Mỹ lại thách thức Trung Quốc về tự do lưu thông trên Biển Đông

Chiến hạm tác chiến cận duyên USS Fort Worth di chuyển ở khu vực Trường Sa bị một chiến hạm Trung Quốc đeo bám từ xa hồi Tháng 5-2015. (Hình: Navy Times)
Tin liên quan:
» Xem tiếp

BOSTON -Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lập lại sự cả quyết sẽ thách thức Trung Quốc về vấn đề tự do lưu thông trên Biển Đông sau cuộc họp với người đồng cấp của Úc mà hai bên đồng quan điểm.

“Hãy đừng hiểu sai. Hoa Kỳ sẽ bay, di chuyển bằng tàu và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật lệ quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ hành động như vậy ở những thời điểm và khu vực tùy chúng tôi chọn. Và (khu vực Biển Đông) cũng không có ngoại lệ.”

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố như vậy trong cuộc họp báo hôm Thứ Ba tại Boston, một điều ông và nhiều viên chức ngoại giao và quân sự Hoa Kỳ từng nói đi nói lại nhiều lần trước đây như sự cảnh cáo cách hành sử của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bộ trưởng Carter và ngoại trưởng John Kerry họp với các người đồng cấp của Úc tại Boston hai ngày Thứ Hai và Thứ Ba vừa qua về nhiều vấn đề trong mối quan hệ và hợp tác song phương.

“Dù là tại Bắc Cực hay là tại khu vực các hải lộ chuyển vận thương mại quốc tế quanh thế giới, hoặc là tại khu vực Biển Đông”, ông Carter nói về chính sách của Hoa Kỳ.

Ông Carter lập lại rằng Hoa Kỳ muốn thấy Trung Quốc và các nước khác tranh chấp biển đảo trên Biển Đông dừng các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo cũng như quân sự hóa các hoạt động tại quần đảo Trường Sa.

Quần đảo Trường Sa là một tập hợp gồm nhiều đảo san hô, cồn cát, rạn đá san hô và bãi ngầm rải rác từ 6°12' đến 12°00' vĩ Bắc và từ 111°30' đến 117°20' kinh Đông, trên một diện tích khoảng gần 160,000 km² đến 410,.000 km², theo những ước lượng khác nhau, ở giữa biển Đông.

Quần đảo này có độ dài từ tây sang đông là 800 km, từ bắc xuống nam là 600 km với độ dài đường bờ biển đạt 926 km. Tùy cách xác định khác nhau, quần đảo Trường Sa có hơn 100 đảo và rạn đá ngầm, 137 "đảo-đá-bãi", khoảng 160 đảo nhỏ-cồn cát-rạn đá ngầm-bãi cát ngầm/bãi cạn-bãi ngầm đã đặt tên, theo tài liệt trên Wikipedia.

Dù vậy, tài liệu trên Wikipedia nói tổng diện tích đất nổi của quần đảo rất nhỏ, từ không quá 5 km² đến 11 km² do số lượng đảo thực sự rất ít mà chủ yếu là các rạn san hô thường và rạn san hô vòng chìm ngập dưới nước khi thủy triều lên. Các hòn đảo san hô ở Trường Sa tương đối bằng phẳng và thấp, ngay cả khi so sánh với một quần đảo san hô khác gần đó là quần đảo Hoàng Sa. Theo CIA, điểm cao nhất của Trường Sa nằm trên đảo Song Tử Tây với cao độ 4 m so với mực nước biển.

Theo một tài liệu gần đây của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thì quần đảo Trường Sa có hơn 200 đảo và vị trí nhưng đích xác là bao nhiêu thì tùy cách đếm và liệt kê của từng nước. Hiện Việt Nam chiếm cứ và canh giữ 48 đảo và bãi đá ngầm, Đài Loan chiếm một, Philippines chiếm 8, Malaysia chiếm 5. Trung Quốc chỉ bắt đầu đánh cướp 8 bãi đá ngầm do Việt Nam và Philippines kiểm soát từ năm 1988 trở đi.

Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền toàn thể về quần đảo Trường Sa trong khi Philippines, Malaysia, và Brunei chỉ tuyên bố chủ quyền một phần.

Tranh chấp chủ quyền Trường Sa trở nên căng thẳng bất thường hơn trước khi các tin tức lộ ra các hoạt động bồi đắp 7 bãi đá ngầm thành 7 đảo nhân tạo rộng lớn, trên đó có cả cảng biển và phi trường tại ít nhất 3 đảo nhân tạo.

Hồi đầu tuần, có tin Hoa Kỳ đã thông báo cho các đồng minh của mình tại Á Châu về kế hoạch sẽ cho máy bay và chiến hạm tuần tiễu ở khu vực Trường Sa, vào cả bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo vừa kể. Hoa Kỳ không công nhận các đảo nhân tạo là những vị trí được dùng để xác định chủ quyền lãnh thổ theo Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS).

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp ở Boston, nữ ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho hay nước bà cũng có lợi ích về tự do lưu thông trên Biển Đông vì khoảng hai phần ba hàng hóa thương mại của Úc đi qua vùng biển này.

“Chúng tôi từng nhiều lần nhấn mạnh rằng các hành động bồi đắp đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa, nhất là của Trung Quốc, nên dừng lại.” Bà Bishop nói.

Bộ trưởng Carter nói rằng từ hệ quả hoạt động bồi đắp của Trung Quốc tại Trường Sa mà Hoa Kỳ “đang có sự hợp tác gia tăng với các nước tại khu vực. Họ đang kêu gọi sự phối hợp hành động với Hoa Kỳ và hải quân Hoa Kỳ.” Ông nói.

Theo lời trung tá Hải quân Timolthy Hawkins, phát ngôn viên Hải quân Hoa kỳ, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ tại Thái Bình dương có 4 khu trực hạm, một tàu đổ bộ, một tàu tác chiến cận duyên và một tàu quét mìn đang có mặt tại khu vực biển Ấn Độ-Á châu-Thái bình dương. Ông cho hay một khu trục hạm đang hiện diện trên Biển Đông nhằm tăng cường quyền đi lại của tàu Mỹ ở khu vực.

Trước tin Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ họp với các người đồng cấp của Úc ở Boston rồi đưa ra những lời tuyên bố tái khẳng định về thi hành quyền tự do hải hành và bay trong không phận quốc tế tại Biển Đông, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ám chỉ Hoa Kỳ khi bà lên án “một số nước” khoe mẽ về “sức mạnh quân sự” trên Biển Đông.

Cuối tuần qua, bà Hoa Xuân Oánh đã nói cứng rằng “Chúng tôi không cho phép bất cứ nước nào xâm phạm vùng biển và không phận của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa nhân danh bảo vệ quyền tự do hải hành và bay qua.” (TN)

Theo Người việt
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment