Hạ giá hay xóa bỏ môn lịch sử?

"...Chỉ sử dụng môn Lịch Sử như một phương tiện tuyên truyền cho nên chế độ Cộng Sản đã coi nhẹ các cuộc chiến đấu của tổ tiên chúng ta chống những cuộc xâm lăng của đế quốc Hán tộc..."


Cùng tác giả
» Xem tiếp
Ngày Chủ Nhật tuần rồi, 15 Tháng Mười Một, 2015, Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo trong đó nhiều vị giáo sư báo động học sinh nay mai sẽ không còn được học môn lịch sử đầy đủ, theo dự thảo chương trình bậc Trung Học Phổ Thông, mà Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo có thể thi hành. Theo chương trình soạn thảo, từ năm 2018 các học sinh sẽ không được học riêng môn Lịch Sử, mà môn này sẽ được gộp chung vào thành một môn học mang tên là “Công dân với Tổ quốc;” trong đó có thêm hai môn khác là Giáo Dục Công Dân và An Ninh Quốc Phòng. Trước đó hai tuần, Bộ Giáo Dục đã họp các nhà giáo để giải thích việc cải cách này; nhưng giới sử học nghe không xuôi tai!

Các viên chức Bộ Giáo Dục đã giải thích và bênh vực chủ trương của họ, nhưng các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn nghĩ khác. Sử gia Phan Huy Lê cho rằng dù Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo có giải thích thế nào thì chương trình mới này đã khai tử, đã xóa bỏ môn Lịch Sử trong thực tế. Giáo Sư Kiều Thế Hưng khẳng định: “...dù với bất cứ lý do nào thì việc coi nhẹ vai trò và vị trí, dẫn tới hậu quả thủ tiêu bộ môn Lịch Sử ở trường phổ thông.” Một cuộc thăm dò cho biết hơn 80% học sinh chống lại ý kiến bãi bỏ môn lịch sử như một môn học riêng.

Lời báo động của vị chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam nói đến tương lai khi môn học lịch sử có thể bị xóa bỏ. Nhưng thật ra trước khi chính quyền Cộng Sản đưa ra chương trình cải tổ này thì môn học Lịch Sử đã bị họ bỏ rơi, bỏ rớt, bỏ xó từ lâu rồi! Một bằng cớ là hiểu biết của các em học sinh về lịch sử Việt Nam rất kém. Năm ngoái, cả nước đã bàn tán về tình trạng “dốt lịch sử” được biểu lộ trong một cuộc thi đố trên màn ảnh truyền hình trên đài VTV.

Chương trình tivi này phỏng vấn bảy em học sinh, đặt một câu hỏi về vua Quang Trung, tức Nguyễn Huệ, vị anh hùng áo vải đại thắng quân Thanh năm 1789. Trước mặt các khán giả tham dự để cổ võ, tất cả bảy em học sinh trên không em nào trả lời đúng và đầy đủ. Có em nói Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai bố con, có em đoán đó là hai anh em, nhưng sau đó em này còn muốn tỏ ra mình biết nhiều, nói thêm rằng, “Ông Quang Trung chính là ông Nguyễn Du.”

Chúng ta không nên căn cứ vào một chương trình giải trí trên tivi mà phán đoán trình độ hiểu biết về lịch sử của học sinh Việt Nam. Nhưng có thể đoán rằng những em được chọn đưa lên đài truyền hình dự thí chắc đã được coi là khá về môn này, ít nhất theo thẩm định của cha mẹ và thầy, cô giáo các em - trừ khi nhân viên đài truyền hình đã chọn các em dự thi theo tiêu chuẩn ai trả nhiều tiền nhất thì được... lên đài! Nếu phụ huynh và giáo sư nghĩ rằng các em này học giỏi môn sử nên đồng ý cho đi thi, mà trình độ các em dốt như vậy, thì chính những “người lớn” này cũng hoàn toàn không biết gì về lịch sử! Tức là có hai thế hệ dốt sử chứ không phải chỉ có một lớp trẻ! Thật đáng buồn!

Bây giờ, theo dự thảo chương trình tổng thể của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo, môn Lịch Sử riêng biệt không còn tồn tại trong hệ thống các môn học bắt buộc nữa. Không biết trình độ hiểu biết về lịch sử của các thế hệ sau sẽ xuống đến mức nào?

Một lý do khiến trẻ em dốt lịch sử là từ lâu nay học sinh đã chán học môn sử. Một năm gần đây khi nghe tin kỳ thi sắp tới không phải thi môn lịch sử nữa cả đám học sinh đã reo hò sung sướng đem vứt các cuốn sách giáo khoa từ trên lầu xuống sân trường, náo động, vui tươi như một ngày hội. Theo Giáo Sư Phan Huy Lê, lý do khiến học sinh chán là vì “...chương trình và sách giáo khoa nặng kiến thức, dày đặc sự kiện, kiểu dạy một chiều thiếu sinh động lại còn đòi hỏi thuộc lòng thì... Chán học sử đang là điều tất yếu.”

Giáo Sư Phạm Phụ nói rõ hơn về “kiểu dạy một chiều” này, “Ðáng lý ra môn Sử là môn cực kỳ hấp dẫn đối với học sinh, thế nhưng tại sao không đến mức say mê môn Sử mà thậm chí lại còn chán ghét ? Là vì cách dạy của ta, chương trình của ta, sách giáo khoa và cách truyền thụ của thầy giáo làm cho nó khô cứng. Trong một thời gian dài môn Sử bị xơ cứng, chính trị hóa thế này thế khác thì đâm ra nhàm chán.”

Môn học bị chính trị hóa thành xơ cứng như thế nào? Vẫn theo Giáo Sư Phạm Phụ thì phần lịch sử sau 1945 chiếm tỷ lệ rất lớn “trong đó nhiều phần lồng vào sử của đảng Cộng Sản Việt Nam, học trò học mãi những thứ đó nó nhàm chán thôi chứ có gì đâu... môn Sử không trình bày bằng những sự kiện mang màu sắc khoa học mà như là cái môn nhằm mục đích tuyên truyền vậy thì người ta nghe mãi người ta chán thôi.” Khi biết như vậy, chúng ta hiểu rằng cảnh các học sinh đua nhau ném các cuốn sách giáo khoa lịch sử xuống sân thì chính là các em đang vứt bỏ các tài liệu tuyên truyền của đảng Cộng Sản!

Chỉ sử dụng môn Lịch Sử như một phương tiện tuyên truyền cho nên chế độ Cộng Sản đã coi nhẹ các cuộc chiến đấu của tổ tiên chúng ta chống những cuộc xâm lăng của đế quốc Hán tộc. Giáo Sư Phạm Phụ nhận xét: “Lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc cũng có chứ không phải không nhưng tổng số rất ít.”

Giảm bớt không cho dạy phần lịch sử ngàn năm Bắc thuộc chính là một chủ trương của đảng Cộng Sản, từ năm 1950 cho tới bây giờ. Với đường lối ngoại giao coi Trung Cộng “vừa là đồng chí, vừa là anh em;” với sự có mặt của các “cố vấn Trung Quốc vĩ đại” kèm bên các chiến dịch cải cách xóa bỏ nền nếp xã hội Việt Nam cổ truyền, chế độ Cộng Sản Việt Nam tất nhiên phải tìm cách che lấp các tội ác bành trướng của các triều đại Hán, Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đối với nước ta.

Khi còn học bậc tiểu học và trung học, ở Hà Nội trước năm 1954 và tại Sài Gòn sau đó, bản thân tôi đã thấy môn học lịch sử đã đào luyện tấm lòng yêu nước; càng học càng say sưa về truyền thống bất khuất của dân tộc. Trước năm 1975, tôi làm nghề dạy học, tuy phụ trách môn Quốc Văn nhưng nhiều lần phải dạy môn lịch sử cho bậc trung học, khi nhà trường không đủ giáo sư chuyên về sử. Kinh nghiệm cho tôi thấy các học sinh rất thích những bài lịch sử về công cuộc chống xâm lăng phương Bắc. Có lúc dạy tới đoạn Lê Lợi kháng Minh, tôi khuyến khích các em học sinh đọc bài Bình Ngô Ðại Cáo, bản dịch của Bùi Kỷ in trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Rất nhiều em đã học thuộc lòng cả bài văn dài với rất nhiều chữ Hán mà không thấy chán. Sau đó 50, 60 năm, nhiều em gặp lại vẫn còn cảm ơn thầy giáo đã cho mình cơ hội thưởng thức một áng văn trác tuyệt, hào hùng đó. Trong hai ngàn năm qua, lòng yêu nước của người dân Việt Nam đã được đào luyện qua lịch sử kháng cự các cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Bất cứ người Việt nào học lịch sử cũng trào lên một tấm lòng yêu nước khi biết đến những Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Phùng Hưng, cho tới Trần Bình Trọng, Quang Trung!

Cho nên, việc hạ thấp vai trò của môn học lịch sử trong cấp trung học phổ thông là một dụng ý chính trị của đảng Cộng Sản, theo Nghị Quyết 29 NQ/TW của Hội Nghị Trung Ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo. Bản dự thảo chương trình bậc Trung Học Phổ Thông của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo ở Hà Nội được đưa ra trong lúc phong trào chống Trung Cộng xâm lược đang cuồn cuộn sôi lên trên cả nước Việt Nam. Hạ thấp giá trị của môn Lịch Sử là một cách khiến cho các thế hệ sau này không thấy cần học sử nữa. Không học lịch sử dân tộc thì cũng lòng yêu nước cũng mờ nhạt. Ðó là một chủ trương trong chính sách giáo dục của đảng Cộng Sản Việt Nam. Như Giáo Sư Văn Như Cương nêu ra, “Ví dụ trong sách giáo khoa lịch sử không nói đến Biển Ðông, không nói đến Gạc Ma, không nói đến Tàu không nói đến Hoàng Sa, Trường Sa của ta bị chiếm đóng thì cũng không tôn trọng lịch sử.”

Tất nhiên, sách giáo khoa môn Sử của Việt Cộng thì không thể nào nhắc đến các tội xâm lược của Trung Cộng. Bởi vì nếu không có Trung Cộng bao bọc thì Việt Cộng cũng không tồn tại từ năm 1950 đến giờ! Không những lờ đi không nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Gạc Ma, Biển Ðông, mà Việt Cộng còn muốn tránh không nói đến cả Hà Hồi, Ngọc Hồi, Chi Lăng, Chương Dương, Hàm Tử nữa! Như Giáo Sư Hà Sĩ Phu đã từng nhận xét, Việt Cộng theo Trung Cộng đem ảo tưởng về chủ nghĩa Cộng Sản vào nước ta gây nên hậu quả là “Ảo tưởng Cộng Sản đã nhốt chung con sói và bày hươu vào chung một chuồng, cái chuồng sơn son rất đẹp có tên ‘đại gia đình Xã hội chủ nghĩa, bốn phương vô sản đều là anh em!’” Ông Hà Sĩ Phu cho biết thời Lê Khả Khiêu đang làm tổng bí thư, có đoàn đại biểu Trung Quốc sang thăm, trao đổi về những vấn đề lý luận, và “Phía Trung Quốc nói Việt Nam cần sửa lại lịch sử của mình!” Công cuộc “tẩy não” đã kéo dài qua mấy thế hệ, từ thời Hồ Chí Minh đến Lê Khả Khiêu. Cho nên hậu quả tất nhiên là học sinh bây giờ dốt sử, không biết Quang Trung cũng là Nguyễn Huệ!

Bàn về dự thảo chương trình mới của Bộ Giáo Dục, Giáo Sư Phan Huy Lê lo lắng: “Lớp trẻ lớn lên trở thành công dân mà chỉ biết lờ mờ, thậm chí là biết sai về lịch sử dân tộc, không biết cội nguồn tổ tiên,... thì làm sao có thể viết tiếp trang sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?” Nhưng đảng Cộng Sản muốn bảo vệ tổ quốc hay chỉ lo bảo vệ chế độ để họ tiếp tục nắm quyền và tham nhũng?

Gần đây ông Phùng Quang Thanh tỏ ra hoảng hốt khi thấy nhiều người Việt Nam đang chống Trung Quốc! Dân Việt mà chống Trung Quốc thì ông Thanh rất lo lắng cho tiền đồ dân tộc! Chúng ta phải đặt câu hỏi: “Phùng Quang Thanh có được ai dạy lịch sử nước Việt Nam hay không?” Ông ta có biết Hai Bà Trưng là ai không? Hay ông ta được các cố vấn vĩ đại dạy bài học khác: “Ðồng chí Mã Viện qua Giao Chỉ tổ chức cải cách ruộng đất, vận động nhân dân đứng lên đấu tố bọn địa chủ ác ôn Thi Sách và chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị!”

Ngô Nhân Dụng
Theo Người việt
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment