Nhớ Từ Huy, người tình của tuổi học trò



Cố nhạc sĩ Từ Huy, tác giả của bài hát nổi tiếng Ngày Tết quê em, và những bài hát dành cho tuổi học trò một thời áo trắng (1948-2006)
Bây giờ chỉ là gần cuối tháng 8, còn đến 4 tháng nữa mới bước sang năm mới nếu tính theo lịch Tây phương.  Tuy nhiên, ca khúc mà quí vị nghe ngay sau đây sẽ làm cho quí vị nhớ đến không khí rạo rực, vui nhộn của những ngày đầu Xuân, nhớ đến tiếng pháo đì đùng, nhớ cả những đêm thức canh lửa nồi bánh chưng, bánh tét. Thế nhưng, không phải chúng ta sẽ đến với những bài nhạc xuân, mà ca khúc này xin phép để mở đầu câu chuyện tưởng nhớ về cố nhạc sĩ Từ Huy, tác giả của bài hát nổi tiếng Ngày Tết quê em, và những bài hát dành cho tuổi học trò một thời áo trắng.

Tết...tết...tết....đến rồi
Tết đến trong tim mọi người...(Ngày Tết quê em)

Từ Sài Gòn, cho đến Calif; từ Toronto cho đến Úc Đại lợi, và nhiều quốc gia khác nữa, bất cứ nơi nào có người Việt, mỗi khi nghe vang lên bài hát vui tươi, trẻ trung này thì ai ai cũng hiểu rằng: À, mùa xuân đã về trên quê hương mình rồi đó. “Ngày Tết quê em” được cho là một sáng tác nhạc Xuân hay nhất từ năm 1994 đến giờ. Giai điệu, ca từ giản dị, trong sáng mà cố nhạc sĩ Từ Huy đặt vào ca khúc này đã vượt nửa vòng trái đất để đến với tất cả người Việt ở khắp nơi trên địa cầu.

Thanh Trang, một người bạn trẻ, cũng là một người yêu nhạc, hát nhạc của Từ Huy trong suốt những tháng năm học trò cho biết những khi cô nghe bài hát này là lúc cô nhớ quê hương nhiều nhất trong suốt thời gian sống ở xứ người.

“Bài đó tết về mình hay nghe tự nhiên thấy lòng mình có gì đó vui vui, bồi hồi, bao nhiêu những cái bực bội mình bỏ qua hết, lòng thấy vui hẳn. Giai điệu, nhịp nhanh, dồn dập, hứng khởi. Cái từ đó lập đi lập lại nhiều trong bài, “tết,” rất đơn giản. Nó làm cho mình gợi nhớ những cái gì liên quan đến tết. Khi mình nghe câu đó là mình nhớ tết là có cái này, cái kia, rồi mình nhớ đến gia đình mình. Nó cứ vang vang trong đầu mình, gợi nhớ nhiều kỷ niệm.”

Có lẽ những ai từng trải qua thời học trò những năm 80 – 90 đều đã ít nhất một lần đã nghe hoặc thầm hát nghêu ngao ca khúc hồn nhiên, vui tươi trong tâm trạng của kẻ “Mong đợi ngậm ngùi”

Mong đợi ngậm ngùi

“Tan trường tan trường
Tà áo tung bay tựa mây trắng
Tan trường tan trường
Chờ em đi ngang về lối này

Biết rằng tan trường
Kìa em hay đi lề bên ấy
Anh ngồi anh đợi
Ngờ đâu em đi lề bên này…”

Cái hay và tinh tế của Từ Huy là ông đã nhìn thấy được, hiểu được tâm trạng đợi chờ rồi hụt hẫng đáng yêu của các cô cậu học trò tuổi mới lớn. Bằng những hình ảnh giản dị rất đời thường, và ca từ trong sáng như chính lứa tuổi của họ, ông đã tặng cho họ một “Mong đợi ngậm ngùi” làm ca khúc tỏ tình đáng yêu của tuổi áo trắng.

Để nhìn thấy được và nói thay cho tâm tư của tuổi trẻ bằng những ca từ sống động nhưng trữ tình như thế thì phải là một người rất nhạy cảm và có một trái tim trong sáng. Và người hiểu điều này nhất, không ai khác hơn là bà Ngọc Lan, người đã gặp ông ngày ông còn là chàng sinh viên đại học Văn khoa Sài gòn, sau đó trở thành vợ của ông và đi cùng với ông đến cuối cuộc đời.

“Từ Huy là một nhạc sĩ, và anh còn là một nhà thơ. Khi có một ý tưởng hay, hoặc nghe tâm sự về cuộc tình của một ai đó làm anh xúc động là anh có thể sáng tác về điều đó. Anh nhạy cảm với những hình ảnh và câu chuyện mà anh nghe. Ông không qua một lớp sáng tác nào hết. Đó là một năng khiếu, một thiên bẩm.” 

Cho nên, có thể nói rằng Từ Huy là nhạc sĩ của tầng lớp thanh niên, sinh viên và tuổi trẻ nói chung. Giai điệu và ca từ trong nhạc của ông hình như không có tuổi. Dù người nghe ở giai đoạn nào cũng luôn cảm thấy như mình đang ở cái tuổi mười tám đôi mươi, trong vắt như sương.

Nói chung là thế hệ trẻ, nên ông nhạy cảm với những tình cảm trong sáng của thanh niên, cho nên có những bài như ‘Mong đợi ngậm ngùi’, rồi ông đi Đà Lạt thì nhạy cảm với những hình ảnh thơ mộng ở đó, ông đặt là ‘Đà Lạt mộng mơ’”

Tranh nhạc sĩ Từ Huy (VTC-News)
Ông dùng âm nhạc để nói thay cho nỗi lòng của người trong cuộc, thì ông cũng dùng âm nhạc để nói lên hạnh phúc của chính mình. Ông gọi đó là “Ngày em đến”

Ngày em đến

“Ngày em đến đôi mắt long lanh thơ ngây mơ màng
Ngày em đến đôi má hây hây hương nồng nàn
Làm si mê bao gã si tình
Làm cho anh nhức nhối tâm hồn
Buồn miên man thao thức suốt đêm khuya…”


“Ngày xưa tôi cũng là một sinh viên của đại học Văn Khoa. Chúng tôi gặp nhau trong trường. Rồi có những cuộc đi làm từ thiện, giúp cho trẻ em mồ côi. Thì anh hay đánh đàn và hát cho các em nghe những bài hát của thiếu nhi. Tôi ngưỡng mộ và từ đó chúng tôi đến với nhau. Bài ‘Ngày em đến’ anh nói rằng anh viết cho tôi.”


Nhạc sĩ Vũ Hoàng, người em út của nhóm “Những người bạn” thành lập năm 1993, nói về sự kính trọng ông dành cho người anh, người bạn sáng tác của mình:

“Công việc sáng tác của anh Huy rất đa dạng và viết rất tình tứ, trong bài hát viết về Đà lạt mộng mơ, rồi nói về chuyện tình yêu đôi lứa. Xúc động là bài “tung bay tà áo tung bay” nói về ngành du lịch rất hay. Rồi bài ‘Ngày em đến’. Trong giai đoạn sáng tác ông để lại được rất nhiều bài. Mọi người rất nhớ đến ông.”


Một thoáng quê hương

“Tà áo em... bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng
Tà áo em... bay bay bay bay trên phố dịu dàng
Áo bay trên đường như mây xuống phố
Áo tung sân trường tựa- cánh chim câu…”

Những sáng tác của cố nhạc sĩ Từ Huy đa dạng, theo cách nói của nhạc sĩ Vũ Hoàng, đó là ông có thể viết về sắc màu vui tươi của một mùa lễ hội,  mang sức sống của cả một dân tộc, thì ông cũng có những ca khúc tình yêu mềm như một cơn mưa của buổi chiều chủ nhật.

Cơn mưa chiều chủ nhật

“Cơn mưa chiều chủ nhật làm tim em nhói đau
Vì mưa anh không đến hay vì đâu vì đâu
Cơn mưa tràn ngập hồn, lời mưa như thở than
Hôm nay trời bình lặng mà trong em vẫn cứ mưa hoài…”

Người nghe nhạc của Từ Huy, dù là độ tuổi nào, thế hệ nào cũng không bao giờ tìm thấy sự muộn phiền của quá khứ. Là một nhà thơ, một hoạ sĩ, và một nhạc sĩ, cái đẹp được ông chắt lọc và gửi đến cho đời bằng sự toàn vẹn nhất. Hình như ông đã xác định rằng mình đến thế giới này là mang đến cho cõi đời những âm thanh ngọt ngào của một ngày

Những ca khúc trữ tình, nhẹ nhàng của Từ Huy đẹp và hiền hoà như chính con người của ông. Đôi mắt hiền phía sau cặp kính cận, mái tóc dài bồng bềnh rất nghệ sĩ, và đặc biệt, ông luôn truyền sang cho người đối diện sự lạc quan trước mọi hoàn cảnh. Giờ đây, bên ngoài khung cửa, dù không phải là mùa xuân, nhưng những nốt nhạc vui tươi, sống động của ông như đang ngân rung thổi vào lòng người ngọn gió xuân, mang đến một niềm vui vĩnh cửu.

Cát Linh
phóng viên RFA
Theo RFA
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment