Không có cái gì người ta không ăn cắp!

Một trong những biểu hiện của “căn bệnh” này là thói ăn cắp. Thói quen ăn cắp diễn ra hầu như ở khắp mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp trong xã hội.
Cùng tác giả
» Xem tiếp
Lâu nay các nhà báo, nhà văn, nhà giáo, nhà xã hội học và cả chính người dân đã lên tiếng cảnh báo khá nhiều về “căn bệnh” vô cảm trong xã hội VN và những hệ quả của nó. Nhưng có những “căn bệnh” trầm kha khác nữa mà sau mấy chục năm sống trong một thể chế chính trị độc tài, lạc hậu và một nền văn hóa, giáo dục ngu dân, chỉ biết chạy theo thành tích như ở VN đã tạo nên; ví dụ như "bệnh" coi trọng hình thức, coi trọng những giá trị ảo, sự độc ác, không tử tế ngày càng lấn lướt, lan tràn trong lúc tính thiện, sự tử tế ngày cảng hiếm hoi…Và nhất là sự thiếu vắng lòng trung thực, thiếu vắng lòng tự trọng.

Nếu như “căn bệnh” vô cảm đã trở nên quá đỗi bình thường, phổ biến trong xã hội từ quan chức, chính khách cho tới người dân thường thì sự sự thiếu vắng lòng trung thực, lòng tự trọng cũng không khá gì hơn.

Một trong những biểu hiện của “căn bệnh” này là thói ăn cắp. Thói quen ăn cắp diễn ra hầu như ở khắp mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp trong xã hội.

Ăn cắp nhiều có thể lên tới hàng trăm ngàn, hàng triệu USD như các quan to quan nhỏ, mỗi khi đặt bút ký tên dưới một dự án, một hợp đồng nào đó là kê khống, nâng giá thành các hạng mục lên, làm ảo thuật các con số để ăn bớt, “rút ruột” dự án. Gần như đã thành lệ ở VN, không có công trình, dự án, hợp đồng nào mà lại không có phần trăm “hoa hồng”, “lại quả” cho những nhân vật mà nếu không có chữ ký hay ý kiến của họ thì công trình, dự án, hợp đồng đó không thể thông qua được. Trong ngành xây dựng, khai thác, trong mọi cuộc đấu thầu, mua bán, ký kết xuất nhập khẩu, thành lập, khai trương một công ty, cửa hàng, cấp giấy phép ra đời một tòa soạn, một ấn phẩm, một đài truyền hình hay một chương trình phát sóng…Gọi đó là tham nhũng hay ăn cắp cũng không khác gì nhau.

Ăn cắp nhỏ như trộm cướp, trộm cắp vặt…trong xã hội mà cứ mở tờ báo ra, mở TV lên hoặc bước chân ra đường là lại có thể đọc, xem, chứng kiến tận mắt…Nhưng sự đời chua chát là nhiều khi người cùng đinh đi trộm vài con gà con vịt có thể bị kết án như vụ “Lâm Đồng: Vì hai con vịt, ba nông dân bị 13 năm tù!” năm 2008 (báo Pháp luật TP.HCM), có những trường hợp kẻ đi trộm chó bị dân làng phát hiện đánh chết, hay chỉ ăn cắp chưa tới 2.000.000 VNĐ tức chưa tới 100 USD có thể phải bỏ mạng trong đồn công an như cậu bé 17 tuổi Đỗ Đăng Dư ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, ngày 10.10 khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ...

Trong khi đó có những kẻ ăn cắp hàng triệu USD thì vẫn nhởn nhơ!

Sự thiếu vắng lòng trung thực, thiếu vắng lòng tự trọng ấy, như đã nói, dường như chẳng còn bất cứ ngoại lệ nào. Ngay những người làm những công việc mà tiền lương không thấp, và có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh VN với bên ngoài như phi công,tiếp viên hàng không trên những chuyến bay quốc tế. Ví dụ như vụ 5 phi công, nữ tiếp viên Vietnam Airlines mang hàng xách tay có nguồn gốc trộm cắp bị cảnh sát Nhật bắt tháng 3.2014, tháng 7.2015 một phi công Việt của hãng hàng không VNA lại bị cảnh sát Nhật bắt vì tội mua đồ trong cửa hàng rồi quên trả tiền (tức là ăn cắp); chưa kể những vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, tiền, vàng, đồ công nghệ... trái phép, thậm chí có liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn của các phi công, tiếp viên VNA bị bắt giữ tại các nước như Nhật, Hàn, Úc…từ năm 2008 đến nay. Còn ngay tại sân bay là nơi đầu tiên du khách nước ngoài đặt chân đến VN, người ta cũng không sợ khách sẽ có ấn tượng xấu về đất nước này, dân tộc này, thậm chí ngán ngẩm và không muốn du lịch đến VN nữa khi mà hiện tượng khách hàng bị mất cắp hành lý tại sân bay lớn nhất là Nội Bài và vài sân bay khác trong thời gian qua không còn là chuyện lẻ tẻ nữa.

Bài báo “Bộ trưởng Thăng: Mất cắp hành lý ở sân bay là có tổ chức!” (Người Lao Động) viết:

“Trước thực trạng từ năm 2013 đến nay có gần 700 vụ mất cắp hành lý chính thức bị hành khách khiếu nại và ngày càng có xu hướng tăng trong khi không có một camera nào ghi nhận được, chưa một vụ việc nào được đưa ra khởi tố, Bộ trưởng Thăng cho rằng việc mất cắp hàng hóa ở sân bay là có tổ chức, có nghiên cứu, tính toán chứ không phải tình cờ.”

Còn trong lĩnh vực sản phẩm trí tuệ, tinh thần, càng xấu hổ hơn khi hiện tượng ăn cắp cũng đầy dẫy. Trong ngành giáo dục, cứ lâu lâu chúng ta lại nghe thấy một vụ tố “đạo” văn, khi thì “đạo” một bài báo, một bài tiểu luận nghiên cứu, bài luận văn tốt nghiệp Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, lúc thì “đạo” một đoạn, một phần…trong một cuốn sách nào đó, có khi trò “copy” của thầy, thầy “copy” của trò, đồng nghiệp “đạo” của nhau…Đến mức nhà văn, facebooker Nguyễn Đình Bổn phải viết trong một status:

“Nếu chúng ta đồng thanh lên tiếng!

Vụ "đạo thơ" khi rất nhiều facebooker và sau đó là báo chí cùng lên tiếng, nó có kết quả ngay lập tức.

Nhưng nói thật, thơ đúng là "chuyện nhỏ" trong xã hội VN hiện nay. Ví dụ như VN có trên 24.000 tiến sĩ, nhưng họ đã làm được gì?

Họ có đạo luận văn không? Chắc chắc có!

Vậy tại sao chúng ta không đòi hỏi sự minh bạch ở đây? Ví dụ như tất cả các luận văn của các thạc sĩ, tiến sĩ phải được Bộ giáo dục công bố công khai trên mạng và nếu cần phải so sánh!

Chỉ có công khai thì mới bớt nạn giả mạo!

Đề nghị các ông bà đương chức làm gương, ông bà nào càng nắm chức to thì công bố ngay đi!

Còn nếu đã có công bố bắt buộc thì facebooker nào rảnh lôi ra săm soi cho vui.”…

Trong lĩnh vực sáng tác, không biết bao nhiêu lần chúng ta nghe vụ một nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu, điện ảnh, truyền hình “tố” bị người khác ăn cắp ý tưởng, hoặc “xào nấu”, thêm thắt, sửa chữa, biến cái của mình thành cái của họ. Còn đối với những người viết kịch bản thì cái chuyện đem đề cương kịch bản, kể cả kịch bản đã hoàn tất đi “chào hàng” một sân khấu, hãng phim, đài truyền hình nào đó, bị họ từ chối không mua nhưng sau đó một thời gian lại thấy một vở kịch, bộ phim nào đó có ý tưởng, cốt truyện na ná giống mình là chuyện không phải ít, thường thì khó mà đòi được cộng bằng lắm, nhất là nếu người đó chưa có tên tuổi.

Có những trường hợp rõ ràng là hai tác phẩm giống nhau như chị em sinh đôi nhưng kẻ cắp vẫn thoát được, hoặc do chức vụ, tên tuổi, quan hệ rộng rãi trong ngành khiến những người khác cũng ngại không muốn đẩy đến cùng, hoặc do phía bên kia không đủ chứng cứ, hoặc nếu lấy của một tác giả nước ngoài thì dễ thoát hơn.

Ngay cả ông Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh cũng đôi lần dính nghi án “đạo” thơ, bài thơ “Hỏi” của ông Hữu Thỉnh được cho là giống như phỏng dịch bài “Thượng đế đã làm ra mặt trời” của nữ thi sĩ Đức Christa Reinig được công bố năm 1964, nhưng cuối cùng ông Hữu Thỉnh vẫn thoát được.

Mới đây nhất là hai vụ lùm xùm về “đạo” thơ, vụ tranh chấp còn chưa ngã ngũ quanh bài thơ “Tổ Quốc gọi tên mình” giữa nhà thơ nữ Nguyễn Phan Quế Mai và một cựu quân nhân tên Ngô Xuân Phúc, và vụ tập thơ “Sẹo độc lập” của nhà thơ nữ Phan Huyền Thư vửa đoạt giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội 2015 đã bị dư luận tố “đạo” ý một câu thơ của Du Tử Lê và “đạo” trắng trợn bài thơ của nhà thơ nữ Phan Ngọc Thường Đoan, cuối cùng Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã quyết định thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư.

Có hai câu hỏi được đặt ra là tại sao hiện tượng ăn cắp hay “đạo” văn, “đạo” thơ, nhạc… bây giờ lại nhiều thế, và một số những người đó, họ rõ ràng có tên tuổi, chức vụ, thậm chí cũng có tài năng, tại sao họ phải làm như vậy, mà đôi khi lại rất lộ liễu nữa, họ không sợ mất mặt, mất uy tín hay sao.

Rõ ràng trong những xã hội dân chủ phát triển, luật pháp chặt chẽ nghiêm minh, hiện tượng ăn cắp trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề không phải không có nhưng ít hơn rất nhiều, trước hết vì người ta biết sợ luật pháp, sợ cái giá phải trả, sự mất mát về tên tuổi, uy tín…Con người lại được giáo dục đàng hoàng, nhìn chung quanh cũng không thấy mấy ai làm như vậy nên không dám liều. Ngay miền Nam trước 1975 dưới chế độ VNCH, hình như chả thấy có vụ “đạo” văn, “đạo” thơ nào.

Còn trong xã hội như xã hội VN bây giờ, chuyện ăn cắp xảy ra ở khắp mọi nơi, mọi tầng lớp, nhà dột từ nóc, thấy người khác địa vị to hơn mình còn ăn cắp kiểu này kiểu khác, rồi được tiền được danh lợi từ đó, đâm ra cũng làm theo với ý nghĩ “Ai cũng vậy riêng gì mình”. Với những sản phâm trí tuệ, tinh thần, thì thường là hậu quả của sự háo danh, ví dụ không có tài nhưng muốn nổi tiếng nên xảo nấu, ăn cắp ý thơ, văn, nhạc của người khác làm của mình; hoặc đã có tiếng, cũng có tài nhưng vẫn ăn cắp vì thói kiêu hãnh, ngạo mạn, coi thường thiên hạ, nghĩ không ai phát hiện ra…Có muôn vàn lý do, nhưng tựu trung vẫn lả hệ quả của một môi trường xã hội mà cái xấu sự không tử tế quá phổ biến đến đâm nhờn, hệ quả của một nền giáo dục không dạy học sinh làm người nhưng lại dạy cho con người ta quen với sự giả dối từ bé.

Khi mà ngay chính vị lãnh tụ cao nhất của đảng cộng sản vốn được tuyên truyền như thánh còn dính nghi án ăn cắp tập thơ “Nhật ký trong tù” thì còn có cái gì thiêng liêng nữa? Và khi toàn bộ lịch sử đất nước này từ khi có đảng là một lịch sử dối trá và hiện tại đảng, nhà nước vẫn tiếp tục dối trá đủ mọi chuyện thì đỏi hỏi người dân phải trung thực thế nào được?

Mai này đất nước thay đổi, để dạy lại cho con người biết tự trọng, biết trung thực từ đầu có lẽ sẽ phải mất rất nhiều năm, so với vực dậy một nền kinh tế hay xây dựng lại hạ tầng cơ sở xã hội.

Song Chi
Theo RFA
Song Chi

Nhà báo tự do, gốc Huế, hiện định cư ở Na Uy. Tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh.
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment