Sách giáo khoa đầy lỗi: Độc dược cho tuổi thơ

Với nhiệm vụ cung cấp những kiến thức cơ bản về tự nhiên và xã hội, sách giáo khoa có một vai trò rất quan trọng trong quá trình học tập của học sinh. Thế nhưng, trong hiện trạng giáo dục hiện nay, những cuốn sách giáo khoa “đầy lỗi từ bậc tiểu học đến trung học” thực sự đã và đang là nỗi bất an trong lòng các bậc phụ huynh và những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Sách giáo khoa đầy lỗi: Độc dược cho tuổi thơ

Trong những cuốn sách giáo khoa bậc tiểu học, người đọc có thể bắt gặp rất nhiều lỗi sai ở cách viết thường, viết hoa. Sách viết cho học sinh lớp 1 phải rất trong sáng, dễ hiểu để phù hợp với lứa tuổi này nhưng các tác giả lại dùng nhiều từ khó hiểu, đánh đố các bé. Phụ huynh cũng lo ngại trước bộ sách Tiếng Việt lớp 1, bộ sách được cho là dạy trẻ nhiều thói hư tật xấu, “không đúng thuần phong mỹ tục, bài đọc thì xỉa xói nhiều hơn là giáo dục”.

Và điều tệ hại hơn hết là thay vì giúp nâng cao nhân cách, đạo đức thì sách giáo khoa không chỉ chứa nội dung nhảm nhí mà cả sự rùng rợn. Để dạy bọn trẻ kiến thức về kỹ năng sống, về sự nhanh nhẹn trong ứng xử giao tiếp, sách đưa ra những tình huống đầy chết chóc, đượm mùi sát khí như “chặt đầu”, “xử bắn” để trẻ xử lý. Để giúp cho trẻ tư duy, sách hướng dẫn trẻ xử lý những vụ án giết người rùng rợn và cách phi tang. Để giúp các em tập làm quen với những bài Toán, sách giúp trẻ xem việc hủy hoại thân thể đơn giản như làm một phép tính cộng trừ….

Môn Lịch Sử luôn được tôn trọng bởi tính trung trực của nó. Thế nhưng SGK môn Lịch sử 6 có dung lượng rất mỏng (chỉ 84 trang), song “sạn” cần phải nhặt thì lại khá nhiều. Không phải chỉ một lần các chuyên gia lịch sử, thậm chí cả Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã lên tiếng về những sai sót này. Tuy nhiên, đến lần tái bản thứ 11 năm 2013, những “hạt sạn” nêu trên vẫn giữ nguyên.

Gần đây nhất, mặc dù gặp phải nhiều ý kiến phản đối của dư luận xã hội nhưng công trình “Cải tiến chữ quốc ngữ” của PGS Bùi Hiền vẫn được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) chính thức cấp bản quyền. “Tiếng Việt còn, nước Việt còn”. Vậy khi nào “chữ quốc ngữ cải tiến” này được áp dụng trong chương trình học thì việc “giữ tiếng Việt như ngày nào, hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau” sẽ chỉ còn là trong kỷ niệm của một dân tộc đã mất gốc.

Bi-ê-lin-xki, nhà phê bình văn học Nga hàng đầu của phong trào Âu hóa thể kỉ 19 đã nói: “Đọc một cuốn sách xấu thì thà không đọc còn đỡ tệ hại hơn”, cho thấy tác hại khôn lường của việc đọc và nhất là học một cuốn sách không có sự chuẩn mực và chính xác. Vậy thì cộng đồng xã hội nói chung và phụ huynh đang có con em đi học nói riêng đã và đang làm gì để giúp con em mình không phải uống thuốc độc vào trong tâm hồn, trong kiến thức ?

Tưởng cũng nên nhắc lại vào năm 2016, khi chính sách giáo dục mới của Philippines tăng gánh nặng kinh tế và nguy cơ bỏ học trong tầng lớp dân nghèo. Lập tức, nó vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân. Họ đã cùng đám đông học sinh đứng trước cổng trường Trung học Quốc gia Batasan Hills, ném sách giáo khoa và la hét để phản đối chính sách giáo dục phổ thông 12 năm (K-12) .

Trong một diễn biến mới đây vào hôm 2-8 vừa qua, gần một ngàn người gương cao biểu ngữ khắp đường phố và đã tụ tập bên ngoài Bộ giáo dục Đài Loan, yêu cầu Bộ trưởng Bộ giáo dục Đài Loan từ chức và xé bỏ các quyển sách giáo khoa được in theo bản mới với chương trình học “lấy Trung Quốc làm trung tâm”. Sự phẩn nộ về sách giáo khoa mới tại Đài Loan liên quan đến cụm từ “Trung Quốc giành lại Đài Loan” thay vì “Đài Loan được giao cho Trung Quốc” sau khi kết thúc sự chiếm đóng của Nhật vào năm 1945. Sự sai lệch về ý nghĩa lịch sử, không thể hiện được quan điểm chính trị của người dân trong sách giáo khoa là nguyên nhân của cuộc biểu tình của người dân Đài Loan. Và họ đã phản đối bằng một hành động rất cụ thể: Sách sai thì đốt sách.

Trong khi tại Việt Nam, “hàng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc …” thì học sinh lại phải cắm mặt vào những trang sách giáo khoa mắc lỗi nhiều như “lá rụng ngoài đường” và sai phạm thì “bàng bạc” như mây giăng trong từng nội dung giảng dạy. Thế nhưng, ngoài những phản ứng mang tính tự phát như viết những chia sẻ những tâm trạng bất bình hay chế giễu trên các trang mạng xã hội, cuối cùng người dân cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng, đưa con đến trường với nỗi bất an triền miên…

Giải pháp nào cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay? Chờ đợi những cuộc cải cách như những mảnh vải vụn chắp vá vào chiếc áo đã mục ruỗng? Hy vọng vào sự thức tỉnh trong ý thức, trong lương tâm của những người có trách nhiệm? Thực tế cho thấy câu trả lời là không thể. Vậy thì, chính người dân chứ không ai khác là người sẽ trả lại sự trong sáng của những trang sách, sẽ đưa giáo dục về đúng vai trò chức năng cao quý vốn có của nó. Thế nhưng, một thực tế không thể phủ nhận là tại Việt Nam người dân không dễ dàng gì để thực hiện những hành động phản đối chính sách giáo dục khi chúng có bất cập như ở Đài Loan hay Philippines. Họ sẽ bị quy chụp ngay là “làm chính trị”, là “ quấy rối”, bị “kích động”, bị bắt bớ và cầm tù.

Tuy nhiên, nếu ai cũng muốn tránh vạ vào thân và hơn thế nữa đó không phải là trách nhiệm của mình thì sau này mỗi một người trong chúng ta sẽ phải muối mặt khi phải trả lời của con cháu là: “Ngày ấy, ông (bà) cha (mẹ) đã làm gì khi chứng kiến chúng con nạp những kiến thức què quặt, gậm nhấm thuốc độc thay vì dưỡng chất cho tâm hồn trong suốt quãng thời gian cắp sách đến trường? Tại sao thấy chúng con chết mà không cứu?”

Vận mệnh của giáo dục cũng là vận mệnh của đất nước. Và cũng đừng quên rằng chính mỗi bậc phụ huynh chứ không ai khác sẽ là người trực tiếp nhận lấy những hành vi, thái độ, tình cảm từ những sản phẩm lỗi của nền giáo dục mục ruỗng này.


Điền Phương Thảo
TMCNN
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment