‘Bình phong’ còn bao nhiêu lớp?

Cựu tướng Công An, Phan Văn Vĩnh, hình chụp năm 2016. (REUTERS)

Cuối cùng, cuộc họp do Ủy ban Tư pháp - Quốc hội Việt Nam tổ chức hôm 4 tháng 9 để thẩm tra Báo cáo hoạt động của hệ thống tư pháp (Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an) Việt Nam cũng chẳng đến đâu.

Dẫu thay mặt toàn dân giám sát – góp ý cho hoạt động của hệ thống tư pháp, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ông Nguyễn Văn Chiến – Đại biểu của thành phố Hà Nội tại Quốc hội, ông Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội,… chỉ có thể nêu ra những thắc mắc của toàn dân:

- Tại sao những Vũ “Nhôm”, “Út Trọc” có thể lũng đoạn hệ thống công quyền trong một thời gian dài, ai cũng thấy, cũng biết nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nói chung và hệ thống tư pháp nói riêng đều giả mù, giả điếc, giả câm?

- Những ai trong giới lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng Vũ “Nhôm”, “Út Trọc” làm sĩ quan an ninh, sĩ quan quân đội? Thăng hàm - bổ nhiệm vốn là một qui trình chặt chẽ, phải tuân thủ các qui định của luật pháp, những cá nhân nào đã sổ toẹt mọi thứ để Vũ “Nhôm”, “Út Trọc” trở thành “Thượng tá” của lực lượng vũ trang nhân dân?

- Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền kiểm tra, giám sát thế nào mà công an, quân đội có thể dùng an ninh, quốc phòng làm “bình phong”, che chắn cho Vũ “Nhôm”, “Út Trọc” trục lợi? (1)

Trong nhiều thập niên, dân chúng Việt Nam chỉ nghe rỉ tai về “bình phong” như một loại “nghiệp vụ đặc biệt” mà công an, quân đội sử dụng để tạo ra các loại vỏ phục vụ việc thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cho nỗ lực bảo vệ an ninh, quốc phòng. “Bình phong” chỉ bị xô sang một bên, phơi bày bản chất (vừa tạo điều kiện, vừa che chắn cho một số cá nhân, một số nhóm thâu tóm, chiếm đoạt công thự, công thổ, biến công sản thành tài sản cá nhân) khi Vũ “Nhôm”, “Út Trọc” bị… lộ.

“Bình phong” tiếp tục làm người ta choáng váng khi Viện Kiểm sát tỉnh Phú Thọ công bố cáo trạng vụ án “Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hóa ra Trung tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Cảnh sát Chống tội phạm công nghệ cao (C50) cũng đã sử dụng “bình phong” để tạo điều kiện cho Công ty Đầu tư - Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) tổ chức đánh bạc. “Bình phong” là yếu tố để Bộ Công an Việt Nam nhận 20% trong cơ cấu vốn của CNC dù không góp đồng nào. “Bình phong” giúp Bộ Công an mở đường và đòi các cơ quan hữu trách khác như Bộ Thông tin – Truyền thông đứng ngoài để CNC tổ chức đánh bạc trên Internet nhằm xây dựng “hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”.

Chỉ cáo buộc ông Vĩnh, ông Hóa phạm tội mà bỏ qua vai trò và trách nhiệm của giới lãnh đạo Bộ Công an trong vụ án “Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là vô lý.

Cáo trạng ghi nhận, song song với việc thu được hàng ngàn tỉ đồng từ việc tổ chức đánh bạc trên Internet, CNC có chuyển cho C50… 700 triệu đồng và một bộ… phần mềm diệt virus. Cáo trạng cũng ghi nhận, cả ông Vĩnh và ông Hóa đã báo cáo về CNC như một “doanh nghiệp bình phong” trong hoạt động chống tội phạm công nghệ cao cho Bộ trưởng Công an. Liệu yếu tố “khi phát hiện CNC vận hành game đánh bạc trá hình, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo song ông Vĩnh… không chấp hành” (2) đủ để loại trừ toàn bộ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Công an và đủ để công an, quân đội tiếp tục bảo vệ “bình phong” như một thứ nghiệp vụ đặc biệt tới mức muốn gì được đó, không ai có quyền kiểm tra, giám sát?

***

Ở cuộc họp do Ủy ban Tư pháp - Quốc hội Việt Nam tổ chức hôm 4 tháng 9 để thẩm tra Báo cáo hoạt động của hệ thống tư pháp (Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an) Việt Nam, khi báo cáo về tham nhũng và chống tham nhũng, ông Lê Quý Vương – Thượng tướng, Thứ trưởng Công an, lớn tiếng cảnh báo rằng: Các đối tượng đang lợi dụng triệt để những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để thầu cho các dự án, thâu tóm công thổ, cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng… Ông Vương còn nhấn mạnh: Tội phạm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng diễn biến phức tạp, trong đó một số lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tội phạm là ngân hàng, chứng khoán, quản lý đất đai, thuế, hải quan (3)…

Tuy nhiên ông Vương không nói gì đến “bình phong”, tới nguy cơ công an, quân đội cũng là những lĩnh vực đáng ngại về khả năng xảy ra nhiều vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, cho dù dư âm vụ Vũ “nhôm”, vụ “Út Trọc” chưa hết tiếng ngân và nhiệt độ vụ CNC chưa giảm.

Trong vụ CNC, tuy Viện Kiểm sát tỉnh Phú Thọ khẳng định có đủ bằng chứng chứng tỏ ông Vĩnh đã nhận của Nguyễn Văn Dương – Giám đốc CNC chiếc đồng hồ Rolex trị giá 1,1 tỉ đồng để giúp CNC tổ chức đánh bạc nhưng ông Vĩnh không bị truy tố tội “nhận hối lộ”. Ông Vĩnh không bị quy kết “nhận hối lộ” thoát án tử hình nên Dương gặp may, tránh được án tử hình lơ lửng trên đầu vì “đưa hối lộ”. Nếu Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Văn Vĩnh bị phạt tới mười năm tù vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” thì đó là “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”?

Tương tự, có thể xem việc những ông tướng công an, quân đội liên quan tới Vũ “Nhôm”, “Út Trọc” chỉ bị xử lý hành chính và bị Đảng CSVN kỷ luật là “nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”?

Chỉ mới có vài tấm “bình phong” che cho Vũ “Nhôm”, “Út Trọc”, Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam (Vụ CNC) bị xô sang một bên. Trông vào đó mà bảo “bình phong” đã hết thời là… lạc quan tếu! Còn rất nhiều tấm “bình phong” khác đang che cho các ông tướng công an, quân đội không phải trả gía. Khi công an nhân dân còn tụng niệm “Còn Đảng, còn mình”, quân đội còn khẳng định “bảo vệ Đảng” thì duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyết đối của Đảng CSVN vẫn còn là tấm “bình phong” lớn nhất, kiên cố nhất, đủ khả năng che chắn mọi thứ. Công lý nếu có lấp lánh cũng không phải là đồ thiệt!

Trân Văn
Blog VOA
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment