Vào lúc 11 giờ trưa ngày 27 tháng 8 năm 2015, tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật được tự do tại UBND xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng sau 4 năm tù giam. |
Sau khi ra khỏi nhà giam họ chia sẽ lại một số điều trong thời gian bị bắt, bị tù tội và những suy nghĩ lúc này với biên tập viên Gia Minh, Đài Á Châu Tự Do trong phần sau.
Không nhận tội
Phiên tòa sơ thẩm xử nhóm hơn chục thanh niên Công giáo- Tin Lành diễn ra tại thành phố Vinh trong hai ngày 8 và 9 tháng giêng năm 2013. Họ bị buộc tội có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Hà Nội hiện nay và là đảng viên của Đảng Việt Tân trụ sở chính tại Hoa Kỳ.
Các phiên xử sơ thẩm hay phúc thẩm đều được nói là công khai, thế nhưng rất ít người thân của những thanh niên bị đưa ra xét xử được cho vào phòng xử án; bởi vậy đó thông tin về việc họ nhận tội ra sao cũng không được nhiều người tường tận.
Theo các cựu tù nhân sau khi ra khỏi nhà giam thì suốt thời gian từ khi bị bắt cho đến lúc đưa đi thụ án và trước ngày mãn án, họ đều bị áp lực phải ký giấy nhận tội; nhưng điều này không được đáp ứng như lời của anh Trần Minh Nhật sau khi về đến nhà từ trại Gia Trung vào trưa ngày 27 tháng 8 như sau:
“ Tôi không phạm tội gì cả mà tôi không phạm tội thì không ai có thể ép tôi ký nhận tội cả. Dĩ nhiên trước đó họ có đưa vào một bản cam kết không tái phạm tội; nhưng tôi đã xé bản cam kết không tái phạm tội vì tôi tự hỏi ‘tôi phạm tội gì’; thế nên những đơn đó không có giá trị với tôi”
Cựu tù nhân lương tâm Thái Văn Dung, người mãn án hôm ngày 19 tháng 8 vừa qua cũng nói về điều này:
“ Tất nhiên 3 tháng, 6 tháng, quí xét giảm ản họ đưa ra các bản cam kết để xét giảm án, nhưng tôi ghi trong đó không nhận tội. Tôi không công nhận điều 79 Bộ Luật Hình sự.”
Đấu tranh trong tù
Trong thời gian bị giam giữ, những cựu tù nhân chính trị như các anh Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung …đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho bản thân cũng như những tù nhân khác. Họ từng phải áp dụng biện pháp cuối cùng là tuyệt thực.
Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều mà chỉ đòi hỏi con người cần được tôn trọng và nhân quyền cần được bảo đảm Trần Minh Nhật |
“ Tôi thấy tại những trại giam tôi qua, họ có một số cơ chế trong đó áp bức những người tù, đặc biệt phân biệt đối xử một số đối tượng. Họ không tôn trọng và không bảo đảm những qui định đã cam kết. Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều mà chỉ đòi hỏi con người cần được tôn trọng và nhân quyền cần được bảo đảm. Thế nhưng họ đã phớt lờ. Chúng tôi làm đúng thủ tục đến cùng rồi mới phải dùng đến hình thức tuyệt thực. Thật đáng tiếc khi người ta không cư xử với nhau bằng trái tim thì họ có những cách hành xử không đúng mực. Đó là điều tôi rất tiếc về những người thi hành pháp luật. Còn dĩ nhiên sau khi tuyệt thực có những thứ cải thiện mang tính hình thức. Tôi nói hình thức vì ví dụ như Trại Phú Sơn 4, Thái Nguyên, gọi là ‘thay đổi’ nhưng chỉ là hình thức mang tính chiếu lệ thôi!”
|
“ Lần tuyệt thực nhiều nhất là vào ngày 1 tháng 1 năm 2015, tức kỷ niệm 1 năm Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra đời, mà quyền tự do tín ngưỡng họ không thực thi cho mình. Hiến pháp chỉ có trên giấy tờ chứ không có tính thực tiễn, áp dụng vào đời sống của mọi người. Lúc đó tôi tuyệt thực 12 ngày đòi hỏi quyền lợi về sách tôn giáo, họ vẫn không cho mình đọc.
Vào tháng 12 năm 2014, họ chuyển từ K5 Trại giam Thanh Hóa, tức là thời điểm trại Thanh Cẩm chuyển về K 3 Thanh Hóa thì trong buồng có TV và quạt điện, còn sách tôn giáo họ vẫn không cho mình đọc.”
Tiếp tục con đường đã chọn
Cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật trong ngày đầu ra khỏi trại giam có những chia xẻ như sau:
“ Có một điều phải nói rằng có một điều mà tôi sẽ không bao giờ đánh đổi những gì mà tôi đã trải qua vì đó là một bài học vô giá. Bài học để tôi có thể nhìn nhận về con người, trong đó tôi nhận thấy rằng một xã hội không đặt nền tảng trên sự bình đẳng, không đặt nền tảng trên công lý và yêu thương giữa con người với nhau thì đừng nói gì đến văn minh hay tiến bộ cả. Tôi nghĩ rằng tôi cần phải trả món nợ đó. Món nợ đối với gia đình của tôi, những người yêu thương tôi, món nợ đối với tổ quốc nơi tôi dã sinh ra trong tư cách một công dân- nơi mà người dân của tôi dường như đang bị những áp bức không cần thiết; và món nợ với niềm tin mà tôi đã sống, và nhờ đó mà tôi vượt qua được những năm tháng tù đày. Tôi nghĩ rằng tôi luôn sống trong tư cách của một người công dân, và với tôi là người có niềm tin, tôi sẽ sống như tôi cần phải sống; tôi thấy rằng tôi sẽ luôn tôn trọng tất cả mọi người như tuân thủ pháp luật, nhưng tôi là một con người tự do nên tôi sẽ hành xử như một con người tự do.”
Tất nhiên sẽ có một số vấn đề, sắp đến họ sẽ tìm cách trù dập mình, họ làm một số vấn đề cho mình nhụt chí. Đối với những vấn đề đó tôi đã chuẩn bi tâm lý sẵn sàng rồi, cần thiết cũng có thể đi vào tù lần thứ hai Thái Văn Dung |
“ Mình công khai hoạt động nên bây giờ mình hoạt động một số vấn đề về các tổ chức xã hội dân sự, đấu tranh đòi những quyền lợi chính đáng mà con người chúng ta cần được hưởng.
Tất nhiên sẽ có một số vấn đề, sắp đến họ sẽ tìm cách trù dập mình, họ làm một số vấn đề cho mình nhụt chí. Đối với những vấn đề đó tôi đã chuẩn bi tâm lý sẵn sàng rồi, cần thiết cũng có thể đi vào tù lần thứ hai.”
Xin được nhắc lại anh Phao lô Trần Minh Nhật bị bắt tại Sài Gòn vào ngày 27 tháng 8 năm 2011 và bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Tuy nhiên theo anh này thì tại phiên phúc thẩm, tại tòa Hội đồng xử án chỉ tuyên bố anh bị 4 năm tù giam mà không nói gì đến quản chế, thế nhưng trong văn bản lại có. Anh tỏ ra thắc mắc về cách làm việc này của tòa Việt Nam.
Giaon Thái Văn Dung bị bắt vào ngày 19 tháng 8 năm 2011 tại Hà Nội. Anh bị kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế.
Trong nhóm những thanh niên Công giáo- Tin Lành bị đưa ra xét xử ở Vinh có 2 người chịu mức án cao nhất 13 năm tù cho mỗi người là Hồ Đức Hòa và Đặng Xuân Diệu.
Nhóm này còn có Nguyễn Đặng Minh Mẫn hiện thụ án 8 năm tù tại Trại giam Yên Định, Thanh Hóa. Đây cũng là nơi giam giữ cô Tạ Phong Tần, bị tuyên án 10 năm tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.
Gia Minh
phóng viên RFA
Theo RFA
0 Comments:
Post a Comment