Mỹ lên kế hoạch tuần tiễu các đảo nhân tạo ở Trường Sa

Bản đồ Biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa nhiều nước tranh chấp chủ quyền mà Trung Quốc bồi đắp 7 đảo nhân tạo. (Hình:C.I.A., NASA, China Maritime Safety Administration)
Tin liên quan:
» Xem tiếp
BẮC KINH - Hoa Kỳ đã báo cho các đồng minh Á Châu về kế hoạch tuần tiễu gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở khu vực Trường Sa. Một việc sẽ tạo căng thẳng hơn với Trung Quốc.

Kế hoạch đi tuần tiễu trên Biển Đông có thể đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Hành động này nhằm thách đố nỗ lực của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với một khu vực biển rộng lớn vốn là thủy lộ chiến lược tại Đông Nam Á Châu.

Không ảnh phổ biến những tháng gần đây cho thấy 7 bãi đá ngầm ở khu vực quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc cướp của Việt Nam, đã được bồi đắp thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ. Giới phân tích thời sự tin tưởng chúng sẽ là những căn cứu quân sự quy mô trên biển Trung Quốc nhằm khống chế cả Biển Đông.

Trung Quốc coi những đảo nhân tạo đó là chủ quyền lãnh thổ đòi hỏi các nước khác phải tôn trọng nhưng theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) đảo nhân tạo cũng như các bãi đá ngầm không được kể là những vị trí thực địa để tính chủ quyền lãnh thổ 12 hải lý.

Cho tới nay, Hải Quân Mỹ vẫn kềm chế chưa đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa, kể từ năm 2012 đến nay.

Tháng 5 vừa qua, một máy bay tuần tra Poseidon P-8 trên có một tướng lãnh Hải quân và ký giả hãng tin CNN bay gần một đảo nhân tạo nhưng vẫn còn bên ngoài phạm vi 12 hải lý. Tin tức cho hay truyền tin Hải Quân Trung Quốc 8 lần xua đuổi máy bay Mỹ P-8 rời khỏi khu vực.

Nhiều viên chức Philippines cho hay họ đã được cho biết từ mấy ngày trước về kế hoạch của Hoa kỳ bay ở khu vực Trường Sa. Nghị Sĩ Antonio F. Trillanes IV, chủ tịch Ủy Ban An Ninh Quốc Phòng của Thượng Viện Phi Luật Tân hôm Thứ Hai 12 tháng 10, 2015 là ông hoan nghênh sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter và Ngoại Trưởng John Kerry của Hoa Kỳ dự trù sẽ gặp các đồng cấp của Úc hôm nay và ngày mai ở Boston, Hoa Kỳ mà tờ New York Times nói rằng vấn đề tuần tiễu trên Biển Đông được hai bên thảo luận.

Tham dự cuộc thảo luận còn có đô đốc Harry Harris, chỉ huy trưởng Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Mấy tháng trước, Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu ông Harris đề nghị các giải pháp giúp chính phủ đối phó với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Daniel Kritenbrink, một cố vấn an ninh cấp cao của Tổng Thống Obama nói với một số người trong một phiên họp sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời Hoa Thịnh Đốn rằng kế hoạch cho tàu chiến đi vào phạm vi 12 hải lý đã được chấp thuận và sẽ được tiến hành.

Cả Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài đều đồng thuận thi hành kế hoạch nhưng đã được trì hoãn để không ảnh hưởng đến chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Trung Quốc. Tuy nhiên, người ta không biết khi nào thì sẽ xảy ra, không có một viên chức của chính phủ cũng như hải quân Hoa kỳ hé lộ.

* Quyết tâm của Hoa Kỳ

Ngoại trưởng Philippines, ông Albert F. del Rosario, cho rằng việc Hoa Kỳ cho chiến hạm đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo sẽ giúp duy trì ổn định ở khu vực.

“Không dám thách đố những tuyên bố chủ quyền dối gạt sẽ làm suy yếu trật tự và để Trung Quốc tưởng lầm rằng tuyên bố chủ quyền của họ đã được chấp thuận, coi như mọi việc đã xong.” Ông del Rosario phát biểu qua một bản tuyên bố.

Tuần trước khi có tin Mỹ dự tính cho tàu chiến di chuyển hay máy bay tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo ở Trường Sa, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc qua phát ngôn viên Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) đã nói cứng rằng Trung Quốc không cho phép nước nào thách đố chủ quyền lãnh thổ của họ.

Trên tạp chí thông tin quân sự quốc phòng quốc tế IHS Jane's Defense, nhà phân tích James Hardy cho rằng, nếu Mỹ cho tàu hay máy bay di chuyển bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo ở Trường Sa, tùy theo loại tàu chiến nào, máy bay nào, sẽ cho thấy quyết tâm thách đố của Mỹ đến đâu.

Cho tàu cận duyên đi một mình hay một tuần dương hạm trang bị hỏa tiễn lớp Arleigh Burke có thêm một số tàu chiến nhỏ hơn đi kèm, mang những thông điệp khác nhau.

Theo ông Hardy, Trung Quốc theo đó sẽ có những phản ứng khác nhau từ việc cho máy bay chiến đấu hoặc trực thăng quấy nhiễu, khóa mục tiêu bằng radar để đe dọa, hoặc cho tàu cảnh sát biển và tàu đánh cá đến chặn đường.

Trong một bài phân tích hôm Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015, báo Wall Street Journal cho rằng Mỹ muốn trắc nghiệm lời tuyên bố của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa. (TN)

Theo Người việt
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment