|
Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức thay áo cải lương cho các toà nhà cổ do Pháp để lại. Trước đây, người ta cũng đã từng cho Bưu Điện Sài Gòn mang màu hồng (hết sức vô duyên), rồi sau đó cũng cho khoác áo màu vàng choé như Nhà hát Lớn Hà Nội lần này. May phước là các quan Sài Gòn nghe lời dân, nên đã sơn lại màu nhạt hơn. Có lẽ các quan văn hoá Hà Nội nên học cách làm của các quan Sài Gòn mà trả cho Nhà hát Lớn Hà Nội cái màu cổ điển nguyên thuỷ của nó.
Ở Úc và vài nước Âu châu mà tôi từng ghé qua, các toà nhà mang tính di sản (heritage) được quản lí rất chặt chẽ. Thường thì nhà chức trách không cho thay đổi hiện trạng bề ngoài của toà nhà, nhưng phía trong thì có thể hiện đại hoá. Ở gần Viện Garvan tôi có một cái quán bia (chỉ là quán bán bia) nhưng vì toà nhà mang tính lịch sử, nên chính quyền địa phương không cho đụng đến toà nhà này, bề ngoài gạch đỏ ao vẫn để y chang như hơn trăm năm trước. Bệnh viện St Vincent's cũng thế (hơn 150 tuổi), cái toà nhà chính được để y nguyên màu nguyên thuỷ chứ không được tô màu mới. Ở Việt Nam thì người ta làm ngược lại, gây "bức xúc" trong công chúng.
Nhân sự việc này làm tôi nhớ đến một bài viết khá lâu của một nhà văn hoá, mà trong đó tác giả nhận định [đại khái] rằng trình độ của người Việt Nam chưa "tiến hoá" kịp với văn minh và công nghệ thế giới. Tác giả đưa ra một loạt trường hợp để minh chứng cho nhận định rất đụng chạm đó. Xây cầu đường? Người Việt cũng muốn tỏ ra là làm được, nhưng rất tiếc là họ làm không đạt, và chỉ làm cho có, làm tạm bợ, chứ không có giá trị dài lâu. Làm khoa học? Người Việt cũng tự cao là họ sáng tạo, làm được việc này việc kia, nhưng trong thực tế thì chỉ là "me too" (bắt chước), mà bắt chước cũng không đạt. Văn nghệ? Người Việt cũng rất tự hào là một dân tộc thơ và yêu văn chương, yêu nhạc, nhưng trong thực tế thì cũng chỉ là bắt chước thô thiển, mà bắt chước thì không cho ra tác phẩm lớn được. Khéo tay? Người Việt không khéo tay, chỉ khéo làm cho có và phô trương từ xa, nhưng khi đến gần thì ... hỡi ôi. Chỉ xây cái cổng cho cửa hàng Hermes ở Hà Nội mà cũng làm không xong, không đạt, đến nỗi công ti phải đem một đội thợ từ Pháp sang làm. Thẩm mĩ? Người Việt nghĩ là họ có khiếu thẩm mĩ, nhưng trong thực tế thì họ lẫn lộ giữa Đông và Tây, và hệ quả là một sự lai căng. Nói tóm lại, nguyên bài viết là một tấn công trực tiếp vào niềm tự hào của người Việt một cách không khoan nhượng.
Cái ý tưởng "tiến hoá" chưa kịp trong bài viết đó cứ ám ảnh tôi đến nay. Phải ghi nhận một sự thật là tất cả những toà nhà và công trình xây dựng người Pháp để lại đều có phẩm chất tuyệt vời. Nếu không có những công trình đó, VN chẳng có gì để khoe với thế giới. Những gì người Mĩ để lại cũng có giá trị lâu dài, mà chúng ta vẫn sử dụng cho đến ngày nay (như phi trường và cầu đường). Sau 1975 những công trình mới có phẩm chất được xây thì chẳng có, nhưng phá hoại những công trình Pháp và Mĩ để lại thì rất tốt. Do đó, nhìn những toà nhà màu mè và hợm hĩnh của các đại gia xây gần đây, và nay là cái màu "dịch tả" của Nhà hát Lớn Hà Nội làm tôi nghĩ tác giả lại có thêm một chứng cứ cho nhận xét trên.
Nguyễn Văn Tuấn
Theo Fb Tuấn Nguyễn
0 Comments:
Post a Comment