"Được ăn cả ngã về không" hay "mất cả chì lẫn chài!"

Giờ đây không còn ai nghi ngờ quyết tâm của Trung Quốc trong việc chủ động đòi chủ quyền của mình trên một vùng lãnh thổ tranh chấp rộng lớn giàu tài nguyên thuộc biển Thái Bình Dương.

Bắc Kinh đang lao đi với một sức mạnh mới. Trong vài ngày qua, họ đã triển khai nhiều tàu đánh cá đến vùng tranh chấp, nhưng thắng lợi to lớn nhất của họ chính ra là tại phòng họp của các giới chức ngoại giao trong vùng.

Minh họa: John Shakespeare
Việc triển khai đội tàu là hành vi cố tình gây hấn. Bắc Kinh đã làm cho Philippines nổi giận khi họ cho 30 tàu đánh cá ra vùng biển tranh chấp ở Biển Đông vào tuần trước khi bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia trong vùng bắt đầu hội họp để bàn về khu vực tranh chấp này.

Cũng trong tuần trước, trong một biến cố khác, Trung Quốc đã chọc giận Nhật bản bằng cách ra lệnh cho 3 tàu hải giám ra vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật. Một lần nữa, Trung Quốc hành động như thế trong khi bộ trưởng ngoại giao của họ sắp sửa gặp người đồng vai của Nhật để bàn thảo về vấn đề tranh chấp này. Nhật Bản đã giận dữ triệu hồi đại sứ của họ về nước để phản đối.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Washington, nhiều tàu của các nước tranh chấp, thường là tàu dân sự nhưng đôi khi có cả tàu chiến, đã đối đầu với nhau trong 22 biến cố nghiêm trọng trong vùng Biển Đông trong 3 năm qua, mà phần lớn liên quan đến tàu Trung Quốc tranh chấp với tàu của Philippines hay Việt Nam.

Trong khi các phe tranh chấp đều có lỗi, thái độ gần đây của Trung Quốc cho thấy họ không có ý muốn hòa giải. Ngược lại, có vẻ như Trung Quốc đã sẵn sàng để đổ thêm dầu vào lửa.

Liệu đây có phải là sự hiểu lầm ý định muốn hòa bình của Trung Quốc? Câu trả lời được đưa ra khá rõ ràng tuần trước tại Diễn đàn Khu Vực của ASEAN, diễn ra hàng năm nhằm thảo luận những vấn đề chính trị và an ninh trong khu vực.

ASEAN là tổ chức của 10 nước trong vùng Đông Nam Á bao gồm Việt nam, Brunei, Miến Điện, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, tổ chức này nhấn mạnh họ sẽ trở thành cơ chế trung tâm để hòa giải những tranh chấp trong vùng.

Hoa Kỳ đã quyết định nhìn nhận ASEAN một cách nghiêm túc. Chính quyền Obama đã cố vấn cho các quốc gia ASEAN cùng đứng chung một khối để đương đầu với Trung quốc bằng cách vạch ra một quy tắc ứng xử trong việc đàm phán tranh chấp với Trung Quốc trong vùng Biển Đông.

Mục đích là để làm giảm căng thẳng. Khi đặt cả 10 nước ASEAN một bên và Trung quốc bên kia, các quốc gia ASEAN sẽ có thế lực hơn để cùng đối đầu với Trung Quốc.

Để cổ vũ cho họ, tuần qua, ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton tuyên bố: "Không một quốc gia nào có thể bình thản trước sự gia tăng căng thẳng cũng như ngôn từ có tính đối đầu và bất đồng về việc khai thác tài nguyên." Bà ấy nói điều quan trọng là những tranh chấp này phải được giải quyết "mà không dùng đến sự ép buộc, thị uy, hăm dọa và vũ lực".

Những nước khác trong vùng bao gồm Ấn độ, Úc và Hàn Quốc cũng ủng hộ ASEAN giải quyết tranh chấp trong vùng. Khối ASEAN nói chung và đặc biệt là quy tắc ứng xử là trọng tâm của đấu tranh ngoại giao chống lại sự gây hấn hung hãn của Trung quốc. Tuy nhiên Trung quốc lại có thủ đoạn khác.

Bắc Kinh đã chia rẽ khối ASEAN một cách ngoạn mục vào thứ Năm tuần rồi. Một cuộc gặp gỡ của các ngoại trưởng của khối ASEAN không những đã thất bại trong việc đồng ý về quy tắc ứng xử, mà còn thất bại trong việc đưa ra một thông cáo chung để ghi nhận những thảo luận của họ. Đây là thất bại đầu tiên về việc này trong 45 năm hiện hữu của tổ chức này.

Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng khá lớn của mình đối với quốc gia chủ nhà Campuchia để phủ quyết thông cáo chung của ASEAN. Bằng cách ngăn cản ban hành bản thông cáo chung, Trung Quốc đã kiểm duyệt bất cứ hồ sơ chính thức nào rằng tranh chấp Biển Đông thậm chí đã được thảo luận.

Bắc Kinh đã chọc thủng hàng rào phòng ngự ngoại giao của ASEAN nhằm chống lại thái độ hung hãn của họ như thể nó chỉ là một miếng bánh đa ướt.

Chủ tịch hội nghị, ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong nói với phóng viên truyền thông rằng ông ta loại bỏ thông cáo chung vì "Tôi nói với các đồng nghiệp rằng hội nghị ngoại trưởng khối ASEAN không phải là một tòa án, là nơi đưa ra phán quyết về những tranh chấp". Ngoại trưởng Philippines, Albert Del Rosario nói ông ta chỉ "đơn giản muốn ghi nhận sự thật là chúng tôi đã bàn thảo về vấn đề đó, và điều đó đáng lý ra phải được phản ánh trong thông cáo chung, chỉ thế không hơn không kém. Đáng lẽ nó phải được đề cập đến bằng một câu hay một đoạn trong thông cáo chung".

Sau khi Philippines và Việt Nam thất bại trong việc thay đổi ý định của Hor Namhong, Indonesia và Singapore đã cố đưa ra giải pháp dung hòa. Tuy nhiên, theo tờ New York Times, "Ngoại trưởng Campuchia nhặt hết giấy tờ và giận dữ đi ra khỏi phòng họp. Dẫn nguồn một nhà ngoại giao ẩn danh, tờ báo này nói: "Đơn giản là Trung Quốc đã mua đứt cái ghế chủ tịch hội nghị".

Thủ đoạn này của Trung Quốc khiến cho sự đoàn kết của khối ASEAN trở thành một trò cười, đồng thời làm cho Hoa kỳ hụt hẫng. Cựu giám đốc Châu Á Sự vụ Tòa Bạch ốc thời tổng thống George W. Bush cũng là đồng tác giả bản báo cáo sắp đệ trình cho lưỡng viện quốc hội Mỹ về Chiến lược của Hoa kỳ trên Biển Đông, ông Mike Green nói rằng: "Trung quốc đã ném găng của mình xuống đất" [một hình thức tuyên chiến]. Ông nói: "Điều đó cho thấy khối ASEAN có một lỗ hổng dễ phá và trên thực tế đã sớm bị phá. Đây không phải là cách duy nhất để đối phó với Trung Quốc, nhưng nó vẫn là một con đường quan trọng."

Ông Green, người ủng hộ sách lược của ông Obama trên Biển Đông, nghi ngờ rằng điều Trung Quốc đang cân nhắc là nếu họ có thể đánh bại chính sách do bà Hillary Clinton tạo ra trong thời gian làm ngoại trưởng Hoa kỳ thì họ sẽ hoàn toàn tránh được sự đối đầu cho đến nhiệm kỳ ngoại trưởng mới của Hoa kỳ. Với cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay, bà Clinton dự tính sẽ từ chức.

Ông Green lý luận rằng: “Trung Quốc đã có chiến thắng chiến thuật, nhưng sẽ chịu thất bại chiến lược. Lý do là vì điều này sẽ làm cho các nước khác trong vùng có cảm giác muốn Hoa kỳ nhảy vào hơn".

Ông dự đoán Hoa Kỳ sẽ phản ứng bằng cách tiếp tục tăng cường các liên minh của mình và bằng cách tìm kiếm để giúp các nước có tranh chấp với Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép bằng cách đưa ra những lời khuyên răn đối với những quốc gia yếu kém đang có tranh chấp lãnh thổ với họ. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, bộ trưởng ngoại giao Trung quốc Đương Khiết Trì nói với Philippines rằng họ phải "trực diện với thực tế và đừng nên kiếm chuyện".

© Peter Hartcher
Phiên Ngung chuyển ngữ

--------------------------------

Nguồn:

China gets its catch, hooks, line and sinker của Peter Hartcher, chủ bút ban chính trị và quốc tế của tờ Sydney Morning Herald số ra ngày 17/7/12
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment