Tin liên quan |
Đừng trách Hun Sen. Đành rằng không có máu xương của hàng vạn thanh niên Việt Nam, Hun Sen không có quyền lực ngày nay. Nhưng nếu Hun Sen ứng xử như một "tay sai" tình hình sẽ càng tồi tệ. Có nhân dân nào chấp nhận một kẻ cầm quyền làm con rối cho ngoại bang không.
Một chính sách đối ngoại đặt cược vào Hun Sen không chỉ là sai lầm mà còn thể hiện não trạng thực dân. Chỉ có những tên xâm lược mới đòi nợ vũ khí, nợ xương máu bằng độc lập chủ quyền của láng giềng. Không như người dân Việt Nam, người Khmer đang có trong tay lá phiếu của mình, "nắm" được một chính quyền trái ý nhân dân thì chỉ nuôi hiểm họa.
Chỉ khi nào Hà Nội, thay vì hy vọng vào Hun Sen, ủng hộ bất cứ sự lựa chọn nào của người dân Campuchia thì mới có được một chính sách giúp kiến tạo hòa bình lâu bền. Trong mắt đa số người dân Campuchia hiện nay, Hun Sen chỉ là một nhà độc tài tham nhũng. Càng nôn nóng giải quyết một vấn đề nhạy cảm như phân định biên giới với một chính quyền đang bị dân chúng nghi ngờ càng đổ thêm dầu vào lửa.
Biên giới quốc gia là câu chuyện của trăm năm, của nghìn năm, chứ không phải là câu chuyện tính bằng nhiệm kỳ của những kẻ cầm quyền cho dù bọn họ có là độc tài bám trụ lâu dài. Nếu chỉ phân định biên giới quốc gia bằng cột bê tông mà bỏ qua yếu tố lòng người thì không bao giờ có láng giềng hữu nghị.
Biên giới Việt Nam - Campuchia cũng có những yếu tố như biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Không chỉ "liền núi, liền sông" mà còn có ngôi nhà, có những phum bản, có những dòng họ nửa ở bên này, nửa ở bên kia. Có những mảnh ruộng, con sông... bên nào cũng coi đó là của mình. Cho dù có cắm bao nhiêu cột mốc thì cũng không thể nào phân chia rành mạch.
Lẽ ra, khi phân định biên giới Việt Nam - Trung Hoa, thay vì vội vàng chia chác ở những điểm mà chắc chắn người dân Việt Nam không bao giờ quên đấy là lãnh thổ thiêng liêng của cha ông (như Ải Nam Quan, như thác Bản Giốc...), cứ giữ nguyên hiện trạng, đợi đến khi người dân Trung Hoa có một chính quyền ít thực dân hơn; đợi đến khi người dân Việt Nam có một chính quyền được tin cậy hơn.
Nên thay đổi phương thức đàm phán về những điểm chưa phân giới, cắm mốc và có nhiều tranh cãi trên biên giới Việt Nam - Campuchia. Tiến trình đàm phán, phân giới cắm mốc thay vì tiến hành bí mật cần được diễn ra công khai. Có những vấn đề, nếu chính quyền hai nước không đủ tự tin giải quyết thì nên trưng cầu dân ý. Nếu dân chúng hai bên cũng không thể có thỏa hiệp thì giữ nguyên hiện trạng.
Những chính trị gia đang khai thác chủ nghĩa dân tộc cực đoan "bài Zuôn" ở Campuchia thật là thiển cận. Nhưng đấy là con đường khó tránh trong một nền chính trị đảng phái. Nhưng đừng tưởng rằng công cụ chính trị nguy hiểm đó chỉ được sử dụng ở Campuchia.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan là thứ rất dễ dàng làm mất đi sự sáng suốt của dân chúng. Chính chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong đầu dân chúng là cha đẻ của những nhà chính trị cực đoan. Không phải tự nhiên khi chỉ cần một nhà lãnh đạo Khmer "chống Zuôn", một nhà lãnh đạo Việt Nam "chống Tàu" chót lưỡi đầu môi là đã đủ khiến cho "nhân dân thổn thức".
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng khiến cho cơn giận giữ của chúng ta thường chỉ nhắm vào những công nhân vô tội đến từ Trung Quốc ở Vũng Áng, Tân Rai... Thay vì, chúng ta phải biết hoảng sợ ngay từ bây giờ trước thảm họa ô nhiễm khi nhà máy luyện thép sử dụng công nghệ lò đứng bị thế giới xua đuổi sắp phun bụi than ở Vũng Áng, Kỳ Anh; khi 16 nhà máy nhiệt điện sử dụng loại công nghệ đã bị những người hiểu biết tẩy chay bắt đầu nhả khói từ Cà Mau, tới miền Trung và lan dần ra Bắc.
Điều gì chúng ta không muốn Trung Quốc làm ở Việt Nam đừng mang nó đến Campuchia. Nếu chúng ta lo ngại Hà Nội lệ thuộc vào Bắc Kinh thì cũng đừng muốn Hun Sen phải vâng, dạ những người mà chúng ta không bầu lên ở Hà Nội. Chúng ta đã phải trả nợ bằng máu những gì người khác vay mượn trong "Phe". Đừng bắt người dân Campuchia phải trả nợ những gì Hun Sen vay mượn.
Huy Đức
Theo Fb Truong Huy San
0 Comments:
Post a Comment