Nguyễn Thanh Giang - Ký ức 19-8 và 2-9

TUỔI THƠ LANG BẠT

- Chương Một sách tự truyện “Người đội số phận” -

Tôi không có một nếp nhà, một góc phố, một xóm nhỏ gắn với cả tuổi thơ để mà hoài niệm. Riêng đoạn học trình để có được tấm bằng Tiểu học Tốt nghiệp (Certificat d’études primaires elementaires Indochinoises) tôi đã phải học qua năm trường và đi một vòng từ Thanh Hóa ra Hà Nội, rồi lại từ Hà Nội trở về Thanh Hóa.

Năm 1942, lên sáu tuổi tôi đã được đến trường. Trường Alexandre de Rhodes là một trường dòng ở sau Nhà Thờ thị xã Thanh Hóa. Tôi học ở đây chưa hết Lớp Bốn (Cours Preparatoire) thì Ba tôi về đưa tôi ra Hà Nội. Ở Hà Nội, tôi học qua hai trường: Trường Trí Tri, Trường Bùi Huy Bích mới hết được Lớp Nhì Đệ Nhất (Cours Moyen Un) thì Toàn quốc Kháng chiến, tôi phải tản cư về Thanh Hóa.

Trước năm 1944, tôi ở với ông bà nội ở phố Nhà Thờ. Đấy là một ngôi nhà Tây to đẹp có hạng ở thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ. Sau hơn bẩy mươi năm, năm kia, tôi mới có dịp trở lại thăm. Ngôi nhà đã bị phá hủy trong Tiêu thổ Kháng chiến. Trên thửa đất ấy bây giờ là nhà của nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển.

Năm 1944, ra Hà Nội, tôi ở với Ba và Dì ghẻ (tôi gọi bằng Má) ở số nhà 71 phố Tien Tsin, gần Chợ Hàng Da. Một buổi tối, vừa ăn cơm xong thì nghe súng nổ đì đẹt. Có nhẽ đấy là cái đêm Nhật Pháp bắn nhau, 9 tháng 3 năm 1945. Chúng tôi chạy bổ ra đường. Ba tôi dắt Má tôi, Má tôi lôi tôi chạy. Đèn phố tắt tối om. Người và xe cộ ngược xuôi hỗn loạn. Những vệt xanh, vệt đỏ vun vút trên đầu. Sau này tôi mới biết là những đường đạn. Lúc ấy tôi cứ ngẩng đầu chạy, không khóc, cũng không khom lưng như người lớn. Sau đêm ấy, nhà tôi dọn về ngõ Gia Ngư ở Ngọc Hà. Từ ngày chị Bích bị lính Tàu phù bắn chết, Ba tôi mang tôi vào ở ngay trong Bệnh viện Yersin (nay là Bệnh viện Việt Đức).

Chị Bích hơn tôi vài tuổi, con riêng của Má tôi. Một hôm, chúng tôi đi thăm cậu Huấn ở số 9, ngõ Tô Tịch, gần Bờ Hồ về, đến vườn hoa Cửa Nam thì lại nghe súng đì đẹt. Tầu điện đỗ lại, chúng tôi lao xuống, chị Bích vô tình bị trúng đạn. Người ta nói rằng có một thằng Tàu phù vào cửa hiệu cướp xà phòng ăn. Bị đuổi, hắn lao về phía bốt gác. Mấy lính Tàu phù đứng trong bốt canh giật mình nổ súng loạn xạ.

Tôi ghét bọn Tàu phù lắm. Chính tôi cũng bị một thằng Tàu phù cướp mất nắm cơm. Hôm ấy anh Vũ văn Kính dắt tôi đi xem xiếc Tạ Duy Hiển. Anh hỏi có thích ăn kem không? Tôi thích quà cơm nắm. Nắm cơm gạo đỏ tròn như lòng bàn tay, ở giữa lõm để đựng muối vừng. Tôi vừa cắn được một miếng thì thằng Tàu phù đến giật mất.

Bọn Tàu phù ăn ở bẩn thỉu lắm. Hồi ở ngõ Gia Ngư ngày ngày tôi thấy họ thường khiêng cơm qua cửa nhà tôi mà sao ruồi nhặng bay theo rất nhiều. Bọn trẻ chúng tôi đứng nhìn vỗ tay hát nhại bài Tiến quân ca: “Đoàn quân Tàu ô đi. Sao mà ốm thế. Bước chân phù lê trên đường gập ghềnh xa …”. Lúc đầu họ nghe vui vui cùng vỗ tay cười. Ít lâu sau, họ vác đòn gánh đuổi chúng tôi. Không biết đứa nào núp ở đâu ném họ chẩy cả máu đầu.

Ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, anh Vũ Văn Kính dẫn tôi ra Quảng trường Ba Đình xem. Tôi cứ nghếch mắt cố chen cho đến được gần kỳ đài nên bị lạc. Đang trên đường tìm anh Kính thì gặp anh huynh trưởng đội “Sói Con” (Cub Scout, là lớp Ấu sinh trong tổ chức Hướng Đạo sinh) nên tôi được anh đưa vào đánh trống ếch trong Đội Diễu hành, thay cho một bạn trẹo chân bị đưa vào Trạm Cứu thương ngay dưới chân kỳ đài.

Sau Cách mạng Tháng Tám, anh Kính đi làm cận vệ cho cụ Hồ Tùng Mậu. Cụ Hồ Tùng Mậu lúc bấy giờ là Tổng Thanh tra Chính phủ. Sau khi cụ bị hy sinh tại Phố Còng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa do máy bay oanh tạc vào năm 1951, anh chuyển sang làm Trưởng Ty Công an Thanh Hóa. Năm 1979 anh hy sinh trên chuyến chuyên cơ gặp nạn ở Dà Nẵng khi vừa được đề bạt Thứ trưởng Công an. Cùng trên chuyến chuyên cơ gặp nan là 6 sỹ quan Liên Xô và một số cán bộ của Chính phủ đi công cán về sự vụ Liên Xô đưa lực lượng vào hỗ trợ Việt Nam đương đầu với trận chiến Việt Trung ở biên giơi phía bắc.

Trước toàn quốc kháng chiến ít lâu, tôi theo Má tôi tản cư về Thanh Hóa, ở nhờ một nhà làm đồ mộc ở đầu dốc Xuân Phả. Tôi phải bỏ học đi bán bánh đúc riêu và nước vối ở đầu chợ Huyện Thọ Xuân.

Ba tôi ở lại Hà Nội, theo cơ quan y tế sơ tán về Chùa Hương. Bị Pháp tấn công Chùa Hương, Ba tôi bỏ cơ quan chạy bộ về Thanh Hóa tìm chúng tôi. Tôi được đi học lại và đã thi đỗ Primaire ở Trường Tiểu học Thọ Xuân Thanh Hóa.

Tôi học lõm chõm nhiều trường nên suốt những năm tiểu học chỉ nhớ được vài thầy, vài bạn.

Ở trường Alexandre de Rhodes, tôi nhớ thầy hiệu trưởng Nguyễn Thái Bá. Thầy là một linh mục. Sau này thầy được bổ làm giám mục đầu tiên ở Thanh Hóa.

Bạn thì chỉ nhớ một anh tên Sếu. Anh ta hơn tôi mấy tuổi, cao lớn hơn tôi, luôn xưng anh với tôi. Tôi không chịu, phân bì: “Sếu chân dài hơn Giang, nhưng Giang bay cao hơn Sếu”. Anh ta hay bắt nạt tôi. Tôi nhặt cứt dê khô đem tẩm đường, giả làm thuốc tễ, cho Sếu ăn.

Sếu học kém nhưng đánh cù và “chơi chiếm thành” rất giỏi. Dọc bờ tường nhà trường có cái gờ chỉ vừa đủ hai phần ba bàn chân. Hai toán áp lưng vào tường đi từ hai đầu lại, gặp nhau thì ẩy nhau xuống. Một mình Sến ẩy được đến bốn năm người.

Một hôm thầy giáo hỏi cả lớp lớn lên em muốn làm gì. Bạn thì bảo muốn làm cô giáo, bạn muốn làm bác sỹ, họa sỹ … Tôi bảo tôi muốn làm vua nên rất ngạc nhiên thấy Sếu bảo muốn làm công nhân.

Hơn chục năm sau, trở lại thị xã Thanh Hóa hỏi thăm mới biết Sếu đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi thương Sếu lắm.

Ở trường Tiểu học Thọ Xuân tôi nhớ thầy Tôn Thất Bật, em bác sỹ Tôn Thất Tùng. Thầy rất dữ đòn, thường nắm tóc học trò quất roi vào đít để học trò chạy vòng quanh, gọi là đòn caricay-xayhạttiêu.

Ở trường này tôi cũng chỉ nhớ được một bạn (không nhớ tên) mà tôi phục sát đất về tầm hiểu biết vì đã tìm vôi bôi cho tôi để chữa cái tội ngu dại lấy lá nán chùi đít.

Niên khóa 1947 – 1948 tôi học Đệ Nhất niên (Première Année) ở Trường Trung học Lê Lợi. Lúc đầu trường học nhờ nhà dân ở Nam Cai Đồng, sau dọn về thị trấn Neo ở Thọ Xuân. Vì học ở đây ba năm, cho đến hết Đệ Tam niên (Troisième Année) nên tôi nhớ được nhiều thầy hơn. Thầy Lê Như Ứng, hiệu trưởng; thầy Cao Hữu Nhu dạy Địa lý; thấy Hồ Dzếnh dạy Văn; thầy Đinh Xuân Lâm dạy Sử; thầy Trần Văn Giá dạy Tiếng Pháp …

Vào những ngày tôi đặt bút viết cuốn Tự truyện này, tháng 12 năm 2014, thầy Cao Hữu Nhu mất. Thầy là một nhà giáo rất kỳ cựu của Thanh Hóa. Thầy giỏi ba ngọai ngữ: Pháp, Anh, Trung và uyên thâm như một học giả. Thầy là chủ tịch Mặt trận Liên Viêt tỉnh từ khóa đầu cho đến Mặt trận Tổ quốc 6 khóa sau, là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Xô tỉnh, là Nhà giáo Nhân dân, là thầy dạy của nhiều Trung ương Ủy viên, Thứ, Bộ trưởng và nhiều quan chức tỉnh Thanh Hóa nhưng đám tang của thầy đơn sơ lạnh lẽo quá. Không quan chức nào quan tâm đến tang lễ thầy. Họ bận chen cạnh nhau lên chức, tăng quyền, vơ vét bổng lộc hay vì thầy không là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam?.

Thầy Đinh Xuân Lâm là một trong “tứ trụ triều đình” sử học Việt Nam: Lâm, Lê (Phan Huy Lê), Tấn (Hà Văn Tấn), Vượng (Trần Quốc Vượng). Thầy có trí nhớ kỳ lạ. Bẵng đi hơn chục năm kể từ ngày dạy tôi ở trường Lê Lợi, một hôm gặp tôi ở Hà Nội thầy vẫn gọi tên tôi đầy đủ cả họ. Ngày tôi viết tập Truyện ký này, thầy đã ở tuổi chín mươi nhưng khi tôi gọi điện thoại hỏi thầy về những sự kiện lịch sử ở Thanh Hóa liên quan đến tôi và gia đình tôi thì vẫn được thầy chỉ bảo rất rành rẽ. Thầy không phải người Thanh Hóa mà sinh tại Hương Sơn Hà Tĩnh trong một gia đình quan lại. Từ nhỏ thầy đã theo cụ thân sinh ra Thanh Hóa làm tri huyện Yên Định nên thầy coi Thanh Hóa như quê hương thứ hai. Thầy từng nhận làm chủ hôn trong lễ cưới của con trai tôi.

Thầy Hồ Dzếnh thì đã nổi tiếng từ lâu với tập truyện “Chân trời cũ” và tập thơ “Quê ngoại”. Thầy là người minh hương. Thân sinh thầy phiêu bạt từ Quảng Đông sang sinh sống tại Việt Nam, kết hôn với một cô lái đò phà Ghép Quảng Xương Thanh Hóa.

Từ ngày ấy tôi đã thuộc đoạn thơ này của Hồ Dzếnh:

Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay ?
Tôi là người lữ khách,
Mầu chiều khó làm khuây,
Ngỡ lòng mình là Rừng,
Ngỡ hồn mình là Mây,
Nhớ nhà châm điếu thuốc,
Khói huyền bay lên cây...


Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD 981 trong lãnh hải của ta, nhớ thầy, tôi viết:

Bây giờ nhớ nhà châm điếu thuốc
Ông thấy khói lên quện mảng mây nào?
Đất và Biển chỗ còn, chỗ mất
Ông có cùng như tôi xót đau?


Bạn cùng học ở Lê Lợi với tôi thành đạt nhất có lẽ là Tống Duy Thanh. Anh cùng tuổi Bính Tý với tôi, sinh năm 1936. Giáo sư – Tiến sỹ Khoa học Tống Duy Thanh được xem là giáo sư đầu ngành về Cổ sinh - Địa tầng của Địa chất Việt Nam, có đóng góp lớn vào việc hình thành Bộ Bản đồ Địa chất Việt Nam tỷ lệ 1: 500 000. Năm 2005 công trình này được Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Hai tiến sỹ địa chất đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều là người Thanh Hóa: Tống Duy Thanh và Nguyễn Nghiêm Minh. Nguyễn Nghiêm Minh kém tôi một tuổi, cũng quê Hoằng Hóa. Năm 1995 được bầu làm Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học về Tự nhiên và Xã hội CHLB Nga. Năm 1996 được bầu làm Viện sỹ Hàn Lâm Quốc tế về Tài Nguyên Khoáng sản CHLB Nga. Năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm Ngành Địa chất Nga, Viện Hàn lâm khoa học về Tự nhiên và Xã hội CHLB Nga đã trao tặng cho GS.TSKH.VS Nguyễn Nghiêm Minh giải thưởng cao quý: “Huy chương Pie Đại Đế” vì những công lao và đóng góp cho khoa học và nền kinh tế của nước Nga.

Nguyễn Văn Tuấn, lúc cùng học gọi là Nguyễn Văn Miêng thì hơn chúng tôi mấy tuổi, to cao, đẹp trai. Đi học qua một cánh đồng rộng, tôi thường phải bám theo anh để không bị trẻ trâu bắt nạt “dân tản cư”. Anh là cán bộ của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được cử phụ trách Đoàn Thanh niên Lưu học sinh Việt Nam ở Liên Xô. Anh đã mất cách đây mươi năm.

Hồi học ở Neo, nhà tôi chuyển về Quần Kênh, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân. Ba tôi làm ở xưởng giấy Đông Minh sản xuất giấy in bạc cho chính phủ. Giám đốc xưởng giấy Đông Minh là ông Hoàng Văn Chí. Ông Hoàng Văn Chí là người Mường Thanh Hóa, đậu cử nhân khoa học tạị Viện Đại học Đông Dương năm 1940. Ông không chỉ chế tạo giấy in bạc cho Chính phủ mà còn tham gia thiết kế mạng lưới thủy nông ở Thanh Hóa. Công trình thủy điện đầu tiên tôi được thấy trong đời là máy nghiền nứa làm bột giấy sử dụng sức nước do ông Hoàng Văn Chí thiết kế. Máy đặt ở đầu nhánh sông nông giang trích nước về Quần Tín. Năm 1954 ông di cư vào Nam rồi ra nước ngoài trở thành một học giả, tác giả cuốn “Trăm hoa đua nở trên Đất Bắc” và cuốn “Từ Thực dân đến Cộng sản”…. Ông là anh cọc chèo của tướng Nguyễn Sơn. Hai người đều là con rể của nho sỹ Lê Dư, bút danh Sở Cuồng.

Tôi nhớ Hoàng Văn Chí vì ông đã cho tôi một bộ quần áo. Năm 1952, máy bay Pháp bỏ bom thiêu hủy nhà máy giấy Đông Minh. Nhà tôi ở cạnh bãi gỗ của xưởng nên cũng bị cháy theo. Cả tháng trời tôi chỉ mặc một cái quần xoóc với một áo sơ mi. Hôm nào giặt thì đêm phải cởi truồng, cởi trần, sáng hôm sau phải mặc quần áo ẩm cho đến lúc tự khô trên người.

Nhà bị cháy vốn là một nếp tranh ba gian mở quán giải khát đặt tên là “Quán Mới”. Đi học về tôi phải làm “bồi bàn” của quán. Ngoài cà phê, nước chanh … quán có đặc sản “kem trứng”. Cách chế tạo “kem trứng” như sau: đập một hoặc hai quả trứng gà vào cốc, bỏ đường, kẹp cái cốc vào đùi, dùng “máy đánh trứng” đánh. “Máy đánh trứng” làm bằng chiếc đũa một đầu gắn sáu sợi mây uốn cong như chiếc lồng nhỏ. Trứng phải tươi, tay phải xoay chiếc đũa mạnh và liên tục để trứng bồng lên đặc quánh. Những hôm đông khách tay tôi không chỉ mỏi nhừ mà còn trớt da.

“Quán Mới” nằm bên bờ sông nông giang dẫn nước từ đập Bái Thượng về. Còn trẻ nhưng đêm đêm không hiểu sao tôi vời vợi buồn khi nghe vạn đò hò khoan: “Dô tá dô ta ơ hầy khoan ấy hầy hầy khoan” “Đôi ta chích huyết ăn thề/ Kẻ ở Nông Cống người về Quảng Xương/ Núi Nưa có lở thành đường/ Sônq Đơ có lấp nên rừng cây xanh/ Núi Mật có đổ tan tành/ Đôi ta vẫn giữ trọn tình đôi ta”, “Vắng ai chỉ một phiên đò/ Miếng trầu nhạt thếch, câu hò cũng không”, “Một mai thiếp có xa chàng/ Đôi bông thiếp trả, con chàng thiếp xin” …

Nhà cháy, tài sản không còn gì, năm 1952 Ba tôi xin Ủy ban Hành chính Kháng chiến Thanh Hóa “dinh tê” Hà Nội. Tôi về Hoằng Hóa với Bà nội ở nhờ nhà ông Lê Trọng Thoàn, đại biểu Quốc hội khóa Một. Ông Thoàn đi thóat ly từ cách mạng Tháng Tám, chúng tôi được ở nhờ căn nhà ngói ba gian giữa vườn chè rộng khoảng hai sào.

Nhà Bà nội nghèo lại phải nuôi cả con lẫn cháu. Hàng cháu, không chỉ có tôi mà còn chị Thức và anh Đức, con bác giáo Tùng, anh cả của Ba tôi. Vợ bác giáo Tùng là Phạm thị Chí, gọi ông Phạm Quỳnh bằng chú. Hai vợ chồng bác giáo Tùng cùng mất năm 1945 trong thảm cảnh dịch tả, bỏ lại ba người con. Vợ chồng bác giáo Tùng mất khi ba người con còn rất nhỏ. Thấy kiến bu lên mắt xác mẹ, họ chưa biết khóc mà chen nhau ngồi đuổi kiến cho mẹ.

Nhà nghèo nhưng chúng tôi, cả con lẫn cháu đều được đi học. Bởi vậy, tất cả đều phải “vừa học vừa làm”. Tôi phải đi đập đất thuê, nhổ mạ thuê, cấy thuê, đập lúa thuê … Tối tối cả nhà xúm lại, hoặc bóc lạc, tẽ ngô, hoặc quay bông, kéo sợi thuê cho mậu dịch. Sáng sớm, có hôm tôi đi đặt te kéo tép với chị Thức. Te làm bằng mảnh vải màn vuông, mỗi chiều ba mươi phân văng ra bằng hai thanh nứa bắt chéo. Thả thính vào giữa vuông vải màn, nhấn xuống bờ ao. Ngửi mùi thơm, tép xúm lại, nhấc te lên, có lần được đến vài chục con tép. Buổi chiều có hôm tôi cùng chú Dương đi đặt chũm bắt cá rô. Lội ra giữa ruộng lúa nước, bới một lỗ tròn bằng bàn tay, rạch bùn mở hai rãnh dẫn vào cái lỗ tròn. Chũm có chứa thóc ngâm thối hoặc trùn tanh. Cá rô lách theo rạch, chen nhau, cắn đuôi nhau nhảy ngược lên qua cái hom và mắc lại trong chũm. Chú Nguyễn Thanh Dương là chú ruột tôi nhưng kém tôi hai tuổi không chỉ đặt chũm giỏi hơn tôi mà còn biết đặt ống lươn. Ống lươn làm bằng một đốt cây nứa, một đầu kín một đầu hở. Đầu hở có cái hom xuyên ngang bằng một que tre để cắm ống nứa xuống bờ ao. Lươn ngửi thấy mùi trùn tanh trong ống nứa, chui qua hom vào và mắc lại trong đó. Chú Dương còn giỏi bẫy chim vàng anh.

Vàng anh là hiện thân của Cô Tấm, đã từng được nhà vua vời gọi “Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh chui vào tay áo …”. Giống chim này thường sinh sản ở khu vực ôn đới của Bắc bán cầu. Nó là loài chim di cư, mùa hè di cư đến khu vực châu Âu và miền tây châu Á, mùa đông di cư đến khu vực nhiệt đới. Quê tôi gần biển nên sau hành trình dài qua biển, vàng anh thường sả cánh xuống quê tôi.

Vàng anh trống có bộ lông vàng và đen đặc sắc. Mầu vàng là chủ đạo. Viền đen to quanh mắt chim vuốt nhỏ dần một cách mềm mại ra sau gáy. Lông bụng chim mái có màu xanh ô liu. Tiếng chim kêu giống tiếng giẻ cùi nhưng rất thánh thót.

Vàng anh tránh các vòm cây rậm rạp và thường thích đỗ nơi thoáng đãng trên cao. Dựng cây tre cao ngang ngọn dừa có buộc một chú chim vàng anh trống đẹp ở đỉnh. Phía dưới chim mồi cắm những que nhựa. Vàng anh bay tới đỗ lại nhập bầy, dính nhựa rơi xuống.

Những hôm mưa bão, chú Dương và anh Đức đi nhặt tàu dừa rơi về làm củi cũng được nhiều hơn tôi. Ban đêm, có hôm chúng tôi rủ nhau đốt đuốc lá dừa đi bắt lư hoặc chọc cáy. Con lư giống con bào ngư. Khi đang bò, con lư dài bằng ngón tay, khi bị chộp nó kêu lên một tiếng “chiu” rất khẽ và co tròn lại. Cháo lư ngon tuyệt. Và bổ nữa.

Cáy thì bò ngổn ngang dưới gốc cây sú. Cầm que tre đầu nhọn dài khoảng mét rưỡi chọc trúng vào lỗ của nó. Miệng lỗ bị bịt, cáy không chui xuống được và bị bắt. Mắm cáy chấm cà xổi rất ngon. Nước mắm cáy, trong ký ức tôi, ngon hơn nước mắm Phú Quốc bây giờ.

Ngày nay về không còn tìm được bãi sú đầy lư và cáy thuở xưa nữa. Con sông Tuần cũng bị đẩy ra xa và thu hẹp lại làm tôi nhớ những ngày câu phi ở mép nước sông. Mỗi con phi có một con đòi. Con đòi là một con cua nhỏ sống cộng sinh trong con phi. Phi thường vùi minh dưới cát ở độ sâu vài chục phân, nằm há miệng chờ con đòi. Dùng một que tre đầu nhọn có khấc. Bằng kinh nghiệm, biết lỗ nào có phi thì chọc xuống. Phi bị đau, ngậm miệng lại, ta kéo lên. Con phi hình dạng giống con mực nhỏ nằm trong bộ vỏ giống vỏ con chai. Ăn phi rất ngon mà không thấy ở đâu có. Nhạc sỹ Phạm Duy kể trong Hồi ký của mình: “Ngồi nghe hò và được ăn món “phi” của địa phương ngon tuyệt trần. Đó là những con nghêu dài như ngón tay, trắng như mực, ăn vào thấy dòn chứ không dai như mực”. Cách đây mấy chục năm, khi được mời về trong đoàn cán bộ khoa học tư vấn tôi đã khuyến nghị địa phương nên nghiên cứu tổ chức nuôi phi để biến thành một vùng đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Không có riêng một nếp nhà, một góc phố, một xóm nhỏ để mà hoài niệm nhưng kỷ niệm của tôi rải đầy trên cả vùng quê Thanh Hóa

Người ta thường tự hào về một miền địa linh nhân kiệt, xưa đã có nhiều vua, nhiều chúa: Bà Triệu (226-248), Lê Hoàn (941-1005), Hồ Quý Ly (1336–1407), Lê Lợi (1385-1433), Lê Thánh Tông (1442-1497), Nguyễn Hoàng (1524-1613) …; nay không chỉ có cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mà còn là tỉnh duy nhất có hai ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Quang Nghị và Tô Huy Rứa cùng được bầu trong Đại hội Đảng XI. Hơn thế nữa, nghe đâu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn dự kiến giới thiệu Phạm Quang Nghị làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ 2016 – 2021. Lúc đầu tôi rất tán thưởng đề xuất này vì cho rằng Phạm Quang Nghị là nhân vật thuộc hàng nổi trội so với tất cả các Ủy viên khác trong Bộ Chính trị. Tuy nhiên, sau chuyến “ra mắt” ở Hoa Kỳ với món quà quái dị mà ông đem tặng Thượng nghị sỹ John McCain thì uy tín của ông xuống rất thấp. Bỏ phiếu tín nhiệm ngày 10 tháng 01 năm 2015 vừa rồi, ông đội sổ, đứng thứ 19 trên 20. Cái người giới thiệu ông là ông Tổng Bí thư cũng bị giáng xuống hàng thứ tám!

