Đảng và các sử gia của đảng nói láo, dân tộc là nạn nhân phải nghe nói láo, bị đánh lừa vì nói láo, sao lại bảo dân tộc nói láo?
Gần đây khi trả lời phỏng vấn về việc dạy lịch sử, ông Ngô Vĩnh Long (một nhà sử học làm việc ở Mỹ) nói về việc ngụy tạo "anh hùng Lê văn Tám" cũng như sự thiên lệch của "sử học" Việt Nam trong chế độ Cộng sản như sau (http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2015/11/151122_ngovinhlong-teach-history):
Tại sao 'nói láo'?
Trả lời câu hỏi của BBC xem liệu có cách thức nào 'giải quyết' ổn thỏa câu chuyện này không, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:
"Trước hết là chuyện Lê Văn Tám ấy, khi dạy lịch sử mình phải lặp lại tại sao người ta đã lập lên chuyện Lê Văn Tám, bởi vì cái này nó trở thành vấn đề lịch sử của Việt Nam.
Nếu mà một đất nước, một dân tộc mà nói láo, thì phải hiểu là tại sao mình nói láo?
"Mình nói láo là vì mình yêu nước phải không?
"Nếu mà yêu nước mà nói láo như vậy có thể là không đúng. Thì mình phải học được bài học lịch sử này.
"Vấn đề này tôi đã nói không phải là vấn đề lịch sử nữa, mà nó là vấn đề xã hội, vấn đề luân lý, nó là vấn đề con người," sử gia từ Hoa Kỳ nói với BBC.
Ô hay, dân tộc nào, đất nước nào nói láo ở đây? Chỉ có đảng và các sử gia của đảng nói láo, dân tộc chính là nạn nhân phải nghe nói láo, bị đánh lừa vì nói láo, sao lại bảo họ nói láo?
Việc này cũng tương tự như việc đồng hóa đảng CS với đất nước: quốc kỳ hiện nay gọi là "cờ tổ quốc", nước VN gọi là "tổ quốc XHCN", vạch ra những cái xấu xa của chế đảng CS thì gọi là "chống phá đất nước". Từ đó đến "đảng nói láo tức là dân tộc nói láo" là một bước ngắn!
Có người giải thích rằng ông Ngô Vĩnh Long đã nói vậy để khỏi mất lòng chế độ, để tránh buộc tội chế độ là thủ phạm nói láo. Nhưng một giáo sư đại học Mỹ tại sao phải sợ làm mất lòng chế độ? Ngay các sử gia ở trong nước cũng không xúc phạm đến dân tộc như vậy.
Dường như là cái lối nói quanh co giả dối này nó đã thấm sâu vào đầu óc những người theo đảng. Đến nỗi, để tránh làm mất lòng chính quyền, họ thản nhiên phỉ báng cả dân tộc, đất nước của họ trước công chúng một cách thoải mái!
Để đóng góp ý kiến cho đất nước khá hơn, không gì bằng nói thẳng. Chỉ khi nào tập được thói quen nói thẳng thắn thì mới có sự suy nghĩ sáng suốt, ở cả người nói lẫn người nghe. Nhưng sau khi quen giả dối đã nhiều năm, cũng cần qua một quá trình cố gắng "tự tẩy não" để biết nói thẳng.
Phạm Quang Tuấn
gửi từ Sydney, Úc
Dân Luận
0 Comments:
Post a Comment