Hay lời giải thích về cái hình vẽ lá cờ theo khuôn mẫu Union Jack. Chữ “nation” trong cái tựa đề được giữ nguyên trạng tiếng Anh vì một lý do rất đơn giản: không tìm thấy một từ tương đương nào trong tiếng Việt diễn tả đúng nội hàm của những vấn đề được bàn tới dưới đây. Trong tiếng Việt, chữ “nation” có khi được dịch là “dân tộc” có khi được dịch là “quốc gia”, cả hai đều có nguồn gốc từ Nhật Bản trong cố gắng chuyển tải tư duy chính trị phương Tây sang không gian Hán ngữ hồi cuối thể kỷ XIX. Cả hai chữ “dân tộc” và “quốc gia” trong tiếng Việt đều không chuyển tải ý nghĩa của “nation” khi xét đến các cộng đồng văn hóa và lịch sử cấu thành quốc gia Việt Nam hiện đại. Một cụm từ khác được dùng ở phần cuối để thay thế.
Trong một buổi trà dư tửu hậu nào đó lâu rồi ở nhà một người bạn bên Bình Thạnh, có cô bạn từng du học ở Mỹ về thắc mắc, là cô không hiểu tại sao các bạn trẻ gốc Việt ở Mỹ vẫn tôn vinh lá cờ vàng ba sọc đỏ. Theo cô, đây là lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa, một chính thể đã không còn tồn tại nữa. Tôi đã cố gắng, và thất bại, trong việc giải thích cho cô bạn hiểu về tính biểu tượng của những giá trị lịch sử có tính căn cước của nó. Đó là lá cờ của một “nation”, tôi nói.
Không hiểu khái niệm “nation” thì rất khó có thể hiểu được sự tồn tại của một lá cờ khi lá cờ này lại từng đại diện cho một nhà nước mà nay đã tiêu vong.
Cho đến thời điểm này, tư duy chính trị Việt Nam vẫn bị giam hãm trong khuôn thước của mô hình quốc gia-nhà nước (nation-state), một mô hình chúng ta đã học được một thế kỷ trước từ bên ngoài và nay đã trở nên phản động và lỗi thời. Trong thời hiện đại, mô hình quốc gia-nhà nước đã đóng vai trò nền tảng của việc thiết lập một trật tự chính trị thế giới mới, trong đó mỗi quốc gia-nhà nước là một thực thể bình đẳng với các quốc gia-nhà nước khác. Cuộc đấu tranh giành độc lập của các quốc gia thuộc địa giữa thế XX đặt trên cơ sở tư duy của mô hình này. Nó cổ xúy một khái niệm nhất thống về “quốc gia” (hay dân tộc), đặt trên nền tảng của một sắc tộc hay cộng đồng dân chính nào đó. Trong trường hợp Việt Nam khái niệm “quốc gia” (hay dân tộc) này được đặt trên cơ sở của cái mà sau này được gọi là “dân tộc Kinh” (hay Việt). Việc xây dựng những biểu tượng quốc gia/dân tộc đều đặt trên cơ sở này. “Con cháu Lạc Hồng”, “Hùng Vương”, “ngàn năm văn hiến”, “trống đồng Đông Sơn”, “cha ông chống ngoại xâm”, v.v… là sản phẩm của một giai đoạn hình thành khái niệm “quốc gia/dân tộc” của mô hình chính trị quốc gia-nhà nước này. (Trên thực tế, cái được chấp nhận là biểu tượng của “dân tộc Kinh/Việt” này cũng chỉ giới hạn ở khu vực văn hóa-lịch sử Sông Hồng. Nhưng đây lại là một đề tài khác, sẽ nói lúc khác.)
Ở Việt Nam, cố gắng xây dựng ý thức hệ dân tộc nhất thống này khá thành công, và trong tiến trình đó nó đã gần như hủy diệt hoàn toàn những yếu tố văn hóa-lịch sử “không-phải-Việt” khác; chúng ta không thấy bóng dáng của cộng đồng văn hóa-lịch sử Champa, chủ nhân của một nửa lãnh thổ, trong ký ức và biểu tượng quốc gia Việt Nam hiện đại. Tôi nói “khá thành công” vì một ngoại lệ: lá cờ vàng. Sự tồn tại của lá cờ vàng của cộng đồng Người Việt Nam hải ngoại và sự bất dung đối với nó của nhà nước toàn trị hiện nay đặt ra những thách đố không hòa giải được của ý thức hệ dân tộc nhất thống.
Cuộc nội chiến kết thúc năm 1975 giữa hai miền Nam Bắc đưa đến việc thống nhất của một nhà nước trung ương tập quyền nhưng sự hòa giải những xung đột để thống nhất các nations làm nên quốc gia Việt Nam hiện đại vẫn đang tiếp diễn. Vấn đề hòa giải đã được đặt ra từ lâu, ít nhất là vài năm trước khi chiến tranh chấm dứt, nhưng nội dung hòa giải vẫn là một đề tài mà bốn mươi năm sau vẫn chưa có đồng thuận, đó là chưa nói đến thái độ phỉ báng, kiêu ngạo cho rằng quốc gia Việt Nam không có nhu cầu hòa giải (mà chỉ cần lật đổ thế lực toàn trị). Thêm vào đó, tính bất dung trong tư duy của những người chịu ảnh hưởng nặng nề ý thức hệ dân tộc nhất thống làm cho tiến trình hòa giải bế tắc. Đối với những người này, “dân tộc Việt Nam là một”, và họ tranh nhau vai trò đại diện chân chính của cái dân tộc “là một” đó. Với họ thì Việt Nam chỉ có một dân tộc, một lịch sử, một truyền thống, một chính nghĩa, một lá cờ, hoặc đỏ hoặc vàng, cái này loại trừ cái kia.
Cái ý tưởng “dân tộc thống nhất” này, như đã nói ở trên, là sản phẩm của sự cọ xát với tư duy chính trị phương Tây trong cố gắng xây dựng mô hình quốc gia-nhà nước hiện đại hồi đầu thế kỷ XX. Trên thực tế, trước và trong thời hiện đại, Việt Nam chưa bao giờ là một dân tộc thống nhất. Trước thời điểm 1802, điều này là hiển nhiên. Từ thời điểm 1802 về sau, khi Gia Long thống nhất quyền lực chính trị và lãnh thổ thì trên lãnh thổ Việt Nam vẫn có những cộng đồng văn hóa-lịch sử riêng biệt. Khi Trịnh Hoài Đức viết Gia Định Thành Thông Chí vào những năm 1820’ thì văn hóa và lịch sử miền Nam rõ ràng hoàn toàn khác biệt với văn hóa và lịch sử khu vực Sông Hồng. Năm 1832 Minh Mạng mới xóa sổ phiên quốc Champa cuối cùng là Trấn Thuận Thành. Việc người Pháp chia Việt Nam ra ba kỳ với ba tên gọi, Tonkin, Annam, và Cochinchina có thể chế khác nhau là phần nào phản ảnh thực tại của quốc gia Việt Nam lúc đó. Hoàng Triều Cương Thổ, của Khu tự trị Việt Bắc, Tây Bắc là những thực tại khác. Một giai đoạn ngắn ngủi từ Minh Mạng đến Tự Đức, với một nhà nước trung ương tập quyền, đã không đủ để thực hiện cuộc hòa giải giữa các cộng đồng văn hóa-lịch sử cho một quốc gia thống nhất. Gần một thế kỷ thuộc Pháp cũng không giúp gì thêm cho tiến trình này. Nhưng sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc và ý thức hệ dân tộc nhất thống lại là di sản thuộc địa do người Pháp để lại và chúng ta vẫn cưu mang cho đến ngày nay. Bước sang thời kỳ độc lập, sự xung đột chưa bao giờ được hòa giải giữa các công đồng văn hóa-lịch sử này lại bị khuất lấp bởi ý thức hệ dân tộc nhất thống. Chúng ta từ đó lạc vào trong cơn mộng du của lịch sử mà ở đó sự nhất thống được áp đặt bởi quyền lực chính trị thay vì bởi một tiến hòa giải thực sự. Cuộc nội chiến 20 năm với hơn 3 triệu người chết vừa qua, nhìn từ góc độ lịch sử hình thành quốc gia, có thể được coi là sự bùng nổ của những xung đột không được hòa giải này.
Việt Nam hiện đại là một quốc gia đang hình thành từ những nations/cộng đồng văn hóa-lịch sử và tiến trình hình thành này vẫn đang tiếp diễn. Một cuộc khảo sát và mổ xẻ chi tiết về sự hiện diện và đóng góp của các nations làm nên quốc gia Việt Nam hiện đại là một cố gắng lớn, đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Phần còn lại của cái note này là nhằm gợi ý cho những khảo sát về một nation mà sự tồn tại của nó thách thức những khái niệm cổ điển về nhà nước, quốc gia và dân tộc.
Vậy nation/cộng đồng văn hóa-lịch sử là gì? Mượn cái định nghĩa của Anthony Smith để nói một cách ngắn gọn, mà không mất tính tổng quát, nation là một cộng đồng dân chia sẻ chung những yếu tố sau đây: huyền thoại về nguồn gốc, ký ức lịch sử, hệ thống giá trị hoặc tín ngưỡng, những đặc điểm văn hóa chung, trong đó có ngôn ngữ, một dự phóng về tương lai. Áp dụng định nghĩa nation này, chúng ta có thể nhận diện ngay các nations đang có mặt trong lòng quốc gia Việt Nam. Một trong những nation quan trọng đó là nation của những người Việt Nam tự do tị nạn ở nước ngoài. Nation này được hình thành từ sau khi cuộc nội chiến kết thúc. Nó phần lớn chia sẻ huyền thoại về nguồn gốc Lạc Hồng và ký ức lịch sử cho đến trước cuộc kháng chiến chống Pháp. Nó chia sẻ những biểu tượng dân tộc được thiết lập từ đầu thế kỷ XX (như các anh hùng dân tộc, con Hồng cháu Lạc, Hùng Vương, trống đồng, v.v..). Nó cũng chia sẻ những đặc điểm văn hóa và ngôn ngữ khác. Nhưng nó có ký ức lịch sử riêng của Miền Nam thời thuộc địa và giai đoạn 1945-1975, và đặc biệt là từ 1975 đến nay ở hải ngoại, bao gồm những ký ức lịch sử chỉ thuộc riêng về nó mà không chia sẻ bởi bất cứ nation/cộng đồng văn hóa-lịch sử nào của quốc gia Việt Nam. Thành tựu văn hóa trong 20 năm dưới thể chế Việt Nam Cộng hòa đủ lớn để tiếp tục nuôi dưỡng nó trong hơn 30 năm lưu vong: nation này có cả nề âm nhạc của riêng nó. Và đương nhiên nó có một biểu tưởng quan trọng nhất: cờ vàng.
Cờ là biểu tượng của nations/cộng đồng văn hóa-lịch sử trước khi là biểu tượng của quốc gia-nhà nước. Mỗi nation trong một nhà nhà nước-các cộng đồng văn hóa-lịch sử (multinational state) có quyền có cờ riêng của nó và không ai có thể cấm đoán hoặc tước đoạt. Lá cờ vàng không còn là lá cờ của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa nhưng nó vẫn là lá cờ của nation/cộng đồng văn hóa-lịch sử Việt Nam tự do. Ý nghĩa của việc lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của quốc gia-nhà nước Việt Nam hiện nay không bao hàm việc loại trừ cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của nation Việt Nam tự do này. Sự tôn trọng đối với lá cờ vàng là sự tôn trọng bắt buộc với mọi thành viên của quốc gia Việt Nam. Chúng ta bắt buộc phải tôn trọng tất cả những biểu tượng của những nations/cộng đồng văn hóa-lịch sử đã làm nên quốc gia Việt Nam hiện đại.
Cuộc đấu tranh cho tự do và công lý hiện nay chứa đựng nội dung của một cuộc đấu tranh để giành lại tự do và công lý cho những nations/cộng đồng văn hóa-lịch sử. Cái note này chỉ nói đến một nation như thế. Quốc gia Việt Nam còn có những nations khác như cộng đồng văn hóa-lịch sử Champa, các nations của các sắc tộc ở Tây Bắc, Việt Bắc, các cộng đồng tín ngưỡng, v.v. Quốc gia Việt Nam là một quốc gia thống nhất về nhà nước nhưng phải là một quốc gia đa dạng về văn hóa-lịch sử.
Về cái hình vẽ lá cờ theo mẫu “union jack” (google nếu bạn không biết cờ union jack là gì).
Cờ Union Jack . Nguồn ảnh: OntheNet |
Hình ảnh giải thích lịch sử đằng sau các lá cờ Union Jack. Nguồn: vijayforvictory.com |
Thật ra tôi đùa chuyện đem cờ vàng về Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc chứ tôi không đùa với lá cờ theo mẫu “union jack”.
Nhà nước có thể mất nhưng nations, và những biểu tượng của chúng, rất khó có thể mất. Nhà nước Việt Nam Cộng hòa đã mất gần 40 năm nhưng lá cờ vàng vẫn tồn tại, và nó sẽ tiếp tục tồn tại. Nhà nước toàn trị hiện nay sẽ được thay thế bằng một nhà nước khác nhưng lá cờ đỏ vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Lá cờ vàng và lá cờ đỏ (cùng với các lá cờ khác, nếu có) là cờ của những nations/cộng đồng văn hóa-lịch sử đã làm nên quốc gia Việt Nam. Chúng sẽ tồn tại.
Người ta nói đến chuyện sẽ có một lá cờ khác cho nhà nước-các cộng đồng văn hóa-lịch sử Việt Nam dân chủ sau này. Tôi không thấy điều đó là cần thiết. Cứ lấy tất cả các lá cờ của các nations/cộng đồng văn hóa-lịch sử trong lòng quốc gia Việt Nam chồng lên nhau và Việt Nam mới sẽ có một lá cờ đầy ý nghĩa.
Có bạn góp ý là sao không chọn màu nào cho nó dìu dịu tí. Trả lời của tôi: đây chỉ là cờ của hai nations. Các bạn Champa có màu nào dìu dịu thì cứ chồng lên luôn.
Lá cờ theo mẫu “union jack”. Nguồn ảnh: TMK |
© Trần Minh Khôi
------------------------
Nguồn: Nations và cờ by Trần Minh Khôi on Monday, July 16, 2012.
0 Comments:
Post a Comment