Ông Trọng được gì sau công du Nga - Hung?

Văn bản ký kết có tính giá trị duy nhất, tuy có thể chỉ mang tính tượng trưng chứ không hề thực chất, trong chuyến công du Cộng hòa liên bang Nga của Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng Chín năm 2018 chỉ là “Việt Nam đã đặt mua các vũ khí và dịch vụ quân sự của Nga trị giá hơn 1 tỉ đôla” - theo hãng tin TASS của Nga.

Ông Trọng và tổng thống Nga, Putin, tại Sochi, Nga, 6 tháng Chín, 2018.

Còn trong toàn bộ các văn kiện được ký kết giữa phía Việt Nam và Hungary sau chuyến công du Hungary cũng của Nguyễn Phú Trọng vài ngày sau đó, người ta thấy duy nhất bản hiệp định liên chính phủ về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, ngoài ra chỉ là các bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, về hợp tác y tế, hợp tác giáo dục, hợp tác về ngành nước giữa Hungary với chính quyền một số tỉnh Việt Nam như Quảng Nam, Vĩnh Long, Thanh Hóa. Nhưng không thấy bóng dáng Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đâu.

Gấp 10 lần Mỹ (!?)

Con số 1 tỷ USD mà Việt Nam đặt mua vũ khí trong chuyến đi Nga của Nguyễn Phú Trọng gấp đến 10 lần so với hợp đồng đầu tiên của Bộ Quốc phòng Việt Nam mua vũ khí của Mỹ giá trị gần 100 triệu USD, được tiết lộ bởi cơ quan quốc phòng Mỹ ngay sau chuyến công du đến Mỹ vào đầu tháng Tám năm 2018 của Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam Đỗ Bá Tỵ.

Cho tới nay, Nga vẫn là đối tác cung cấp đến 90% vũ khí chủ lực cho Việt Nam. Nhưng từ khoảng năm 2013 đến nay và đặc biệt gần đây, đã xuất hiện quan điểm trong giới chuyên gia quốc phòng rằng sẽ rất rủi ro nếu Việt Nam chỉ phụ thuộc vào một hay một số ít các đối tác, vì vậy Việt Nam nhất thiết phải đi tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và bổ sung thêm vào biên chế những khí tài có xuất xứ “ngoài Nga”.

Ngân sách quốc phòng của Việt Nam đã tăng từ 1,3 tỷ đôla lên đến 4,6 tỷ đôla (tăng 258%) trong vòng 10 năm, từ năm 2006 - 2015, và hiện thời chiếm khoảng 9% tổng chi ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều thông tin cho biết ngân sách quốc phòng phải “giật gấu vá vai” trong những năm qua, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách quốc gia có xu hướng cạn kiệt nhanh chóng và Việt Nam đặc biệt thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và trả nợ nước ngoài.

Nói cách khác, Việt Nam đang rơi vào hố trũng hết tiền. Hết tiền cho nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển và cho cả quốc phòng.

Giá trị mang tính tượng trưng duy nhất về 1 tỷ USD Việt Nam đặt hàng mua vũ khí Nga cũng cho thấy về thực chất, chuyến đi Nga của Nguyễn Phú Trọng đã có thể chẳng thúc đẩy được hoạt động trao đổi thương mại hai chiều hay mở rộng thị trường xuất khẩu cho Việt Nam, trong bối cảnh kim ngạch hai chiều Nga - Việt vẫn chỉ lẹt đẹt ở con số 3,5 tỷ USD/năm.

Cho dù giá trị đơn đặt hàng mua vũ khí từ Nga của Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ có 1 tỷ USD, nhưng trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang quá eo hẹp và đặc biệt đang thiếu ngoại tệ trầm trọng (một phần lớn ngoại tệ hiện thời phải dùng để trả nợ nước ngoài từ 8 - 10 tỷ USD mỗi năm), dấu hỏi rất lớn là Việt Nam sẽ tìm đâu ra 1 tỷ USD để mua vũ khí Nga?

Vào năm 2016, để mua vũ khí của Ấn Độ, Việt Nam còn không có ngoại tệ mà phải nhờ vả vào nửa tỷ USD tín dụng quân sự cho mua chịu của nước này.

Ngơ ngáo EVFTA

Vào đầu năm 2017, Chủ tịch quốc hội Việt Nam là Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận được chỉ đạo của Tổng bí thư Trọng để có một chuyến đi Hungary nhằm vận động chính phủ nước này ‘vận động Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu sớm ký kết và thông qua EVFTA’. Tuy nhiên kết quả của chuyến đi này gần như là con số 0: các quan chức cao cấp của Hungary đã không có bất kỳ hứa hẹn, và càng không có bất kỳ cam kết miệng hay cam kết bằng văn bản nào từ giới chức các nước châu Âu về việc sẽ hỗ trợ Việt Nam vận động nhằm sớm thông qua EVFTA. Khi đó chưa nổ ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức.

Cũng vào năm 2017, một quan chức cao cấp của chính phủ Việt Nam là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có một chuyến “dân vận” ở Tây Âu và Đông Âu nhằm thuyết phục các nước châu Âu mau chóng chấp thuận cho Việt Nam được tham gia vào EVFTA. Tuy nhiên, các cuộc gặp của ông Vương Đình Huệ với giới chức Bỉ, Slovakia, Thụy Sĩ đều chỉ mang lại một kết quả chung chung: không có bất kỳ hứa hẹn, và càng không có bất kỳ cam kết miệng hay cam kết bằng văn bản nào từ giới chức các nước châu Âu về việc sẽ hỗ trợ Việt Nam vận động nhằm sớm thông qua EVFTA.

Tháng Ba năm 2018, ông Trọng đích thân đi Pháp. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất, hoặc chính là mục tiêu cao nhất trong chuyến công du này đã được xác nhận: vận động cho EVFTA được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu “linh hoạt sớm thông qua”.

Nhưng trong “Tuyên bố chung Việt Nam - Pháp” - bản văn được phát ra báo chí sau bữa ăn trưa giữa Macron và Trọng, chứ không như Tuyên bố chung Việt - Mỹ được phát đi sau một cuộc hội đàm chính thức Obama - Trọng kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ tại Phòng Bầu dục ở Washington vào tháng Bảy năm 2015, chỉ đề cập: “Hai bên bày tỏ mong muốn sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong năm 2018 và đưa Hiệp định vào thực hiện nhanh chóng, hiệu quả”.

Cần chú ý, “Hai bên bày tỏ mong muốn…” luôn là một cụm từ thể hiện ý nguyện, thậm chí chỉ là một cụm từ thuần chất ngoại giao và xã giao chứ chưa hoặc không thể hiện tính hành động cụ thể. Có lẽ người Pháp đã tỏ thái độ thận trọng cần thiết khi dùng cụm từ này để hãm bớt sự nôn nóng muốn “ăn ngay” của giới chóp bu Hà Nội, với một hiệp định thương mại mà có thể cứu vãn nền kinh tế lẫn chân đứng của chế độ Việt Nam trong một khoảng thời gian ít năm nữa.

Có thể hiểu, “Hai bên bày tỏ mong muốn…” là tất cả những gì mà Nguyễn Phú Trọng đạt được về EVFTA trong chuyến công du Pháp. Thực tế quá đỗi sơ sài này, dù có được nêu trong ”Tuyên bố chung Việt - Pháp” như một sự an ủi, cũng chẳng khác gì kết quả mà giới quan chức cấp cao của Việt Nam đã nhận, hoặc phải nhận, trong các chuyến “dân vận” giới chính khách châu Âu cho EVFTA vào năm 2017.

Khác hẳn với những chuyến ‘quốc tế vận’ của Nguyễn Thị Kim Ngân Vương Đình Huệ vào năm 2017, những chuyến công du Pháp, Nga và Hungary của Nguyễn Phú Trọng vào năm 2018 lại diễn ra trong bối cảnh vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã trở nên tung tóe, biến thành một cơn địa chấn kéo từ Đức sang Slovakia và còn có thể lan ra cả Pháp, Ba Lan, Nga…

Với tư cách là một thành viên của khối Liên minh châu Âu (EU), hẳn Hungary đang rất thận trọng trong việc tiếp đón những phái đoàn, dù là do ‘đảng trưởng’ Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, của một chính thể đang bị dư luận quốc tế lên án là đã nhúng tay trực tiếp vào vụ bắt cóc trên.

Và hẳn đó cũng là nguồn cơn vì sao đã không có bất kỳ chỉ dấu nào cho thấy EVFTA được giới lãnh đạo Hungary hứa hẹn, hoặc cam kết, càng không có văn kiện ký kết với ông Nguyễn Phú Trọng, ít ra vào thời điểm này.

Hình như 2018 không phải là năm may mắn trong công tác đối ngoại của ông Nguyễn Phú Trọng. Từ Pháp đến Nga và Hungary, tất cả đều mờ nhạt.

Trừ một ấn tượng sáng chói từ một phát ngôn của ông Trọng: ‘Việt Nam - Hungary mãi mãi là bạn, là đồng chí của nhau’.


Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment