Nổi bật nhất trong một loạt hoạt động nhằm kỷ niệm 45 năm lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng “giải phóng miền Nam Việt Nam” (tháng 9/1973) là công viên “trăm tỷ” Fidel Castro với tượng đài lãnh tụ Cuba ở Quảng Trị, dự kiến khánh thành vào ngày 15/9.
Quan hệ “mẫu mực”
Tường thuật về buổi tiếp đón “thân mật” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Ủy viên Bộ Chính trị Salvado Valdés Mesa và đoàn đại biểu Cuba sang thăm Việt Nam, trang mạng của Ban Tuyên giáo nói ông Trọng nhấn mạnh rằng kỷ niệm 45 năm là dịp để “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam bày tỏ sự tri ân đối với lãnh tụ Fidel, với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em; đồng thời là dịp để hai nước cùng tôn vinh mối quan hệ anh em mẫu mực, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, đoàn kết thủy chung giữa Việt Nam-Cuba”.
Đối với một chế độ, biểu tượng nhiều khi rất quan trọng nên người ta phải bỏ công, bỏ sức ra để nuôi dưỡng những biểu tượng như vậy.
TS. Nguyễn Quang A
Nhận định về những lời tán dương cũng như các hoạt động tiếp đón long trọng mà các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam dành cho các đại diện Bộ Chính trị và nhà nước Cuba, nhà quan sát chính trị-thời sự Việt Nam, TS. Nguyễn Quang A, cho rằng điều này “không có gì lạ”, bởi Việt Nam vẫn cần phải “bám lấy những biểu tượng như thế để tô vẽ cho cái gọi là tính chính đáng của chế độ”.
“Đối với một chế độ, biểu tượng nhiều khi rất quan trọng nên người ta phải bỏ công, bỏ sức ra để nuôi dưỡng những biểu tượng như vậy”, TS. Nguyễn Quang A nói.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Việt Nam và Cuba, theo TS. Nguyễn Quang A, là “chẳng có gì mẫu mực và cũng không đáng để ai noi gương cả”. Ngoài những lời “tự tôn nhau lên”, TS. Nguyễn Quang A cho rằng chỉ cần nhìn vào quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước thì cũng thấy rõ thực chất mối quan hệ này.
Theo số liệu thống kê của Việt Nam cho hay kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Cuba năm 2016 chỉ đạt 249,8 triệu đôla, đến năm 2017 giảm xuống còn 224,3 triệu đôla, một con số rất nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại khoảng 400 tỷ đôla của Việt Nam.
Tuy vậy, Việt Nam và Cuba vẫn rất “tâm đầu ý hợp” về quan điểm duy trì vị trí cầm quyền độc tôn của đảng Cộng sản, bất chấp việc Cuba gần đây đề cập đến ý định từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản, một “ảo vọng đã bị nhân loại vứt vào sọt rác từ lâu”, theo lời TS. Nguyễn Quang A.
Công viên “trăm tỷ”
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Ủy viên Bộ Chính trị và đoàn đại biểu Cuba cũng được dẫn đi thăm nhiều di tích cách mạng như cầu Hiền Lương, lô cốt Đông Hà ở Quảng Trị và Bệnh viện Việt Nam-Cuba-Đồng Hới ở Quảng Bình…
Tuần trước, chính quyền tại tỉnh Quảng Trị chỉ thị phải gấp rút hoàn thành công viên Fidel Castro để kịp khánh thành vào ngày 15/9 nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày lãnh tụ Cuba đến thăm “vùng giải phóng” vào năm 1973.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) tiếp Ủy viên Bộ Chính trị Cuba Salvado Valdés Mesa tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN. |
Truyền thông Việt Nam cho hay công viên Fidel Castro rộng 16 ha được khởi công từ năm 2015, với mức đầu tư 115 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ lấy từ ngân sách trung ương, phần còn lại từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất dự án.
Giữa công viên có một bức tượng bán thân ông Fidel Castro cao 1,45 met và được khắc bên dưới câu nói của ông Castro “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết dự án này đã Ban Bí thư Trung ương đảng cho phép.
“Một điều rất mỉa mai là bản thân ông Fidel Castro trước khi chết đã để lại di chúc tại Cuba là cấm không được làm quảng trường, tượng đài gì cả. Thế nhưng ở Việt Nam thì người ta vẫn làm chuyện ấy, bất chấp ý nguyện của ông Fidel Castro, là bởi vì lợi ích riêng của đảng Cộng sản Việt Nam là cần phải nuôi dưỡng biểu tượng”, TS. Nguyễn Quang A nhận xét.
Chủ tịch Fidel Castro là lãnh đạo quốc tế duy nhất trong thời chiến tranh Việt Nam đã vượt vĩ tuyến 17, thăm “vùng giải phóng” ở Quảng Trị và gặp gỡ các đại diện của chính quyền miền Bắc Việt Nam.
Khánh An
VOA
0 Comments:
Post a Comment