“Về Bến Tự Do" chặng Malaysia

Trùng tu nghĩa trang tại Galang


Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam tổ chức chuyến đi mang tên “Về Bến Tự Do" đến bốn nước Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan trong 20 ngày vào tháng 8 năm nay. Đó là những nơi từng in dấu chân của những người Việt Nam đi tìm đường tỵ nạn sau biến cố 1975.

Những nơi đó còn lại gì và mong muốn của những người trở lại ra sao? Biên tập viên Gia Minh của Đài Á Châu Tự do trình bày những ghi nhận được qua chặng Malaysia.

Cảm xúc & hồi tưởng cựu thuyền nhân

Đó là một vài chia sẻ và lời hát của hai cựu thuyền nhân trên chiếc xe buýt đưa đoàn đến đảo Bidong, Malaysia nơi mà nhiều người Việt tỵ nạn từng tạm trú trước khi được đưa đi định cư tại một quốc gia thứ ba.

Ông Kha Văn Long sống tại Australia chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc khi trở lại nơi từng cưu mang ông:

“Sau 34 năm tôi mới quay trở lại thì những hình ảnh của 34 năm về trước hiện ra rất xúc động và tôi đi thăm viếng một vài nghĩa trang thì rất thương cảm những người đã đi mà không đến!”

Bác sĩ Trương Lâm Bảo Chi hiện sống tại Canada cũng cho biết:

  ... những hình ảnh của 34 năm về trước hiện ra rất xúc động và tôi đi thăm viếng một vài nghĩa trang thì rất thương cảm những người đã đi mà không đến!

- Ông Kha Văn Long, Australia
“Trong chuyến đi tôi có nghe anh Sơn trong Ban tổ chức nói có những ngôi mộ chôn tập thể hằng mấy chục người, hằng mấy trăm người của những tàu bị chìm và xác tấp vào. Chúng tôi cũng rất hy vọng.

Hôm qua đến Mã Lai đi thăm mộ chôn tập thể đầu tiên chôn 46 người, trong đó có một bé trai và hai bé gái. Điều đó làm tôi xúc cảm nhớ đến hai đứa em con của cậu tôi mà cậu tôi mang theo. Tôi được người khác kể lại là khi tàu chìm thì người cha để con lên vai và cùng chìm và chúng tôi rất xúc động.”


Ông Ngô Đức Hữu, một người từng tìm lại hầu hết những nơi mà thuyền nhân Việt Nam đặt chân đến trong khu vực Đông Nam Á trong những năm sau biến cố 1975 cũng có trình bày:

“Tôi cảm nhận được rằng đến ngày hôm nay đi qua đất nước Mã Lai, Nam Dương người ta vẫn nhớ tiếng nói của người Việt Nam. Họ biết người Việt Nam trở về nên họ bập bẹ một số tiếng Việt, nên mình cảm thấy rất sung sướng. Tại vì chắc có làm điều gì đó thì người ta mới nhớ đến mình được.”

Cầu nguyện cho thuyền nhân bỏ mạng trên biển

Những người tham gia chuyến Về Bến Tự Do chặng Malaysia trước khi ra đảo Bidong được đưa đi thăm những mộ phần của thuyền nhân Việt Nam chết trước khi cập được bờ biển vùng Terengganu, Malaysia.

Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam trong 10 năm qua, tức từ năm 2005 đến nay tìm được chừng 2500 trong số theo thống kê của Liên hiệp quốc là từ 300 ngàn đến 500 ngàn thuyền nhân Việt Nam bỏ mình trên biển trong những đợt vượt biên bằng thuyền để tìm đến bến bờ tự do.

Có nhiều chuyến tàu mà người đi trên đó chết hết nên khi xác họ tấp vào bờ đã được cư dân địa phương chôn tập thể. Có những mộ tập chể chôn xác gần 50 người, có mộ chôn gần 140 người…

Trên đảo Bidong là mộ phần của những thuyền nhân chết trong khi chờ được đi định cư. Có người vì bị từ chối sau tiến trình thanh lọc nên đã tự tử vì quá tuyệt vọng.

Mộ phần của những người không may đó được Văn Khố Thuyền nhân trùng tu với sự đóng góp tài chính của nhiều đồng bào gốc Việt tại nhiều nơi trên thế giới. Và nhiều cư dân địa phương từng chôn cất người chết năm nào, tiếp tục chăm sóc mộ phần của những người không may.

Đoàn lần này đến thăm, lập đàn chẩn tế cầu siêu theo nghi thức Phật Giáo cũng như nguyện cầu theo nghi thức Công giáo dưới sự chủ trì của 6 vị sư, một ni cô Phật giáo và một linh mục Công giáo.

Bốn buổi lễ được tiến hành tại các khu nghĩa trang Panji, Balai Bachok, Kuala Terengganu và tại cầu jetty đảo Bidong.

Kế hoạch duy trì và giáo dục cho thế hệ trẻ

Những cựu thuyền nhân khi nhìn thấy phần mộ được tu sửa đều rất vui mừng; tuy nhiên họ cũng có suy nghĩ làm sao có sự thăm viếng thường xuyên và tu bổ; nhất là những mộ phần trên đảo Bidong. Nơi này cây rừng mọc rất nhanh. Khu trại tỵ nạn trước đây nhìn vào như một rừng xanh.

Theo lời của nhiều cựu thuyền nhân thì đến nay những nhà cửa vào thời họ sống như cơ quan của Liên hiệp quốc, thư viện, nhà cung cấp vật phẩm… đều không còn nữa. Trên đồi tôn giáo ngôi chùa cũ chỉ còn nền và các tượng Phật mất đầu, nhà thờ Công giáo chỉ còn bức vách Cung Thánh, đài Đức Mẹ, bệ bia ghi ơn những quốc gia và tổ chức giúp cứu thuyền nhân Việt Nam…

  Đó là những chỗ để cho các thế hệ sau hiểu lý do tại sao họ được sinh ra ở những đất nước khác, tại sao cha mẹ họ lại phải chịu bỏ tính mạng để ra đi như vậy!

- BS Kenneth Lê
Đây là tấm bia mà chính quyền Hà Nội yêu cầu phía Malaysia đập bỏ. Nhưng theo lời của một người trong ban tổ chức thì dấu cắt bê tông dưới chân theo họ là tấm bia được đưa đi để ở nơi nào đó và hy vọng một ngày trong tương lai nó sẽ được trả về lại vị trí cũ.

Một cựu thuyền nhân khi đến Bidong còn tuổi vị thành niên và nay đã thành danh tại Hoa Kỳ, bác sĩ trẻ Kenneth Lê cho biết:

“Em thấy ở Bidong, Galang, còn Bataan thì không được nhiều lắm nhưng cũng khang trang lắm rồi. Đó là những chỗ để cho các thế hệ sau em nữa khi họ muốn tìm hiểu lý do tại sao họ được sinh ra ở những đất nước khác, tại sao cha mẹ họ lại phải chịu bỏ tính mạng để ra đi như vậy! Trong những chuyến em đi thì có những cô chú đem theo con của họ, tức thế hệ thứ nhì sinh ra ở Mỹ, Úc hay Canada. Các em nhỏ đó cũng 15, 16, 19, 20, 21, 22...tuổi rồi nên cũng có thể nhận ra tại sao cha mẹ phải đi như vậy. Những lần đi đều đến nghĩa trang cũng như có bảo tàng nên các em cũng hiểu được.”

Những cựu thuyền nhân nay đã bước sang tuổi 60, 70 thậm chí 80 đều cũng mong muốn những khu mộ phần và những di tích các trại tỵ nạn được gìn giữ và có kế hoạch để thế hệ con cháu của họ lớn lên tại những quốc gia tự do biết và đó là cách giáo dục về nguồn cội Việt Nam cho các cháu.

Giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân, ông Trần Đông cho biết trong thời gian tới sẽ tiến hành dự án bảo tàng thuyền nhân Việt Nam trên mạng. Đây là cách thức để những bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu về giai đoạn lịch sử của người Việt Nam sau năm 1975.

Gia Minh
phóng viên RFA
Theo RFA
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment