"...Khuynh hướng trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở cả Việt Nam và Trung Quốc càng châm thêm dầu vào cuộc đua giành quyền ảnh hưởng trong khu vực vốn đã nảy lửa này, cũng như càng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà lãnh đạo mỗi nước để tình huống đối đầu trực tiếp không xảy đến, dù có hành động châm ngòi nào diễn ra..."
Giới thiệu
Tin liên quan: |
Việt Nam cũng đã cố gắng tận dụng hành động thăm dò và khai thác dầu để khẳng định chủ quyền trong khu vực tranh chấp, tàu thuyền của họ đã nhiều lần đụng độ và đâm vào tàu Trung Quốc ở đây. Chính phủ Việt Nam đã tiến tới xây dựng quan hệ quân sự chặt chẽ với Hoa Kỳ, với các quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, và cường quốc khu vực như Ấn Độ, trước cái nhìn kinh ngạc của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc còn đang cạnh tranh quyền ảnh hưởng đối với khu vực Đông Nam Á, nơi Việt Nam đã ngự trị giữa những năm 1970 và cuối những năm 2000. Trung Quốc đã trở thành nhà tài trợ và đầu tư lớn đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á, cũng như trở thành một đồng minh quân sự quan trọng đối với Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Lào.
Khuynh hướng trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở cả Việt Nam và Trung Quốc càng châm thêm dầu vào cuộc đua giành quyền ảnh hưởng trong khu vực vốn đã nảy lửa này, cũng như càng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà lãnh đạo mỗi nước để tình huống đối đầu trực tiếp không xảy đến, dù có hành động châm ngòi nào diễn ra.
Những mâu thuẫn ngày càng tăng này hoàn toàn có thể dẫn đến viễn cảnh đối đầu quân sự nghiêm trọng giữa hai nước trong vòng 12 đến 18 tháng tới, với những hậu quả tiềm tàng đáng kể đối với cả Hoa Kỳ. Như vậy, Hoa Kỳ cần phải tìm cách xoa dịu tình hình và giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khu vực nghiêm trọng.
Ba kịch bản xung đột
Có ba kịch bản với nhiều khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam. Sau đây là nội dung chi tiết ba kịch bản của viễn cảnh Trung Quốc-Việt Nam đối đầu quân sự:
1. Tình hình căng thẳng ngày càng quyết liệt trong khu vực tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trong thập niên 1990 và thập niên 2000, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng những phương pháp ít mang tính đối đầu hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, mặc dù họ chưa bao giờ từ bỏ yêu sách lâu dài đối với Biển Đông. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã tái khẳng định yêu sách đối qua hành động tuyên bố khoảng 90 phần trăm diện tích vùng Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ bằng việc khởi động các dự án tái khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, và tại Đảo Sơn Ca (Sand Cay) và Đảo Đá Tây (West London Reef). Ngoài ra, mặc dù vùng Biển Đông luôn giữ vai trò chiến lược quan trọng, giá trị kinh tế của vùng biển này cũng được đánh giá ngày càng cao trong thập kỷ vừa qua. Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính rằng vùng biển này chứa khoảng 290 nghìn tỷ feet vuông khí đốt tự nhiên. Vùng Biển Đông cũng cung cấp khoảng một phần mười toàn bộ sản lượng cá đánh bắt được hàng năm trên toàn cầu.
Vào tháng 5 năm 2014, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã triển khai một giàn khoan dầu ở vùng biển tranh chấp với Việt Nam. Lực lượng hải quân và các tàu bảo vệ bờ biển của Việt Nam đã liên tục hoạt động trong khu vực xung quanh giàn khoan, một loạt các cuộc bạo động chống Trung Quốc đã nổ ra ở Việt Nam. Mặc dù cuối cùng hai nước cũng xoa dịu được tình hình, sau một thời gian căng thẳng kéo dài nhiều tuần giữa giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Việt Nam. Một diễn biến tương tự có thể xảy ra và leo thang trong tương lai gần; các báo cáo trong tháng 7 năm 2015 cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu tái triển khai một giàn khoan khác ở vùng biển đã xảy ra xung đột trong năm 2014. Nếu CNPC muốn thăm dò một lần nữa trong khu vực này, hoặc trong các khu vực dọc theo bờ biển Việt Nam, lần này nhiều khả năng họ sẽ triển khai giàn khoan cùng với lực lượng bán quân sự và tàu hải quân được ngụy trang ngày càng tinh vi. Trung Quốc cũng đã mở rộng đáng kể những cơ sở quân sự tại đảo Hải Nam để làm căn cứ cho lực lượng hải quân ngày càng phát triển, trong khi Việt Nam cũng bắt đầu hiện đại hóa lực lượng tàu nổi và tàu ngầm.
Khi lực lượng hải quân của họ đối mặt trong một cuộc chiến thật sự, Việt Nam và Trung Quốc rất khó tránh khỏi thiệt hại về nhân mạng sau những màn trao đổi hỏa lực. Chính quyền Hà Nội và Bắc Kinh có thể củng cố quyền lực trên biển bằng nhiều khí tài hải quân, những cuộc tuần tra thường xuyên, và những lực lượng đặc biệt. Hai nước chưa bao giờ chấp nhận một biên bản ghi nhớ (MOU) về hướng giải quyết tranh chấp hàng hải; trong năm 2011, Hà Nội và Bắc Kinh đã cùng ký một thỏa thuận về các nguyên tắc chung để giải quyết mâu thuẫn trên biển, nhưng thỏa thuận này cũng không tiến xa được. Mặc dù, về mặt lý thuyết, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể hòa giải tranh chấp, khả năng hòa giải thực tế của tổ chức này, vốn phụ thuộc vào Viện Hòa bình và Hòa giải (Institute for Peace and Reconciliation), vẫn còn hạn chế và chưa được kiểm chứng trong thực tế.
Nếu cả hai bên không muốn hạ nhiệt tình hình, Trung Quốc và Việt Nam sau cùng có thể sa vào một cuộc hải chiến toàn diện, nếu giới hạn được trong hải chiến.
2. Trao đổi hỏa lực qua biên giới đất liền của Trung Quốc và Việt Nam. Tình hình ở biên giới đất liền Trung Quốc-Việt Nam ngày càng trở nên căng thẳng khi các lực lượng an ninh từ cả hai phía đã nổ súng ít nhất hai lần trong năm 2014 và 2015. Lý do dẫn đến sự việc trên vẫn chưa rõ ràng – lực lượng biên phòng Trung Quốc có thể đã bắn vào người Duy Ngô Nhĩ vượt biên. Nhưng rõ ràng họ đã khiến vùng biên giới ngày càng nguy hiểm hơn. Những cuộc đụng độ xảy ra sau đấy, đặc biệt nếu trùng với những căng thẳng đang gia tăng ở những khu vực tranh chấp khác như Vùng biển phía nam Trung Quốc hay sông Mekong, nơi đập thủy điện của Trung Quốc hiện diện như một sự khiêu khích lớn với Việt Nam, có thể tạo thành mồi lửa để khiến Trung Quốc và Việt Nam củng cố lực lượng quân sự ở biên giới đất liền, làm cho những rủi ro quân sự leo thang hơn nữa.
Chính phủ Việt Nam cũng có thể lo sợ rằng nếu họ không hành động quyết đoán trong bất kỳ kịch bản xung đột nào ở biên giới đất liền với Trung Quốc, chính phủ nước này sẽ lâm vào nguy càng trở nên suy yếu trong mắt các nước Đông Nam Á khác, khu vực mà Việt Nam đang cố gắng duy trì ảnh hưởng chiến lược. Chế độ chính trị ở Trung Quốc và Việt Nam, dù là độc tài, cũng không thể phớt lờ dư luận; công chúng Việt Nam nói riêng luôn nhạy cảm với bất kỳ ý đồ kiểm soát biên giới đất liền nào của Trung Quốc, một phần vì người dân Trung Quốc và Việt Nam đã phải trải qua một cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu năm 1979.
3. Xung đột quân sự ngoài ý muốn trong một cuộc diễn tập quân sự bất kỳ giữa Hà Nội với các nước đối tác chiến lược mới. Việt Nam đã bắt đầu chuỗi hoạt động diễn tập quân sự trong nhiều hình thức với nhóm các nước đối tác chiến lược ngày càng tăng của chính quyền Hà Nội. Trong tương lai gần, kế hoạch diễn tập có thể sẽ bao gồm việc tập trận hải quân với Ấn Độ, Philippines, Singapore, đến cả Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đây là những kịch bản luôn nằm trong vòng theo dõi chặt chẽ của Trung Quốc, ngay cả khi việc tập trận diễn ra ở những hải phận và không phận không thuộc vùng biển phía nam Trung Quốc; bởi chính quyền Bắc Kinh thường giữ cái nhìn thù địch với những nước đối tác mới của Việt Nam. Ví dụ, Trung Quốc đã lên án một cuộc họp không chính thức giữa những người lính Việt Nam và Philippines ở đảo Song Tử Đông vào tháng 5 vừa rồi. Trong tương lai, Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách đối phó với những cuộc tập trận chung của Việt Nam, bởi nỗi e ngại rằng những cuộc tập trận này sẽ cản trở khả năng triển khai sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể triển khai khí tài không quân và hải quân gần đấy, ngay cả khi việc diễn tập được tổ chức trong khu vực cách xa bờ biển Trung Quốc hay ngoài vùng Biển Đông. Hành động tuần tra hải quân và không quân mang tính đối đầu của Trung Quốc ở gần khu vực tập trận luôn tiềm tàng nguy hiểm. Khả năng dẫn đến sự cố ngoài ý muốn, chẳng hạn như máy bay bay sát nhau hoặc đâm vào nhau, hoặc tàu chiến bắn gần nhau, luôn hiện diện và ngày càng gia tăng.
Những chỉ báo cho cuộc xung đột
Một số dấu hiệu cảnh báo sẽ cho thấy nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự đang gia tăng. Những dấu hiệu này có thể được chia thành nhóm các chỉ báo chiến lược cho thấy quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đang xấu đi và nhóm các chỉ báo chiến thuật về ngắn hạn với ba tình huống bất ngờ có khả năng diễn ra chỉ trong vài tuần. Sau đây là nhóm dấu hiệu tổng quát của những căng thẳng ngày một gia tăng trong quan hệ giữa hai nước:
1. Những tuyên bố chính thức trước dư luận Trung Quốc và Việt Nam. Mặc dù dư luận quốc tế không còn xa lạ gì việc Trung Quốc và Việt Nam không cho phép giới truyền thông tiếp cận thông tin nhạy cảm của giới lãnh đạo cấp cao, chính phủ hai nước này đã thường xuyên tổ chức họp báo để tố cáo lẫn nhau sau khi đưa ra những tuyên bố chính thức về chủ quyền ở Biển Đông, cũng như ở biên giới Trung Quốc-Việt Nam, và trong những vấn đề gây tranh cãi khác. Những cuộc họp báo và hoạt động tuyên bố công khai bằng văn bản thường diễn ra theo khuynh hướng chung là phát ngôn viên cao cấp, của cả Trung Quốc và Việt Nam, đọc cáo trạng để lên án phía bên kia. Chính phủ hai nước cũng chẳng mặn mà với việc tổ chức họp báo khẳng định những bước tiến tích cực trong quan hệ song phương. Do đó, tin về một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hay Hà Nội liên quan đến quan hệ Trung Quốc-Việt Nam nên được xem như là một dấu hiệu phổ quát cho tình hình mâu thuẫn ngày càng trầm trọng.
2. Việc huy động các cuộc biểu tình. Trong ba năm qua, đã có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc với quy mô lớn đã được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thường là để phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng cũng có khi người biểu tình phản đối cả những yêu sách khác của Bắc Kinh. Về phía Trung Quốc, người dân cũng đã sớm tổ chức biểu tình chống Việt Nam ở Bắc Kinh từ đầu thập niên 2010, dù ít phổ biến hơn. Có thể giả định rằng những cuộc biểu tình công khai chống Trung Quốc và Việt Nam được mặc nhiên hỗ trợ bởi cả hai chính phủ. Sự hiện diện của các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam hay các cuộc biểu tình chống Việt Nam ở Trung Quốc đều là dấu hiệu rõ ràng cho căng thẳng đang gia tăng giữa hai nước.
3. Thông báo về quan hệ đối tác chiến lược mới của Việt Nam. Việt Nam đang tích cực tìm kiếm để thiết lập quan hệ đối tác gần gũi với ngay cả những cường quốc trong khu vực, chẳng hạn như Indonesia, một quốc gia cũng đang quan ngại trước mưu đồ bá quyền của Trung Quốc. Việc chính phủ Việt Nam khẳng định quan hệ đối tác chiến lược mới với một quốc gia châu Á như Indonesia cũng là một dấu hiệu tiềm tàng của những chuyển động thiên về đối đầu giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
4. Sáng kiến viện trợ ở Đông Nam Á của Trung Quốc. Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã tận dụng các chuyến thăm của giới lãnh đạo cấp cao tới các quốc gia vùng Đông Nam Á để công bố những kế hoạch viện trợ mới. Những động thái rõ ràng đã làm chính quyền Hà Nội lo lắng. Trong chuyến thăm Campuchia năm 2010 của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông tuyên bố Trung Quốc sẽ viện trợ lượng hàng hóa trị giá 1,2 tỷ dollar cho chính quyền Phnom Penh, ngay sau sự kiện này, giới lãnh đạo Việt Nam đã tìm cách yêu cầu Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định mối liên kết của ông với chính quyền Hà Nội. Tâm lý chống Trung Quốc tại Việt Nam đã tăng vọt vào thời điểm đó, có thể một phần do khuyến khích chính thức của giới cầm quyền.
Còn sau đây là các chỉ báo chiến thuật dự báo ba tình huống bất ngờ có thể xảy ra:
1. Việc triển khai giàn khoan dầu vào khu vực Biển Đông/ hoặc hành động tuyên bố chủ quyền công khai ở những vùng còn đang tranh chấp. Cả chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều đã tận dụng những cuộc họp cấp cao để đưa ra tuyên bố chính thức về chủ quyền, cũng như trình bày yêu sách về vùng Biển Đông. Họ cũng đã sử dụng các công ty dầu khí nhà nước như công cụ để khẳng định quyền khai thác trong khu vực tranh chấp. Trong quá khứ, cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã nhanh chóng phản ứng trước mọi động thái thăm dò dầu khí của phía bên kia qua việc tăng cường tuần tra tại khu vực tranh chấp hay cắt dây cáp của tàu khảo sát. Vì vậy, những tuyên bố chính thức về chủ quyền trong vùng tranh chấp trên hoặc thông báo về kế hoạch thăm dò mới ở Biển Đông đều là dấu hiệu cho thấy khủng hoảng quân sự sắp xảy ra.
2. Hành động triển khai quân gần biên giới đất liền Trung Quốc-Việt Nam. Đừng quên rằng cả Trung Quốc và Việt Nam hiện đang thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở khu vực biên giới đất liền, mà mọi cuộc cuộc tập trận gần biên giới đều có thể châm ngòi cho xung đột trong tương lai.
3. Khả năng Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng bằng vũ lực trước các cuộc tập trận theo kế hoạch của Việt Nam và các nước đối tác mới. Những năm gần đây, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã luôn sẵn sàng xuất kích để bay rất gần những máy bay nước ngoài và máy bay chiến đấu, trong mọi không phận dù gần hay xa bờ biển Trung Quốc. Đến giờ, Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa thiết lập thỏa thuận gì về nguyên tắc đối đầu trên không, và Trung Quốc cũng chưa xây dựng thỏa thuận về đối đầu trên không với các nước đối tác của Việt Nam, gồm cả Hoa Kỳ. Báo cáo về việc Trung Quốc cử phi cư đánh chặn máy bay Việt Nam, đặc biệt là khi Việt Nam đang tiến hành diễn tập với các đồng minh của Hà Nội, không thể không thể được xem là một chỉ báo chiến thuật quan trọng.
Hết phần I
Còn tiếp…
Joshua Kurlantzick là chuyên viên cao cấp về khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations).
Joshua Kurlantzick, CFR
Trường Sơn chuyển ngữ,
CTV Phía Trước
0 Comments:
Post a Comment