|
Trung Quốc đã xác nhận những vụ thử nghiệm phi đạn cực siêu thanh, có tốc độ cao hơn 5 lần vận tốc âm thanh. Vụ thử nghiệm gần đây nhất diễn ra vào ngày 9 tháng 6. Tuy nhiên, Bắc Kinh nói rằng việc thử nghiệm những phi đạn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và bay với tốc độ cao kỷ lục là “thuần tuý có tính chất khoa học và không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.”
Hoa Kỳ, Nga và Ấn Độ cũng đã phát triển những phi đạn cực siêu thanh nhằm đối phó với phi đạn của địch quân để phục vụ mục tiêu phòng vệ không gian và phát triển những loại vũ khí chính xác.
Ông James Acton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân của Quỹ Hoà bình Quốc tế Carnegie ở Washington, nói rằng tuy có tin cho biết một trong 4 vụ thử nghiệm của Trung Quốc bị thất bại và Trung Quốc vẫn còn thua kém Hoa Kỳ trong lãnh vực kỹ thuật phi đạn, nhưng họ đang ráo riết phát triển năng lực cực siêu thanh và có thể qua mặt Hoa Kỳ trong tương lai. Ông Acton phát biểu như sau tại một cuộc họp tại Quốc hội Mỹ hồi tuần trước.
“Tôi có thể nói một cách rất dè dặt là những bằng chứng có được cho thấy mức độ phát triển phi đạn cực siêu thanh của Trung Quốc còn kém Hoa Kỳ khá nhiều vào thời điểm này. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận là họ có thể phát triển một cách nhanh chóng hơn và sự dẫn đầu của Mỹ không phải là vĩnh viễn.”
Quân đội Mỹ đã thực hiện những vụ thử nghiệm cực siêu thanh từ năm 2010. Họ đã thực hiện vụ thử nghiệm thành công lần thứ tư cách đây hai năm. Theo dự liệu, phi đạn cực siêu thanh có thể được đưa vào kho vũ khí trong vòng từ 5 đến 10 nữa, góp phần tăng cường khả năng tấn công bằng phi đạn đạn đạo của quân đội Hoa Kỳ.
Ông Morley Stone, Trưởng ban kỹ thuật của Phòng thí nghiệm Không quân Mỹ, trụ sở đặt tại Căn cứ Không quân Wright-Patterson ở tiểu bang Ohio, nói rằng nỗ lực phát triển năng lực cực siêu thanh của quân đội Mỹ sẽ tiếp tục.
“Chúng tôi biết là chúng tôi sẽ cần phải có vũ khí và bệ phóng có tốc độ mỗi ngày một nhanh hơn. Điều đó đòi hỏi chúng tôi duy trì những nỗ lực nghiên cứu để tiếp tục tăng tiến trình độ kỹ thuật trong lãnh vực cực siêu thanh.”
Mặc dầu vậy, ông Acton nói rằng ngay cả trong trường hợp Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu trong việc phát triển năng lực cực siêu thanh, những loại vũ khí cực siêu thanh của Trung Quốc vẫn tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho nước Mỹ bởi vì “không có phương thức kỹ thuật khả dĩ nào để phòng vệ những khu vực rộng lớn trước các loại vũ khí cực siêu thanh.”
Ông nói “Điều mà chúng ta có thể làm là tìm kiếm những phương thức thay thế. Cho nên nếu có những mục tiêu có giá trị cao một cách đặc biệt, những căn cứ quân sự có giá trị rất cao hoặc những vệ tinh quan trọng, chúng ta có thể phòng vệ cho những mục tiêu cực kỳ quan trọng.”
Quốc hội Mỹ trong những năm gần đây đã bày tỏ quan tâm về những tiến bộ của Trung Quốc trong lãnh vực nghiên cứu và phát triển kỹ thuật cực siêu thanh. Họ nói rằng Hoa Kỳ có thể bị thua trong cuộc chạy đua quốc tế về vũ khí cực siêu thanh.
“Trong lúc hết đợt cắt giảm chi tiêu quốc phòng này đến đợt cắt giảm chi tiêu quốc phòng khác đã đánh đổ ưu thế kỹ thuật của Mỹ, Trung Quốc và các nước cạnh tranh đang ra sức tiến tới vị thế quân sự ngang hàng với Mỹ, và trong một số trường hợp, họ dường như đang nhảy vọt trước mắt chúng ta,’ cựu Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Buck McKeon và hai thành viên cấp cao cao khác của uỷ ban này cho biết như thế trong một thông cáo phổ biến sau cuộc thử nghiệm phi đạn cực siêu thanh lần thứ nhất của Trung Quốc hồi năm ngoái."
Các giới chức Mỹ vẫn hy vọng là sự duy trì một ưu thế trong khả năng tấn công nhanh trên toàn cầu, như phi đạn cực siêu thanh, có thể làm cho những kẻ thù tiềm năng không thực hiện những vụ tấn công.
Theo VOA
0 Comments:
Post a Comment