Hang Thần

Ngọn núi đứng sừng sững giữa đồng lúa phì nhiêu miền Đồng Bằng, cây cối um tùm xanh tốt in dấu lên nền trời xanh. Dưới chân núi, dòng sông nhỏ ôm ấp uốn lượn mà tạo nên sơn thủy hữu tình. Vì là núi đá nên có nhiều hang hốc, cái hang lớn nhất nằm ngay dưới chân núi, nước từ lòng sông có thể chảy được vào bên trong. Nghe nói hang này ăn sâu quanh co vào trong lòng núi, người mê tín thì nói đó là đường xuống địa ngục. Vì sự huyền bí này mà người dân ở đây không ai dám vào trong hang cả, và gọi một cách tôn kính là Hang Thần.
…Dòng sông nhỏ ôm ấp uốn lượn
mà tạo nên sơn thuỷ hữu tình
Không ai rõ thực hư thế nào, nhưng có một câu chuyện minh chứng cho sự kỳ bí đó. Có một người đàn ông chuyên đánh cá mưu sinh ở khúc sông này. Ngày thường thì ông không bao giờ vào trong hang để đánh bắt cả. Nhưng một lần vì mãi mê bơi thuyền dò theo luồng cá mà ông vào trong hang lúc nào không hay biết. Đến hôm sau người nhà cũng không thấy ông về, có người nhìn thấy ông vào trong hang thì nói rằng từ khi ông vào hang thì không thấy trở ra. Rồi ba ngày sau người ta thấy ông bơi thuyền từ trong hang đá ra, râu tóc trở nên bạc phơ, về đến nhà ông liền lăn ra bất tỉnh. Từ đó ông trở thành người điên dại, miệng luôn nói về một vị Rắn Thần nào đó đã bắt mình.

Ở ngay cửa hang hơi lùi vào phía trong có một tấm đá phẳng phiu như tấm bia nổi lên, trên đó có một hình như chữ thập. Tấm đá đứng giữa cửa hang, chia đôi dòng nước chảy lững lờ. Theo các cụ già cho biết thì con sông này thông ra biển cách đây vài chục cây số, và cũng lạ vì chảy đến đây thì ngưng lại mà ôm ấp dưới chân núi. Và cái nơi cuối sông đầu núi này đã được một cụ Mãng Xà tu luyện thành tinh chọn làm nơi ở của mình. Người ta kể rằng, có nhiều người tình cờ trông thấy ngài bơi từ trong hang ra, một lúc sau lại bơi vào. Ngài to lớn tựa như một con trăn hoa đốm, và trên đầu có một hình chữ thập nổi lên. Mỗi lần ngài bơi ra là đám cỏ ven cửa hang lại rạp xuống như một tấm thảm xanh vậy. Những hôm thời tiết đẹp thì ngài thường nằm phơi nắng trước cửa hang, rồi ngắm nhìn giang san của mình.
o0o
Thời chiến tranh, người ta chọn ngọn núi này làm nơi đặt pháo cao xạ. Có một tiểu đội lính dân quân cả nam lẫn nữ trú đóng ở đây. Vì núi có địa hình cao nên từ đây pháo cao xạ có thể dễ dàng ngắm bắn máy bay, để canh chừng cái kho quân dụng cách đó khoảng 300 m.

Đám dân quân đóng quân trên lưng chừng núi, ở đó có một bãi đất rộng như cái sân phơi lúa hợp tác xã. Ban đêm trên đó thường hay đốt lửa bùng bùng, cách xa mấy cây số người dân cũng trông thấy được. Mỗi khi có tiếng máy bay gầm rú thì mấy khẩu pháo cao xạ lại khạc lửa liên hồi, âm thanh chấn động cả ngọn núi thiêng. Người dân kháo với nhau rằng đám dân quân đã làm cho ngài nổi giận, vì họ làm kinh động và ô uế đến nơi ở của ngài. Rồi một hôm không hiểu sao mấy tay dân quân đặt mìn cho nổ tung tấm bia trước cửa hang. Người ta nghe một tiếng nổ long trời, chấn động cả cửa hang, rồi đá và nước bắn lên tung toé. Cửa hang bổng nhiên trống toang hoác và ngoác ra như miệng một con quái vật khổng lồ. Từ đó không ai thấy ngài xuất hiện nữa, chắc là ngài đã lui vào ẩn ở trong lòng núi. Cũng không ai thấy ngài bơi ra cửa hang tắm nắng như mọi khi. Mấy cụ già trong làng gần đó thì thầm với nhau rằng ngài đang nổi giận, và chắc chắn ngài sẽ giáng hoạ cho những kẻ đã phá hoại hang thần.

...vì mãi mê bơi thuyền 
dò theo luồng cá...
Bên kia ngọn núi, cách về phía đông khoảng vài trăm mét có một làng chài. Những người dân ở đây lấy nghề đánh cá ở khúc sông này làm kế mưu sinh. Từ bên tây đi theo một con đường mòn quanh co dưới chân núi là đến được làng chài. Từ khi đội dân quân đóng trên núi thì người ta không ai đi qua đường này nữa. Dân làng chài trước đây thường vẫn hay thắp nhang khấn vái ngài ở cửa hang, mong cho ngài phù hộ để đánh bắt được nhiều tôm cá. Thời gian này họ cũng chỉ dám đánh bắt cá một lúc vào buổi sáng rồi nhanh chóng bơi thuyền về nhà, vì dân quân có lệnh cấm họ lai vãng quanh ngọn núi này.
o0o
Thường thì máy bay hay ném bom vào buổi tối, mục tiêu là cái kho quân dụng. Vì bị pháo cao xạ trên núi bắn loạn xạ mà máy bay vội bay vọt lên cao để tránh đạn, vì thế mà bom thường bị rơi chệch mục tiêu.

Buổi tối hôm nay, gió từ biển thổi vào mơn man làm dịu đi cái nóng nực của mùa hạ. Các cụ già ở đây vẫn bảo rằng đó là gió nồm, vì thổi từ biển vào nên mang theo hơi nước mát rượi. Ngọn gió thổi đến đâu thì như có luồng nước mát mơn trớn lên thịt da người, các cụ già thì giục con cháu:

- Mở hết cửa ra, có gió nồm đấy!

Lũ trẻ rủ nhau mang ghế ra mà ngồi ngoài sân vừa để hóng mát, vừa nghe ông kể chuyện cổ tích. Lời kể chuyện đều đều của ông nhanh chóng đưa chúng vào giấc ngủ, và chắc chắn trong tâm thức tuổi thơ của lũ trẻ luôn có câu chuyện “Hang Thần” của quê hương.

Khoảng đầu giờ Hợi, có tiếng máy bay đột nhiên gầm rú, rồi tiếng bom nổ ầm ầm. Tiếng pháo cao xạ đáp trả được mấy tiếng rồi đột nhiên im bặt. Rồi tiếng dân làng í ới:

- Cháy, cháy rồi! Bom ném trúng trận địa pháo rồi!

Theo ánh lửa cháy bùng bùng trên ngọn núi, người dân trong làng dắt díu nhau cùng ngó lên đỉnh núi. Ở đó, ngọn lửa đỏ rực đang cháy dữ dội mang theo những đốm sáng bắn lên trời như pháo hoa. Bom đã ném trúng trận địa pháo của đám dân quân trên núi thay vì cái kho quân dụng gần đó. Không biết máy bay cố ý ném trúng hay bom rơi chệch mục tiêu? Mấy cụ già thì thầm với nhau với vẻ mặt quan trọng:

- Ngài trừng phạt những kẻ phá hoại cửa hang của ngài đấy. Vì vậy mà ngài cố ý lái quả bom rơi trúng tổ dân quân trên núi.

Sáng hôm sau, khi mọi người kéo lên núi xem sự tình thì trước mắt họ là một cảnh tượng rùng rợn và đầy kinh hãi. Cả tiểu đội dân quân 9 người thì chỉ còn hai người sống sót, một nam và một nữ. Người nữ vì quá hoảng sợ mà trở nên điên loạn, cứ liên mồm gào thét dữ dội. Người đàn ông thì bị sức ép của bom bắn ra xa rồi ngất đi, đến sáng thì tỉnh lại. Những cái xác cháy đen nằm co quắp với đủ tư thế được người ta nhặt nhạnh và quấn vào những tấm nilon để mang đi chôn cất. Cả trận địa pháo đã trở nên tan hoang và không còn sự sống. Theo lời người đàn ông sống sót kể lại thì tối hôm ấy họ nghe tiếng máy bay gầm rú và bắn pháo đáp trả. Rồi bất ngờ một quả cầu lửa bao trùm lấy cả trận địa pháo, từ trong quả cầu lửa đó anh ta thấy một con rắn khổng lồ đang khạc lửa vào họ, vì quá sợ hãi nên anh ta ngất đi không còn biết gì nữa. Đang chăm chú lắng nghe câu chuyện rùng rợn, bổng mọi người nghe một tiếng hét lớn:

- A a a!...

Rồi họ kinh hãi nhìn thấy người nữ dân quân bị điên kia bất ngờ nhảy từ trên đỉnh núi xuống hang Thần. Xác cô ta nổi bập bềnh một lúc trên dòng nước rồi trôi vào trong hang mất tích. Những người chứng kiến cảnh tượng mà cùng sởn gai ốc và thấy lành lạnh ở sống lưng.

...ngài thường nằm phơi nắng trước cửa hang...
Đến lúc này thì mọi người mới nhớ lời các cụ già nói ngày trước, đó là sự nổi giận của Rắn Thần. Ngài đã trừng phạt những kẻ phá hoại và coi thường nơi ở linh thiêng của ngài. Được mấy hôm thì người dân quân sống sót kia cũng bỏ nhà mà đi mất tích, không ai hiểu là đi đâu nữa. Từ đó, người dân làng chài mới lại dám ra đánh cá ở khúc sông này như mọi khi, và bao giờ đi qua hang thần thì họ cũng cung kính thắp hương khấn vái ngài. Dường như ngài cũng thương những người dân làng chài, nên luôn phù hộ cho họ cá tôm được đầy lưới. Con đường dưới chân núi dẫn đến làng chài giờ người ta đã bắt đầu đi lại. Nhưng những đêm sáng trăng thì người ta hay thấy bóng ma một cô gái mặt bộ quần áo dân quân đứng dựa vào gốc cây ven đường mà thút thít khóc. Người dân nói rằng đó là oan hồn cô dân quân bị điên hồi trước, vì còn lưu luyến với cõi trần mà hay hiện lên quấy nhiễu người qua đường.
o0o
Một hôm trời nắng đẹp, người ta lại thấy ngài bơi từ trong hang đá ra. Bây giờ hình như ngài đã già hơn, dáng bơi đã bắt đầu chậm chạp. Khác với mọi khi, lần này bơi quấn quýt bên ngài có hai ngài con nữa. Sau khi cùng hai con nằm phơi nắng trước cửa hang một lúc để ngắm nhìn giang sơn thì cả ba cùng bơi ngược ra sông. Thay vì bơi vào trong hang như mọi khi, thì lần này ngài bơi ra biển. Sau khi lượn trước cửa hang mấy vòng để nhìn giang sơn lần cuối thì ngài cùng hai con quay đầu bơi ra biển. Từ đó ngài bỏ hang thần mà trở về với đại dương mênh mông, nhưng câu chuyện về ngài và Hang Thần thì mãi lưu truyền với người dân nơi đây.

Hà Nội, ngày 18 tháng bảy năm 2012

© Minh Văn
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment