"...Trường đại học kinh doanh và công nghệ lại mở ngành đào tạo y dược thật là một sự kiện vô tiền khoáng hậu mà gần như không thấy có ở các nước khác trên thế giới..."
Cùng tác giả |
Tại sao trường kinh doanh dạy y học?
Việc một trường đại học kinh doanh và công nghệ lại mở ngành đào tạo y dược thật là một sự kiện vô tiền khoáng hậu mà gần như không thấy có ở các nước khác trên thế giới. Ở các nước, thường thì các ngành đặc biệt như y dược, sư phạm, luật học sẽ gom thành một khối đào tạo chung.
Mục tiêu của việc này là các chuyên ngành (cùng nằm trong trường y) có thể hỗ trợ nhau về cơ sở vật chất, hạ tầng, giảng viên, tư liệu,… Điều này vừa giúp sinh viên có thể học trong môi trường có điều kiện tốt, vừa không gây lãng phí đầu tư hạ tầng.
Việc để trường kinh doanh, công nghệ dạy y dược không những lãng phí về mặt đầu tư vì các ngành không hỗ trợ được cho nhau, mà còn tạo ra một môi trường hỗn tạp không có lợi cho việc đào tạo ngành y, vốn cần có một văn hóa sư phạm riêng để tạo ra những bác sĩ, dược sĩ vừa có tài, vừa có tâm. Mặt khác, dù lãnh đạo Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và lãnh đạo Bộ Giáo dục cho biết trường này đủ điều kiện đào tạo ngành y, các phản ánh của báo chí và giới chuyên gia vẫn đặt ra quá nhiều nghi vấn cần được làm rõ về hạ tầng, năng lực chuyên môn và cam kết chất lượng đào tạo của trường khi mở ngành y dược.
Xin hãy thử tưởng tượng rằng, việc đầu tư hạ tầng 80 tỉ cùng liên kết với một số bệnh viện, vài chục giảng viên là có thể mở ngành y – một ngành học được xem là danh giá tại Việt Nam mà nhu cầu vào học chưa bao giờ thiếu nhưng đầu ra chưa thật sự đáp ứng hết nhu cầu xã hội – thì quyết định cho Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ mở ngành y sẽ là một khởi đầu màu mỡ cho hàng loạt những người mong muốn kinh doanh từ ngành học này. Thử tưởng tượng rồi hàng loạt các trường kinh doanh khác cũng mở ngành y, như sư phạm, luật, thậm chí là bách khoa, công nghệ thông tin…hễ có đủ tiền để đầu tư là được mở ngành y thì rõ ràng là bất ổn.
Phải cân nhắc hệ lụy
Có rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra, đòi hỏi nhà chức trách phải cân nhắc tối đa trước khi chính thức cho Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ tuyển sinh ngành y. Thứ nhất, đó là chất lượng đào tạo. Một nguyên tắc tối thiểu trong việc đầu tư là kinh phí mở dự án/mở ngành đào tạo thì không khó, nhưng để duy trì các hoạt động đảm bảo hoạt động cho ngành không phải dễ, thậm chí khó gấp hai, gấp ba lần.
Con số vài chục tỷ để đầu tư hạ tầng chỉ là khởi đầu. Làm sao bảo đảm khi tiến hành hoạt động, số tiền bảo trì và phát triển hệ thống hạ tầng có thể đủ để ngành đào tạo một cách tốt nhất. Hay như việc ghi tên vài chục giảng viên vào danh sách giảng viên của trường thì không khó, nhưng làm sao cam đoan các giảng viên sẽ làm việc toàn tâm toàn ý cho trường này, nhất là khi số lượng giảng viên cam kết làm việc lâu dài tại trường (ngành y đòi hỏi 6 năm đào tạo) hiện vẫn chưa chắc chắn. Đó là chưa nói đến việc số lượng giảng viên cơ hữu, có uy tín, kinh nghiệm và vững chuyên môn có thể giảng dạy hiện vẫn là một vấn đề nan giải của ngành y nói chung. Nói một cách dễ hiểu, tạo ra thì dễ nhưng việc duy trì vận hành để có sản phẩm tốt thì không dễ và cần phải xem xét.
Mặt khác, việc trường kinh doanh đào tạo ngành y liệu có mang lại sự an tâm cho người dân, những người sẽ trực tiếp sử dụng dịch vụ y tế. Một tâm lý chung, sinh viên y của trường y chắc chắn sẽ giỏi hơn, hay ít nhất có đầy đủ điều kiện hơn để có thể trở thành một bác sĩ hoàn thiện hơn so với sinh viên y của trường kinh doanh. Có vẻ vô lý, nhưng ngay cả cái tên “kinh doanh” và “y dược” cũng là hai từ không có ý nghĩa làm tăng giá trị cho nhau, mà trái lại chính thương hiệu “kinh doanh” làm giảm đi đáng kể uy tín của ngành y dược. Không ít người lo ngại rằng thế hệ bác sĩ tốt nhiệp từ trường kinh doanh sẽ khó xin được việc nơi xuất thân của mình; nhất là hiện nay dư luận không có dấu hiệu ủng hộ, thậm chí còn phản ứng trước chủ trương trường kinh doanh đào tạo ngành y.
Nhất nghệ tinh nhất thân vinh
Ông bà xưa có câu “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, có nghĩa là nên tập trung vào một lĩnh vực hơn là việc lấn sân qua những ngành vốn không phải thế mạnh bản thân. Trong kinh tế học, người ta chứng minh rằng nếu giữa các thực thể có thể bù đắp và hỗ trợ cho nhau về lợi thế so sánh thì hiệu quả sẽ tốt nhất. Khi hợp tác hay liên kết với nhau, người ta cũng chỉ chọn lĩnh vực mình mạnh nhất để phát huy sức mạnh và hiệu quả.
Đó là lý do nhà nước nên có sự cân nhắc trong quản lý đào tạo. Một trường đại học chỉ nên tập trung vào một nhóm ngành nhất định, hạn chế sự lấn sân không cần thiết như kiểu kinh doanh lại đào tạo ngành y, nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam, tuy vẫn thiếu y bác sĩ nhưng sẽ cần hơn những bác sĩ giỏi tay nghề, chứ không phải cứ hễ là bác sĩ thì đều có thể làm việc và cống hiến.
Việc phân ngành trước nay ở Việt Nam vốn cũng đang theo xu hướng của nhiều nước trên thế giới, gồm khối ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhóm ngành kỹ thuật-công nghệ, y dược. Vậy nên đừng phá vỡ cấu trúc này một cách tùy tiện để tạo nên một xu hướng đào tạo ngành y tại nhiều trường đại học. Điều đó sẽ không chỉ làm mất niềm tin của nhiều người về hình ảnh bác sĩ, mà còn tạo ra những rủi ro không cần thiết trong ngành y vì khó có thể kiểm soát và đảm bảo chất lượng đào tạo.
Cao Huy Huân
Theo blog VOA
Cao Huy Huân
Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.
0 Comments:
Post a Comment