Động thái Thanh tra Chính phủ công bố kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm và ngay lập tức được báo Thanh tra - ‘cơ quan ngôn luận’ của ngành thanh tra đăng tải toàn văn bản kết luận này, cùng lúc được báo chí nhà nước ồ ạt đưa tin bài, có ý nghĩa tương đương với hành động cũng Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’ vào đầu tháng Ba năm 2018 để mở màn cho chiến dịch khởi tố bắt giam một số quan chức liên quan ba tháng sau đó, dù cho đến nay hai cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vẫn được xem là ‘hạ cánh an toàn’ mà chưa phải tra tay vào còng.
Đã có một hố khác biệt lớn giữa bản kết luận kiểm tra trên của Thanh tra chính phủ với ‘kết luận kiểm tra’ cũng của cơ quan này về vụ Thủ Thiêm vào tháng Bảy năm 2018 nhưng chưa bao giờ được công bố.
Vào ngày 15 tháng Bảy năm 2018 - thời điểm được chính phủ Việt Nam hứa hẹn sẽ công bố chính thức bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm vốn đã kéo dài suốt hai chục năm trời của nước mắt, máu và cả nhiều cái chết uất nghẹn của dân oan nơi đây, không phải hệ thống báo đảng và báo nhà nước công bố bản kết luận này, mà nội dung kết luận kiểm tra khu đô thị mới Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ dài 17 trang lại được đăng tải trên… Facebook Lê Nguyễn Hương Trà.
Tình hình có vẻ không bớt đen tối hơn là bao. Kết luận trên vẫn ghi nhận “thành tích” của thành ủy và Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM trong việc giải tỏa 99% “đất sạch,” trong khi chỉ đề cập một cách hết sức sơ sài đến diện tích giải tỏa lố 160 hécta theo tố cáo của người dân Thủ Thiêm. Còn phần kiến nghị xử lý của bản kết luận này lại hoàn toàn không nêu ra, như thể cố tình tránh né, bất kỳ cái tên nào của giới quan chức “ăn đất,” đặc biệt là bí thư thành ủy thời đó là Lê Thanh Hải, bí thư quận 2 thời đó là Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua - phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố vào thời đó…
Trước đó khi sắp diễn ra kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, nước mắt dân oan và áp lực quá lớn của dư luận xã hội cùng cái lò lây lất khói của Tổng bí thư Trọng đã buộc đảng bộ và chính quyền TP.HCM không thể nhắm mắt làm ngơ. Thế nhưng, bản báo cáo của chính quyền TP.HCM cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm đã hoàn toàn ‘xù’ trách nhiệm. Bản báo cáo này đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền TP.HCM, mà chỉ thòng một câu ‘UBND TP đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ’.
Còn Thủ tướng chính phủ?
Cùng thời điểm Ủy ban nhân dân TP.HCM phát ra báo cáo trên, như thể ‘hiệp đồng tác chiến’, vào trung tuần tháng Năm năm 2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp chính phủ về vụ Thủ Thiêm. Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và quyết định ký vượt quyền của Phó chủ tịch chính quyền TP.HCM Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi ‘thay thế’ Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền TP.HCM, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.
Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức TP.HCM, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…
Sau đó, trong suốt kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, cả bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lẫn ông Phúc đã tuyệt đối ‘cấm khẩu’ về vụ Thủ Thiêm.
Thậm chí kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018 đã kết thúc với một kết luận bất ngờ và rất đáng nghi ngờ: ban lãnh đạo thường vụ quốc hội cho rằng ‘do nội dung không nằm trong chương trình nên đề nghị của một số đại biểu Quốc hội về việc giám sát tối cao năm 2019 về tình hình và kết quả thanh tra, điều tra, xử lý, xét xử các vụ vi phạm nghiêm trọng như: AVG, Thủ Thiêm, tập đoàn Mường Thanh, các dự án thua lỗ, đội vốn nhiều…. chưa được Quốc hội bổ sung vào chương trình giám sát năm 2019’.
Kết luận trên là hoàn toàn phản dội với một trong những kiến nghị khẩn thiết của dân oan thủ Thiêm và cử tri Sài Gòn thông qua đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM: Quốc hội Việt Nam và Hội đồng nhân dân TP.HCM phải giám sát thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cử tri đề nghị việc thực hiện Dự án phải đúng quy định pháp luật, phải công khai, minh bạch. Nếu chính quyền thấy sai thì cần đối thoại với dân, cùng giải quyết và sửa sai, xác định rõ trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp làm sai.
Từ hiện tượng ‘lột xác’, nhìn lại Ngô Văn Khánh
Vào lúc này, hiện tượng có vẻ lạ lùng là bản kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ như thể lột xác, trở thành bản kết luận kiểm tra chi tiết nhất trong toàn bộ lịch sử 15 năm ròng rã khiếu nại của hàng ngàn người dân Thủ Thiêm. Trong đó có những kết luận được xem là lần đầu tiên có vẻ hợp lòng dân:
- Kết luận rằng 4,3 ha đất ở của dân ngoài ranh quy hoạch nhưng lại bị quy hoạch. Tuy nhiên bản kết luận đã không nhắc tới khiếu nại của hơn 100 hộ còn lại, cũng không làm rõ việc xử lý khu 4,3 ha khi diện tích này đã nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng không để dân ở tại chỗ mà lại tái định cư;
- Quy hoạch chi tiết 1/2000 của chính quyền TP.HCM là không đúng thẩm quyền;
- Chính quyền TP.HCM và chính quyền Quận 2 thu hồi đất của dân khi chưa đủ cơ sở pháp lý;
- Chính quyền TP.HCM và chính quyền Quận 2 không lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng;
- Có đến 113,9 ha trong tổng số160 ha tái định cư chưa được chính quyền TP.HCM quy hoạch, bố trí tái định cư;
- Vụ Thủ Thiêm đã phá vỡ quy hoạch tổng thể;
- Kiến nghị xử lý sai phạm nhiều cơ quan, đơn vị như Công ty Đo đạc Địa chính – Công trình, Kiến trúc sư trưởng, Sở Địa chính, Ủy ban nhân dân Quận 2 và Ủy ban nhân dân TP.HCM…
Tuy không có một cái tên quan chức nào được nêu ra trong kết luận kiểm tra của Thanh tra chính phủ, nhưng bản kết luận này vẫn có thể được xem là ‘quyết liệt’ nhất từ trước đến nay, nếu đối chiếu với vụ ‘thanh tra’ Thủ Thiêm vào năm 2015 do Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh ‘cầm đầu’.
Vào thời gian đó, có những dấu hiệu khuất tất khiến nhiều người dân Thủ Thiêm nghi ngờ rằng đã có một sự móc ngoặc giữa đoàn thanh tra chính phủ của Ngô Văn Khánh với giới quan chức nhiều tiền lắm của ở Sài Gòn. Rốt cuộc, hàng núi hồ sơ khiếu kiện và tố cáo của dân oan Thủ Thiêm đã bị quẳng vào một xó xỉnh nào đó, nước mắt dân oan vẫn tiếp tục tuôn ra, máu của dân oan vẫn tiếp tục đổ, còn Ngô Văn Khánh trở về Hà Nội, để từ đó báo chí càng bất ngờ khi phát hiện những tài sản ngồn ngộn mới cứng của nhân vật này.
Cho tới nay, vẫn chẳng ai thấy mặt mũi kết luận thanh tra mà Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh đã thực hiện tại dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.
Trong số những quan chức liên quan và phải chịu trách nhiệm hình sự một khi vụ Thủ Thiêm được khởi tố điều tra, cựu phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh là một cái tên không thể bỏ qua. Cho dù vào thời gian đó Ngô Văn Khánh có cho công bố kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm chăng nữa, dư luận vẫn tin chắc rằng ông Khánh đã làm nhẹ đi rất nhiều các sai phạm ghê gớm của giới quan chức từ Sài Gòn đến các bộ ngành trung ương mà do đó bản kết luận này về thực chất là “ăn bẩn.”
Có trở thành đại án quốc gia?
Sau vô số tiếng khóc xé ruột của người dân Thủ Thiêm và cả những cái chết tự treo cổ vì phẫn uất tột cùng của người dân nơi đây, cuối cùng những nạn nhân của nạn cướp đất cũng có hy vọng được bồi thường tạm gọi là ‘thỏa đáng’ trong thời gian tới, lấy lại một phần công lý đã bị cướp đoạt bởi ‘Hai - Ba - Sáu’… (Hai Nhật - tức Lê Thanh Hải, Ba Đua - tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang - tức Tất Thành Cang).
Những nội dung kết luận vi phạm trên cũng là một cú đánh vỗ mặt dành cho Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân - quan chức mà trong thực tế chưa hề có bất cứ hành động nào giúp đỡ dân oan Thủ Thiêm ngoài những lời hứa có cánh và chỉ muốn ‘lùa’ người dân vào các khu tái định cư cho êm chuyện.
Trong vài tháng qua và cho đến tận gần đây, vẫn có một luồng dư luận có vẻ được tung ra từ nội bộ ‘đảng bộ TP.HCM’ cho rằng ‘vụ Thủ Thiêm êm rồi’ do ‘thế lực anh Hai vẫn còn mạnh lắm’.
Nhưng cái cách mà Thủ tướng Phúc chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm theo hướng ‘trảm’ chứ không phải thỏa hiệp đã vừa ghi một điểm chính trị có thể quan trọng cho ông Phúc trên cung đường chinh phục chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021, nếu quả thực ông Phúc muốn thế và sẽ còn có đại hội đó, cũng vừa khiến phần lớn giới chóp bu TP.HCM từ cựu chức đến đương chức từ ‘sụm bánh chè’ đến ‘tâm thần phân liệt’.
Liệu bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm đã được công bố, công khai toàn văn có phải là tín hiệu cho thấy sau một thời gian nữa, bản kết luận này sẽ được Thanh tra chính phủ chuyển cho cơ quan điều tra của Bộ Công an, để khi đó, Thủ Thiêm sẽ chính thức trở thành một đại án quốc gia với những cái ‘tội phạm ăn đất’ khủng khiếp chưa từng có trong triều đại cộng sản ở Việt Nam?
Giờ đây, nước mắt của dân oan Thủ Thiêm đã đổ ra quá nhiều, đã trở nên khô cạn và nhường chỗ cho cặp mắt cảnh giác cao độ trước những động thái của chính quyền. Người dân luôn sợ họ bị biến thành nạn nhân của một trò lừa gạt mới.
Bởi dù Thanh tra chính phủ đã công bố kết luận và đã thỏa mãn được một số nội dung chính, nhưng vẫn chẳng có gì đảm bảo là vụ việc sẽ không một lần nữa bị cho chìm xuồng nếu xảy đến một chiến dịch ‘đi đêm’ giữa các nhóm lợi ích mới và cũ, để sau đó một số nội dung về vi phạm và mức độ vi phạm trong kết luận thanh tra sẽ bị ‘hô biến’.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
0 Comments:
Post a Comment