Dẫu sao đi nữa, nhân vật ngọ nguậy trong tâm thức tôi và được tôi sủng ái vẫn là Trạng Quỳnh huyền thoại.

Trạng Quỳnh tên thật là Nguyễn Quỳnh (1677–1748 hoặc 1720–1770) là một danh sĩ thời Lê–Trịnh (vua Lê Hiển Tông), quê ở làng Bột Thượng nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 18 tuổi Nguyễn Quỳnh theo cha ra Thăng Long ở nhờ nhà một người bà con bên ngoại để theo học. Năm 20 tuổi đỗ giải nguyên (đỗ đầu kỳ thi hương). Năm 1712 Nguyễn Quỳnh chuyển về Thăng Long làm huấn đạo phủ Phụng Thiên. Năm 1718 sau khi đỗ hạng ưu kỳ thi sỹ vọng, Nguyễn Quỳnh chuyển về Thăng Long làm viên ngoại lang ở Bộ Lễ rồi làm tu soạn ở Viện Hàn Lâm. Ở Thăng Long, ông được xếp vào "Tràng An tứ hổ": "Nhất Quỳnh, nhì Nam, tam Hoàn, tứ Tuấn".

Nguyễn Quỳnh nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước qua nhiều giai thoại nên dân gian thường gọi ông là Trạng. Ở Hoằng Hóa, ngoài Nguyễn Quỳnh, còn có những nhân vật khác được xem là dòng dõi Trạng Quỳnh, đã trở thành cốt lõi hoặc xuất phát điểm của nhiều giai thoại hài hước độc đáo chống cường quyền, giàu ý nghĩa nhân văn như Nguyễn Chung, Nguyễn Xiển (Hoằng Lộc), Nguyễn Đôn Tiết (Hoằng Đức), Nguyễn Thời Trội (Hoằng Sơn).

Trong các truỵện tiếu lâm của Trạng Quỳnh tôi thích nhất truyện này: “Một lần chéo đò đưa đoàn sứ Tầu qua sông. Ra giữa dòng, ai đó xổ ruột đánh cái “bùm”. Tên sứ Tàu xướng lên câu đối: “Lôi động Nam bang” (Sấm động nước Nam). Trạng Quỳnh liền vạch quần đái vọt cần câu, họa: “Vũ quá Bắc Hải” (Mưa qua Biển Bắc).

Ngoài ra còn có truyện này, truyện “Tiên sư thằng Bảo Thái!”:

“Các bà, các cô chợ búa ở khắp các phường kinh thành Thăng Long, chưa bao giờ đi chợ lại gặp chuyện lạ kỳ như sáng hôm nay. Họ đến hàng thịt lợn, thịt trâu, thịt bò… hỏi mua, nơi nào người ta cũng lắc đầu quầy quậy nói đã có khách đặt trước rồi. Người mua không nghi ngờ gì, tin người bán nói thật vì các loại thịt đều đã được thái nhỏ ra thành miếng chứ không để nguyên tảng.

Hỏi ra mới biết nhà vua giao cho quan Trạng làm chủ một tiệc rất lớn. Nghe nói khách đông lắm phục dịch không xuể. Gia nhân được lệnh quan Trạng, đến báo cho các hàng thịt khắp nơi thái sẵn, có bao nhiêu cũng mua, đắt mấy cũng lấy, để về nhà bếp chỉ có việc chế biến gia giảm, kịp làm cỗ, soạn mâm.

Đến khi chợ vãn hết người, ruồi muỗi vù vù đến bâu, các quầy hàng thịt vẫn còn đóng ghế ngồi đợi… Quá trưa sang chiều, thịt đã bắt đầu ôi chảy nước ra vẫn không thấy mặt mũi khách hẹn đâu. Trong bọn họ nhiều kẻ sốt ruột, đành liều thẳng đến nhà quan chẳng thấy cổ bàn, khách khứa nào cả. Họ hỏi đầu đuôi, thì chính Quỳnh ra trả lời rằng:

“Sao bà con lại dại dột cả tin như vậy? Chắc có đứa nào mạo danh “Trạng” chơi xỏ đấy thôi. Cớ sự đã thế, bà con cứ gọi những thằng nào, con nào “bảo thái” ra mà chửi cho bọn khoảnh ác chừa cái thói ấy đi.

Các hàng thịt không nhớ mặt, biết tên phường những người đặt hàng. Bực mình chỉ còn biết đứng ra giữa chợ chửi um lên: Tiên sư thằng “Bảo Thái”! Tiên sư thằng “Bảo Thái”!

Bảo Thái là niên hiệu vua Lê đương thời. Thành thử nhà vua không làm gì bọn hàng thịt mà bị chúng réo tên chửi oan, không còn mặt mũi nào ra khỏi cổng thành nữa”..

Biết là không xứng nhưng tôi vẫn vui khi được đại tá Nguyễn Trần Thiết ghép tôi vào dòng dõi Trạng Quỳnh. Sau khi đọc mấy tập chính luận của tôi: “Khát vọng ngàn đời”, “Suy tư và Ước vọng”, “Giữa Đông và Tây”, “Sứ mệnh Công dân” … ông tặng tôi bài thơ:

Hoằng Hóa quê choa có Thanh Giang
Chút chit Cống Quỳnh, giỏi, nghịch, ngang
Vua quan, bà chúa đều không sợ
Sợ Trẫm băng hà Trạng vẫn oan


Đại tá, nhà văn, nhà báo Nguyễn Trần Thiết cùng quê Hoằng Hóa Thanh Hóa, là tác giả của trên 90 đầu sách, trong đó nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Vòng trầm luân oan nghiệt”, “Khát vọng con người”, “Ông tướng tình báo và hai bà vợ”, “Lính biệt động”, “Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn” ….

Trạng Quỳnh được xem như thần trí tuệ, Hoằng Hóa còn có vị thần sức mạnh cơ bắp gọi là ông Bưng.

Truyện kể, ngày xưa ở thôn Trí Trọng, xã Hoằng Quỳ, có một người đàn bà nghèo khó. Bà đi làm thuê để kiếm ăn, đã luống tuổi mà chưa có chồng. Một buổi sáng tinh mơ bà ra sông gánh nước, thấy dấu một bàn chân to dị kỳ trên bờ cát, bà ướm chân vào đấy và thấy động trong mình rồi thụ thai. Ông Bưng lớn lên, sức vóc phi thường, đã từng thuần phục được con trân xanh khổng lồ, chặt cả một cây lim to làm cày, đường cày rạch thành sông Ấn. Ông giúp vua đánh tan giặc. Vua ban chức tước, ngọc ngà ông đều không nhận, chỉ xin ruộng đất để cày cấy. Vua cho ông nhận “thác đao điền”. Ông đứng trên núi Băng Sơn quăng dao, mũi dao cắm xuống làng Đa Mi. Từ chân núi đến chỗ mũi dao cắm xuống quy vuông được một ngàn mẫu. Ông Bưng ra tận giáp ranh tỉnh Ninh Bình vác núi Đường Trèo về đặt trong thái ấp, gọi là Hòn Bưng.

Các nhà sử học bảo rằng ông Bưng chính là Lê Phụng Hiểu được thần thoại hóa. Lê Phụng Hiểu là danh tướng đời Lý. Ông được Lý Thái Tổ thăng đến chức Vũ vệ tướng quân. Năm 1044 ông theo vua đi đánh Chiêm Thành, lập được nhiều công lớn, được vua ban “Thác đao điền” như đã kể trên.

Nhân dân Hoằng Hóa tôn thờ ông. Thần Lê Phụng Hiểu được thờ ở nhiều nơi tại các nghè: Xuân Sơn, Ích Hạ, Trí Trọng, Quỳ Chũ, Đông Khê, Phúc Tiên, Nhân Vực, Đức Giáo, Khúc Phụ, Đô Du, Trung Hia.

Các tác giả Đại Nam nhất thống chí viết về Thanh Hóa như sau: “Sĩ tử thích văn học, giữ khí tiết, nông dân chăm cày cấy”. H. Le Broton trong “Le province đe Thanh Hóa” thì viết: “Thanh Hóa là nơi căn bản của nước Nam, muốn học sử nước Nam phải học sử Thanh Hóa trước. Phong cảnh tỉnh Thanh đẹp có tiếng, nhiều tay sử bút Tầu đã đề tả mà khen. Lại nhiều cổ tích danh kí, nên những bậc văn nhân, ai đã đến ở đó một ít lâu, sau dẫu đi đâu, lòng vẫn nhớ mãi … “Nước có nguồn, cây có cội”, người Nam phải quý đất Thanh”..

Thật vậy, quá nửa nhân tài của nước ta đều có gốc là người Thanh Hoá. Bà Triệu Thị Trinh khởi binh đánh Lục Dận nhà Ðông Ngô là người của quận Cửu Chân, tức Thanh Hoá. Ông Dương Diên Nghệ ra xây thành Ðại La từ thế kỷ thứ 9, là tướng của Khúc Hạo, sau làm Tiết độ sứ được sáu năm là người của Ái Châu, tức Thanh Hoá. Ngô Quyền quê gốc ở Sơn Tây nhưng từ nhỏ tới lớn đều ở Thanh Hoá, là con rể Thanh Hóa, lấy con gái Dương Diên Nghệ. Lê Hoàn sống với mẹ ở làng Xuân Lập, huyện Thọ Xuân cũng vẫn là người Thanh Hoá. Ðinh Bộ Lĩnh quê ở Gia Viễn, thời đó hai huyện Gia Viễn và Gia Khánh được gọi là Thanh Hoá ngoại. Lê Lợi rõ ràng là người Thanh Hóa, dấy binh từ Thanh Hoá mà xông tới đánh tan quân Minh.

Ngoài ra còn có thể kể rất nhiều bậc tài danh thuộc nhiều lĩnh vực, là người Thanh Hóa:

Lương Ðắc Bằng (1472 - ?) - Người làng Hội Trào, huyện Hoằng Hoá. Lúc bé đã nổi tiếng thần đồng, năm 27 (hoặc 28) tuổi đỗ hội nguyên, thi đình đỗ nhất giáp tiến sĩ, tên thứ 2 (tức bảng nhãn). Ông làm quan đến thượng thư Bộ lại, được tham dự triều chính, tước Ðôn Trung Bá. Ông còn là nhà giáo mẫu mực, là thầy dạy của Nguyễn Bỉnh Khiêm; Hồ Nguyên Trừng - Con trai Hồ Quí Ly, là nhà sáng chế kỹ thuật quân sự tài giỏi. Cuộc kháng chiến chống Minh thất bại, cha con ông bị bắt đưa về Trung Quốc, ở đây ông chế được nhiều loại đại bác. Làm quan đến Công bộ thượng thư. Ông còn viết sách, làm thơ với tác phẩm tiêu biểu như "Nam ông mộng lục", tỏ rõ lòng nhớ quê hương đất nước của mình; Ðào Duy Từ (1572 - 1634) - Quê làng Hoa Trai, xã Nguyên Bình (Tĩnh Gia). Ông là một trong những vị khai quốc công thần nhà Nguyễn, một nhà quân sự, ngoại giao, văn hoá tài giỏi. Ông đã có công giúp nhà Nguyễn mở mang kinh tế, giữ yên lãnh thổ, được phong tước Lộc Khê hầu và thờ trong Thái Miếu, ông là tác giả của tác phẩm Hổ trướng khu cơ, Ngoạ Long cương Vãn, Tư Dung vãn... ; Lê Thánh Tông (1442 - 1497) - Cháu nội vua Lê Thái Tổ. Năm 1460, ông lên ngôi vua trị vì được 38 năm với hai niên hiệu: Quang Thuận (1460 - 1469) và Hồng Ðức (1470 - 1497). Ông là nhà cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam . Bộ luật thành văn đầu của nước ta, được soạn dưới thời ông. Ông là người sáng lập hội Tao Ðàn, để lại nhiều tập thơ, 1 tập truyện ký và rất nhiều bài viết đặc sắc trong các tập Hồng Ðức thi tập, Thánh Tông di cảo...; Tống Duy Tân (1837 - 1892) -

Ông quê ở xã Vĩnh Tân (Vĩnh Lộc). Ông đậu tiến sĩ năm 1875, làm tri huyện Vĩnh Tường, án sát Sơn Tây, chánh sứ sơn phòng Quảng Hoá. Năm 1886, ông cùng con là Tống Nhữ Mai lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh. Ông cùng Phạm Bành, Hoàng Bật Ðạt, Trần Xuân Soạn... lãnh đạo nghĩa quân Ba Ðình, ông đã bị giặc Pháp bắt tại hang Niên Kỷ (Bá Thước) và hi sinh tại thị xã Thanh Hoá năm 1892; Lê Hoàn (941 - 1005) -

Quê xã Xuân Lập, Thọ Xuân, từ một người lính bình thường, ông đã lập được nhiều chiến công, được Đinh Bộ Lĩnh giao cho làm Thập đạo tướng quân tổng chỉ huy quân đội. Năm 980, trước sự xâm lược của quân Tống, ông được quân sĩ và triều đình Hoa Lư tôn làm Hoàng đế. Ông đã tổ chức quân dân Ðại Việt hoàn thành cuộc kháng chiến chống Tống. Ông là nhà ngoại giao tài giỏi, có công lớn trong mở mang kinh tế, phát triển nông nghiệp, giữ yên bờ cõi đất nước; Lê Văn Hưu (1230 - 1322) - Quê ở xã Thiệu Trung, Thiệu Hoá. Năm 1247, thi đỗ bảng nhăn. Năm 1272, làm hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc sử viện quán tu và hoàn thành bộ sử Ðại Việt sử ký gồm 30 quyển. Ông không chỉ là nhà viết sử lỗi lạc đầu tiên của nước nhà mà còn là nhà quân sự với chức thượng thư bộ binh kiêm chưởng sử, tước Nhân uyên hầu; Nguyễn Hoàng (1524 - 1613) - Là con trai thứ hai của Hưng Quốc công - Nguyễn Kim, vào trấn thủ Thuận Quảng, mở đầu cho sự nghiệp của các chúa Nguyễn với vương triều Nguyễn; Nguyễn Hoàn (1713 - 1791) - Quê ở làng Lan Khê, xã Nông Trường (Triệu Sơn). Năm 1743, đậu tiến sĩ, thăng chức lại bộ thượng thư. Năm 1777 được thăng chức thái phó, quốc lão... Không những là một vị quan to trong triều, ông còn biên khảo những tác phẩm lịch sử như Quốc sử tục biên, Ðại Việt đăng khoa lục...cùng với một số tác giả khác; Lê Ðình Kiên (1620 - 1704) - Quê làng Thiết Ðinh, xã Ðịnh Tường (Yên Ðịnh). Ông có công trong việc xây dựng phố Hiến (Hưng Yên) thành một trung tâm buôn bán lớn của đất nước. Ông là nhà ngoại giao, ngoại thương tài năng, góp phần quan trọng vào việc mở mang đất nước; Nguyễn Kim (? - 1545) - Là người Gia Miêu, huyện Tống Sơn (Hà Trung ngày nay), là người khởi xướng và lãnh đạo công cuộc trung hưng nhà Lê. Sự nghiệp chưa thành, ông bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc, mất năm 1545. Ông đă sáng suốt nhìn nhận và giao quyền lực lại cho con rể là Trịnh Kiểm trước khi mất. Ông là người mở nghiệp cho dòng chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn; Trịnh Kiểm (1503 - 1570) - Quê làng Sóc Sơn, Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc. Ông là người có công lớn trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Ông là người mưu lược đã cùng tướng sĩ đánh lui 5 đợt tấn công của nhà Mạc, bảo vệ vững chắc Thanh Hoá. Ông cũng đă hết sức chăm lo triều chính, lập chế độ thuế khoá, khuyến khích nghề nông, mở rộng thi cử để chọn nhân tŕi... Ông là ông tổ của dòng chúa Trịnh; Nhữ Bá Sĩ (1787 - 1867) - Người làng Cát Xuyên (Hoằng Cát, Hoằng Hoá), đỗ cử nhân năm 1821, xin cáo quan về quê dạy học, sau đó ông mưu việc chống Pháp, việc chưa thành thì mất. Ông là người có học vấn uyên thâm, viết sách về giáo dục, văn hoá, lịch sử... tiêu biểu nhất là tác phẩm Việt sử tam bách vịnh, Thanh Hoá tỉnh chí; Trần Xuân Soạn (1849 - 1923) - Quê ở làng Thọ Hạc, TP Thanh Hoá, do chiến công làm tới Ðề đốc năm 1885, ông được phái kháng chiến trong triều đình Huế giao chức đề đốc quân vụ cùng Tôn Thất Thuyết tổ chức chống Pháp. Khi về Thanh Hoá, ông cùng các lãnh tụ nghĩa quân lập căn cứ Ba Đình, Mã Cao... và được giao nhiệm vụ đóng quân ở Thạch Thành hỗ trợ cho Ba Ðình; Nguyễn Chích (1382-1448) - Danh tướng, khai quốc công thần thời Hậu Lê, quê Thanh Hoá. Xuất thân từ cảnh nghèo khổ nhưng vốn mạnh mẽ, linh hoạt, nồng nàn yêu nước, ông chiêu tập hàng ngàn người trong vùng, xây đồn đắp luỹ làm căn cứ kháng chiến chống giặc Minh. Sau đó, đem quân phò giúp Lê Lợi cho đến khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng năm 1427. Tận tụy phục vụ 3 đời vua Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông), ông xứng danh đại thần với chức Tổng quản, lừng lẫy với những chiến công đánh quân Minh phía Bắc, giặc Chiêm Thành phương Nam và dẹp yên nhiều cuộc phản loạn nội bộ; Lê Tư Thành (1442-1497) - Vị vua xuất sắc nhất thời Hậu Lê, hiệu Thánh Tông, quê Thanh Hoá. Thông tuệ, phong nhã, tài đức vẹn toàn, được các cận thần đưa lên ngôi năm 18 tuổi. Với những cải cách toàn diện và phát triển vượt bậc về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, giai đoạn ông cầm quyền (1460-1497) được coi là thời kỳ thịnh vượng nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Ông còn là nhà thơ lớn, lập ra hội thơ Tao Đàn danh tiếng và để lại nhiều tác phẩm giá trị: Hồng Đức quốc âm thi tập, Cổ tân bách vịnh, Văn minh cổ suý, Xuân vân thi tập…; Nguyễn Phúc Nguyên - Sinh năm Quý Hợi 1563, quê gốc Thanh Hóa, chúa thứ hai nhà Nguyễn. Thông minh, năng động, từng trải, nhiệt tình giúp cha khởi nghiệp và năm 1624 kế vị ngôi chúa. Nhân từ, cẩn thận lại mềm mỏng, khéo léo, ông thu hút nhiều người tài và được dân chúng mến yêu gọi là chúa Phật, chúa Sãi. Nhờ ông mà bờ cõi phương Nam được mở rộng, thế lực họ Nguyễn lớn mạnh, góp phần tạo dựng Vương triều Nguyễn sau này.

Ngoài những người thực, việc thực kể trên, Thanh Hóa còn có các huyền thoại thú vị:

Từ Thức - Người đời nhà Trần, quê ở Hà Trung, đã lên tiên giới ở do một tiên cô là Giáng Hương chỉ dẫn. Ðộng tiên nơi Từ Thức đi vào nay ở xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn; Mai An Tiêm - Thời Hùng Vương, Mai An Tiêm đã cùng vợ con cải thiện đảo hoang nơi bị đầy ải để tồn tại và phát triển, người nhân giống cây dưa hấu đầu tiên ở nước ta. Núi có sự tích Mai An Tiêm hiện ở Nga Thiện - Nga Sơn; Chúa Chổm - Tên truyền thuyết của vua Lê Anh Tôn (1556 - 1573). Đồn rằng ông vua này thuở hàn vi nợ tiền rượu chè kinh khủng nhưng lại đem lại điều may mắn cho những người đi chợ, bán hàng. Chúa Chổm người Cầu Bố nay thuộc thành phố Thanh Hoá.

Vậy mà ai đó đã khắc họa quê tôi bằng một bài vè:

Thanh Hóa quê ta,
Khu Bốn gạt ra,
Khu Ba đuổi vào,
Thử chạy sang Lào
Lào không thèm nhận.
Bực mình tức giận,
Lập quốc gia riêng.
Thủ đô thiêng liêng
Là miền Nông Cống
Quốc ca chính thống,
"Dô tá dô tà"
Nông nghiệp nhà nhà,
Trồng cây rau má.
Biển khơi lắm cá,
Mười mẻ một cân,
Vang tiếng xa gần,
Nem chua toàn lá.
Còn công nghiệp hoá,
Là phá đường tàu,
Đục ống dẫn dầu,
Cắt dây điện thoại.
Thiên nhiên ưu đãi,
Lũ lụt triền miên.
Trù phú nhất miền,
Là đất pha cát.
Rừng xanh bát ngát,
Có rặng phi lao,
Cát bay rào rào,
Gió Lào hôi hổi.
Công trình nổi trội,
Vượt cả núi non,
Có cái cầu con,
Gọi là cầu bố.
Mấy cây lố nhố,
Thì gọi rừng thông


Phải chăng quê tôi bị người nguời giễu cợt. Không, tôi cho rằng bài vè trên do chính người Thanh Hóa sáng tác. Có người còn bảo nhà thơ xứ Thanh hiện đại nổi tiêng Nguyễn Duy chính là tác giả. Nó biểu lộ cái chất trào lộng khí phách Trạng Quỳnh.

Nhại bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt như dưới đây thì hẳn là người Thanh Hoá rồi:

Thanh Hoá sơn hà nam dốc xây
Tiệt nhiên định phận tại nơi đây
Tại sao báo chí lại xâm phạm
Chúng bay sẽ bị thất bại ngay.


Dẫu thế nào đi nữa tôi vẫn yêu Thanh Hóa, tự hào về Thanh Hóa. Chỉ tiếc rằng tôi chưa làm được gì nhiều cho Thanh Hóa. Tôi thể hiện nỗi ân hận ấy qua bài thơ sau đây:

TỰ TÌNH

Ngày sinh tôi
Mẹ nuôi bằng bầu sữa hăng hăng mùi rau má
Thậm thình nhịp chèo sông Mã
Bước chân voi ngạo nghễ Triệu Trinh Nương
Phần phật cờ bay Lê Lợi, Nguyễn Hoàng

Tôi lớn lên
Sức không tày ông Bưng vác núi Đường Trèo (*)
Trí không sánh Trạng Quỳnh “vũ quá Bắc Hải” (**)
Nhưng quê hương đói nghèo xát lòng nhức nhói
Huyết quản chảy dòng sông lồng vó ngựa hoang

Tôi rời xóm rời làng
Thuở xung phong đầu quân đánh giặc
Thuở miệt mài làm địa chất
Mấy mươi năm dầu dãi nắng sương
Mấy mươi ngàn đêm chong mắt bên đèn
Ít trang thơ gửi đời nỗi lòng thao thức
Mươi công trình khoa học đã đem dâng

*
Đêm nay bên sông vọng nhịp hò khoan
Vẫn thậm thình cay cực
“Chẳng dậm thì thuyền chẳng đi
Dậm ra ván nát thuyền thì long đanh”
Thuyền đà long đanh, ván thì đã nát
Sữa người chèo đò mùi rau má vẫn hăng hăng

Rạo rực cùng sông vật vã
Nát lòng thương quê nghèo khổ
Mà hận sao mình đã vội già!

Ngày về thắp hương cuối năm mộ ông bà
Hoằng Hóa 17. 01.2014


Nguyễn Thanh
Tác giả gửi tới VA News từ Hà Nội, Việt Nam

Tác giả gửi tới VA News từ Hà Nội, Việt Nam

(*) Theo truyền thuyết, ông Bưng, quê xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, sức khỏe phi thường đã vác cả núi Đường Trèo từ giáp giới Ninh Bình về đặt ở ruộng “Thác đao” mà ông được nhà vua phong tặng.. Có tài liệu cho rằng ông Bưng là nhân vật Lê Phụng Hiểu được huyền thoại hóa.

(**) Trạng Quỳnh, người xã Hoằng Bột, huyện Hoằng Hóa, một lần chéo đò đưa đoàn sứ Tầu qua sông. Ra giữa dòng một tên xổ ruột đánh cái “bùm”. Tên sứ Tàu xướng lên câu đối: “Lôi động Nam bang” (Sấm động nước Nam). Trang Quỳnh liền vạch quần đái vọt cần câu, họa: “Vũ quá Bắc Hải” (Mưa qua Biển Bắc)
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment