Nơi có nhiều ngư dân Việt bị bắt
BẮC KINH - Một bản tin trên mạng Anh ngữ 'Military of China' (Quân Sự Trung Quốc) viết rằng, “Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm (mà họ gọi là Vĩnh Hưng đảo) thuộc quần đảo Hoàng Sa một nhà giam để ‘giam ngư dân ngoại quốc bị bắt giữ.’”
Dù không chính thức nhắc đến Việt Nam, nhưng thời gian qua đa số “ngư dân nước ngoài” bị Trung Quốc bắt tại khu vực này là ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Ðà Nẵng của Việt Nam.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cướp từ năm 1974, nhưng nay vẫn là đơn vị hành chính của thành phố Ðà Nẵng và Việt Nam nhiều lần lên tiếng đòi lại.
Tuy Bắc Kinh không đề cập tới chuyện này trong các bản tin tuyên truyền chính thức, nhưng một bài viết ngày 2 tháng 7, 2012 trên Trung Quốc Nhật Báo đã ‘khoe’ những phát triển nhanh chóng của đảo Vĩnh Hưng ngày nay như: Có bệnh viện 30 giường, một khách sạn 3 tầng, một ngân hàng để phục vụ cho số cư dân chính thức 517 người (trong đó chỉ có 3 phụ nữ). Ðiện, nước máy đầy đủ. Sóng điện thoại di động rất rõ ràng. Một nguồn tin khác thì nói số người thường xuyên có mặt trên đảo này khoảng 2,000 người được hiểu ngầm là lính thuộc quân đội Trung Quốc.
Truyền thông tại Việt Nam cũng nhanh chóng loan báo sự kiện Trung Quốc xây nhà tù giam giữ ngư dân nước ngoài tại Hoàng Sa.
Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam ngày 16 tháng 7, 2012 không thấy đưa ra nguồn tin từ đâu nhưng nói rằng “Trung Quốc xây nhà giam trái phép tại Hoàng Sa để giam giữ ngư dân nước ngoài”.
Việc lập nhà tù giam giữ ngư dân ngoại quốc trên đảo Phú Lâm cho thấy là Bắc Kinh leo thang bắt giữ ngư dân Việt Nam khi các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai nước ngày một căng thẳng hơn.
Bản tin của báo Giáo Dục Việt Nam cáo buộc “Ðây là một động thái leo thang mới nhằm cản trở hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền và ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân Việt Nam mà Bắc Kinh đưa ra sau tuyên bố sai trái thành lập cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ hôm 21 tháng 6 vừa qua.”
Rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đánh cá hay lặn bắt hải sản ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt là ngư dân Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn, đã bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm hoặc bắt về giam đòi tiền chuộc tại đảo Phú Lâm.
Vụ mới nhất xảy ra ngày 6 tháng 6, 2012 khi tàu đánh cá của ông Ðặng Tằm với 12 ngư dân thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị tàu tuần Trung Quốc bắt về đảo Phú Lâm. Hiện không có tin tức gì về số phận của ông Tằm và các ngư dân trên tàu của ông.
Tàu của ông Ðặng Tằm từng bị tàu tuần Trung Quốc rượt đuổi hoặc bắt giữ một số lần trước đây. Khi được thả ra thì bị tịch thu hết hải sản, ngư cụ và trang bị hải hành trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngư dân Việt Nam cho biết nhiều lần khi được thả là họ bị lính Trung quốc đánh đập lúc bị bắt và giam giữ.
Khi bắt nhiều tàu một lúc, Trung Quốc dồn ngư dân Việt trên các tàu lên một tàu rồi đuổi về, còn giữ lại những tàu kia.
Trong khi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam khai thác hải sản gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn khẳng định chủ quyền thì bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ hoặc đâm chìm, rất nhiều tàu đánh cá của Trung Quốc thường xuyên xâm phạm sâu vào các vùng biển của Việt Nam mà không bị trừng phạt.
Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 16 tháng 7, 2012 cho hay “Ngư trường gần bờ ở Quảng Ngãi ngày càng cạn kiệt, nhưng tàu cá Trung Quốc vẫn tiến vào để càn quét, vơ vét kiểu tận diệt. Với ngư dân Quảng Ngãi và miền Trung, kinh nghiệm đánh bắt có thừa, không thua ngư dân bất cứ nước nào. Thế nhưng, ngư dân Trung Quốc với tàu sắt to, công suất lớn, gấp 3-4 lần, thậm chí cả chục lần so với tàu thuyền ngư dân ta, vì thế, mỗi lần gặp tàu cá Trung Quốc, ngư dân ta đành cuốn lưới chào thua.”
Bài báo này viết tiếp rằng “...Chắc chắn ngư dân Trung Quốc khi gặp tàu ngư dân ta đều thông báo với ngành chức năng của họ biết. Bởi vì ngay sau đó tàu kiểm ngư, hải giám và thậm chí tàu hải quân của Trung Quốc xuất hiện xua đuổi hoặc bắt giữ, đập phá, cướp trắng tàu cá của ngư dân ta. Trong khi đó, trong hàng chục năm qua, nhiều tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc xâm phạm sâu vào lãnh hải Việt Nam bị bắt vẫn được ta đối xử nhân đạo”.
Một bản tin khác của tờ SGTT ngày 13 tháng 7, 2012 nói “Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, không chỉ ở vùng biển Quảng Ngãi, mà ngư trường từ tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, thành phố Ðà Nẵng, Quảng Nam... tàu cá Trung Quốc cũng xâm nhập rất nhiều lần. Ðơn cử như đầu tháng 2, biên phòng thành phố Ðà Nẵng phát hiện 30 tàu cá Trung Quốc đang xâm nhập vùng biển miền Trung, cách bờ biển Ðà Nẵng và Thừa Thiên-Huế chỉ khoảng 45 hải lý.”
Một trong những lý do tàu tuần của Việt Nam không dám bắt giữ được nêu ra là “các tàu cá này kết lại thành bè lớn, bảo vệ lẫn nhau hoặc tản ra, chặt lưới, thả vật cản tàu của ngành chức năng truy đuổi”.
Trên thực tế, SGTT nói “đã có nhiều mất mát, bị thương của lực lượng chức năng ta khi đối mặt với tàu cá của Trung Quốc. Cụ thể là bị ngư dân Trung Quốc đâm tàu cá vào, hoặc ép giữa hai tàu khi cán bộ lực lượng chức năng ta tiếp cận và lên tàu kiểm tra, xử lý”. (T.N.)
Theo Người Việt
0 Comments:
Post a Comment