Tin liên quan |
Khủng bố đã nhắm đánh vào sân vận động đang có 80,000 người xem trận đá bóng quốc tế được trực tiếp truyền hình rộng rãi. Những mục tiêu bị tấn công khác là một nhà hàng quen thuộc của dân Paris, và một tiệm ăn của người Đông Nam Á, những nơi thường có đông du khách. Cuối cùng, rạp hát Le Bataclan là nơi tập trung hàng ngàn khán giả xem buổi trình diễn của một ban nhạc Mỹ.
IS cũng là nhóm phiến quân khủng bố duy nhất cho đến nay, trong vòng chưa đầy hai tuần lễ đã gây ra ba vụ tấn công quy mô lớn: gài bom trên máy bay hàng không dân sự Nga ở Ai Cập làm thiệt mạng 224 người, hai vụ đánh bom tự sát gần như đồng thời trên một đường phố ở thủ đô Beirut của Lebanon khiến 41 người chết. Tổng cộng, nhóm khủng bố này đã sát hại 393 người vô tội mang các quốc tịch khác nhau như Lebanon, Ukraine, Nga, Pháp,…
Tất cả những thành tích ấy chứng tỏ các phần tử IS có trình độ thực hiện nhanh chóng và liên tục kế hoạch hành động của họ. Mật độ thực hiện những cuộc tấn công này vượt xa khả năng của bất cứ nhóm khủng bố nào khác trên thế giới, kể cả al-Qaeda. Theo các chuyên gia am hiểu về khủng bố, thông thường mỗi nhóm khủng bố có chiến lược chiến thuật tấn công riêng biệt mang bản sắc tàn bạo của chúng. Al-Qaeda dưới thời Osama bin Laden đặc biệt chú ý đến các máy bay chở khách, mà đỉnh điểm của sự tàn ác là cuộc tấn công 9/11 vào thường dân Mỹ.
Những cuộc tấn công ở Paris cho thấy phiến quân IS đã thuần thục tất cả các kỹ năng khủng bố mà các nhóm khác chưa từng đạt được, và đặt các cơ quan an ninh, tình báo trên khắp thế giới vào tình thế không kịp trở tay.
Tình báo phương Tây đã không đánh giá đúng về khả năng tấn công cũng như phương thức liên lạc tinh vi của IS. Do đó vụ khủng bố ở Paris có thể thay đổi đáng kể cách nhìn về nguy cơ các cuộc tấn công được hoạch định khôn khéo kỹ lưỡng gây thương vong lớn của nhóm khủng bố.
Ba tuần trước, điều trần tại Quốc Hội, ông Nick Ramussen, giám đốc trung tâm chống khủng bố NCTC (National Counterterrorism Center) thừa nhận rằng khả năng truyền tin liên lạc trong các nhóm khủng bố càng ngày càng "nằm ngoài tầm theo dõi" của tình báo Mỹ, và sự khó khăn trong việc lần theo dấu vết các âm mưu khủng bố "tăng lên theo thời gian." Theo ông, việc cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ các tài liệu mật về phương thức theo dõi của tình báo Mỹ đã tạo điều kiện cho khủng bố tìm ra biện pháp đối phó.
Nhiều tháng sau khi Snowden tiết lộ hàng nghìn tài liệu mật, một số nghi can khủng bố, trong đó có những kẻ bị tình nghi liên hệ với IS, đã trao đổi với nhau rằng "sẽ không sử dụng cách liên lạc này nữa." Các nghi can khủng bố cũng bắt đầu tránh các nhà cung cấp dịch vụ Internet Mỹ như Google và Yahoo, và chuyển sang sử dụng các mạng nước ngoài. Vấn đề trở nên phức tạp do sự phổ biến của các ứng dụng liên lạc qua mạng mới, chẳng hạn như dịch vụ liên lạc mã hóa Tor, các ứng dụng WhatsApp và iMessage, …
Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Bỉ, Jan Jambon, cho rằng những kẻ khủng bố có thể đã sử dụng máy chơi game PlayStation 4 để liên lạc với nhau, vì rất khó để giám sát nội dung trao đổi trên hệ máy này. Các phương thức liên hệ đơn giản như gửi tin nhắn hay voice-chat trên hệ máy này có độ bảo mật cao hơn nhiều so với điện thoại, tin nhắn SMS hay e-mails.
Để thực hiện loạt tấn công ở Paris, những kẻ khủng bố cần lập kế hoạch tỉ mỉ với sự hỗ trợ của một mạng lưới rộng lớn về vũ khí, chất nổ cũng như cách xác định các mục tiêu và các biện pháp chống theo dõi. Điều đó cho thấy tình báo phương Tây đã đánh giá sai về khả năng tấn công của IS, cũng như bất lực trước các biện pháp liên lạc tinh vi của những phần tử khủng bố.
Từ hơn một năm qua, giới thực thi pháp luật và tình báo phương Tây đã lo ngại về mối đe dọa của các chiến binh nước ngoài, gồm khoảng 100 người có hộ chiếu Mỹ và hàng ngàn người có hộ chiếu Châu Âu đến Syria và Iraq tham chiến trong IS rồi có thể hồi hương để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ở nước nhà. Tuy nhiên, họ cho rằng những phần tử ấy chỉ có thể tấn công bằng hình thức được gọi là "chó sói đơn độc," nghĩa là những vụ khủng bố bộc phát, đơn lẻ, không có tổ chức và ít gây hậu quả nghiêm trọng. Họ xem nhẹ việc IS có ý định và khả năng tiến hành các cuộc tấn công quy mô cực lớn như vụ 9/11 của al-Qaeda. Vụ khủng bố ở Paris ngày Thứ Sáu 13 vừa qua chứng minh ngược lại.
Mặt khác, theo William McCants, chuyên gia về Hồi Giáo và chủ nghĩa jihad thuộc Trung Tâm Chính Sách Trung Đông, khi IS tuyên bố nhận trách nhiệm vụ thảm sát ở Paris, chúng muốn chứng tỏ với thế giới về khả năng gây ra tội ác quy mô lớn, nhưng đồng thời đây cũng sẽ là hành động "tự đào mồ chôn mình." McCants cho rằng, vụ thảm sát ở Paris đã khiến dân chúng các nước phương Tây bị chấn động sâu sắc, và điều này có thể thúc đẩy họ ủng hộ một chiến dịch tấn công quy mô lớn vào IS ở Iraq và Syria, kể cả sử dụng bộ binh, phương án mà Hoa Kỳ và Âu Châu từ trước tới nay luôn né tránh vì những hậu quả bất lợi trên nhiều mặt dư luận.
Khi có được sự ủng hộ của dư luận để phát động cuộc chiến trên bộ, quân đội các nước phương Tây có thể dễ dàng tiêu diệt phiến quân IS ngay tại sào huyệt của chúng, điều mà các cuộc không kích trong một năm rưỡi qua không làm được. Tuy vậy chiến dịch này cần có sự chuẩn bị lâu dài, cần sự tính toán rất thận trọng, nhưng chắc chắn cuối cùng sẽ tiêu diệt được IS. Một tổ chức khủng bố trỗi dậy, dù là tổ chức jihad toàn cầu như IS, sớm hay muộn cũng không thể tồn tại khi phải đối đầu với một cường quốc, hay hơn nữa, một liên minh nhiều cường quốc.
Taliban ở Afghanistan, al-Qaeda ở bán đảo Á Rập, al-Qaeda ở Tây Phi, al-Shabaab ở Somalia đều thất bại không chỉ vì quá tàn bạo, mà vì thách thức quyền lực của một cường quốc nào đó. “Bây giờ đã chọc giận hai cường quốc Nga và Pháp, và đây có thể là bước đầu tiên trên con đường diệt vong của chúng," McCants nói.
Thông tấn xã Reuters.cho biết sau các vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris, Tổng Thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp chống khủng bố trong nước Pháp, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ và Nga tham gia một liên minh nhằm tiêu diệt phiến quân Nhà Nước Hồi giáo (IS).
Phản ứng trả đũa đầu tiên bằng các cuộc không kích vào sào huyệt Raqqa của IS thật ra chỉ có mục đích tâm lý và giá trị tuyên truyền. Hai bộ quốc phòng Pháp và Nga đều nói đã tiêu diệt được nhiều cơ sở quan trọng của IS. Tuy nhiên đáng đặt nghi vấn là nếu các cuộc oanh tạc đạt hiệu quả cao như vậy trong ba ngày thì tai sao phải đợi tới sau vụ khủng bố ở Paris mới thực hiện. Chiến dịch không quân của Nga, và nhất là của liên minh do Mỹ dẫn đầu, đã qua một thời gian dài chưa đem đến kết quả gì đáng kể. Đơn giản là máy bay không dễ dàng tìm thấy mục tiêu quan trọng và IS cũng biết những phương cách tránh né. Theo các nhân chứng ở Raqqa, những nơi bị máy bay Pháp và Nga tấn công hầu hết là những căn cứ quân sự IS đã bỏ và rút đi nơi khác.
Theo chuyên gia phân tích Emma Ashford thuộc Viện nghiên cứu tư nhân Cato Institute, trụ sở tại Washington D.C., những biện pháp chống phiến quân IS quyết liệt này là kết quả tự nhiên trước nỗi ám ảnh và sợ hãi của dư luận sau tội ác kinh hoàng mà phiến quân gây ra. Nhưng bà Ashford cảnh báo rằng nếu các chính trị gia không tỉnh táo, chiều theo ý muốn sôi sục trả thù của dư luận, họ rất dễ phạm phải sai lầm lịch sử khi chỉ dùng biện pháp quân sự để tiêu diệt tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.
Những bài học ở Iraq, Afghanistan và Libya cho thấy, việc giành chiến thắng bằng hành động quân sự trước đối thủ là rất dễ dàng, còn đảm bảo hòa bình lâu dài cho mảnh đất vừa chinh phục mới là điều gần như bất khả thi.
Khi bầu không khí sợ hãi và căm thù sau vụ 9/11 thúc đẩy Washington mở chiến dịch quân sự Afghanistan, và rồi nương đà phát động thêm sang Iraq, các nhà hoạch định chính sách Mỹ hầu như không hề chú trọng xem ai sẽ thay thế Saddam Hussein. Kết quả là sau chiến dịch quân sự chóng vánh lật đổ Hussein, Mỹ đã mở ra một kỷ nguyên bất ổn, rối loạn và bất bình đẳng trên chính trường Iraq, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và bành trướng của các nhóm khủng bố, trong đó có tiền thân của IS.
Tương tự, chiến dịch không kích dữ dội của NATO năm 2011ở Libya đã góp phần quan trọng lật đổ nhà độ tài Muammar Gaddafi. Sau khi ông này bị giết, Libya rơi vào hỗn loạn với các nhóm vũ trang tranh giành ảnh hưởng, đẩy đất nước Libya vào tình trạng vô chính phủ và bạo lực triền miên.
Bà Ashford cho rằng để thực sự loại trừ hiểm họa IS, Pháp và các quốc gia bao gồm Nga, Mỹ cùng các nước đồng minh không nên coi trọng chiến thắng quân sự mà nên cân nhắc sẽ hành động như thế nào sau khi tiêu diệt IS. Nếu không có các giải pháp ngoại giao và chính trị cho những mâu thuẫn dẫn đến sự bùng phát của IS, thì IS sẽ có thể được thay thế bởi một thứ không kém phần tệ hại.
Trong tình trạng vô cùng phức tạp của vùng Trung Đông, bất cứ một kế hoạch nào cũng đều rất khó đi tới kết quả vững bền. Ở đây có sự hiện hữu của chính quyền Bashar al-Assad, có hàng trăm phe nhóm đối lập khác nhau hòa hợp hay chống đối nhau từng giai đoạn. Loại bỏ Assad chưa có nghĩa là lấp đầy được khoảng trống quyền lực sau chiến dịch quân sự, và hòa bình ổn định vẫn rất xa vời.
Không phải như giới bảo thủ và diều hâu ở Mỹ vẫn chỉ trích, Tổng Thống Obama và chính quyền ông có chủ trương hữu lý khi chưa bao giờ muốn dính dáng nhiều vào vấn đề Syria vì gần như không thể nào giải quyết được những rắc rối pha trộn nhiều yếu tố từ sắc tộc, chính trị, kinh tế đến xã hội, tôn giáo ở vùng Trung Đông. Ngoại giao có lẽ là giải pháp duy nhất nhưng chắc chắn cũng chỉ có hiệu quả giới hạn về không gian cũng như thời gian.
Còn tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giao IS không phải tự nhiên mà có. Nó là sản phẩm của những mâu thuẫn chính trị, sắc tộc, lợi ích kinh tế, ảnh hưởng quyền lực tại Trung Đông. IS phát sinh từ chiến tranh Iraq, được hà hơi tiếp sức bởi cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria và sự bành trướng một phần là do cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc khu vực, là Iran, Saudi Arabia cùng một số quốc gia Vùng Vịnh khác. Nhưng dẫu bằng cách nào và bao lâu mới thanh toán được IS từ gốc rễ, trước mắt tất cả các cường quốc có trách nhiệm phải ngăn chặn bằng mọi biện pháp những hành động khủng bố từ nhỏ cho đến lớn ở mọi nơi trên thế giới. IS phải lượng định đúng số phận của mình là như vậy. (HC)
Hà Tường Cát
Theo Người việt
0 Comments:
Post a Comment