Trung Quốc còn to tiếng dọa nạt láng giềng với thái độ trịch thượng “vừa ăn cướp vừa la làng”, thiếu văn hoá lễ độ trong ngoại giao.
Việt Nam đứng trên chính nghĩa, dựa vào luật pháp quốc tế và quyền bảo vệ chủ quyền để lên án hành vi xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc. Dư luận quốc tế cho đến thời điểm này đã hiểu rõ hành vi độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, nhận ra đường lưỡi bò là một yêu sách phi lý, là hình thức vẽ lại bản đồ thế giới bằng hành vi cưỡng bức.
Kể từ khi vẽ ra đường lưỡi bì phi lý, dư luận Trung Quốc nhiều lần kích động thái độ gây hấn, thù hằn dân tộc, hô hào sử dụng vũ lực đánh chiếm và dạy cho Việt Nam một bài học. Chính những ngôn ngữ thù hằn dân tộc một cách hạ cấp bên trong dư luận Trung Quốc đã dẫn tới sự hung hăng, táo tợn hơn trong hành vi xâm chiếm Biển Đông vừa qua, bất chấp việc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC).
Trung Quốc ngoài miệng thì nói “hoà bình”, nhưng bên trong thì liên tục đe dọa sử dụng bạo lực. Không những thế Trung Quốc còn cho phát sóng bình luận trực tiếp trên truyền hình về tình hình Biển Đông để đánh lừa dư luận trong nước. Song giấy không gói được lửa, hàng loạt các tờ báo uy tín quốc tế đã đưa tin rằng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và Philippine, bởi thực tế cái đường lưỡi bò phi lý không những không được luập pháp quốc tế công nhận, mà còn vấp phải sự phản đối của đa số những nước có biển trong khối ASEAN.
Chính các học giả Trung Quốc tham dự các hội nghị quốc tế về Biển Đông cũng không thể nói rõ đường chín đoạn là đường gì, nên chỉ biết vòng vo với cái gọi là “vùng nước lịch sử” đầy mơ hồ và phi pháp. Luật biển 1982 quy định rằng, mỗi quốc gia có vùng lãnh hải 12 hải lý và các đặc khu kinh tế gồm các khu vực biển mở rộng 200 hải lý (khoảng 370km) tính từ bờ biển của một quốc gia, trong phạm vi ấy, họ có toàn quyền khai thác và sử dụng tài nguyên biển. Nhưng Trung Quốc đã tự cho mình cái quyền xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam khi ngang nhiên mời thầu cách bờ biển khu vực gần Nha Trang 57 hải lý, tương đương với 110 km.
Trong đối ngoại, Trung Quốc tự cho mình quan niệm “không kể mèo trắng hay mèo đen, hễ có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc, thì đều nên kết giao”, nhưng khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với một số nước, trong đó có Mỹ, thì Trung Quốc lại tỏ ra bực tức. Việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, hay nâng cấp quan hệ ngoại giao là việc riêng của Việt Nam. Khi cái đường lưỡi bò còn đó, khi Trung Quốc xem Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, rồi hàm hồ phách lối nói rằng Việt Nam phải “thần phục” Trung Quốc, thì chẳng phải Trung Quốc đang tự cầm cái mâu mà đâm vào cái thuẫn của mình hay sao. Trung Quốc nghĩ họ sẽ lừa phỉnh được ai bằng cái luận điệu đạo đức giả về “hoà bình”, “cùng khai thác” khi cái đường lưỡi bò vẽ sát vào thềm lục địa của Việt Nam còn sờ sờ ra ở đó.
Lịch sử Việt Nam minh chứng, chúng ta là nước nhỏ, luôn giữ hoà hiếu với các nước láng giềng, nhưng một khi lãnh thổ bị xâm phạm, thì người dân Việt Nam vẫn dư thừa dũng khí để chỉ thẳng vào mặt chúng mà mắng về hành vi bá đạo, bất nhân bất nghĩa ấy.
Sự thành bại, thăng trầm của một dân tộc có mối liên hệ nhân quả trong nhiều giai đoạn dựng nước và giữ nước. Vì thế trước nguy cơ bị xâm lược, chúng ta phải giữ vững tinh thần truyền thống trong lịch sử chống ngoại xâm, đồng lòng nhất trí cùng toàn dân bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trung Quốc đừng quên một quả bóng khi rơi xuống sẽ lại nảy cao hơn trước. Nhưng Việt Nam cũng cần sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống, và muốn thoát ra khỏi bế tắc thì điều trước tiên chúng ta phải đừng làm cho mình bế tắc. Nỗi sợ hãi là một bế tắc, mà sợ hãi thì chưa ra trận, chưa mặc giáp đã thua. Dân tộc ta không bao giờ chịu khuất phục trước bom đạn, Trung Quốc ắt hẳn phải nhận ra điều đó.
Trung Quốc đã nuôi dưỡng ý đồ xâm chiếm biển đảo của Việt Nam từ lâu và họ đã chiếm mất Hoàng Sa của Việt Nam trong một hoàn cảnh lịch sử phức tạp, đầy biến động. Nay bằng phương pháp khuấy động rừng để doạ hổ, Trung Quốc không chỉ nhằm vào Việt Nam và Philippine, mà đó còn là dấu hiệu khởi đầu cho việc hiện thức hoá đường lưỡi bò phi lý. Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn mọi phương cách, không ngại loại bỏ Việt Nam để vươn chiếm toàn bộ Biển Đông. Việt Nam là “láng giềng hữu nghị” với Trung Quốc và Philippine là đồng minh thân cận của Mỹ, nên việc gây hấn cùng một lúc, vừa là “phép thử” (cho cả khối ASEAN và Mỹ) vừa là sự tự cởi trói đối những tuyên bố về một “Trung Quốc trách nhiệm” mà lâu nay Việt Nam luôn được “an ủi” như vậy.
Với một đường lối cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc không chỉ đi ngược lại nhận thức chung đã ký kết với các nước ASEAN, mà còn chống lại xu hướng bình đẳng trong quan hệ quốc tế. Chính bản thân Trung Quốc đã cho thấy sự thất bại trong ngoại giao và đang tự cô lập mình khi không ngần ngại biến các quốc gia láng giềng thành kẻ thù. Không thể có nhận thức “song phương” ở những vùng tranh chấp quốc tế, nên điều Trung Quốc đang làm là bằng mọi cách áp đặt, buộc nước khác phải tuân thủ sự phi lý của mình. Chính sự phi lý này khiến cho Trung Quốc bị động hơn bao giờ hết, đành phải làm bừa theo kiểu “đâm lao thì phải theo lao”.
Đáng tiếc hơn cả là hành động này đã mâu thuẫn với “chính sách mềm dẻo”, hay “sự trỗi dậy hoà bình” của Trung Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn công bố đường lưỡi bò trên Biển Đông, Trung Quốc ngay lập tức đã đánh mất hình ảnh thân thiện ấy của chính mình. Trung Quốc càng đánh mất cơ hội tự điều chỉnh, khi lún sâu vào ngụy biện, liều lĩnh vứt bỏ nguyên tắc, không tiếc nhân cách của một nước lớn. Như vậy, cần phải thay đổi khẩu hiệu “trỗi dậy hoà bình” bằng khẩu hiệu “lãnh đạo là năng lượng”, “ngoại giao là tàu chiến”...
Trung Quốc không thể ngờ rằng việc quá chủ động lại hoá ra bị động. Chúng ta biết cái bẫy Trung Quốc đã được giăng ra kể từ khi họ công bố đường lưỡi bò, nên ai cũng có suy nghĩ lo lắng như nhau, nhưng chúng ta liệu có hoàn toàn bị động? Cần phải nói rằng, vì Trung Quốc quá chủ động, nên Trung Quốc tự rơi vào tình thế bị động khi phải lươn lẹo thanh minh thanh nga, phải lừa dối người dân trong nước, không hổ thẹn khi từ bỏ những nguyên tắc nhân cách nước lớn…
Chúng ta hoạt động khai thác thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của mình là chúng ta đang chủ động một cách hợp pháp, hoà bình. Chỉ khi có những con cú nhòm nhà, chỉ khi có những kẻ ăn trộm xâm nhập thì chúng ta mới phải cảnh giác. Thế thì việc Trung Quốc trắng trợn xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thì càng làm cho chúng ta đã chủ động càng chủ động hơn. Cần phải tạo nhiều điều kiện hơn để người dân chủ động khi vạch mặt kẻ xâm lược, thay vì cứ phải sống trong cái tình cảnh “u u, minh minh” của một thứ quan hệ “bằng mặt mà không bằng lòng” kéo dài, trước một hiện thực họ đã quyết xâm chiếm (xâm lược) cho bằng được.
Quỷ kế ấy của Trung Quốc chỉ có thể thành hiện thực ở thời phong kiến, nhưng không thể thành hiện thực ở thời mà “ai cũng biết” này. Chí ít cho đến lúc này, trong nhận thức chung của toàn khối ASEAN và của những người đứng ngoài quan sát, thì chính Trung Quốc đang làm phức tạp tình hình Biển Đông. Chúng ta không để nước khác thỏa hiệp trên lưng mình, nhưng muốn làm được vậy chúng ta phải sống bằng dũng khí của chính mình. Dũng khí ấy chính là nội lực của toàn dân tộc. Chúng ta yêu hoà bình, nhưng luôn sống hiên ngang bằng sự tự vệ chính đáng, để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Trước đây, Trung Quốc thường hay sử dụng khái niệm “chủ nghĩa bá quyền” để phê bình Mỹ và một số nước phương Tây, nhưng nay chính bản thân Trung Quốc lại đưa ra những yêu sách phi lý nhằm chèn ép các nước nhỏ. Việc lấy lớn hiếp nhỏ, ỷ mạnh hiếp yếu, chẳng lẽ cũng là sự phát triển “mang màu sắc Trung Quốc”? Thực tế ứng xử của Trung Quốc cho thấy, không hề xuất hiện cái gọi là sự “trỗi dậy hoà bình” mà đó chỉ là một loại “thủ đoạn hoà bình” mà Trung Quốc đã triển khai từ giai đoạn trước để đánh lạc hướng dư luận quốc tế.
Cũng chính lúc này, lập luận “sự uy hiếp của Trung Quốc” mà phương Tây trước kia cảnh báo, chí ít đã có cơ sở thực tiễn để kết luận, hay nói cách khác đó là một cảnh báo đúng, khác xa với tất cả những gì mà Trung Quốc muốn nói thế giới và muốn thế giới nhìn mình như vậy. Từ nay “sự uy hiếp Trung Quốc” sẽ được dịp nhận thức trở lại không chỉ ở những nước lớn có sự “đối đầu truyền thống” với Trung Quốc như Nga, Mỹ, Ấn Độ, mà còn đem đến sự cảnh giác cao độ cho các quốc gia ven Biển Đông, hay các quốc gia ở châu Phi xa xôi. Người Trung Quốc sao không thể suy nghĩ nhiều hơn về câu nói của Khổng Tử: “Danh không chính thì lời nói không thuận, lời nói không thuận thì việc không thành”.
Việt Nam lúc này cần phải tranh thủ dư luận quốc tế, sẵn sàng cho mọi tình huống, quyết tâm cho sự tự vệ chính đáng của mình. Việc Trung Quốc tự vẽ ra đường lưỡi bò và quyết tâm xâm chiếm toàn bộ Biển Đông là khó thay đổi. Người ta từ lâu đã không còn tin Trung Quốc đứng về “thế giới thứ ba”, đứng về phía các nước nhỏ yếu. Trung Quốc đã nhanh chóng bộc lộ bộ mặt thật của một “chủ nghĩa bá quyền nước lớn”.
Trong tình thế bị xâm phạm chủ quyền, nếu các nước ASEAN không đoàn kết thì Trung Quốc sẽ ra sức bẻ gãy từng chiếu đũa. Chiến dịch sử dụng sức mạnh kinh tế để bẻ từng chiếc đũa của Trung Quốc đã được tính toán từ lâu khi ASEAN còn đó nhiều chia rẽ, bất đồng. Nhưng nếu tỉnh táo sẽ nhận ra, mọi đường biên giới đều là lá chắn của nhau, một khi nước tôi bị thôn tính thì nước anh cũng không thể mãi an toàn. Mọi sự mơ hồ về tình bạn đều phải trả giá trước sự yếm trá, lọc lừa. Trung Quốc có thừa thủ đoạn để làm điều đó và Việt Nam cũng có thừa kinh nghiệm lịch sử để nhìn ra thủ đoạn ấy của Trung Quốc.
Đứng trước kẻ mạnh, nếu chúng ta sợ thì nhất định bọn chúng sẽ lấn tới, do đó muốn thực hiện chiến lược “công tâm”, trước tiên phải có dũng khí lớn, quyết tâm lớn, và phải đánh tổng thể trên tất cả mặt trận thông tin, ngoại giao và thế trận lòng dân. Bởi thực tế, trước khi chờ người khác tôn trọng, thì bản thân mỗi người Việt Nam phải biết tự tôn trọng mình. Hơn hết, lãnh đạo phải biết tôn trọng ý chí nguyện vọng nhân dân, đồng lòng chung sức giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
© Thích Thanh Thắng
Nguồn: FB Thích Thanh Thắng.
0 Comments:
Post a Comment