Những cái được và chưa được của kỳ thi THPT quốc gia 2015

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh minh họa
Như vậy là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với nhiều thay đổi mang tính cách mạng và nhiều lo lắng, chờ mong, bàn ra tán vào cũng đã hoàn tất. Một kỳ thi có nhiều tiếng khen nhưng những lời chê trách cũng không phải là ít. Nhưng khen hay chê thì mọi việc cũng đã xong cho năm 2015; điều cần thiết lúc này là điểm lại những cái được và chưa được của kỳ thi để có thể rút kinh nghiệm cho tương lai.

Những cái được của kỳ thi: Giảm áp lực và chi phí, tăng quyền lựa chọn của thí sinh

Nói gì thì nói, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 cũng có nhiều điểm sáng. Trước hết, việc giảm bớt một kỳ thi, dù không hẳn đã giải quyết ngay những hệ lụy của một nền giáo dục “ứng thí” mà báo chí đã nhắc tới trong nhiều năm qua, cũng vẫn đã có tác dụng làm giảm một phần không nhỏ áp lực thi cử vốn rất nặng nề với những học sinh ở giai đoạn cuối cùng của giáo dục phổ thông.

Để thấy rõ sự tiết kiệm về thời gian và công sức của kỳ thi năm 2015, có thể xem xét những số liệu của kỳ thi năm 2014 để so sánh. Kỳ thi năm 2015 có khoảng 1 triệu thí sinh dự thi với cả hai mục đích xét tốt nghiệp và xét vào đại học, trong đó có khoảng gần 300,000 thí sinh đăng ký thi ở địa phương và 700,000 thí sinh đăng ký thi ở các cụm thi liên tỉnh do các trường đại học tổ chức.  Kỳ thi năm 2014 có 900,000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, và 1,3 triệu thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Như vậy, nếu so riêng mục đích tuyển sinh đại học thì số lượt thí sinh dự thi năm 2015 đã giảm đi gần một nửa so với kỳ thi năm 2014. Nếu xét thêm mục đích xét tốt nghiệp THPT thì còn giảm thêm được trên 600,000 lượt thí sinh nữa. Nói cách khác, trong khi năm 2015 ngành giáo dục chỉ phải tổ chức thi cho tổng cộng là trên một triệu thí sinh, thì năm 2014 năm 20014 toàn ngành giáo dục đã phải tổ chức kỳ thi cho hơn 2 triệu lượt thí sinh (hơn gấp đôi tổng số thí sinh của kỳ thi năm 2015), và cùng với số lượng thí sinh đó là những sự căng thẳng của việc ra đề thi, chấm thi, thông báo kết quả dồn dập cho 2 kỳ thi liên tiếp trong thời gian kéo dài cả tháng. Một sự lãng phí vô cùng lớn.

Cách tổ chức kỳ thi quốc gia năm nay còn có một mặt tích cực khác – dù vẫn có những ý kiến trái ngược, sẽ được bàn ở phần sau. Đó là: lần đầu tiên trong lịch sử thi cử tại Việt Nam, thí sinh có quyền lựa chọn môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông/tuyển sinh đại học. Không còn sự ràng buộc phải thi từng nhóm môn học theo khối thi của từng trường như trước, giờ đây học sinh được phép chọn nhiều môn thi để tổ hợp thành các khối thi theo yêu cầu xét tuyển của từng trường. Cũng không còn cảnh cứ gần đến mùa thi là cả thầy lẫn trò đều hồi hộp chờ đợi một lời “phán quyết” từ Bộ Giáo dục để biết xem kỳ thi ấy sẽ bao gồm những môn nào. Rồi sau khi các môn thi tốt nghiệp được công bố, thì những môn học không may (hoặc may mắn – tùy theo quan điểm của từng người) nằm trong danh sách các môn thi sẽ bị cả thầy lẫn trò hồ hởi vứt bỏ, để còn dồn sức vào học những môn trong danh sách phải thi. Một điều vừa vô lý, vừa buồn cười, vừa chua chát.

Việc để cho thí sinh tự chọn môn thi mới xem qua tưởng chừng là một việc làm nhỏ nhưng thực ra rất có ý nghĩa đối với các em học sinh lớp 12. Bởi, để có những lựa chọn đúng, các em cần phải cân nhắc, xem xét đánh giá những mặt mạnh mặt yếu của chính mình, từ đó quyết định đăng ký tổng cộng bao nhiêu môn, môn nào dùng để xét vào đại học, môn nào chỉ để xét tốt nghiệp – một quyết định quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của chính các em. giáo dục của Việt Nam còn rất thiếu. Mặt khác, việc kết hợp điểm trung bình của cả năm lớp 12 với điểm thi để xét tốt nghiệp cũng có tác dụng làm cho học sinh tôn trọng tất cả các môn học, vì điểm học của tất cả các môn sẽ được phản ánh trong kết quả cuối cùng của các em.

Điều chưa làm được: Nâng cao giá trị của kỳ thi

Một trong những điều bị phê phán nhiều nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 là sự tồn tại hai loại hội đồng thi, một do các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương quản lý và một do các trường đại học quàn lý.Kêu, là bởi cả hai loại hội đồng này đều sử dụng cùng một đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, cùng chấm theo một thang điểm, và cùng theo một bộ quy chế về thi cử như nhau, nhưng kết quả thi lại có giá trị khác nhau.

Theo quy định hiện nay, chỉ có điểm thi từ các hội đồng do các trường đại học tổ chức mới có giá trị xét tuyển đại học, còn điểm thi từ các hội đồng địa phương tổ chức thì chỉ có giá trị xét tốt nghiệp THPT. Điều này đồng nghĩa với hàm ý cho rằng các hội đồng thi do địa phương tổ chức không thực sự nghiêm túc và vì thế không đáng tin cậy, một giả định vừa không có căn cứ vừa phản sư phạm. Không ai có quyền giả định rằng mọi địa phương đều không nghiêm túc trong thi cử nếu không đưa ra được chứng cứ rõ ràng; nhưng nếu quả thực có những địa phương không nghiêm túc thì điều cần làm là có những biện pháp để các địa phương ấy trở nên nghiêm túc hơn, chứ không phải là đương nhiên chấp nhận sự không nghiêm túc đó như một điều không thể tránh khỏi.  Vì nếu thế thì căn bệnh thành tích, giả dối trong giáo dục Việt Nam và suy rộng hơn là toàn xã hội VN sẽ không bao giờ được chữa khỏi.

Một điểm không hay khác mà báo chí thường nhắc đến, và cũng là mặt trái của việc cho phép thí sinh tự chọn môn thi, đó là việc có rất ít thí sinh chọn thi các môn học thuộc nhóm ngành xã hội- nhân văn, đặc biệt là môn Sử. Báo chí đã nhắc đến việc trong kỳ thi 2015 có một hội đồng với hơn 60 người chỉ phục vụ cho một thí sinh. Tuy nhiên, cũng như vấn đề đã nêu ở trên, việc học sinh không thích học sử và vì thế không thi môn Sử không thể được giải quyết bằng những biện pháp hành chính như biến môn Sử thành môn thi bắt buộc, mà phải bằng cách đổi mới tư duy và phương pháp dạy Sử sao cho nó trở thành một môn học hấp dẫn và có ích cho sự phát triển trí tuệ của học sinh – như môn học này vốn phải như vậy.

Có lẽ, điều mà mọi người mong muốn lớn nhất về kỳ thi này sự nâng cao giá trị của kỳ thi, để nó trở thực sự có tác động tích cực đến cách học và cách dạy trước đó. Nói cách khác, nếu thi cử là khâu then chốt trong công cuộc đối mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, thì chúng ta vẫn chưa thể hài lòng với chất lượng của kỳ thi này, và nhiều điều mà Bộ Giáo dục muốn làm vẫn chưa thể làm được, chẳng hạn như việc tích hợp nhiều môn thi vào một bài thi tổng hợp, và tăng thêm tính mở và tính sáng tạo cho bài thi. Nhìn chung, chất lượng đề thi vẫn chưa có thay đổi nào đáng kể, và vẫn còn cần nhiều nỗ lực để cải thiện hơn nữa.

Tuy có những hạn chế, nhưng có thể nói kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 vẫn là một bước quan trọng trong việc đổi mới thi cử ở Việt Nam, và đã được tổ chức thực sự an toàn và nghiêm túc – thậm chí quá nghiêm túc so với các năm trước, nếu xét theo số lượng thí sinh bị kỷ luật tăng vọt trong kỳ thi năm nay. Tất nhiên, mọi việc chỉ mới bắt đầu, và không thể nói là có nhiều thành tựu. Nhưng, như một ngạn ngữ cổ đã nói, “con đường ngàn dặm luôn bắt đầu từ bước đầu tiên.”

(Phương Anh 14/7/2015 – bài đã gửi Tạp chí Tia Sáng)

Thành viên Haitotbung trên mạng xã hội Linkhay:

Thứ nhất: Năm ngoái không biết thi thố được điểm chác thế nào, đăng ký chết dí 1 nguyện vọng rồi nằm nhà đợi đỗ hay trượt. Năm nay người ta cho biết điểm trước, cho biết cả điểm của đối phương, cho CƠ HỘI để thay đổi nguyện vọng thì lại kêu. Nếu ai than mệt mỏi, thì cứ đăng ký 1 nguyện vọng, rồi nằm nhà ăn no ngủ kỹ hết 20 ngày là được, có ai bắt đổi nguyện vọng đâu? Chẳng qua điểm thì thấp mà cứ thích trèo cao, không tự lượng sức mình. Như năm ngoái loại không tự lượng sức đấy trượt thẳng cẳng rồi, năm nay cho một con đường sống rõ còn gì?

Thứ hai là nhiều người than vãn thi đại học như chơi chứng khoán, cạnh tranh khốc liệt, vất vả mệt mỏi. Nguyên tắc của thi đại học là điểm cao đè điểm thấp, học giỏi đè học dốt. Muôn đời nay vẫn cạnh tranh khốc liệt như thế; chẳng qua những năm trước thí sinh an phận đăng ký 1 nguyện vọng rồi nằm nhà chờ đợi nên không thấy tận mắt được sự khốc liệt của nó thôi. Muốn an nhàn thì chỉ có 2 cách: Học giỏi điểm rất cao, hoặc điểm trung bình nhưng đăng ký vừa sức. Còn điểm thấp nhưng thích ăn cao thì đương nhiên là phải mệt rồi. Đánh đổi thôi.

Thứ ba: Bộ GDĐT từ năm sau nên cải tiến như sau thì sẽ giảm tải hơn:

1. Xây dựng hệ thống đăng ký online. Ở vùng sâu, vùng xa thì sẽ chỉ định một số điểm hỗ trợ cho thí sinh (UB xã, trường THPT nơi thí sinh học…), thí sinh chỉ việc đến đó đăng ký, cán bộ hỗ trợ sẽ nhập online cho. Ở những vùng quá xa điểm hỗ trợ thì sẽ cho thí sinh vùng đó được đăng ký muộn (1 tuần chẳng hạn).

2. Cho phép các trường tự chủ ngày chốt hồ sơ và thông báo trước khi thi. Làm như vậy các trường sẽ chủ động hơn và số lượng hồ sơ ảo sẽ bớt đi rất nhiều. Những trường top sẽ có xu hướng chốt sớm và thu hút phần đông thí sinh điểm cao. Những trường trung bình sẽ chốt muộn hơn để vớt thí sinh. Như vậy các thí sinh điểm trung bình (thành phần mệt mỏi nhất) sẽ giảm căng thẳng do rất nhiều thí sinh điểm cao đã được nhận vào trường top, không có khả năng gây biến động hồ sơ các trường trung bình.

PGS. TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho rằng những ngày đầu kỳ thi đã diễn ra khá suôn sẻ, tốt đẹp, phức tạp chỉ bắt đầu khi xét tuyển. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, thí sinh, phụ huynh do là năm đầu tiên thực hiện đổi mới xét tuyển nên chưa quen. Là người trong cuộc nên thí sinh không khỏi nôn nóng và hoang mang thái quá thay vì cần bình tĩnh để suy xét, quyết định nộp vào ngành nào trường nào. Chỉ trừ những thí sinh điểm cao nộp vào Y đa khoa thì những em điểm cao ngay từ đầu đã xác định được vị trí của mình. Số chạy loạn xạ từ trường này sang trường khác là do có điểm thi thấp hơn. Nhiều em không tự lượng được sức mình, không cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ mà xét tuyển đại học với suy nghĩ bằng mọi giá tìm được trường đậu để học.

Thứ hai, các đại học chưa làm hết chức năng và khả năng của mình làm cho nỗi hoang mang của người dân nhân lên. Nhiều trường đã quá tin và thụ động ngồi chờ phần mềm xét tuyển của Bộ. Trong quá trình xét tuyển trường công bố cùng lúc cả 4 nguyện vọng, vì không lọc được lượng thí sinh ảo nên nhiều thí sinh, phụ huynh hoang mang, lo lắng rồi vội vã rút hồ sơ vì không biết đậu hay rớt. “Ngay chúng tôi chuyên làm về công tác tuyển sinh khi nhìn vào bảng danh sách thí sinh các trường cập nhật cũng không thể dự đoán khả năng đậu – rớt, huống hồ là thí sinh”, ông Xê nói.

Thứ ba, theo ông Xê cũng là lý do quan trọng nhất làm nên một kỳ thi rối rắm là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho thí sinh đăng ký cùng lúc 4 nguyện vọng. Nếu như ngay từ đầu chỉ cho các em chọn một ngành, một trường thì mọi việc đã khác. Hơn nữa Bộ ôm đồm quá nhiều về mặt dữ liệu, các trường bị động, lệ thuộc vào Cục Khảo thí nên không thể linh động trong việc xét tuyển.

Một trong những nhược điểm rất lớn nữa của Bộ là việc cho phép một ngành có thể tuyển sinh bằng nhiều tổ hợp, nhưng lại tách làm hai: đối với tổ hợp truyền thống được xét tối đa 75%, còn tổ hợp mới là 25%. Điều này làm cho việc xét tuyển thêm phức tạp.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, đáng lẽ kỳ thi THPT quốc gia kết thúc tốt đẹp nhưng đến cuối cùng lại gây ra quá nhiều xáo trộn, khó khăn cho thí sinh, phụ huynh, các trường đại học và cả xã hội. Tất cả vấn đề này nằm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà cụ thể là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục vì đã can thiệp quá nhiều, quá sâu vào quy trình xét tuyển của các trường đại học. Bộ đã buộc tất cả trường phải dùng phần mềm xét tuyển chung – là nguyên nhân gây ra rối rắm như vừa qua.

Theo ông Nghĩa, trước đây tổ chức kỳ thi đại học, cao đẳng là 3 chung, lẽ ra năm nay còn 2 chung bao gồm tổ chức thi chung giờ và chung đề. Nhưng thực tế kỳ thi đã trở thành 4 chung, gồm: chung giờ, chung đề, xét tuyển chung, phần mềm để xét tuyển cũng chung. Chính phần mềm xét tuyển chung là “đầu dây mối rợ” gây nên tất cả xáo trộn. Về mặt kỹ thuật, phần mềm chung đã buộc tất cả dữ liệu tập trung vào một đầu mối là Cục Khảo thí. Với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin yếu kém, không có sự chuẩn bị chu đáo của Cục đã dẫn đến nhiều rắc rối, mà dấu hiệu đầu tiên đã bộc lộ ngay ngày công bố điểm thi, thí sinh không xem được điểm do nghẽn mạng.

Đến đợt xét tuyển đại học, cao đẳng đầu tiên, phần mềm xét tuyển chỉ được hoàn chỉnh vào ngày 11/8 trong khi kỳ xét tuyển đã bắt đầu trước đó 10 ngày. Hiện phần mềm đó như thế nào các trường đại học vẫn chưa được biết, bởi khi thí sinh đến nộp hồ sơ bằng các giấy tờ, trường mới xin Bộ dữ liệu của em đó. Ông Nghĩa cho rằng, xét tuyển đại học trước đây là việc giữa nhà trường và thí sinh thì bây giờ cả hai nhân vật chính lại phải thông qua Cục Khảo thí. Điều này gây ra sự tắc nghẽn trong quá trình nộp – rút bởi khi thí sinh tới rút các trường có thể trao lại hồ sơ giấy mà các em đã nộp, nhưng trường phải thông qua Cục Khảo thí mới xóa được dữ liệu. Xóa xong thí sinh mới nộp được vào trường khác.

Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM nhận xét, lẽ ra việc xét tuyển khá đơn giản nếu như Cục Khảo thí công khai các dữ liệu của thí sinh cho các trường đại học. Căn cứ vào đó trường có thể trực tiếp nhận – trả hồ sơ. Nếu cơ sở hạ tầng công nghệ kém các trường có thể xét tuyển bằng tay vì mỗi thí sinh chỉ có một phiếu điểm để nộp nên không cần phải kiểm soát quá gắt gao. Tuy nhiên, từ đầu tới cuối Cục vẫn theo đuổi phần mềm xét tuyển dẫn đến sự hỗn loạn khi đến ngày cuối cùng ở các trường đại học có hàng nghìn thí sinh tới rút hồ sơ.

Các trường phải vất vả nhận – trả hồ sơ cho các em, nhưng việc xóa dữ liệu trường cũ sang trường mới vào những giờ chót có được hay không phụ thuộc vào Bộ Giáo dục. “Lãnh đạo Bộ, những người tổ chức kỳ thi này phải chịu trách nhiệm và xin lỗi trước thí sinh về những xáo trộn, vất vả mà các em phải chịu trong đợt xét tuyển vừa qua”, ông Nghĩa nói.

Ý kiến của thành viên TNxavơ trên diễn đàn Thanh Niên Xa Mẹ:

Ngoài cái khớp lệnh đại học năm nay, việc cộng điểm ưu tiên cũng nhiều bác đã mổ xẻ nhưng thật là bất công khi năm sau vẫn tiếp diễn cảnh người thi ít điểm hơn thì lại đỗ, còn nhiều điểm hơn lại trượt.
Nếu đã tuyên bố ra đề thi “trong chương trình học” thì lấy cớ gì để ưu tiên các em ở nông thôn khi các em này “không có điều kiện đi học thêm?!” trong khi nội dung học như nhau, giáo trình, thầy cô như nhau?

Mục đích thi (đại học) là để tuyển người trình độ cao hơn thì đỗ, chứ không phải vì anh này nhà nghèo, chị kia có bố là bộ đội xuất ngũ thì được ưu tiên hơn!

Nếu dùng lý do: Ưu tiên các em ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo và cho các em thêm điểm (để đỗ) lại càng không hợp lý khi các em học sinh ở thành phố phải thi đấu với các em này. Để ưu tiên các em ở hải đảo, miền núi có rất nhiều cách.

Ví dụ: Đại học Y Hà Nội tuyên bố: Năm nay tuyển 100 học sinh / bác sĩ tương lai, trong đó có 10 suất “ưu đãi cho học sinh miền núi” có điểm tuyển thấp hơn các em khác 5 điểm (cho máu). Các em này khi ra trường phải cam kết phục vụ tại miền núi (5 năm), được nhân dân miền núi đánh giá tín nhiệm tốt, rồi mới cho về thành phố mà mở phòng mạch.

90 suất còn lại cho thi đấu tự do thì có em nào dám kêu ca phàn nàn? Nếu anh thích được +5 điểm? (thực ra là – 5 điểm đầu vào) xin mời xung phong cống hiến 5 năm ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Cà Mau, Hoàng Sa!

Còn về vấn đề thi cử, theo mình cứ thi tuyển chung thế này bao gồm các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa để xét tuyển tốt nghiệp và đầu vào Đại học. Riêng các trường đại học chuyên ngành có thể đề nghị Bộ cho thi tuyển thêm các môn phù hợp với yêu cầu đầu vào của trường (nhưng không tính vào điểm xét tốt nghiệp!) như ngoại ngữ, vẽ, hát, múa, thổi sáo v.v..

Học sinh trước khi thi đại học được đăng kí 3 nguyện vọng, tại 3 trường khác nhau. Bộ Cải tiến sẽ căn cứ trên nguyện vọng của học sinh, tự động khớp lệnh trên danh sách điểm bộ đang giữ trong tay, nếu học sinh nào đỗ 2 trường thì tự động loại tên ra khỏi danh sách trường ở nguyện vọng thấp hơn (ví dụ trượt nguyện vọng 1, nhưng đỗ nguyện vọng 2, loại bỏ nguyện vọng 3), và đôn học sinh có điểm kế tiếp lên.

Như vậy chỉ mất không quá một ngày có thể xét tuyển nhẹ nhàng mà không phải để phụ huynh học sinh phải chạy như vịt như thế này.

Ý kiến của thành viên Lều Lều trên diễn đàn Thanh Niên Xa Mẹ:

Em nghĩ ai bức xúc BGD cũng nên lắc não một chút.

Việc xét tuyển, nộp/rút hồ sơ hoàn toàn do trường ĐH tổ chức. Việc bố trí nộp/rút hồ sơ có thuận tiện hay không, sử dụng trực tuyến (online), qua bưu điện hay nộp trực tiếp hoàn toàn tùy thuộc vào từng trường. Còn về phía BGD thì chỉ chốt ngày đợt 1. Ở nguyện vọng I này, có trường làm rất tốt (BK, CT), có trường làm dở (KTQD, CN) thế thì lỗi ở trường chứ đâu phải ông chỉ đạo

Còn về chuyện giống sàn chứng khoán thì mấu chốt ở đây là thí sinh đã biết điểm thi, trường ĐH lại công bố điểm để xét tuyển (ai nghĩ ra cái trò đánh bài này kể ra cũng thiếu kinh nghiệm). Cả 2 cùng so kè điểm số mà trường ĐH lại muốn tuyển hết ngay trong đợt 1 mới nháo nhào như vậy (trường ĐH cũng có thể quy định hết hạn nộp hồ sơ tại trường trước hạn của BGD vài ngày). Vấn đề này giải quyết rất đơn giản là trường ĐH không công bố mức điểm, chỉ thông báo số lượng hồ sơ cần nhận, sau khi sàng lọc thấy số lượng không đảm bảo mức điểm yêu cầu thì sẽ tuyển tiếp (tất nhiên tuyển đợt sau sẽ công khai mức điểm để các thí sinh hiểu vì sao mà loại).

Việc chạy ngang chạy dọc, nộp/rút hồ sơ một phần lỗi của thí sinh và người nhà tự gây ra. Nhớ năm em thi ĐH (hồi còn chưa có đề chung), ai thi trượt thì năm sau thi lại, làm gì có cơ hội (rất nhân văn) là mang hồ sơ đến trường có điểm tuyển thấp hơn như bây giờ!!!

Thêm nữa là tâm lý phải đỗ ĐH bằng mọi giá, học ngành nào cũng được, mới tạo ra tình trạng nộp/rút dồn dập trước khi hết hạn như này.

Cộng tất cả các yếu tố trên mới ra tình trạng lộn xộn, rối mù như các bác đã thấy.

Vậy để tiết kiệm thời gian đi lại, xếp hàng nộp hồ sơ sao không chơi cái trò bưu điện (bác nào ở nhà nộp hồ sơ du học chắc hiểu rõ). Cứ quẳng vài bộ hồ sơ gửi đi, trường nào nhận thì nó báo. Thích học trường đó hay không là tùy thí sinh. Còn trường nào chẳng tuyển đủ thì sẽ thông báo tuyển đợt 2, 3… Như vậy đỡ phải mệt không nào.

Ý kiến của thành viên Vananh trên diễn đàn Thanh Niên Xa Mẹ:

Bộ GD có nhiều cái thối, nhưng vụ tuyển sinh này thì không đến nỗi.

Các năm trước trượt thì giấy báo về nhà, khóc thì khóc ở nhà chứ có lên báo cho các bác xem đâu. Năm nay cơ hội trượt giảm đi, nhưng không có nghĩa cơ hội đỗ vào trường mình ưa thích cao hơn. Nhiều gia đình lại nghĩ là cơ hội vào trường ngon cao hơn nên mới thất vọng.

Ý kiến của thành viên Sigma trên diễn đàn Thanh Niên Xa Mẹ:

1/ Xét tuyển theo hình thức đa nguyện vọng vốn đã là ngu rồi. Không nói đến các hệ luỵ khác, chỉ riêng việc trong khi xã hội vẫn kêu ca tình trạng học không đúng ngành nghề ra trường không tìm được việc, gây lãng phí cho cả xã hội và người học, thì việc cho đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều ngành khác nhau, trúng cái nào học cái đó, chính là khuyến khích thí sinh tiếp tục làm theo xu hướng này.

2/ Quy chế cho phép thí sinh rút hồ sơ sau khi nộp, tạo nên tình trạng đánh bạc, hên xui như thế là ngu xuẩn và không thể biện minh được.

3/ Cuối cùng, không phải vì tuyển sinh các năm trước vốn ngu rồi thì năm nay chỉ cần bớt ngu hơn một tí cũng đã là thành công. Tư duy thế này thì cái ngày VN ngồi mơ ước được sánh vai cùng Lào và Campuchia cũng không phải là không thể xảy ra.

Cách thức triển khai hợp lý, đơn giản đã được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới, tham khảo không khó gì, mà cứ phải loay hoay phát minh bằng cái tài hèn trí mọn tâm đen này thì bảo sao không bao giờ sáng nổi.

Ý kiến của thành viên Thanhcong trên diễn đàn Thanh Niên Xa Mẹ:

Việc đưa ra thứ tự ưu tiên kiểu NV1, NV2… chắc bắt nguồn từ lo ngại cho nó trúng tuyển rồi nó lại không học, hoặc ngược lại. Một kiểu muốn mọi thứ cứ phải khớp chính xác 100%.

Cái này có lẽ là không ổn.

Nên cho phép gửi hồ sơ tới một lúc n trường, không có thứ tự ưu tiên nào cả. Các trường sẽ gửi thư chấp thuận từng đợt, thí sinh chỉ việc xác nhận nhập học. Cứ thế cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Các trường cũng công bố điểm sàn luôn cho đỡ mất thời gian.

Những trường có mức hấp dẫn thấp tự lựa mà cho phép “overbook” ở một tỷ lệ nhất định.

Ý kiến của thành viên Sigma trên diễn đàn Thanh Niên Xa Mẹ:

Cách này tuy khắc phục được tình trạng đánh bạc, nhưng thí sinh vẫn phải tốn công gửi hồ sơ đến nhiều trường, và các trường cũng phải tốn công xét loại một số lượng lớn hồ sơ ảo. Ngoài ra, yêu cầu các trường công bố một điểm sàn fixed trước cũng khó thực hiện vì đây là ẩn số chỉ có thể được xác định khi đã tuyển đủ số lượng.

Tương tự như vậy, các hình thức “khớp lệnh”, dù làm thủ công hay bằng máy, cũng không ổn vì về bản chất cho đến phút cuối cùng, khi lệnh được “khớp”, thí sinh mới biết được mình trúng hay trượt.
Mình vẫn cho rằng cách hiệu quả nhất là để các trường chủ động tuyển sinh theo từng đợt cho trường của mình.

Như đã nói trong một số bài trước, căn cứ vào phổ điểm trong database điểm của tất cả thí sinh do Bộ cung cấp và nhu cầu của các năm trước, sẽ không quá khó khăn để các trường top như BK, Y, NT công bố mức điểm chuẩn đợt đầu tiêncủa mình, có thể nâng cao một tí cho an toàn, ví dụ BK CNTT 27, Hoá Sinh 26, Y 28…

Thí sinh sẽ có ví dụ 5 ngày để chọn lựa. Hầu như tất cả các thí sinh điểm cao, đạt chuẩn, sẽ đăng ký trong đợt này. Một nguyện vọng duy nhất và chắc chắn trúng. Công việc còn lại của các trường chỉ là kiểm tra hồ sơ, điểm là hợp lệ và ghi nhận vào database. Các thí sinh này, khi đã được chấp thuận, sẽ không được quyền rút đơn nộp đơn vào một trường khác nữa.

Sau đợt 1, căn cứ vào số chỉ tiêu còn lại, các trường sẽ hạ mức điểm chuẩn cho các đợt sau, được công bố rộng rãi trên website trường, xuống từng 0.25 điểm một cho đến khi tuyển đủ số lượng. Các điểm cuối cùng giúp trường tuyển đủ chỉ tiêu cho các ngành của mình chính là điểm chuẩn của ngành/trường đó.

Cách làm như trên chính là một kiểu xếp hàng với các thí sinh điểm cao ở đầu hàng được quyền chọn trưởng/ngành trước, các thí sinh thấp điểm ở sau sẽ phải chờ đến lượt của mình với các lựa chọn đã bị thu hẹp lại.

Tất cả mọi thứ hoàn toàn rõ ràng, minh bạch, công bằng. Sẽ không cần đến các thể loại nguyện vọng 1, 2, 3, 4. Sẽ không có chỗ cho hồ sơ ảo, chụp giật, may rủi, hay xe cứu thương 115.

Phụ huynh của các em, dù điểm cao hay điểm thấp, cũng có thể hoặc ung dung đi nộp hồ sơ chắc chắn đậu, hoặc ngậm ngùi … chờ đến lượt, mà không phải thấp thỏm đau tim như bây giờ.

Đây là cách làm đã được áp dụng từ lâu ở nhiều trường ở các nước tư bản có cùng phương thức dùng điểm tú tài để xét tuyển đại học. Google chỉ 5 phút là ra. Loay hoay phát minh sáng chế làm gì để rồi cơ sự ra thế này.

Ý kiến của thành viên Chiaki

Em không theo dõi sát vụ tuyển sinh, nhưng có một bé là con của chị bạn năm nay thi, điểm ở tốp nhì nhằng. Bố mẹ nó hỏi khắp nơi (bao gồm cả nhà em) xem nộp chỗ nào, ngành nào vừa hot vừa có khả năng đậu. Chả thấy ai bàn bạc gì đến việc bé đó muốn học gì. Như kiểu nhất quyết nó phải đậu ĐH, chỗ này hoặc chỗ khác, dù thích hay không thích, chứ không có quyền trượt ĐH.

ĐH Quốc Gia tổ chức thi đánh giá năng lực riêng, điểm tốt nghiệp chỉ là điểm điều kiện, hôm nay các cháu đã đi nhập học rồi. Như vậy, nếu các trường ĐH khác cũng xin tuyển sinh kiểu ĐHQG thì sau này có khi nào các trường sẽ trở lại như cách đây gần 15 năm, trường nào ra đề thi trường đấy không?

Một cái hay của việc xét tuyển năm nay mà em để ý thấy từ đầu đợt tuyển sinh là cho phép tổ hợp rất nhiều kiểu khác nhau. Một ngành có thể tuyển xét bằng nhiều tổ hợp môn, ví dụ, Toán Lý Hóa, Toán Lý tiếng Anh, Toán Lý Sinh, Toán Lý tiếng Pháp đều được (ở hầu hết các trường ĐH hiện tại ngoại ngữ là không bắt buộc với khối không chuyên, nên dù tiếng Anh hay Pháp các cháu tự học, nộp chứng chỉ còn hạn đạt chuẩn yêu cầu khi ra trường). Các cháu có điều kiện học tập trung hơn vào những môn mình yêu thích, thay vì bắt buộc phải theo các khối truyền thống như trước.

Ý kiến của thành viên spike

Đọc toét trên này mà chả gặp bác nào giống em. Ngày thi đại học hai bố con bắt xe ra Hà Nội (cũng là lần đầu tiên em ra Hà Nội), bắt tiếp bus về Cầu Diễn, thuê trọ gần điểm thi. Trời nóng vãi chày, nhà trọ không có quạt điện, đêm nằm nóng kinh khủng, đã thế còn mùi bã bia từ cái nương trước cửa phòng trọ nó bốc lên, kinh khủng.

Thế mả rồi cũng thi xong. Mịa, về hồi hộp cả tháng trời đếch biết đỗ không. Lại lặn lội lên thành phố mất 10k thuê dịch vụ xem hộ điểm thi + điểm chuẩn. May quá, nhờ có 2 điểm ưu tiên nông thôn mà giấc mơ đại học của em trở thành hiện thực. Nên:

– Em hoàn toàn không đồng ý với bác gì đấy bảo bỏ điểm ưu tiên vì vào học đại học em mới biết chúng nó được luyện như gà/học thêm toàn thầy cô giỏi trong khi nông thôn chỉ học với bộ đề. Như em là toàn tự học, vậy em có xứng đáng được ưu tiên điểm nông thôn không? Nói thật vào lớp nhiều đứa diểm cao gần gấp đôi em mà tư duy học tập như shit.

Quay trở lại việc các trường tự tổ chức thi. Các bác Hà Nội không tính chứ thanh niên ở quê, học dốt như thế nào cũng phải đi thi đại học, nhiều đồng chí xác định chắc chỉ có đi thi đại học là cơ hội để được đi chơi hợp lý. Em có cu em nhà ông cậu, học dốt, cu em đòi bố cho đi thi đại học ở Bình Dương, chả khá giả gì nhưng bố mẹ nỡ lòng nào. Thế là một mớ tiền dành dụm lại ra đi để thằng con được đi cho biết đó biết đây rồi về đi bộ đội.

Mà các bác thấy đấy, tỷ lệ dân số nông thôn/thành thị và nghèo/đủ điều kiện nó chênh lệch như thế nào rồi nên em ủng hộ việc thi tập trung này, tiết kiệm chi phí.

Mà thêm nữa, các bác cứ nói giáo dục như phò chứ em thấy thằng học như phò thì đúng hơn. Mịa, thằng nào có ý thức, tư duy tốt thì nó giỏi hết, học ở trường chỉ cho nó điều kiẹn cần, điều kiẹn đủ thì nó phải thích nghi khi on the job training.

Thời trước thì làm gì có nguyện vọng hai, hoặc thêm 1 năm nữa, hoặc đi bộ đội..chứ làm gì có chuyện nhân văn nguyện vọng 2, 3. Còn các cháu nó giờ cố vào đại học mà các bác cứ lo nó học ngành nó không thích thì xã hội khắc đào thải nó, sao phải xoắn?

Tối em nghe thời sự, đâu loáng thoáng số lượng rút/nộp chiếm tầm 8% mà lại tập trung chỉ ở một số trường phải không ạ? Em chả liên quan đến giáo dục nhưng em thấy kết quả cũng chả tệ, chẳng qua giờ thông tin mạng tràn lan dẫn đến việc cái gì nó cũng khủng khiếp. Lạ nhớ ngày xưa

Ý kiến của thành viên NgọcC+

Việc “khớp lệnh đại học” nhiều bác phân tích rồi, mình không bàn nó nữa. Cá nhân mình khi theo dõi phản ứng của mọi người trên báo trí thì lại thấy MỪNG.

Mừng vì việc này đã đã thu hút được sự chú ý cực lớn, rất nóng. Vấn đề đã được đẩy đi rất xa, bị xới tung lên rồi, và sức hút của nó sẽ khiến cả hệ thống phải xắn tay vào gỡ rối. Mừng vì cách phản ứng của Bộ giáo dục đã phản hồi nhanh với dư luận nhân dân. Một lần nữa tiếng nói người dân được lắng nghe nhanh chóng…Nếu so với trước đây thì vụ này chưa thấy hiện tượng quanh co lấp liếm đổ lỗi. Mừng nữa là lần này nó bị “vỡ trận” tại vòng 1 lại là cơ hội cho tiếng nói chuyên gia được lưu ý hơn – việc cải cách giáo dục lần này còn quan trọng hơn vụ khớp lệnh nhiều.

Cá nhân mình lại thấy thông cảm cho bác Luận, mình nhìn bác Luận tích cực hơn bác Nhân nhiều. Dám làm, dám chấp nhận rủi do chính trị để cải cách. Kể cả có bung bét ra thì cơ hội xây lại từ đầu còn sáng hơn là cứ làng nhàng như trước đây.

Điều cuối là “lần đầu tiên nào chả xảy ra chuyện, không cái này thì cái khác, đến cái xe xịn mua về cũng phải chạy rốt-đa thì nó mới trơn tru”. Dân mình thì lại khoẻ khoản nói, thẳng nói được, cong cũng nói được…nhưng cứ yên tâm nhé người Việt cực linh hoạt, khả năng thích nghi thành thần, đến lần khớp lệnh 2,3 là trơn tru hết. Chậm thì cũng chỉ 2-3 năm là đâu lại vào đấy.

Vũ Thị Phương Anh
Theo Học Thế Nào
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment