"...Trong trường hợp lần này, chỉ giải quyết cho các trường hợp lao động Việt Nam nhập cảnh vào Thái Lan theo visa du lịch trước ngày 10/8/2015 và kể từ đó đến nay visa đã hết hạn và chưa được gia hạn lần nào. » Ô Neethpong Veangkham..."
Các tin khác » |
Việc Chính phủ Thái Lan vừa cho phép lao động Việt Nam, từ ngày 1-30/12/2015 được đăng ký làm thẻ lao động tạm thời, thời hạn 1 năm đang được dư luận hết sức chú ý. Các cơ quan chức năng của Thái Lan nói gì về việc này?
Theo thông tin từ web site Chính phủ Thái Lan cho biết, tại cuộc họp ngày 10/11/2015, Hội đồng Chính phủ Thái Lan đã thông qua nghị quyết Thái Lan sẽ cấp phép cho người lao động có quốc tịch Việt Nam được lao động tạm thời 1 năm.
Theo đó, người lao động sử dụng hộ chiếu Việt Nam có thể tham gia đăng ký xin giấy phép làm việc tại Thái Lan. Thời hạn đăng ký kể từ ngày mùng 1 đến ngày 30/12/2015, để được có giấy phép công nhận là lao động hợp pháp tại Thái Lan trong vòng 1 năm và có hiệu lực đến ngày 30/11/2016.
Được biết, vào ngày 23/ 7/2015 các văn bản Ghi nhớ về hợp tác lao động (MOU) và Thỏa thuận về Tuyển dụng lao động giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Thái Lan đã được thủ tướng 2 nước ký kết. Theo đó, lao động người Việt Nam sẽ được phép làm việc tại Thái Lan trong các lĩnh vực: người giúp việc, nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, công nhân xây dựng và công nhân trên các tàu đánh cá.
Song nghị quyết lần này chỉ mang tính chất tạm thời, nhằm hợp thức hóa số lao động Việt Nam hiện đang sử dụng visa du lịch để làm việc bất hợp pháp ở Thái Lan. Với điều kiện, người lao động nhập cảnh vào Thái Lan theo visa du lịch trước ngày 10/8/2015 và kể từ đó đến nay visa chưa được gia hạn. Đồng thời đây là điều kiện tiên quyết để xem xét cho phép cho việc đăng ký làm việc hợp pháp tại Thái Lan và số lượng những đối tượng này theo phía Thái Lan ước chừng có khoảng 5.000 người.
|
“Thỏa thuận MOU giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Thái Lan đã được ký kết, về việc phía Thái Lan đồng ý cho phép lao động Việt Nam được phép làm thẻ lao động dành cho người nước ngoài sẽ được triển khai vào năm 2016, như trường hợp lao động các nước Myanmar, Cambodia và Laos trước đây. Song trong trường hợp lần này, chỉ giải quyết cho các trường hợp lao động Việt Nam nhập cảnh vào Thái Lan theo visa du lịch trước ngày 10/8/2015 và kể từ đó đến nay visa đã hết hạn và chưa được gia hạn lần nào.”
Thủ tục và trình tự đăng ký
Nói về các thủ tục và trình tự cho việc đăng ký để cấp thẻ lao động cho các công dân quốc tịch Việt Nam, bà Weeraphor Seangkeo thuộc bộ phận đăng ký và quản lý lao động Việt Nam, Cục Quản lý Lao động người nước ngoài thuộc Bộ Lao động Thái Lan cho biết:
“Các trường hợp các lao động Việt Nam nằm trong diện được xem xét bắt buộc phải là những người nhập cảnh vào Thái Lan trước ngày 10/8/2015, bằng hộ chiếu Việt Nam, với visa du lịch và đến nay visa đã hết hạn. Những lao động này sau khi đăng ký sẽ được làm thủ tục kiểm tra quốc tịch tại Đại Sứ Quán Việt Nam hoặc Tổng Lãnh sự Quán Việt Nam tại Thái Lan. Ngoài ra, những người này phải được chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp thuận cho làm việc và đưa đến các Trung tâm đăng ký lao động dành cho người nước ngoài (One Stop Service), để làm các thủ tục cần thiết như: khám sức khỏe; kiểm tra các bệnh truyền nhiễm; làm các thủ tục bảo hiểm xã hội và bảo hiểm sức khỏe… trước khi cấp Giấy phép lao động ngay trong ngày, cho các đối tượng có đủ các điều kiện.
Hồ sơ đăng ký bao gồm: hộ chiếu bản chính, hợp đồng thuê lao động giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc cá nhân với lao động tham gia đăng ký. Và những người đại diện cho cơ sở sử dụng lao động của Thái Lan, phải được phép sử dụng lao động nước ngoài theo quota và chịu trách nhiệm toàn bộ trước pháp luật. -Bà Weeraphor Seangkeo |
Nói về các khoản chi phí mà người lao động nước ngoài phải trả, khi đăng ký làm thẻ lao động dài hạn một năm tại các Trung tâm đăng ký lao động dành cho người nước ngoài (One Stop Service). Bà Aree Muengsook, cán bộ Trung tâm đăng ký lao động dành cho người nước ngoài (One Stop Service) tỉnh Udolthani cho chúng tôi biết:
“Các khoản chi phí mà lao động nước ngoài quốc tịch Việt Nam phải trả tại đây sẽ bao gồm các khoản: chi phí visa khoảng 2.000 baht, các khoản lệ phí làm thủ tục đăng ký khoảng 1.000 baht và các khoản bảo hiểm Ytế, bảo hiểm sức khỏe khoảng 2.000 baht. Bà này cho rằng mỗi lao động Việt Nam sẽ đóng các khoản nói trên một lần tại các các Trung tâm đăng ký lao động dành cho người nước ngoài. Ngoài ra không phải đóng bất kỳ các khoản chi phí nào khác. Đồng thời bà này cũng cho biết, các lao động nước ngoài sẽ được quyền lựa chọn địa điểm sử dụng dịch vụ y tế thích hợp cho mình.”
Tuy vậy, theo thông tin từ web site Chính phủ Thái Lan cho biết, phía Thái Lan đang xem xét việc giảm chi phí visa từ 2.000 baht xuống còn 500 baht và chi phí lệ phí sẽ giảm từ 1.000 baht xuống còn 500 baht, như đã áp dụng cho các trường hợp là lao động các quốc tịch Myanmar, Cambodia và Laos như trước đây.
Theo dự kiến, việc triển khai đăng ký để xin cấp giấy phép lao động thời hạn một năm trên diện rộng, cho lao động quốc tịch Việt Nam theo thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Thái Lan, đã được thủ tướng 2 nước ký kết tháng 7/2015 sẽ được bắt đầu từ tháng 3/2016 như dự kiến.
Anh Vũ tường trình từ Bangkok Thái Lan.
Anh Vũ
phóng viên RFA
Theo RFA
0 Comments:
Post a Comment