Tại sao quyền hành nghề luật sư bị vi phạm thô bạo tại Việt Nam?

Mẹ và anh chị của nạn nhân Đỗ Đăng Dư cầm biểu ngữ phản đối. (Facebook: Dung Truong)
Cùng tác giả
» Xem tiếp
Ngày 3/11/2015 vừa qua, Luật sư Trần Thu Nam và Luật sư Lê Văn Luân bị một nhóm người lạ mặt vô cớ vây đánh trọng thương và cướp điện thoại, khi tới tiếp xúc lấy lời khai của các nhân chứng tại nhà bà Đỗ Thị Mai, mẹ của nạn nhân vị thành niên Đỗ Đăng Dư bị đánh chết ngày 5-11-2015 tại đồn công an trong thời gian tạm giam vì bị tình nghi trộm cắp tiền bạc của người hàng xóm.

Cái chết của Đỗ Đăng Dư mà gia đình nạn nhân và nhiều người cho là có thể do công an khi điều tra xét hỏi dùng cực hình tra tấn ép cung gây ra mặc dù công an đưa ra nguyên nhân cái chết của nghi can là do đồng tù chung phòng đánh đập. Theo số liệu không chính thức, trong thời gian 3 năm qua, ở Việt Nam có tới 226 trường hợp người chết trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ.

Sáng ngày 12/11/2015, Luật sư Trần Vũ Hải đã bị khoảng 10 công an mặc thường phục đến nhà bắt vô cớ, trái pháp luật, đưa tới đồn công an ở nơi ông cư trú, thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Một số người trong giới luật sư ở Việt Nam không muốn nêu tên cho biết ông Hải bị bắt giữ vì mới đây ông được Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội phân công tìm hiểu làm sáng tỏ vụ hành hung gây thương tích trầm trọng cho hai đồng nghiệp là Luật sự Trần Thu Nam và Luật sư Lê Văn Luân, khi họ đang tác nghiệp với thân chủ.

Công luận trong và ngoài Việt Nam rất bất bình khi nhìn hình ảnh hai Luật sư Nam và Luân bị đánh sưng mặt và đầy máu, cũng như Luật sư Hải cho hay “Tôi là luật sư nhưng họ bắt tôi như con chó, con lợn…” và và “lại có những hành động rất là vô văn hóa…”. Sự thể này cho thấy quyền hành nghề luật sư bị vi phạm thô bạo tại Việt Nam. Vì sao?

Theo nhận định của chúng tôi, câu trả lời tổng quát là vì tại Việt nam vẫn tồn tại một chế độ độc tài toàn trị với một “nhà nước pháp quyền” (rule by law), chứ không phải “nhà nước pháp trị” (rule of law) như trong các chế độ dân chủ tự do. Chính trong khung cảnh này mà quyền hành nghề của luật sư không an toàn về mặt pháp lý, dẫn đến các hành động vi phạm thô bạo đến nhân thân về mặt thực tế. Vậy đâu là sự khác biệt giữa một nhà nước pháp quyền và nhà nước pháp trị?

Theo sự hiểu biết của chúng tôi thì, nhà nước pháp quyền là nhà cầm quyền cai trị bằng pháp luật do các cơ quan lập pháp của chế độ làm ra, chỉ có tính cưỡng hành một chiều với nhân dân (những giai cấp bị trị), còn đối với nhà cầm quyền (giai cấp thống trị) chỉ thi hành luật pháp tùy tiện theo lợi ích nhà nước, mà không cần tuân thủ pháp luật.

Trong khi nhà nước pháp trị là nhà cầm quyền cai trị theo pháp luật do các cơ quan lập pháp dân cử làm ra, có tính cưỡng hành với nhân dân và cả nhà cầm quyền cũng phải tôn trọng pháp luật, mọi vi phạm pháp luật của người dân cũng như nhà cầm quyền đều bị chế tài theo pháp luật.

Tại Việt Nam, sau 30-4-1975 thống nhất đất nước, đảng CSVN đã thiết lập chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị cộng sản(Cộng hòa xã hội chủ nghĩa) với quan điểm Mác xít về tính chất (giai cấp) và vai trò của nhà nước (công cụ của giai cấp thống trị) đã coi luật pháp cũng chỉ là công cụ của nhà nước chuyên chính vô sản.

Vì vậy, suốt 40 năm qua (1975-2015), nhà cầm quyền CSVN đã cai trị nhất quán bằng nghị quyết của đảng CSVN, dù có được Quốc hội (của đảng, do đảng và vì đảng) thể chế hóa thành pháp luật (chúng tôi gọi là “nghị luật”). Các cơ quan thi hành nghị luật như công an, tòa án nhân dân cũng chỉ là công cụ của đảng CSVN.

Vai trò bào chữa cho các bị can, bị cáo trước các cơ quan tư pháp Việt Nam, đi từ tên gọi bào chữa viên nhân dân (1976-1989), đến luật sư (1989-2015) đều không có tính độc lập về tổ chức cũng như hoạt động nghề nghiệp. Các đoàn thể nghề nghiệp này chỉ là một bộ phận trang trí cho chế độ, vẫn không thoát khỏi vòng kim cô “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Muốn có tư cách “bào chữa viên nhân dân” điều kiện tiên quyết phải là cán bộ, công nhân viên nhà nước, không cần bằng cấp chuyên môn, mà chỉ cần có kiến thức luật pháp (nắm vững nghị quyết của đảng).

Từ sau năm 1989 Đoàn Luật sư Thành phố HCM được thành lập theo các quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố, điều kiện phải là cán bộ, công nhân viên nhà nước mới được bãi bỏ, và quy chế hành nghệ buộc phải có bằng cấp chuyên môn về luật, cũng phải tập sự ba năm như Quy chế Luật sư đoàn Sài Gòn trong chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trước năm 1975 ở Miền Nam. Nhưng dù là tổ chức Bào chữa viên nhân dân hay Đoàn luật Sư cũng phải có chi bộ đảng lãnh lãnh đạo, trưởng và phó đoàn đều phải là đảng viên CS.

Chúng tôi nhớ lại, trưởng đoàn và phó đoàn Bào chữa viên nhân dân Thành phố HCM là hai cựu sinh viên Luật khoa Sài Gòn nằm vùng và đã được kết nạp vào đảng CSVN trong khi còn hoạt động bí mật nội thành - đó là cựu Thẩm phán công tố VNCH Triệu Quốc Mạnh và Luật sư Nguyễn Đăng Trừng. Sau khi đổi tên thành Đoàn Luật sư TP HCM, hai người này vẫn giữ chức vụ trưởng đoàn và phó đoàn. Trong cuộc bầu lại ban lãnh đạo Đoàn Luật sư TP HCM vừa qua, Nguyễn Đăng Trừng đã không được bầu mà còn bị khai trừ khỏi đảng CSVN, không rõ vì sao.

Tuy nhiên khách quan, công bằng mà nói, kể từ sau khi thực hiện chính sách “Mở cửa” 20 năm qua (1995-2015), thực tế đã đẩy đưa từng bước “nhà nước pháp quyền” qua “nhà nước pháp trị” theo một tiến trình chuyển đổi trái với ý muốn của đảng và nhà cầm quyền Việt Nam. Vì vậy trên thực tế, nhà cầm quyền CSVN cũng đã phải từng bước trả lại cho nhân dân các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền căn bản. Người ta hy vọng và tin tưởng rằng nhà nước pháp trị sẽ hình thành ở cuối quá trình chuyển đổi này trong một tương lai không xa. Vì chỉ trong khung cảnh nhà nước pháp trị, các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền, trong đó có quyển hành nghề của các luật sư, mới được tôn trọng, bảo vệ và hành xử theo pháp luật, độc lập với các cơ quan tư pháp nhà nước.

Nhớ lại, trong nhà nước pháp trị VNCH ở Miền Nam trước năm 1975, mặc dù còn phôi thai và nhiều khuyết điểm, các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền, trong đó có quyền hành nghề luật sư của chúng tôi, đã được nhà cầm quyền tôn trọng, bảo vệ và hành xử một cách phù hợp với hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh. Chẳng hạn, theo luật Tố tụng Hình sự VNCH, luật sư với vai trò phụ tá công lý có quyền tham gia vào các vụ án hình sự hay vụ kiện dân sự ngay từ khi khởi tố hay khởi kiện. Luật sư chỉ cần nộp thư nhiệm cách vào bất cứ giai đoạn nào của tiến trình tố tụng, không cần đợi sự cho phép của cơ quan thụ lý vụ án hay vụ kiện. Các cơ quan tố tụng như cảnh sát tư pháp, tòa án (công tố, xử án) có trách nhiệm để cho luật sư tham khảo hồ sơ và thông báo kịp thời cho luật sư tham dự các vụ hỏi cung theo luật (để tránh tình trạng dùng nhục hình ép cung); nếu vi phạm, các biên bản hỏi cung có thể trở nên vô hiệu. Điều này trong nhà nước pháp quyền hiện nay tại Việt Nam vẫn còn là một đòi hỏi chính đáng của giới luật sư nhưng chưa được đáp ứng. Một số đồng nghiệp của chúng tôi đang hành nghề tại Việt Nam than phiền rằng, muốn đại diện pháp lý cho thân chủ, luật sư phải có đơn xin phép (chế độ xin cho), có được cơ quan chức năng chấp nhận mới được hành nghề và luôn bị gây khó khăn phiền phức khi tham gia vụ án có liên quan đến đảng và nhà nước, thậm chí có thể bị hành hung như trường hợp hai Luật sư Nam và Luân, hoặc bị bắt giam như Luật sư Hải mới xẩy ra.

Vậy thì, muốn cho vai trò và quyền hành nghề luật sư, cũng như các nhân quyền, dân quyền, nhân quyền căn bản được tôn trọng, bảo vệ và hành xử trọn vẹn tại Việt Nam; chấm dứt được tình trạng công an giả dạng thường dân đánh đập tàn bạo để đe dọa, khủng bố luật sư khi đang thực hiện nghiệp vụ như hai luật sư Nam và Luân; hay bị bắt bớ giam cầm trái phép, đối xử tàn tệ; cũng như tránh tình trạng tra tấn ép cung các nghi phạm (như trường hợp vị thành niên Đỗ Đăng Dư)… chúng tôi nghĩ rằng không có con đường nào khác ngoài con đường chuyển đổi hòa bình từ “nhà nước pháp quyền” trong chế độ độc đảng, độc tài toàn trị hiện nay, qua “nhà nước pháp trị” trong chế độ đa đảng, dân chủ pháp trị ở tương lai. Đảng và nhà cầm quyền CSVN nghĩ sao?

***

Chú thích: Năm 1989, theo yêu cầu của Hội Luật gia TP HCM về việc viết tham luận để góp ý với Đại hội 7 của đảng CSVN, chúng tôi có viết bài “Vai trò của luật sư trong nền dân chủ pháp trị xã hội chủ nghĩa”với bút hiệu Luật gia Thiện Ý, gửi qua Hội Luật gia Thành phố. Hai năm sau (1991) bất ngờ có một nhân viên Tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng đến gặp chúng tôi để đưa 30 đồng tiền lúc bấy giờ, nói là tiền nhuận bút cho bài viết vừa nêu. Tôi thắc mắc hỏi là bài này tôi gửi cho Hội Luật gia cách nay hai năm, sao bây giờ mới đăng tải. Nhân viên này cho hay tòa soạn có nhận được bài này, thấy có giá trị nên giữ lại, không dám đăng, vì lúc đó Đảng chưa có quan điểm về “dân chủ pháp trị”. Nay sau Đại hội 7, Nghị quyết Đại hội đã đưa ra mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền. Thảo nào, sau đó các cơ quan tuyên truyền của nhà nước đã cổ vũ và giáo dục nhân dân “sống và làm việc theo pháp luật”. Nhưng thực tế, các cán bộ đảng viên CS vẫn tiếp tục “sống và làm việc theo nghị quyết của đảng”.

Thiện Ý
Theo VOA
Thiện Ý

Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston.
Share on Google Plus

Diễn đàn Facebook

0 Comments:

Post a Comment