Doanh nghiệp nhà nước Việt Nam nợ 1.5 triệu tỷ đồng

Hàng triệu Mỹ kim đã được tập đoàn Vinashin đổ ra để rước tàu Vinashin Bay về neo tại Nhà Bè, Sài Gòn như một đống sắt vụn suốt từ năm 2010 đến nay. (Hình: Tuổi Trẻ)
Các tin khác
» Xem tiếp
HÀ NỘI - Dù biết rằng nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước rất lớn nhưng con số vừa kể vẫn làm nhiều người choáng váng, đặc biệt là khi khối nợ khổng lồ này là nợ đến hạn phải trả.

Đáng nói là khoản nợ 1.5 triệu tỷ đồng (hay khoảng trên dưới 64 tỷ đô la) chỉ là mức tạm tính cho đến năm 2014 chứ không phải thực nợ tính đến lúc này.

Trong 1.5 triệu tỷ đồng nợ nần mà các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam tạo ra, có 380,000 tỷ đồng (hay trên dưới 15 tỷ đô la) là nợ ngoại quốc, bao gồm nợ do chính phủ Việt Nam đứng ra bảo lãnh để các doanh nghiệp nhà nước vay trực tiếp và nợ do các doanh nghiệp này vay lại sau khi chính phủ Việt Nam vay từ các nguồn hỗ trọ phát triển (ODA).

Ngoài việc mắc nợ ngoại quốc, mắc nợ chính phủ (thực chất là vay của người nộp thuế), các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam còn nợ hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tại Việt Nam 550,000 tỷ đồng.

Hiện chưa rõ nợ của các doanh nghiệp nhà nước chiếm bao nhiêu trong tổng số 42,520 tỷ nợ xấu (cách gọi những khoản vay coi như mất trắng, không thể đòi lại) của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam nhưng chắc chắn là không nhỏ.

Bên cạnh nợ ngoại quốc, nợ vay từ các khoản ODA mà chính phủ Việt Nam đã vay, nợ hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam còn nợ thuế hàng ngàn tỷ đồng.

Hồi đầu tháng này, chế độ Hà Nội đã trình đề nghị xóa các khoản nợ thuế cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, kèm theo dự luật sửa đổi một số điều của các luật về thuế để Quốc Hội Việt Nam phê duyệt.

Theo đó, trừ các doanh nghiệp tư nhân tuy thiếu thuế song đã ngưng hoạt động từ lâu, chẳng còn gì để “nắm,” những doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc Hội Việt Nam xóa các khoản nợ về thuế đều là doanh nghiệp nhà nước hoặc thiếu thuế vì lỡ làm ăn với doanh nghiệp nhà nước.

Gần như chắc chắn Quốc Hội của chế độ sẽ gật đầu với đề nghị này. Ngân sách Việt Nam sẽ mất thêm hàng ngàn tỷ vì các doanh nghiệp nhà nước được xóa những khoản thuế còn thiếu, sau khi đã mất nhiều triệu tỷ đồng đầu tư vào các doanh nghiệp này.

Rất ít người phản đối đề nghị xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước như bà Võ Thị Dung, một đại biểu của thành phố Sài Gòn tại Quốc Hội Việt Nam.

Bà Dung phản đối đề nghị vừa kể vì chỉ xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra sự bất bình đẳng. Bà ta nêu thắc mắc: Tại sao doanh nghiệp tư nhân nợ thuế thì phải đóng tiền phạt, trả lãi do chậm nộp thuế còn doanh nghiệp nhà nước thiếu thuế thì được xóa nợ? Đồng thời yêu cầu phải xác định vì sao các doanh nghiệp nhà nước nợ thuế. Không thể dùng chính sách để “cào bằng” và mở đường cho những doanh nghiệp nhà nước khác chạy nợ về thuế. Một chính sách cào bằng như vậy sẽ không giải quyết được sự bất bình đẳng. Điều đặc biệt nguy hiểm là chấp nhận xóa nợ thuế theo đề nghị của chính phủ Việt Nam sẽ tạo ra sự chây ỳ nơi các doanh nghiệp nhà nước chưa nộp thuế, bởi tạo ra nhận thức rằng khi cổ phần hóa sẽ được xóa nợ thuế.

Bởi các doanh nghiệp nhà nước là một thứ “con cầu tự” nên thường là không trước thì sau, chính quyền Việt Nam cũng sẽ tìm cách đáp ứng mọi yêu cầu của loại “con cầu tự” này cho dù chúng chỉ “ăn hại, đái nát” làm kinh tế Việt Nam kiệt quệ. (G.Đ)

Theo Người việt
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment