Pháp tấn công IS từ hàng không mẫu hạm

Có 26 chiến đấu cơ được chở trên hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của Pháp

Tin liên quan
» Xem tiếp
Pháp vừa có những sứ vụ đầu tiên chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), được tiến hành từ hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle, các nguồn tin quân sự nói.

Chiếc hàng không mẫu hạm vừa được triển khai chở theo 26 chiến đấu cơ, khiến tăng gấp đôi khả năng chiến đấu của Pháp.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói ông cương quyết tấn công IS tại Syria và Iraq, sau khi nhóm này nhận trách nhiệm về các vụ tấn công chết người tại Paris mới đây.

Cảnh sát Bỉ nói hiện họ đã bắt giữ thêm năm người trong các vụ bố ráp chống khủng bố.

Pháp đã tăng cường ném bom IS sau các vụ tấn công khiến 130 người thiệt mạng tại Paris.

Thủ tướng Anh Cameron và Tổng thống Pháp Hollande bên ngoài nhà hát Bataclan ở Paris

Vụ tấn công tại Paris gây tác động lớn đến tâm lý dân Anh

Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron nói "thế giới kết đoàn" để chiến đấu chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) khi ông họp bàn với Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande.

Phát biểu tại Paris, Thủ tướng Anh nói 'niềm tin vững chắc' của ông là Anh cần tham gia các cuộc không tập tại Syria nhưng quyết định sẽ phải tùy thuộc ở do các dân biểu.

Ông cho biết ông sẽ nêu vấn đề ra trước Quốc hội trong tuần này và Quốc hội sẽ biểu quyết trước Noel.

Anh Quốc cho phép quân Pháp sử dụng căn cứ không quân Akrotiri của Anh tại Cyprus.

Trong khi Pháp thúc đẩy có liên minh quốc tế chặt chẽ hơn chống lại IS sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố tại Paris khiến 130 người thiệt mạng, Tổng thống Pháp nói rằng đất nước ông sẽ "tăng cường" hoạt động của họ tại Syria.

IS cũng nhận trách nhiệm các vụ tấn công tại Tunisia, Ai Cập, Beirut và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với một số các vụ khác.

Ông Cameron cho biết việc nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được đồng loạt thông qua hôm thứ Sáu mà theo đó hứa hẹn cộng đồng quốc tế sẽ "tăng gấp đôi" các hoạt động chống lại IS, bày tỏ sự đoàn kết tại đây trong cuộc chiến chống lại phần tử thánh chiến tại châu Âu và trên thế giới.

"Chúng tôi đã bày tỏ quyết tâm vững chắc của mình và sẽ cùng nhau đập tan mối đe dọa độc ác này," ông nói.

Hiện tại, Không quân Hoàng gia Anh chỉ có thể ném bom vào các mục tiêu như vậy tại Iraq, sau khi các dân biểu bỏ phiếu hồi năm 2013 không cho phép ném bom ở Syria. Nhưng sau đó họ đã phê chuẩn các cuộc không tập của Anh chống lại những kẻ cực đoan IS tại Iraq.


Pháp đã oanh kích IS tại Syria và Anh đang muốn vào cuộc

Ông Cameron đang chuẩn bị đưa ra các kế hoạch cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn tại Syria trong tuần này, sau khi có phúc trình của Ủy ban Ngoại giao rằng Anh không nên tham gia các cuộc ném bom của đồng minh vào Syria nếu không có một chiến lược phối hợp quốc tế chống lại IS.

"Tôi mạnh mẽ ủng hộ hành động mà Tổng thống Hollande đã thực hiện nhắm vào IS tại Syria và đó là niềm tin vững chắc của tôi rằng Anh Quốc cũng cần phải làm như vậy. Tát nhiên đây sẽ phải là quốc định của Quốc hội."

'Con đường chính trị'

Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon, người sẽ báo cáo tình hình với các dân biểu Anh tại Quốc hội vào thứ Tư tới, không muốn nói về việc khi nào các dân biểu sẽ được yêu cầu biểu quyết nhưng ông nói tới khả năng quân sự của Anh Quốc - như sử dụng hỏa tiễn Brimstone - sẽ là một đóng góp quan trọng cho cuộc chiến quốc tế chống cực đoan.

Trả lời chương trình Today - Ngày nay - của đài BBC Radio 4, Thủ tướng Cameron nói:

"Dễ hiểu là các dân biểu muốn bảo đảm rằng đi theo cả con đường chính trị, rằng chúng ta sẽ làm việc với tất cả các nước trong vùng để tạo ra một chính phủ trung hòa và toàn diện tại Syria có thể đem lại an ninh dài lâu sau khi các cuộc không tập kết thúc.

"Nhưng chúng ta cũng sẽ phải nêu vấn đề về đạo lý khi không lực Pháp, Mỹ và Úc phải bay nửa vòng thế giới để tham gia và chúng ta không thể để họ nhận toàn bộ gánh năng đó, mọi nguy hiểm trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo thay mặt cho chúng ta."

Quan chức thuộc đảng đối lập theo dõi vấn đề quốc phòng, bà Maria Eagle, nói với BBC:

"Chúng tôi không biết liệu Thủ tướng sẽ đưa ra những gì... và khi nào các dân biểu có thể được thấy một kế hoạch có thể được tất cả ủng hộ, thì sẽ có khả năng chúng tôi sẽ đồng ý về một hướng đi tới."

Anh Quốc sẽ mua thêm 138 phi cơ F35 trong 10 năm tới


Bà nói thêm: "Chúng ta cần biết xem kết hoạch mà thế giới đưa ra sẽ có hiệu quả trước khi quyết định biểu quyết như thế nào và liệu Đảng Lao Động sẽ định hướng các dân biểu của mình ra sao."

Thủ tướng Anh sẽ ra trước Hạ Viện trong tuần này để trình bày một chiến lược "toàn diện" - bao gồm quân sự, chống khủng bố và các hoạt động nhân đạo.

Trong khi đó Tổng thống Pháp, ông Hollande, sẽ gặp Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, tại Tòa Bạch Ốc vào thứ Ba, để thảo luận thêm việc tăng cường các nỗ lực quốc tế chống lại IS. Tổng thống Pháp sau đó sẽ tới Nga để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin.

Cũng trong ngày đầu tuần, chính phủ của Thủ tướng David Cameron vừa công bố sẽ chi 178 tỷ bảng ($270 tỷ USD) cho đầu tư quốc phòng trong vòng 10 năm tới.

Chính phủ Anh không chỉ tăng cường các phi đội F35 cho hai hàng không mẫu hạm, dự kiến hoạt động vào năm 2023, mà còn cho lập các lữ đoàn phản ứng nhanh gồm 5000 quân để triển khai trong những năm tới.

Quyết định tăng cường quân bị được chính phủ Anh đưa ra dựa trên đánh giá của họ về tình hình an ninh toàn cầu, nhất là với khủng hoảng tại Trung Đông và Ukraine

Theo BBC
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment