Ngư dân không phải là chiến sĩ giữ biển đảo...

Không biết từ bao giờ kể từ lúc biển Đông dậy sóng, những ngư dân Việt Nam, những người đánh cá đa phần nghèo khổ lại được đẩy lên tuyến đầu trong việc bám giữ biển đảo, chống quân xâm lấn.


Các tin khác »
» Xem tiếp
Cái tên nghe rất kêu nhưng cái họa thì cũng khôn lường. Vì ngoài những thiên tai bất trắc của nghề nghiệp thì giờ đây ngư dân Việt Nam lại thêm cái nguy hiểm của phần địch họa.

Đưa những người đánh cá VN, những ngư dân hiền lành suốt ngày bán mặt cho biển, bán lưng cho trời lên làm chiến sĩ xung kích giữ biển đảo, biến họ thành những người lính bất đắc dĩ, thành những cái bia đỡ đạn, cũng như khiến cho kẻ thù cũng coi ngư dân VN hiền lành ấy thành kẻ thù tiềm năng, và sẽ là kẻ cần tiêu diệt khi hữu sự.

Giờ đây những ngư dân Việt Nam không những không được bảo vệ như mọi ngư dân khác trên thế giới, mà ngược lại họ còn làm những chiến sĩ bất đắc dĩ, phải xông pha vào những vùng biển đầy nguy hiểm chết người để mưu sinh. Những vùng biển giờ đây không chỉ có nhiều kẻ thù mà còn có cả kẻ thù thâm hiểm, độc ác, sẵn sàng làm mọi việc để thủ lợi. Đưa những ngư dân lên tuyến đầu, thì cũng giống như đưa người dân tay không đối đầu với kẻ thù đầy vũ khí giết người.

Là những công dân của một quốc gia có chủ quyền, có sức mạnh chính trị, quân sự, ngoại giao cùng với sự hợp pháp khi mưu sinh trên những vùng biển đảo của tổ tiên, đáng lẽ những ngư dân của chúng ta có quyền đòi hỏi một môi trường làm việc thân thiện, an toàn, chứ không phải là một môi trường hiểm nguy như hiện nay. Hết tàu cá này đến tàu cá khác của ngư dân bị “tàu lạ” tấn công, hủy hoại, rồi bây giờ chính ngư dân bị giết chết tàn bạo bởi “người lạ” khác, khiến môi trường làm việc của họ, vốn bình yên, giờ đây ngập trong nỗi lo sợ chết chóc. Các chuyến đi biển của họ trở thành những chuyến đi sóng gió, định mệnh.

Ngư dân, cũng như mọi người dân Việt Nam bình thường khác, họ cần cù chăm chỉ mưu sinh để nuôi sống gia đình, và chỉ mong bình an để làm công việc đó. Họ không phải là lính giữ biển đảo, không được tổ chức, đào tạo hay trang bị để làm việc của những người lính đó, và dĩ nhiên họ chấp nhận hy sinh như những người lính được.

Trong khi đó những lực lượng quân đội, hải quân, CSB.v.v… trang bị vũ khí đầy đủ thì lại không thấy đâu mỗi khi sóng gió. Đó là những lực lượng được trang bị, được đào tạo và được trả lương để đối đầu với sóng gió chứ không phải là những ngư dân. Và trong các vụ việc gần đây thì những lực lượng chuyên để đối đầu với sóng gió này thì dường như đang bình yên, đang ở vùng không có sóng gió, còn ngư dân vô tội mới là kẻ giơ đầu chịu trước sóng gió.

Chính quyền thay vì phải đứng đầu đối phó với mọi sóng gió hiểm nguy trước ngư dân, thì nay lại đứng sau ngư dân. Chính quyền thay vì phải làm cho vùng biển đảo quê hương bình yên, tảo thanh mọi điều có thể làm nguy hại đến môi trường làm việc của ngư dân thì lại không làm, hoặc không lên tiếng mạnh mẽ khi tàu bè của họ bị đâm thủng đâm chìm. Và giờ đây, tính mạng của họ đã bị tước đoạt tàn bạo, ngư dân bị uy hiếp, không truy tìm thủ phạm, không làm hết trách nhiệm của một chính quyền vì dân, do dân và của dân, thì cũng đừng đẩy ngư dân lên tuyến đầu sóng gió. Đừng đưa họ vào thế nguy hiểm của một người lính, và có thể hy sinh như một người lính.

Vì ngư dân không phải là người lính…

Mai Tú Ân
Tác giả gửi tới VA News từ Sài Gòn, Việt Nam
Mai Tú Ân

Nhà văn Mai Tú Ân, tác giả của tập truyện ngắn : Chuyện Tình Trong Hang Én, và một số truyện ngắn khác, hiện đang sống tại Sài Gòn, Việt Nam.
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment