Thăm nhà tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật, nghĩ về quyền con người

Những người thân của tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật trong một lần tới thăm anh ở trại tù Phú Sơn, tỉnh Sơn La hôm 8 tháng 7 năm 2015. Trong hình là anh Trần Khắc Hiển (anh trai), anh Nguyễn Văn Linh (anh rể) và 2 cháu cùng đại diện Hội Bầu Bí Tương Thân.
LÂM ÐỒNG - Khi tôi ngồi gõ những dòng này thì đêm trên cao nguyên Lâm Ðồng đã khuya. Và ngoài kia, người ta chỉ còn nghe tiếng côn trùng rả rích trong đêm.

Những việc xảy đến lúc chiều và tối nay tại nhà anh Trần Khắc Ðạt, anh trai của Trần Minh Nhật, làm cho tôi không tài nào chợp mắt được. Ngoài phòng khách, có một số anh em đang chong đèn hàn huyên tâm sự.

Ngày mai, 27 tháng 8, Trần Minh Nhật mãn hạn tù trở về

Tôi không biết Trần Minh Nhật và cũng không quen em. Cho mãi đến khi biết tin em bị bắt vì tội... yêu nước, tôi mới ngộ ra phận người lắm đọa đày trên quê hương mang tên Việt Nam. Và trong chuyến đi du lịch của gia đình đến Ðà Lạt, tôi thấy mình có bổn phận đến thăm gia đình em, để kịp nói với cha mẹ em một lời cảm ơn vì đã sinh ra em, một công dân Việt Nam, một giáo dân Việt Nam yêu nước nồng nàn và thiết tha. Tôi vô cùng xúc động khi biết em vì biểu tình chống giặc Tàu mà phải ngồi tù. Và trong suốt bốn năm ở tù, em từng nhiều lần tuyệt thực để bảo toàn phẩm giá con người trong em.

Ðường từ sân bay Liên Khương về Lâm Hà nơi em ở, chừng 25 km. Chúng tôi đón taxi đến nhà anh Trần Khắc Ðạt, anh trai em trước, để thắp nén hương cho hai cháu nhỏ con anh vừa bị thiệt mạng trong vụ đuối nước vừa qua.

Vợ chồng anh Ðạt đón chúng tôi rất thân tình. Dầu vậy, tôi vẫn nhận ra sự thất thần của vợ anh sau biến cố vừa qua. Khi chúng tôi vừa kịp đặt tư trang, hành lý xuống để đọc kinh cầu hồn cho hai cháu xong, thì có hai công an xóm đến đòi kiểm tra hành chính. Sau một hồi không thuyết phục được chủ nhà, họ rút lui. Khoảng đầu giờ chiều, khi tôi đang mơ màng trong giấc ngủ trưa thì bỗng nghe đứa em của tôi chạy vô phòng thông báo, công an lại đến kiểm tra nhà anh Ðạt. Khi tôi ra ngoài phòng khách, thì nghe hai công an huyện đòi anh Ðạt phải đi đăng ký tạm trú tạm vắng cho khách.

Lẽ ra, tôi chỉ nên ngồi im lặng nghe chủ nhà và công an nói chuyện. Nhưng khi công an cứ liên tục chất vấn anh Ðạt về số người đến nhà anh, về chuyến đi của chúng tôi thì tôi thấy mình không thể im lặng được nữa vì lẽ, đời tư của chúng tôi bị xâm phạm. Tôi nhắc luật cư trú cho hai anh công an nghe và yêu cầu các anh phải làm đúng quy định của pháp luật. Tôi cũng không quên dặn anh Ðạt thông báo về số khách sẽ ở lại nhà anh trước 23 giờ theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó, hai công an ra về.

Buổi tối, chúng tôi quây quần bên nhau, trò chuyện trong bữa cơm tối và mọi người dự định sẽ đi ngủ sớm sau chuyến đi dài có nhiều trẻ nhỏ. Bất ngờ, có nhiều công an ập đến nhà anh Ðạt như thể truy bắt tội phạm nguy hiểm. Còn ở bên ngoài, có nhiều công an quây nhà anh. Lại vẫn nguyên giọng điệu như lúc chiều, nhưng tối nay, ngoài yêu cầu đòi kiểm tra hành chính của khách, công an còn đòi kiểm tra giấy tờ của gia đình anh Ðạt. Anh Ðạt đối đáp với công an rất rắn rỏi về quyền làm chủ gia đình và quyền được đón khách của anh.
Nhưng phía công an vẫn không chịu, cứ một mực đòi kiểm tra hành chính cả gia đình anh Ðạt và khách. Bất ngờ, khi tôi quay sang đòi kiểm tra giấy tờ của công an để hợp tác làm việc thì công an không chịu. Họ định dùng số đông để áp đảo chúng tôi.

Nhưng tôi nói rõ, quyền của người dân là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.” Và vì thế, chúng tôi có quyền kiểm tra các anh vì chúng tôi còng lưng đóng thuế nuôi các anh làm việc, không phải để các anh đến đây dọa nạt chúng tôi. Nay các anh đường đột đến nhà người ta, tự xưng là công an, định để bắt nạt chúng tôi sao? Chúng tôi không dễ bị các anh bắt nạt dễ dàng đâu.

Một công an trẻ hơn vội chống chế: “Chúng tôi làm theo luật.”

Tôi hỏi lại: “Thế luật đâu, giấy tờ của anh các đâu, yêu cầu các anh đưa chúng tôi kiểm tra.” Không có anh công an nào đưa ra giấy tờ và các quy định của pháp luật để yêu cầu chúng tôi phải xuất trình giấy tờ.

Anh công an đứng tuổi cứ khăng khăng cho rằng, việc kiểm tra giấy tờ của khách là đúng. Ðiều đó khiến tôi phải trả lời: “Theo luật, không có quy định nào yêu cầu như vậy cả. Tôi nghĩ, luật này, do anh mới... đẻ ra.” Cho đến khi anh Ðạt lên tiếng yêu cầu công an đừng gây thêm ức chế trong lúc gia đình anh đang gặp tang chế, thì công an vẫn không chịu buông tha cho gia đình anh.

Trong lúc ngoài phòng khách đang xảy ra tranh luận nảy lửa, thì chị vợ anh Ðạt lặng lẽ thắp hương cho con và trong cơn xúc động, chị bị lên một cơn đau tim dữ dội. Người nhà anh Ðạt hoảng loạn. Công an ngồi trơ ra, chờ... kiểm tra hành chính. Chúng tôi, người chạy đi tìm lọ dầu để bôi, người lo bóp chân tay, người bảo phải kêu xe cấp cứu ngay, không ai còn tâm trí nào để nói chuyện với công an. Cho đến khi, có một người thân của gia đình anh Ðạt phải thốt lên cay đắng: “Các anh định làm gì gia đình chúng tôi lúc này nữa? Các anh sinh ra trên đời là để làm chó hay làm người? Gia đình chúng tôi đang trải qua nỗi đau quá lớn. Người thân của chúng tôi đến đây để chia buồn, các anh còn định không cho à? Các anh có còn là con người nữa không? Các anh về ngay đi để cho linh hồn của hai cháu nhỏ được yên.” Nói rồi, mọi người đồng thanh lớn tiếng yêu cầu công an rời khỏi nhà ngay lập tức.

Mấy anh công an yên lặng rời khỏi nhà anh Ðạt. Nhưng ở ngoài kia, công an vẫn tiếp tục theo dõi và vây nhà anh.

Sau khi những người thân trong gia đình anh Ðạt đưa vợ anh đi cấp cứu, tôi hơi mệt và không vui vì chuyện vừa mới xảy ra. Tôi định đi ngủ ngay thì nghe tin mẹ em Nhật chạy xuống. Bà nói: “Nghe nói vợ thằng Ðạt phải đưa đi cấp cứu, tao chạy xuống coi có chuyện chi?” Bà nói, “Từ ngày vợ thằng Ðạt bị chết hai đứa con, tui thương nó lắm, nó cứ như người mất hồn, nhớ nhớ quên quên, tội lắm. Ngày mai, tui được gặp lại con trai rồi, chớ hai thằng con của thằng Ðạt, nó chết thảm quá, nghĩ mà chảy nước mắt. Tui cũng là mẹ nên tui hiểu nỗi đau quặn thắt, đứt ruột của vợ nó.”

Tôi trông dáng bà còm cõi, dù tuổi chưa già. Hỏi ra, tôi mới biết, bà có chín người con. Bà vất vả, tần tảo nuôi con. Rồi khi Trần Minh Nhật, con bà vô cớ bị đem đi đến nhiều trại giam khác nhau, bà nhớ con đến hao gầy. Tôi động viên bà: “Sẽ có một Trần Minh Nhật được trưởng thành qua quá trình tôi luyện trong ngục tù nên không có lý do gì khiến chúng ta phải buồn thêm nữa. Chúng ta hạnh phúc vì được ở tù, để nơi đó, nụ hoa công lý được triển nở.” Bà vui vẻ đón nhận những lời anh em chúng tôi chia sẻ.

Riêng tôi, sau khi vô phòng để ngủ, tôi không tài nào chợp mắt được. Tôi từng bị đuổi việc, bị cấm xuất cảnh hai lần, bị làm khó khi đi lại hay lưu trú. Tất cả quyền và lợi ích hợp pháp của tôi bị xâm hại mà thay vì bảo vệ quyền lợi cho người dân, thì những cái đầu đất của hệ thống công quyền không biết trơ trẽn, không sợ xấu hổ, không ngại làm điều sai trái để sẵn sàng cưỡng chế hay ra lệnh cho chúng tôi phải tuân theo một cách ngoan ngoan để được yên thân. Họ cứ xoen xoét về nhân quyền như một vở kịch không có hồi kết.

Hơn bao giờ hết, ngay lúc này, tôi hiểu, chúng tôi, những người dân đang phải sống cảnh lưu đày trên quê hương mình.

Và ngày mai, khi em Nhật được thả ra, thì sẽ lại có thêm những người khác thế chân vào vị trí của em trước đây. Họ vui vẻ thế chân em, như một vinh dự lầm than của kiếp người trên quê hương điêu tàn nhưng ở nơi đó, hạt giống nhân quyền vẫn luôn được các thế hệ trước bảo tồn, lưu giữ để tiếp lửa cho thế hệ sau.

Bích Hạnh
Theo Người việt
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment