"…Chính vào lúc này, người ta nhận ra một trống vắng kinh hoàng: không có ‘Chân dung quyền lực’..."
Những bất thường của Hội nghị 12
Các tin khác: |
Một dấu hiệu bất thường khác là chỉ 3 ngày trước khi Hội nghị trung ương 12 của đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc vào ngày 5/10/2015, trên báo mạng The Diplomat xuất hiện một bài viết của giáo sư Carl Thayer – một chuyên gia thuộc Học viện quốc phòng Úc chuyên theo dõi tình hình chính trị VN, nay đã nghỉ hưu. Vượt trên tất cả các tin tức thời luận, bài viết này khẳng định sẽ diễn ra một hội nghị trung ương vào tháng 10, mà nếu không đi đến thống nhất thì sẽ có một hội nghị trung ương nữa vào tháng 11.
Ngay trước mắt, bài viết trên đã chính xác về thời điểm diễn ra Hội nghị Trung ương 12, trong khi các báo đài quốc tế và các trang mạng xã hội đều chẳng có thông tin nào về sự kiện này. Thậm chí giới quan sát và truyền thông quốc tế còn tỏ ra bất ngờ trước việc chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 12 được tổ chức một cách quá kín tiếng và “vận động” trước cả chuyến thăm VN của Tập Cận Bình như thế.
Câu hỏi không thể bỏ qua là tại sao trong khi giới quan sát và truyền thông không có tin tức nào về Hội nghị Trung ương 12, giáo sư Carl Thayer lại biết về sự kiện này; thậm chí trong bài viết của mình, ông còn nêu ra hai phương án nhân sự tổng bí thư là “một trong hai người miền Nam là Trương Tấn Sang hoặc Nguyễn Tấn Dũng”, hoặc Nguyễn Phú Trọng sẽ tái nhiệm?
Cần lưu ý rằng chỉ trước Hội nghị Trung ương 12 khoảng một tuần mới xuất hiện tin ngoài lề về phương án “Nguyễn Phú Trọng sẽ tái nhiệm”. Còn trước đó hoàn toàn không có thông tin nào về kịch bản khó hình dung này.
Là một người khá có thiện cảm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Thayer thường đề cập đến những phát biểu và phát ngôn của Thủ tướng Dũng về Biển Đông và thái độ đối với Trung Quốc. Gần đây, ông Thayer cũng không giấu nhận xét của mình rằng trong số các ứng cử viên cho chức tổng bí thư tại Đại hội 12, ông Nguyễn Tấn Dũng có triển vọng hơn cả.
Tuy nhiên, cũng có một luồng dư luận cho rằng thái độ ủng hộ của ông Thayer đối với Thủ tướng Dũng là hơi hấp tấp và thiếu chiều sâu. Trong thực tế từ năm 2011 đến nay, ông Dũng chỉ nói mà chưa có một hành động cụ thể nào về Biển Đông và với Trung Quốc. Do vậy chưa có gì bảo đảm là một khi nắm được quyền lực trong tay, ông Dũng sẽ dám đối đầu với Trung Quốc và sẽ mở cửa cho dân chủ hóa đất nước.
Nếu có thể so sánh, chỉ là ông Nguyễn Tấn Dũng nói có vẻ mạnh mẽ hơn đôi chút so với ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước.
Sau bài viết của ông Thayer trên tờ The Diplomat, luồng dư luận trên cũng cho rằng ông Thayer có thể đã được “đặc cách” tiếp nhận những thông tin có tính cách hết sức nội bộ của VN và do đó vài dự đoán của ông đã trở nên xác thực.
Chân dung quyền lực chưa tái hiện
Khi năm 2014 đã kết thúc mà không diễn ra Hội nghị Trung ương 10 như dự kiến, rất nhiều dư luận đã xôn xao về thế bế tắc trong kế hoạch chuẩn bị nhân sự chủ chốt cho Đại hội 12, mà khởi đầu là tình trạng lưỡng lự trong việc tổ chức thăm dò ý kiến của 200 ủy viên Trung ương và dự khuyết về nhân sự tổng bí thư. Dư luận xã hội càng đặc biệt phân tán lẫn phấn khích khi đúng vào thời gian đó, trang blog Chân dung quyền lực phát huy chưởng lực tấn công “sân sau” của nhiều ủy viên Bộ Chính trị.
Công việc tổ chức hội nghị trung ương lại thuộc về những người bên đảng. Kết quả đợt thăm dò ý kiến trong Ban Chấp hành Trung ương vào đầu năm 2015 có lẽ đã phần nào phản ánh việc cố ý trì hoãn tổ chức Hội nghị Trung ương 10: nhiều nguồn tin cho rằng Thủ tướng Dũng đã nhận được tỷ lệ phiếu ủng hộ cao nhất cho chức vụ tổng bí thư, đứng thứ hai mới là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Phần lớn những người bên đảng có lẽ chìm sâu trong thất vọng sau kết quả này.
Tưởng như mọi chuyện đã an bài về thế cuộc cho tới Đại hội 12. Thế nhưng Hội nghị Trung ương 11 vào giữa năm 2015 lại được tổ chức đúng thời điểm, mà trước đó hai tháng đã diễn ra một đợt điều động nhân sự của “tập thể Bộ Chính trị” đối với gần 60 người là chủ tịch và bí thư tỉnh thành về trung ương, bổ sung một đội ngũ phó ban hùng hậu quá đáng cho các ban đảng, đặc biệt là Ban Tổ chức trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính trung ương. Thậm chí có ban “cơ cấu” đến 10 phó ban hoặc hơn thế.
Tương tự, trong vòng khoảng 2 - 4 tuần trước Hội nghị Trung ương 12 năm 2015, đã diễn ra một đợt điều động nhân sự một số chủ tịch và bí thư tỉnh, tiếp tục khiến các ban đảng lạm phát nhân sự phó ban. Ngay thời điểm khai mạc Hội nghị Trung ương 12, Bộ Quốc phòng đã vọt chẵn 10 thứ trưởng. Thậm chí, công tác bố trí nhân sự chủ chốt cho một số tỉnh thành còn diễn ra trước cả đại hội đảng bộ tại các địa phương đó.
Tổ chức, tổ chức và tổ chức… Mọi chuyện đã trở nên gấp gáp, quá gấp gáp. Được tổ chức sớm hơn dự định, Hội nghị Trung ương 12 mang dáng dấp có vẻ khá tự tin thuộc về Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa và cao hơn nữa là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khác hẳn với Hội nghị Trung ương 6 vào cuối năm 2012 với hình ảnh khăn chấm lệ trong diễn văn bế mạc, dường như TBT Trọng lại tự chủ hơn tại Hội nghị Trung ương 12. Bài diễn văn khai mạc của ông - trong khi chẳng tìm ra cụm từ kinh điển nào về “xã hội chủ nghĩa”, “chủ nghĩa xã hội” hoặc “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” - lại nhấn nhá ẩn từ trong ngoặc kép mà do đó có vẻ không mang tính đảng văn lắm: “Bộ Chính trị báo cáo về chuẩn bị nhân sự cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cho khóa tới ; đưa ra các tiêu chuẩn về cơ cấu, số lượng, độ tuổi…, nhất là xem xét trường hợp ‘đặc biệt’ đối với các ủy viên Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tái cử”.
Có người cho rằng “đặc biệt” về trần tuổi của “tứ trụ”. Nhưng cũng có người ám chỉ tính chất đặc biệt đối với vấn đề “chính trị hiện nay”.
Nụ cười của những người bên đảng cũng nở hơn cùng tần suất cao hơn so với Hội nghị Trung ương 10, cho dù không khí vẫn được mô tả là “quyết liệt”. Chính vào lúc này, người ta nhận ra một trống vắng kinh hoàng: không có Chân dung quyền lực.
Đó cũng là một dấu hiệu bất thường nói lên nhiều điều và nhiều diễn cảm.
Giằng co đến ‘phút 89’
Hẳn là vậy. Vào hai Hội nghị Trung ương 11 và 12, nhiều ủy viên Bộ Chính trị đã thở phào vì không còn bóng dáng ngự trị và tung hoành của trang Chân dung quyền lực. Thay vào đó, màn khẩu chiến trên mạng chỉ diễn ra ở vài blog và facebook, với lẻ tẻ vài bài viết chứ không dày dặn ghê gớm như chiến dịch tổng lực mà Chân dung quyền lực đã tung ra vào cuối năm ngoái.
Vốn không thông thạo các sở đoản về thông tin, truyền thông và mạng xã hội, những người bên đảng có thể cảm thấy thật may mắn vì họ không còn bị “thế lực thù địch” công kích thậm tệ, ít nhất tới Hội nghị Trung ương 12 này.
Dĩ nhiên, Hội nghị Trung ương 12 chưa phải là cao trào. Vẫn có thể diễn ra những Hội nghị Trung ương lần thứ 13 và 14 trước khi Đại hội đảng 12 đạt đỉnh vào đầu năm 2016.
Nếu chỉ nhìn trên bề mặt của hai Hội nghị Trung ương 11 và 12, một số người có thể cho rằng nội bộ “đảng ta” đã đoàn kết trở lại. Nhưng trong thực tế, mặt nước như đang trở về trạng thái phẳng lặng mù sương để tích dồn một con sóng lớn tiếp theo vào cuối năm 2015.
Chính trường Việt Nam luôn tiềm ẩn “phút 89”.
Phạm Chí Dũng
Theo VOA
Phạm Chí Dũng
Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'.
0 Comments:
Post a Comment