Gia đình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thắng lớn ở bầu cử đảng cấp tỉnh

ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai trưởng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa được bầu làm bí thư tỉnh Kiên Giang ngày 16-10-2015 ở tuổi 39.
Tin liên quan:
» Xem tiếp
Gia đình đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có được chiến thắng vang dội trong vòng bầu cử cấp tỉnh ở các Đại hội đảng bộ. Với kết quả này, gia đình thủ tướng đã đi vào lịch sử chính trị Việt Nam (trong thời kỳ Việt Nam xây dựng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam) như là một gia đình thành công và có tầm ảnh hưởng mạnh nhất từ trước tới nay. Thậm chí nhiều người tin rằng gia đình này sẽ còn thành công hơn nữa trong năm 2016 - khi Đại hội đảng lần thứ 12 của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra.

Thật vậy, ngày 16-10-2015, chỉ trong một ngày gia đình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tiếp nhận được tin vui.

Tại Kiên Giang, con trai trưởng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là ông Nguyễn Thanh Nghị, được đảng bộ tỉnh Kiên Giang tín nhiệm, bầu tuyệt đối vào chức vụ bí thư tỉnh ủy. Với chiến thắng này, ông Nguyễn Thanh Nghị đã lập một kỷ lục: trở thành bí thư tỉnh ủy trẻ nhất Việt Nam, khi mới 39 tuổi.

Trước khi được bầu làm bí thư, ông Nghị đã có những thăng tiến vượt bậc về mặt chức vụ, thể hiện tài năng vượt bậc. Cụ thể cuối năm 2011, ông nhậm chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng khi mới 35 tuổi, và cũng giành luôn kỷ lục là Thứ trưởng trẻ nhất Việt Nam. Đến đầu năm 2014, ông Nghị được điều động về làm phó bí thư tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Trong khi đó, em trai ông Nghị là ông Nguyễn Minh Triết cũng vừa được tái bầu vào ban chấp hành đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Nguyễn Minh Triết cũng chỉ mới 27 tuổi, rất rất trẻ.

Điều đáng lưu ý là chiến thắng của hai người con của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không phải là do cấp trên bổ xuống, mà là do chính đảng bộ tại các địa phương bầu lên. Như vậy, cả hai ông phải có tầm ảnh hưởng và uy tín, tài năng thật sự thì mới được phiếu bầu cao. Vì các đảng viên kỳ cựu ở các địa phương vốn là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, lại đã được quán triệt về tiêu chí bầu cử trước đó, không dễ gì bị ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài. Hơn nữa các đảng viên hiển nhiên phải biết mình có trách nhiệm trước đảng và người dân, khi bỏ lá phiếu của mình.

Với kết quả như trên, có thể thấy ngoài sự thành công về phương diện đảng và chức vụ, cũng cho thấy tầm ảnh hưởng về mặt uy tín chính trị của gia đình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là rất mạnh mẽ và rộng khắp từ bắc chí nam trong nội bộ đảng.

Cụ thể thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngoài việc là thủ tướng, nắm quyền điều hành hoạt động hành chính trên cả nước, ông còn là đại biểu Quốc Hội của thành phố Hải Phòng, một cảng lớn và có vị trí thiết yếu quan trọng ở miền Bắc.

Ông Nguyễn Minh Triết ở Bình Định, là một tỉnh miền trung "khúc ruột" của Việt Nam. Vị trí xung yếu thông thương với Lào, Campuchia qua đường Tây nguyên.

Ông Nguyễn Thanh Nghị ở Kiên Giang, địa bàn cực nam Việt Nam, giáp ranh Campuchia và đặc biệt có đảo Phú Quốc đang sắp trở thành một đặc khu về kinh tế.

Thành tích, truyền thống vẻ vang và tầm ảnh hưởng của gia đình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn khiến nhiều đảng viên kỳ cựu phải thán phục, ngưỡng mộ. Vì trong lịch sử chính trị hiện đại Việt Nam, chưa có gia đình nào có được sự thành công như vậy.

Năm 2016 tới đây sẽ là một năm bản lề quan trọng trong đời sống chính trị của Việt Nam, khi Đại hội đảng lần thứ 12 sẽ được tiến hành, với việc bầu ra những nhân sự chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo đảng (Bộ chính trị). Và tiếp đó những người chiến thắng sẽ còn được tiếp tục được đảng cử ra Quốc Hội để bầu vào những chức vụ quan trọng nhất trog bộ máy Nhà nước.

Chính vì vậy, chiến thắng của gia đình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở đại hội đảng cấp tỉnh mới đây, rõ ràng đã cho thấy một tương lai sáng chói cho gia đình thủ tướng. Dư luận thậm chí còn nghĩ rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành tân tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam.

Cát Hiệp
Theo Bình Luận Án
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment