Video: Hải hùng sản xuất cà phê bằng đậu nành tẩm hóa chất

 Tin Tổng Hợp

SÀI GÒN - Ðậu nành rang, bắp rang cộng với hóa chất và hương liệu là vật liệu của một xưởng sản xuất cho ra lò hàng tấn cà phê mỗi ngày tại quận Tân Phú, Sài Gòn.

Hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm với 3 máy rang, chưa kể kho hàng chứa đầy hóa chất, người chủ xưởng Thông Phát giữ bí mật trò lừa nói trên suốt 2 năm qua. Nhiều người cư ngụ lân cận cho biết, chỉ nghe mùi cà phê thơm lừng bốc ra từ những lò “rang xay cà phê” bốc lửa hừng hực.

Ðậu nành chất thành đống ở xưởng “cà phê”
Thông Phát. (Hình: Báo Thanh Niên)
Chẳng ai ngờ ở đó không có lấy một hạt cà phê mà mỗi ngày đều đặn tung ra thị trường đến hàng tấn bột cà phê.

Theo báo Tuổi trẻ, vật liệu dùng để sản xuất cà phê của xưởng Thông Phát gồm đậu nành, bắp và các loại hóa chất như bột màu, đường hóa học, bơ, rượu...

Báo Tuổi Trẻ trích lời kể của các công nhân xưởng Thông Phát cho biết đã được giao phận sự rang đậu nành cho cháy đen rồi đổ vào thùng nhựa lớn để trộn một hỗn hợp hóa chất có màu đen nhánh. Ðến đây, người ta lại rang đậu nành được ướp hóa chất một lần nữa để hạt đậu thấm đều. Sau đó, đậu biến thành những “hạt cà phê thứ thiệt” óng ánh được đổ ra một cái khay tôn đặt trên nền đất để công nhân dùng xẻng đập cho vỡ ra và trộn đều.

Theo báo Thanh Niên, loại “nước hỗn hợp đen nhánh” bao gồm nhiều loại hóa chất như đường hóa học, phẩm màu, hương liệu tạo mùi cà phê... Hỗn hợp này có màu đậm đặc hoặc hơi loãng một tí tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Người đại diện xưởng Thông Phát - ông Lê Minh Thông hồn nhiên cho biết xưởng ông hoàn toàn “sản xuất theo đơn đặt hàng” của khách suốt hai năm nay. Ông Thông còn nói rằng hầu hết khách hàng cung cấp cho ông đậu nành, tinh dầu cà phê, hương liệu, màu tẩm ướp... coi như xưởng của ông chỉ làm phận sự “gia công”. Trong trường hợp khách không có sẵn thì ông cho người đi mua. “Chợ Kim Biên ở quận 5 món gì cũng có,” ông Thông cho biết.

Công nhân trộn “cà phê” từ hạt đậu
nành rang. (Hình: Báo Thanh Niên)
Ông này còn tiết lộ, mỗi ngày xưởng ông xuất xưởng khoảng 1.5 tấn “cà phê thành phẩm”. Trong số các khách hàng lớn của Thông Phát, theo ông, có công ty Nguyễn Thuấn, công ty Cường Phát ở Sài Gòn, công ty An Phúc ở miền Trung. Ông này cũng cho hay, cứ mỗi 100 kí đậu nành thì cần khoảng 100gr đường hóa học, khoảng 2 kí lô tinh dầu cà phê, còn số lượng bắp thì hầu như không đáng kể.

Báo Thanh Niên còn trích dẫn lời của một số chuyên viên hóa chất cho biết các loại phẩm màu đã bị cấm nhưng vẫn có người sử dụng để chế biến thực phẩm vì ham lợi. Các phẩm màu này chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng rất nguy hiểm đối với sức khỏe của người tiêu thụ.

Cũng theo báo Thanh Niên, ông chánh thanh tra Sở Y Tế tại Sài Gòn sáng ngày 17 tháng 7 cho hay đã ra lệnh đóng cửa xưởng “rang cà phê Thông Phát”.

Còn theo báo Tuổi Trẻ, tin này đã gây chấn động giới ghiền cà phê.

“Không biết đâu là cà phê thật, và đâu là đậu nành tẩm hóa chất,” một người đàn ông rùng mình cho biết. Theo ông, tốt nhất là “mua hạt cà phê rồi mang về nhà nhờ bà xã xay giùm để uống”. (P.L.)


Theo Người Việt Online

------------------------------

Lấy dung dịch màu đen “lạ” tẩm vào đậu nành rang
Đậu nành sau khi trộn các loại hóa chất, hương liệu và rang xong
Nơi pha trộn các hóa chất, phẩm màu để tẩm vào đậu nành chế biến thành “cà phê”
Nguyên liệu đậu nành, bắp, các hóa chất để ngổn ngang - Ảnh: T.Tùng - Đàm Huy
Rùng mình cà phê tẩm hóa chất

Chỉ cần một túi hóa chất nhỏ, người ta có thể biến bột đậu nành thành đủ loại cà phê.

Trong một lần ngồi tán chuyện với tôi, ông T.P, chủ một quán cà phê lớn ở quận 10 (TP.HCM) bất chợt hỏi: Giá 1kg cà phê nhân hiện nay là bao nhiêu nhỉ? Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp: Khoảng 50 - 55.000đ/kg. Nghe xong ông cười lớn: Nhiều hãng cà phê vào quán tôi chào hàng với giá cũng chỉ 55 - 60.000đ/kg cà phê bột. Trong khi đó, theo tôi biết, 1 kg cà phê nhân chỉ làm được 0,7kg cà phê bột, đó là chưa kể công, nhãn mác, bao bì, tiếp thị, vận chuyển...

Đầy đủ mọi loại hóa chất chế tạo cà phê
Ông P. khẳng định, giá cà phê bột bán với giá 55-60.000đ/kg thì chỉ có bột bắp, đậu nành. Người ta sẽ dùng một loại hóa chất để “phù phép” số bột thẩm cẩm trên thành đủ loại cà phê.

Để tìm hiểu thêm thông tin cà phê tẩm hóa chất gây hại cho sức khỏe, PV đã tìm ra chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM). Đây được coi là nơi tập kết các loại hóa chất chuyên cung cấp hàng sỉ cho các lò sản xuất cà phê bẩn. Tại đây, chúng tôi choáng ngợp trước hàng trăm loại hóa chất được chế biến, đóng gói sẵn để pha cà phê. Trong vai một người đi mua chất tạo mùi cà phê để mở quán, chúng tôi gặp một ông chủ cửa hàng tạp hóa.

Thấy chúng tôi, người đàn ông này nhanh miệng: “Đây là những hóa chất tạo mùi tổng hợp. Chỉ cần một chấm bằng đầu tăm sẽ làm 1 kg cà phê thơm lừng dù đứng cách xa vài mét. Chỗ anh có đủ lọai hương vị của các vùng trồng cà phê nổi tiếng trên thế giới”.

Người đàn ông này cho biết, với cách pha chế đơn giản thì hương cà phê cả 5 châu sẽ xuất hiện trong nháy mắt. Nhưng để chế ngon hơn người ta cần mua thêm đường hóa học, bơ công nghiệp, bột vani, caramen để tạo mùi vị. Khi pha, tất cả các phụ gia kết dính lại với nhau nhìn rất bắt mắt.

Chuyển sang cửa hàng bên cạnh, chúng tôi tiếp tục được săn đón nhiệt tình. Bà chủ ở đây đọc vanh vách hàng chục loại hóa chất để chế biến cà phê như: Để có màu đậm thì bỏ màu caramel, đậu nành; vị đắng thì cho đậu nành rang cháy, đường thắng tới cháy, thuốc tây có gốc ký ninh (quinine); muốn có độ sánh thì tinh bột; chất tạo đặc thì có MC… Nếu mua mỗi loại 1 kg với giá gần 1 triệu đồng nhưng nếu chế biến ra thì có thể chế được cả ngàn cốc cà phê. Chưa hết, bà chủ này còn giới thiệu thêm cho chúng tôi một loại bột trắng để chế cà phê bọt phục vụ sở thích của khách Bắc kỳ. Đảm bảo với chất bột này cốc cà phê có bọt nhìn không chê vào đâu được.

Để có thêm thông tin về công nghệ chế biến cà phê, tôi tìm gặp một người bạn tên Trung, hiện đang là công nhân tại một xưởng chế biến cà phê tư nhân ở Thuận An (Bình Dương). Trung bảo: Mỗi buổi sáng, tại cơ sở mà anh làm việc, ông chủ sẽ dựa theo đơn đặt hàng của khách để chỉ đạo công nhân pha chế các loại bột cà phê theo công thức cụ thể. Có tới 13 công thức pha chế, ứng với mỗi loại bột cà phê khác nhau.

Theo đó với bột cà phê có giá rẻ nhất là loại 50.000 đồng/kg chỉ có 16% là cà phê thật, 15% bột bắp và bột đậu chiếm tới 69%. Với loại cà phê pha theo công thức số 3 thì cà phê thật chiếm 25%, bắp chiếm 10% và đậu nành là 65%. Trong khi đó, loại cà phê hảo hạng giá 200.000-300.000 đồng/kg thì cũng chỉ có 35% là cà phê thật. Để công nhân dễ nhớ 13 công thức, chủ cơ sở viết hẳn ra giấy một bảng liệt kê các công thức chi tiết dán lên tường. Các công nhân khi làm nếu lỡ quên chỉ việc nhìn vào đó để cân đong sao cho chính xác.

Sau quá trình chế biến, cà phê được đóng gói được mang đi giao hàng khắp các quận, huyện tại Bình Dương và TP.HCM. Trung cũng cho biết thêm, ở cơ sở của anh không chế biến nhưng có một số nơi sản xuất cả loại cà phê có giá chỉ 40.000 đồng/kg. Thành phần của loại này gồm toàn đậu nành và bắp trộn cùng với phụ gia hóa chất. Được biết, cà phê đểu trên được rất nhiều các quán vỉa hè mua về tiêu thụ.

Trước tình trạng cà phê kém chất lượng, độn hóa chất độc hại tràn lan trên thị trường hiện nay, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. HCM lo ngại: Các chất độn cà phê như bắp rang, đậu nành bị rang cháy đen vừa không có giá trị dinh dưỡng vừa có tác hại rất lớn cho sức khỏe người dùng. Khi đậu được rang với nhiệt độ cao hoặc bắp cháy sẽ sinh ra nhiều loại chất độc hại. Trong đó, các chất như acrylamide, heterocyclic amines, HCAs... là những chất có khả năng gây ung thư cho người sử dụng.

Không thể kiểm soát được

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế TP. HCM) khẳng định: Hiện tại, TP đang thực hiện việc rà soát tiểu thương và các đơn vị kinh doanh để xử lý các đối tượng hóa chất và không có chứng nhận VSATTP. Đồng thời, Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý hàng hóa và xử phạt các cơ sở sản xuất thực phẩm có sử dụng hóa chất quá liều lượng, hóa chất độc hại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp tạm thời chứ chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Với một thị trường rộng như TP. HCM, các cơ sở chế biến cà phê chui rồi giao cho các quán lề đường thì không thể nào kiểm soát nổi.
Cà phê độc tạo cảm giác nôn nao…..

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Diệp, phó khoa Dinh dưỡng vệ sinh an toàn thực phẩm Viện Vệ sinh y tế công cộng thì cho biết: Việc cho thêm một lượng cafein hóa chất là một thủ thuật đánh lừa người tiêu dùng. Khi đã uống phải chất này, con người sẽ thấy nôn nao, tỉnh táo, không buồn ngủ (dù uống cà phê độn bắp). Trong khi đó, cafein không được phép cho vào thực phẩm bừa bãi mà phải phụ thuộc một số chỉ tiêu về hàm lượng tinh khiết, hàm lượng kim loại nặng, arsen (AS).... Việc tích tụ hóa chất trong cơ thể lâu ngày sẽ gây ra nhiều bệnh mãn tính. Với đặc điểm uống cà phê thường xuyên của người Sài Gòn hiện nay, cộng với tình trạng cà phê kém chất lượng thì chẳng khác gì chúng ta đang rước mầm bệnh vào người mỗi ngày.
Theo Tin Mới
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment