Bắt đầu giai đoạn tái xung đột biên giới Tây Nam?


Thật khó có thể phủ nhận mối nguy hiểm đối với Việt Nam thất thần hiện ra tại biên giới Tây Nam vào những tháng ngày này.

Và rất có thể đang lộ hình một giai đoạn xung đột mới cho những năm tới.

Sự va chạm mới đây giữa đại diện phái đối lập ở Cambodia với người Việt Nam tại cột mốc biên giới có lẽ chỉ là điểm khởi đầu cho một chương sách đậm màu biến cố.

Khi “học trò” trở chứng

Gần 40 năm sau cuộc chiến biên giới Tây Nam với Cambodia, những dấu hiệu gần nhất đang chứng minh việc còn lâu Việt Nam mới được Bắc Kinh buông tha. Hầu như trùng khớp với thời điểm chuyến đi được coi là “lịch sử” vào đầu Tháng Bảy của phái đoàn Đảng Cộng Sản Việt Nam đến Washington, một phái bộ hùng hậu khác do Tướng Tia Banh - phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Cambodia, đã được Trung Quốc mời đến đất nước của Tần Thủy Hoàng.

Nếu Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đầy hể hả và tự hào về việc “lần đầu tiên Mỹ đón tiếp người đứng đầu Đảng Cộng Sản tại Phòng Bầu Dục,” thì phái Bộ Quân Sự của Cambodia cũng vui mừng ra mặt vì được quốc gia đông dân nhất thế giới dành cho nhiều hứa hẹn ở Bắc Kinh.

Hoàn toàn chẳng cần nghi ngờ, Trung Quốc đã tự khẳng định mình là địa chỉ tiếp ứng nhiều viện trợ nhất cho Cambodia từ nhiều năm qua. Dòng viện trợ này càng trở nên màu mỡ một cách đáng ngờ trong vài năm gần đây, bao gồm viện trợ quân sự và có thể cả những thỏa thuận ngầm về quốc phòng mà chỉ có Hun Sen mới biết rõ.

Hẳn là thế, bởi nếu vào năm ngoái, vị thủ tướng cầm quyền đến mức già cỗi của Cambodia còn ẩn kín nỗi bức xúc của ông ta đối với chính thể Việt Nam, thì sang năm nay sự thể đang đảo gió khá nhanh. Vào giữa năm, sau khi bất chợt tung ra vài phản ứng với vai trò của Mỹ ở khu vực Biển Đông trong khi lại đánh giá một cách thái quá về vị trí kinh tế của Trung Quốc trên thế giới, Hun Sen còn dấn thêm một bước: bắt đầu lựa lời công kích Việt Nam về vấn đề “cột mốc biên giới lấn sang đất Cambodia.”

Người được coi là “học trò của chế độ Hà Nội” giờ đây đang trở chứng đá giò lái vào những người đã dựng ông ta lên.

Thậm chí một kịch bản thỏa hiệp giữa đảng cầm quyền của Hun Sen với đảng đối lập ở Cambodia để cùng “lên án Việt Nam xâm phạm biên giới” là có thể xảy ra trong những tháng tới.

Với thái độ đầy kẻ cả nhưng không thiếu khôn ngoan như cuộc chiến “diệt cả hổ lẫn ruồi” mà Tập Cận Bình đang thực tập, Trung Quốc sẵn lòng bắt cá hay tay với cả những người đang cầm quyền lẫn phe có thể lập chính phủ thay thế ở Cambodia. Hành động Bắc Kinh trịnh trọng mời và trải thảm đỏ đón tiếp thủ lĩnh đối lập Miến Điện là Aung San Suu Kyi vào giữa năm nay là một điển hình cho kỹ thuật ve vãn cáo già.

“Rất hay là...”

Một con cáo càng trở nên nguy hiểm khi không chỉ tích tụ đủ tuổi thọ mà còn biết náu mình để chờ cơ hội. Không còn liều lĩnh dùng giàn khoan Hải Dương 981 tạo ra không khí khiêu khích quá lộ liễu ở Biển Đông, Trung Quốc chỉ cho chiến hạm hóa trang này lượn lờ đôi chút trong thời gian một tiếng đồng hồ diễn ra cuộc gặp Obama-Trọng. Để ngay sau khi Tổng Bí Thư Trọng hồ hởi trở về từ Mỹ, “Rất hay là Phó Thủ Tướng Trung Quốc Tương Cao Lệ vừa sang Việt Nam,” ông Trọng biểu cảm trong cuộc tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình ở Hà Nội vào ngày 18 Tháng Bảy.

Có thể hình dung rằng người đứng đầu nhưng sắp mãn nhiệm của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tỏ ra hài lòng đến thế nào khi “chiến lược xoay trục về phương Tây” của đảng này đã có hiệu nghiệm hầu như tức khắc, khiến một trong 7 nhân vật quyền lực nhất của Trung Quốc, chứ không còn là Ủy Viên Quốc Vụ Viện Dương Khiết Trì như năm ngoái, phải tức tốc bay đến Hà Nội nhằm “điều đình.” Thậm chí nếu vào năm 2014, có đến vài chục lần Hà Nội đề nghị được lên Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình để “đàm phán” nhưng đều bị giới thiên triều thẳng thừng gác máy điện thoại, thì nay mọi sự dường như đang biến diễn ngược lại: Trương Cao Lệ đang “tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí Thư Kiêm Chủ Tịch Nước Tập Cận Bình vào cuối năm 2015.”

Nhưng vào thời điểm cuối năm 2015 lại có thể chứng kiến không chỉ chuyến công du lịch sử của tổng thống Mỹ tới Hà Nội, mà chắc chắn hơn hẳn là giai đoạn nước rút “chào mừng Đại Hội Đảng lần thứ 12” dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2016.

Song Hà Nội nay đang khác quá nhiều Hà Nội xưa, và người Trung Quốc có lẽ hiểu hơn ai hết về sự khác biệt xa thăm thẳm này.

Không còn sức mạnh thống nhất như thời điểm 1979 “tiêu diệt quân Trung Quốc xâm lược,” quân đội Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu xuống cấp về thực lực binh chủng hợp thành và vai trò của người chỉ huy tối cao. Vụ “ra nước ngoài trị bệnh” của người vẫn còn đương kim bộ trưởng quốc phòng nhưng vắng bặt hình ảnh hơn cả tháng qua là một trong những dấu hiệu rõ nét nhất.

Hệ quả là nếu Tướng Phùng Quang Thanh không xuất hiện trở lại, hoặc có lộ diện thì cũng không còn thực quyền, Bắc Kinh sẽ phải nuối tiếc đến thế nào bởi sự biến mất của một fan quá hâm mộ mình nhưng lại bị bàn dân thiên hạ Việt Nam còn lâu mới nể trọng.

Chắc chắn những gì mà Bắc Kinh đang thèm khát là cấp tốc gia cố hoặc ít nhất cũng vớt vát thể diện cho đội ngũ fan hâm mộ mình ở Việt Nam, cùng lúc không thể chấp nhận máy bay và tàu chiến của Hoa Kỳ xông xáo vào Biển Đông “như chốn không người.”

Tâm điểm Tây Nam

Con cáo vừa tàn nhẫn vừa biết cách náu mình sẽ khó lòng tìm cách bắn hạ máy bay và cho nổ tung các chiến hạm Mỹ. Cũng khó xảy ra phương án động binh ở biên giới phía Bắc Việt Nam, ngoài một số hành vi quân sự nhằm tạo ra một sang chấn tâm lý đối với Bộ Chính Trị Hà Nội.

Từ đầu Tháng Bảy đã xuất hiện tin tức trên mạng xã hội về động thái Trung Quốc điều quân từ Vân Nam, Quảng Tây áp sát biên giới Việt Nam. Khoảng thời gian này lại trùng với sự hiện diện đầy tính đe dọa của giàn khoan HD 981 ở Biển Đông.

Vào giữa năm 2014, trong lúc HD 981 mặc sức tung hoành ở Biển Đông mà không có bất cứ tuyên bố lên án nào của chính quyền và Quốc Hội Việt Nam, cũng xuất hiện nhiều tin tức cho biết Trung Quốc điều động đến 600,000 quân từ các quân khu Quảng Tây và Vân Nam áp sát biên giới Việt Nam. Đó cũng là lúc mà giới chuyên gia phải đặt là câu hỏi “liệu Trung Quốc có tấn công Việt Nam?”

Vào giữa năm nay, câu hỏi này đang được lặp lại, nhưng còn áp sát hơn.

Trong một lần hiếm hoi sau nhiều năm, một tờ báo nhà nước là Giáo Dục Việt Nam lên tiếng đồng thuận với “tin đồn” trên mạng xã hội về sự xuất hiện của quân đội Trung Quốc ở khu vực biên giới phía Bắc, trong khi hệ thống báo đảng hoàn toàn chưa có phản ứng gì.

Dù người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho rằng tin đồn về việc Việt Nam điều khí tài quân sự vào biên giới Tây Nam là “không xác thực,” cả hai mặt biên giới phía Bắc và Tây Nam đều đang có những dấu hiệu đột biến.

Khó có thể nghi ngờ rằng biên giới Tây Nam Việt Nam rất có thể được “chọn” là tâm điểm cho một giai đoạn xung đột mới, theo những thủ thuật và thủ đoạn rất khó chịu mà Mao Trạch Đông đã dùng để đối phó với các đồng chí của ông trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Phạm Chí Dũng
Theo Người việt
Phạm Chí Dũng

Phạm Chí Dũng là nhà báo tự do hiện đang sinh sống tại Sài Gòn.
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment