Kinh tế thị trường: Muốn, nhưng vẫn mong Nhà nước “ôm ấp”

Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: N.Thảo
Gần 90% người dân cho rằng kinh tế thị trường là ưu việt nhưng có đến 75% người ủng hộ giá cả hàng hóa nên có sự can thiệp, bình ổn của Nhà nước. Điều này có gì mâu thuẫn hay không?

Tại hội thảo “Cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014 - CAMS 2014”, lấy ý kiến từ hơn 1.600 người do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và World Bank (WB) diễn ra vào sáng 23/7 các chuyên gia đến từ VCCI, World bank đã đưa ra nhiều con số khảo sát liên quan đến cảm nhận của người dân, doanh nghiệp về Nhà nước và thị trường.

Mong được Nhà nước "ôm ấp", vì sao?

Ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia WB cho biết, trong khảo sát CAMS 2014 tất cả các nhóm nghề nghiệp đều ủng hộ mạnh mẽ mô hình kinh tế thị trường để bình ổn giá của những hàng hoá thiết yếu. Tỷ lệ này năm 2014 là 75% tăng 7% so với 2011.

Gần 90% người dân cho rằng kinh tế thị trường là ưu việt nhưng có đến 75% người ủng hộ giá cả hàng hoá nên có sự can thiệp, bình ổn của Nhà nước.

Lý giải về mâu thuẫn trên theo ông Quang cần có sự nghiên cứu sâu hơn nhưng con số trên cho thấy việc vận hành kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội như tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, cải thiện chất lượng sản phầm dịch vụ và do đó càng khiến người dân có tâm lý mong chờ "bàn tay" can thiệp của nhà nước.

Cũng theo ông Quang, mâu thuẫn trên có thể xuất phát từ việc thiếu niềm tin vào thị trường, e ngại tình trạng độc quyền thậm chí tăng cao hơn trước thậm chí ở những mặt hàng như điện, nước, xăng dầu, thuốc…

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ví người dân thích nền kinh tế thị trường nhưng vẫn muốn được Nhà nước "ôm ấp, bảo vệ" nguyên nhân lại nằm ở thái độ Nhà nước, rủi ro thị trường, rủi ro chính sách nên tâm lý "dựa vào nhà nước" kiếm lợi là bình thường.

Báo cáo CAMS cho thấy người dân vẫn mong muốn Nhà nước nên can thiệp vào thị trường. Nguồn: CAMS 2014

Ông Thiên cũng lý giải thêm rằng, kết quả khảo sát trên được thực hiện vào thời điểm kinh tế Việt Nam đang khó khăn và can thiệp hành chính mạnh hơn từ Nhà nước và điều này là "có vấn đề".

"Từ khi chúng ta gia nhập WTO cách ứng xử không hoàn toàn theo cam kết WTO hệ quả là lực lượng doanh nghiệp suy yếu, môi trường kinh doanh khó khăn hơn", ông Thiên nói.

Ông Thiên cũng nhấn mạnh rằng, điều cản trở kinh tế thị trường xuất phát từ nguyên nhân cách nhận thức kinh tế thị trường không thật sự thông thoáng, đầy đủ, có sự định hướng Xã hội chủ nghĩa chưa được giải thích, thiết kế tác động mạnh đến kinh tế thị trường.

Ủng hộ xã hội hoá dịch vụ công nhưng…

Tại buổi hội thảo, chuyên gia đến từ WB thay mặt nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo CAMS 2014 cũng cho biết, người khảo sát tham gia thể hiện rõ quan điểm ủng hộ xu hướng nhà nước chuyển một số dịch vụ công sang cho khu vực kinh tế tư nhân thực hiện.

Nhưng mặc dù ủng hộ "xã hội hoá" một số dịch vụ công và thừa nhận khu vực tưu nhân cung cấp dịch vụ tốt hơn nhà nước nhưng tỷ lệ "ủng hộ song còn quan ngại" lên đến 57% vẫn cao hơn tỷ lệ hoàn toàn ủng hộ 42% chủ trương xã hội hoá các dịch vụ công.

Nhóm nghiên cứu đã đặt câu hỏi đối với một số dịch vụ cơ bản là y tế, giáo dục, công chứng, giao thông công cộng. Điều mà người dân lo ngại nằm ở chất lượng dịch vụ, giá cả dịch vụ.

Trả lời câu hỏi loại hình sở hữu nào là ưu việt, khảo sát CAMS 2014 cho thấy có 71% người cho biết sở hữu tư nhân của doanh nghiệp ưu việt hơn bất kỳ loại hình sở hữu nào khác.

Trong khi đó chỉ có 4% lựa chọn loại hình sở hữ ưu việt trong khu vực doanh nghiệp là sở hữu Nhà nước, khoảng 25% người trả lời cho biết không quan trọng hình thức sở hữu gì trong khu vực doanh nghiệp.

Nguyễn Thảo
Theo Báo Mới
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment