|
"Chúng tôi vẫn đang nhóm một ngọn lửa. Ngay cả ở Việt Nam, các ngành văn hóa dân tộc cổ truyền ngày càng bị lấn át và tàn lụi. Chúng tôi ráng hết sức để giữ ngọn lửa cháy mãi. Nó cháy đến lúc nào thì mình mừng lúc đó..." Thầy Châu Nguyễn nói, cười nhẹ. Thầy là giảng viên từ những ngày đầu của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, một đoàn nhạc cổ truyền thành lập đã hơn 25 năm tại Orange County.
Một chiều Thứ Sáu sau giờ làm việc, nhóm phóng viên chúng tôi ghé thăm một buổi tập dượt của đoàn Lạc Hồng. Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến buổi trình diễn lớn tại rạp Saigon Performing Art Center trước hàng trăm khách tham dự.
Ngôi trường nhỏ và giản dị cách trung tâm Little Saigon khoảng năm phút lái xe. Bước qua cánh cửa gỗ mộc mạc và các khối đá lớn được sắp xếp một cách tinh tế bên ngoài, chúng tôi đi vào gian phòng đang vang lên những âm điệu réo rắt.
Một vài em đang tự luyện vài trích đoạn trên nhạc cụ cổ, vài em khác còn đang lo đùa giỡn với bạn bè. Áp lực của buổi trình diễn lớn hiện lên nét mặt của các giảng viên, dường như không ảnh hưởng gì đến sự vui tươi rất vô tư của các em.
Trước mặt thầy Châu, bên cạnh những cây đàn tranh, đàn nhị, trống chiêng, các học viên tranh thủ phút giải lao, say sưa trò chuyện, rổn rảng "you" "you" "me" "me". Dù có thể dạ thưa và trả lời thầy bằng tiếng Việt, với các em, Anh Ngữ mới là ngôn ngữ được nói trôi chảy.
Thầy Châu Nguyễn hướng dẫn các học viên đàn hòa tấu. (Hình: Thiên An/Người Việt) |
“Em theo nhóm 12 năm rồi, từ hồi 8, 9 tuổi.” Andrew, một trong những học viên lớn nhất đoàn, cho biết.
“Em học từ lúc 8 tuổi. Năm nay em 14 tuổi.” Cô bé có tên Kaila gần đó nói. “Em học đàn, múa, và hát. Khó nhất là đàn tranh. Một tuần em tập khoảng 10 tiếng tổng cộng. Em thích nhất là học hát và múa với các bạn, vui vẻ và cùng cố gắng với nhau để ngày càng tốt hơn.”
“Mấy năm trước thì ba má biểu đi học, khoảng một năm nay thì em tự đi. Hồi xưa thì em học nhạc cổ điển phương Tây, sau đó chuyển qua nhạc phương Đông, kiểu khác nên cũng hơi khó. Em thích nhạc cổ vì đó là nhạc của gia đình mình, của quê, của ba mẹ mình..." Phú, học viên am tường nhiều loại nhạc cụ nhất trong đoàn, tâm sự.
Một buổi trình diễn tại Saigon Performing Art Center. (Hình: Đoàn Lạc Hồng) |
Còn đang thích thú nghe lời chia sẻ của các em thì bên đầu kia của phòng học, thầy Châu nhắc đã đến giờ lớp dượt lại bản hòa tấu sẽ bế mạc chương trình sắp đến.
"Bắt đầu nào, các em chuẩn bị đánh cho thầy bản hoan ca..." Giọng thầy vang lên nhẹ nhàng, từ tốn, không hiểu sao vẫn đủ sức hút để tất cả mọi tiếng nói cười ồn ào bỗng thinh lặng.
Các em tuần tự vào kho lấy đàn, ngồi vào vị trí, tạo thành đội hình, răm rắp lớp trước lớp sau ngay hàng thẳng lối. Tiếng nhạc lại vang lên lúc nhanh lúc chậm, khi bổng khi trầm, ngập tràn lớp học nhỏ.
Thành lập từ những năm 1988 - 1989, từ một nhóm nhỏ vài người yêu mến nhạc cổ truyền dân tộc, đoàn Lạc Hồng nay có số thành viên đông đảo, đào tạo qua hơn 1,000 học viên, mỗi năm có khoảng 30 buổi trình diễn tại các địa điểm khắp nơi. Không chỉ gìn giữ dòng nhạc dân tộc cho người Việt trên đất Mỹ, Lạc Hồng giữ vai trò quan trọng trong việc quảng bá nét văn hóa truyền thống dân tộc đến với cộng đồng các sắc dân khác.
Chặng đường 25 năm của đoàn Lạc Hồng chẳng phải lúc nào cũng trải hoa hồng.
Cùng chụp hình sau màn biểu diễn. (Hình: Đoàn Lạc Hồng) |
"Nghệ thuật truyền thống, muốn làm thì phải hy sinh." Thầy Châu nói. "Một bài nhạc muốn các em trình diễn được thì mình phải bỏ thì giờ ra biên soạn, sáng tác lại, viết bè, dạy, tập dợt cho các em, sắm quần áo, nữ trang, tập trình diễn..."
Thầy ví dụ: "Nếu muốn các em trình diễn ban nhạc phương Tây thì trên thế giới đã có rất nhiều tác phẩm, mình có thể lấy nhạc của Mozart là một ví dụ. Nhạc cổ truyền thì chuyên về giai điệu nhiều hơn, ít có hòa tấu, ngay cả hòa tấu cũng rất đơn giản, ví dụ như cải lương. Còn muốn có nhạc để các em hòa tấu như một ban nhạc lớn thì phải biên soạn, viết bè, kết hợp nhiều nhạc khí, ngay cả trống chiêng, để vừa có lúc trầm lắng, buồn, vừa phải có lúc sôi động. Rất cực. Mà những buổi trình diễn lớn thế này huề vốn là may, nếu không muốn nói thường là ... lỗ."
"Nhiều khi các anh em chúng tôi cũng muốn buông xuôi. Nhưng khi thấy phụ huynh và các em lại đây, vui vẻ, xông xáo luyện tập, thì có mệt mỏi cũng phải tiếp tục. Tôi hy vọng sau khi chúng tôi lớn tuổi nghỉ rồi thì các em sẽ tiếp nối đoàn..."
"Chúng tôi vẫn đang nhóm một ngọn lửa. Ngay cả ở Việt Nam, các ngành văn hóa dân tộc cổ truyền ngày càng bị lấn át và tàn lụi. Chúng tôi ráng hết sức để giữ ngọn lửa cháy mãi. Nó cháy đến lúc nào thì mình mừng lúc đó..." Người giảng viên nói, cười nhẹ. Có chút gì đó thoáng buồn hiện lên ánh mắt người nghệ sĩ lão thành.
Sau 25 năm bền bỉ duy trì hoạt động, "ngọn lửa" mà đoàn Lạc Hồng thắp lên đã lan đến đâu, mạnh yếu thế nào, sẽ còn cháy bao nhiêu năm nữa, ngay cả người trong cuộc cũng khó mà đo đếm được.
Thầy Châu chào chúng tôi, quay trở lại lớp, dặn dò đôi điều cuối cùng với các em về buổi trình diễn lớn trong vài ngày tới.
Andrew, Kaila, Phú, và khoảng 20 học viên khác đều ở lại, tiếp tục trò chuyện với thầy và các bạn sau giờ tập đàn.
Tôi chợt nhớ lại lời tâm sự của các em khi nãy: "Con thích đến đây, con học được một chút về nước Việt Nam và dân tộc mình. Sau này lớn lên con sẽ học thêm về nhiều thứ khác nữa" của Kaila, hay "Em giờ giúp thầy dạy guitar, đàn bầu, đàn cò cho mấy em nhỏ hơn. Thầy của mình dạy cho mình, thì mình có bổn phận dạy lại cho mấy em" của Phú, mà bỗng yên lòng.
Nhìn các em nói cười, tay vẫn đang nâng niu chiếc đàn tranh, đàn nhi, tôi thấy mình mỉm cười, tự hào, và tràn đầy hy vọng vào tương lai "ngọn lửa" nhạc dân tộc trong tay thế hệ thứ hai của người Việt trên đất Mỹ.
Thiên An
Theo Người việt
0 Comments:
Post a Comment