Ông đã ở trong tù đến năm thứ 9 của bản án 16 năm vì bị vu cho tội “hoạt động lật đổ” chế độ độc tài và cực kỳ tham nhũng tại Hà Nội, cùng một vụ với các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung. Cả ba người này đã ra khỏi tù với các bản án nhẹ hơn nhiều và lại còn được thả sớm trước thời hạn dưới các áp lực của các chính phủ tây phương.
Ông bắt đầu tuyệt thực từ ngày 13 Tháng Tám, 2018 phản đối chế độ Hà Nội áp lực ông ký giấy “nhận tội” để được “đặc xá.” Nhà cầm quyền CSVN muốn trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức bằng cách “đặc xá” như một thứ “ân huệ” vì họ không muốn áp dụng một quy định luật pháp mới có lợi cho mọi tù nhân nhân quyền. Đó là Khoản 3, Điều 109 và Điều 14 của Bộ Luật Hình Sự 2015 về hành vi “chuẩn bị phạm tội” liên quan đến cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” mà bản án chỉ từ 1 năm đến 5 năm.
Theo Luật Sư Lê Công Định, nếu áp dụng điều khoản luật mới nói trên, nhà cầm quyền buộc phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện những người đã bị bắt giam về tội danh lật đổ chính quyền theo Điều 79 của Bộ Luật Hình Sự cũ. Đó là điều họ không muốn. Luật Sư Ngô Ngọc Trai, đại diện gia đình ông Thức, đã viết nhiều đơn yêu cầu trả tự do cho ông căn cứ theo luật hình sự 2015 nhưng chế độ Hà Nội vẫn nín lặng dù có xác nhận đã nhận được đơn của luật sư.
Từ ngày bắt đầu tuyệt thực, ông chỉ uống nước và nói gia đình mang tất cả thức ăn trong mấy lần thăm gặp về.
Ông Thức luôn lặp lại nhiều lần với vợ và em trai rằng: “Có đặc xá anh cũng không chấp nhận bởi vì đơn giản anh không có tội. Anh không bao giờ chấp nhận đặc xá, không bao giờ. Không chờ đợi hay xin xỏ gì hết. Ở hết án, rục xương cũng được, nhưng dứt khoát không cần đặc xá,” Luật Sư Lê Công Định kể lại.
Thông tin về cuộc tuyệt thực của ông Trần Huỳnh Duy Thức kéo dài gây xúc động cũng như phẫn nộ của mọi người khắp nơi. Nhiều người đã tuyệt thực theo ông để phản đối sự lươn lẹo của nhà cầm quyền CSVN. Ban hành luật nhưng áp dụng tùy tiện.
Hôm Thứ Bảy, 15 Tháng Chín, 2018 lo sợ cho tính mạng ông khi đã tuyệt thực 33 ngày, hai chị gái và con gái ông có mặt tại nhà tù số 6 huyện Thanh Chương để gặp ông. Hai bên chưa nói được gì thì ông bị lôi vào trong lúc ông chất vấn giám thị về không được trao đổi “tình hình bên ngoài.” Trong khi bị lôi đi, ông đã la lớn là bỏ ý định ngưng tuyệt thực sau khi gặp gia đình.
Ngày hôm sau, Chủ Nhật, 16 Tháng Chín, 2018, một chị gái và hai con gái của ông Thức tới trại Thanh Chương chuyển lời yêu cầu của mọi người bên ngoài yêu cầu ông ngưng tuyệt thực. Ông đã chấp nhận và đồng ý ăn trở lại.
Trên trang facebook cá nhân của Luật Sư Lê Công Định, hơn 300 người viết bình luận, bày tỏ cảm kích khi được tin ông ngưng tuyệt thực.
Một người tên Tran Vinh HL viết: “mặc dù hùng hổ, ‘cả vú lấp miệng em’ nhưng nhà cầm quyền độc tài toàn trị, từ lãnh đạo cao cấp nhất cho đến lũ… đánh thuê, giết thuê ở trại giam số 6 đang chứng tỏ chúng run sợ, đó là tín hiệu tốt cho Thức và cho cả những người mến mộ anh, cho nước VN yêu dấu của tất cả chúng ta.”
Một người tên Vo Thuong Doan Khuc viết: “TẠ ƠN CHÚA, ANH PHẢI SỐNG CHO NIỀM HY VỌNG CỦA DÂN VIỆT KHÔNG CHẾT!”
Một người khác tên Muoi Tran viết: “cầu xin cho anh Thức sức khỏe hồi phục, toàn thế giới đang hướng về anh.”
Cuối Tháng Sáu vừa qua, một phái đoàn gồm Liên Hiệp Âu Châu và sứ quán Đức đã đến thăm ông tại nhà tù số 6 ở Nghệ An. Dịp này ông từ chối lời đề nghị ra nước ngoài kiểu “tự nguyện lưu vong” như nhiều người tù nhân lương tâm khác. Tháng Bảy năm ngoái, ông cũng đã từ chối lời đề nghị sang Mỹ.
Trước khi bị bỏ tù ông Trần Huỳnh Duy Thức là một doanh nhân thành đạt, sáng lập công ty Dịch Vụ điện Thoại Internet One Connection thành lập ở Singapore khoảng năm 2002, nắm giữ giao thức gọi điện thoại qua Internet với mức phí rất rẻ được xem là tiền thân của các ứng dụng sau này như Viber, Skype, Facebook.
Vì những bài viết xuất hiện từ cuối năm 2008 trên hai Blog “Change We Need” và “Trần Ðông Chấn” do ông lập ra với nội dung phê phán chính sách và lãnh đạo CSVN, khoảng gần 50 bài viết, gây rất nhiều tiếng vang. Ít tháng sau, năm 2009, ông bị bắt với cáo buộc lúc đầu là “trộm cước viễn thông,” sau bị đổi tội danh thành “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Một số người từng cho rằng bản án của ông nặng khác thường chỉ vì ông đã dám viết đụng chạm đến nhà thờ họ nguy nga như biệt điện tại Rạch Giá của ông thủ tướng hồi đó là Nguyễn Tấn Dũng.
Người Việt
0 Comments:
Post a Comment